An ninh bố ráp tòa soạn Apple Daily ngày 10/08/2020. |
Ba ngày sau khi
Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận đối với đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm
Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 viên chức Hồng Kông “vì thực hiện các chính
sách đàn áp tự do và tiến trình dân chủ ở Hồng Kông ”, Bắc Kinh trả đũa
bằng việc cấm vận 11 người Mỹ, trong đó có các thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted
Cruz và Chris Smith.
Cùng ngày, chính
quyền Hồng Kông mở chiến dịch bắt bớ rầm rộ. Hai nhân vật nổi cộm – Lê Trí Anh
(Jimmy Lai) và Chu Đình (Agnes Chow) – đã bị áp giải vào thứ Hai 10-8, mở màn
cho chuỗi ngày đen tối đối với Hồng Kông.
Chiến dịch được
tính toán sao cho càng tạo “tiếng vang” càng tốt. Thông điệp rất rõ: già cũng
bắt, trẻ chẳng buông. Cùng với Lê Trí Anh và Chu Đình là khoảng chục người
khác, trong đó có hai con trai của ông Lê và bốn viên chức điều hành tập đoàn
truyền thông Next Digital do ông Lê sáng lập, vốn lâu nay là cái gai trong mắt
Bắc Kinh.
Từ khi Luật an
ninh quốc gia có hiệu lực (bắt đầu từ 23g đêm 30-6-2020), một không khí căng
thẳng đã bao trùm Hồng Kông. Mặc áo có “tuyên ngôn” đòi độc lập: bị bắt; viết
tweet đòi tự do-dân chủ: bị bắt; từng tổ chức biểu tình tưởng niệm Thiên An
Môn: bị bắt… Chỉ tính đến trưa của một ngày thứ Hai 10-8, đã có 9 người bị bắt,
trong đó có phóng viên tự do Wilson Li (làm cho ITV News) và nhà hoạt động Andy
Li…
“Đối tượng” bị
bắt có thể bị gán ghép bất cứ tội danh nào. Như trường hợp ông Lê Trí Anh. Ông
bị cáo buộc “thông đồng với các thế lực
nước ngoài”. Thế lực nước ngoài mà ông Lê “thông đồng” là những người ông gặp tại Washington DC vào tháng
7-2019, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ
tịch Quốc hội Nancy Pelosi.
Hoặc như trường
hợp cậu sinh viên Tong Ying-kit 23 tuổi. Tong bị cáo buộc tội “có hành vi khủng bố” khi tham gia cuộc biểu tình ngày 1-7-2020
và cắm lá cờ “Quang phục Hương Cảng” lên chiếc xe gắn máy của mình…
Có lẽ nơi có thực
quyền trong điều hành các vấn đề “nội chính” Hồng Kông bây giờ không phải là
chính quyền đặc khu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga mà là Văn phòng giám sát Luật
an ninh quốc gia (“Trung ương Nhân dân Chính phủ trú Hương Cảng đặc biệt hành
chánh khu duy hộ quốc gia an toàn công thự” - CPGNSO).
Được thành lập
ngày 1-7-2020 nhằm giám sát-thực thi Luật an ninh quốc gia, CPGNSO hiện nằm
dưới sự điều hành của Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), người từng nổi tiếng
với vụ “dẹp loạn” tại Ô Khảm (Quảng Đông) năm 2011.
Phối hợp cùng
Trịnh Nhạn Hùng là “cố vấn” Lạc Huệ Trữ (Luo Huining). Là cựu bí thư tỉnh Thanh
Hải và tỉnh Sơn Tây, Lạc Huệ Trữ được đánh giá là nhân vật có thực quyền số một
Hồng Kông hiện tại, thậm chí bao trùm
lấn át cả “bù nhìn” Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Theo tiến sĩ Willy Wo-Lap Lam trong
bài viết trên trang web The Jamestown Foundation đăng ngày 29-7-2020 thì Lạc
Huệ Trữ chẳng khác gì “bí thư” Hồng Kông. Nói cách khác, bằng việc cho ra đời
Luật an ninh quốc gia cùng cơ quan giám sát nó (CPGNSO), quyền lực đã được sang
tay tại Hồng Kông và cách thức cai trị Hồng Kông cũng bắt đầu được thay đổi.
Bắc Kinh muốn Hồng
Kông phải “thay đổi” thật nhanh, toàn diện, từ hệ thống chính trị đến hệ thống
giáo dục. Niên khóa mới 2020-2021, từ tháng 9 năm nay, sẽ khởi đầu của việc
“chấn chỉnh”, từ cấp mẫu giáo đến đại học. Chính quyền đang thực hiện cái gọi
là “lựa” lại và thải bỏ những “quả táo thối”. Bằng ngôn ngữ tuyên truyền như
thời Cách mạng Văn hóa tại Hoa lục, chính quyền chỉ trích gay gắt những giáo
sư-giáo viên “tiêm nhiễm chất độc” vào đầu óc thế hệ trẻ.
Ngày 28-7-2020,
ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), phó giáo sư luật Đại học Hồng Kông, đã bị trường
này sa thải (ông Đới là người tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ Dù Vàng năm 2014) –
một quyết định mà Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu, “nhận định” rằng
“thật tuyệt vời”. Nhà lập pháp Triệu Gia Trân (Shiu Ka-chun), từng dạy xã hội
học tại Đại học Hồng Kông Baptist trong 11 năm, nói rằng ông rất sốc trước việc
nhà trường không ký tiếp hợp đồng với mình.
Vài tháng trước
khi Luật an ninh quốc gia ra đời, Sở Giáo dục Hồng Kông đã thực hiện loạt biện
pháp nhằm loại các “quả táo thối” cũng như áp dụng những chính sách siết lại
môi trường học thuật tự do. Sở Giáo dục đã ra quy định cấm học sinh-sinh viên
hô khẩu hiệu chính trị và hát ca khúc đấu tranh trong trường. Cảnh sát sẽ được
gọi đến nếu học sinh-sinh viên có hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc.
Tất cả sách của
những tác giả ủng hộ dân chủ bị rút khỏi hệ thống thư viện công cộng. Giáo viên
nếu không muốn bị tước giấy phép hành nghề thì phải học và thực hành “đạo đức
chính trị”… Giáo dục và tự do học thuật là yếu tố căn bản tạo nên một Hồng Kông
như từng thấy và được ngưỡng mộ. Giờ đây, Bắc Kinh đang thả táo thối vào và làm
hư hại cái tinh thần đó.
Chính quyền Hồng
Kông đã hoãn ngày bầu cử hội đồng lập pháp dự kiến đầu tháng 9-2020. Lý do được
đưa ra là Covid-19. Tuy nhiên, điều mà chính quyền sợ không phải là coronavirus
mà là khả năng phe thân Bắc Kinh thua, dù họ đã loại khỏi danh sách ứng cử viên
12 đối thủ đáng sợ trong đó có Hoàng Chi Phong.
Thời hạn hoãn bầu
cử kéo dài đến… một năm. Giải pháp “câu giờ” đến một năm có lẽ đủ để giúp Bắc
Kinh thao túng một cách “chắc ăn” tình hình chính trị lẫn xã hội ở mảnh đất
này. Hồng Kông 2021 và trở về sau là một Hồng Kông vĩnh viễn khác với Hồng Kông
trước 2020.
MẠNH KIM
11.08.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.