lundi 17 août 2020

Khánh Ly - Đừng đánh mất nụ cười



(VnExpress 15/08/2020) Tôi đã định về Việt Nam một lần thôi, “để nhìn cho biết”. Đi xuyên đất nước một lần, thăm tất cả, thế là đủ. Dầu mình không bao giờ trở lại nữa thì trong lòng vẫn yên.
Đó là tôi tự nhủ đã lâu lắm rồi, rất nhiều lần. Tôi là người không định đi khỏi Việt Nam và cũng không định về. Ngày đi hay về đều không chuẩn bị. Nhưng, người ta có cái số rồi. Khi nào rời cố hương là rời, quy cố hương là quy.
Lần đầu, khi những suy nghĩ "về Việt Nam" đến, tôi vẫn tự nhủ "có khi nào mình trở lại nơi mình bắt đầu, biết là không tìm được gì đâu". Lúc đó chồng tôi đồng ý, các con lớn rồi, có gia đình đầm ấm rồi, mình có vắng một thời gian cũng không sao cả. Rồi chồng tôi mất, ý định không về nữa càng lớn hơn. Vì trước kia đi đâu cũng có chồng tôi lo mọi thứ, không có anh thì tôi về làm gì nữa. Vì nhiều năm, tôi cũng coi mình là người ngoài lề của thời cuộc.

Thế rồi ca sĩ Quang Thành tới, rủ tôi đi làm công tác xã hội bên Mỹ và Việt Nam. Thực ra đã bốn mấy năm rồi tôi cho người ta mượn tiếng hát của mình để gây quỹ. Chồng tôi trước kia nói, lớn tuổi chúng mình không đi hát nữa, đi làm công tác xã hội. Rồi tôi đi với Quang Thành. Đến trung tâm xã hội, nhà thờ, chùa chiền, với những người nghèo, người neo đơn, trẻ em kém may mắn, mình lại thấy được an ủi nhiều hơn. Những người cùng khổ đó lại cho mình hạnh phúc. Ồ, mình còn tay chân, đầu óc còn tỉnh táo.

Điều đó nói ra có vẻ hơi kỳ, có vẻ bất hạnh của người khác là may mắn cho mình, nhưng đúng là như vậy. Vào những nơi đó mới thấy mình may mắn. Đúng là có nhiều khi tôi nghĩ họ khổ quá, cái khổ của họ làm người chăm sóc họ cũng khổ, nhưng mình không dám nói ra, chỉ là ý nghĩ. Mình lại nghĩ, nếu mình có người thân trong hoàn cảnh đó mình sẽ thế nào. Đi rồi, mình chả có gì hãnh diện vì điều đó, chỉ thấy được an ủi và bình an.

Thế là, cứ có người cho sách vở, cho bánh, cho gạo, ai có gì thì đi với nhau. Mình có tiếng hát. Nó cho mình thấy những ngày cuối trong đời mình là đủ, còn được hát hò và còn có người yêu quý. Vì tuổi này của mình khó đứng trên sân khấu và khó đứng gần người ta, đôi khi người ta cũng khó đứng gần mình. Nhưng may thay, nhiều người vẫn yêu mình.
Có lẽ ai từng cảm thấy nghèo, đói, lạnh, cô đơn, bị bỏ rơi mới thấm thía và tha thiết với công việc đó, còn những người đầy đủ quá nhiều khi họ chỉ nghĩ đó là số của mỗi người, trời cho ai nấy hưởng nên không có bổn phận phải chia sẻ với ai. Họ cũng không làm gì ác cả. Nhưng tôi vẫn mong trong ý muốn những người trẻ sau này có thêm lòng nhân ái. Em có thêm tiền chưa chắc hạnh phúc nhưng có thêm lòng thương người sẽ được nhiều người thương.
Tôi chỉ đủ ăn thôi, không giàu có gì cả. Ngày nào mình chết ngày đó hết tiền. Nhưng tôi biết chắc một điều: trái tim mình dẫu nhỏ nhưng còn chỗ chứa được, san sẻ được với nhiều người. Mình có thể nghe, nhìn, chấp nhận những cảnh đời không may, để nó ở trái tim mình.
Tôi mồ côi sớm, và chấp nhận chuyện đó, sống lủi thủi một mình trong đời đi hát, lấy chồng cũng một mình và bây giờ già rồi vẫn một mình. Cái mất nào cũng lớn. Ta không thể nói cái này lớn hơn cái kia, cũng khó nói hôm nay tôi vui hơn hôm qua. Niềm vui nhỏ cũng là niềm vui, em khóc dù không ra nước mắt cũng là tiếng khóc trong lòng, không thể nói được. Nếu em khổ mới biết thương người khổ. Nếu đã từng mất rồi mới biết cảm giác của những người không có. Mất đi một người thân, một đất nước, một con đường, một hàng cây, một con sông. Nếu từng mất đi không bao giờ gặp lại, người ta mới chia sẻ được nỗi đau đó.
Nhớ lại ngày 29/4/1975, ngày tôi vô tình dạt đi khỏi Sài Gòn là ngày định đi làm công tác cứu trợ. Tàu Song An là tàu nhóm chúng tôi chuẩn bị mỳ gói, quần áo, gạo để đi cứu trợ những bà con mất nhà cửa ở Bà Rịa, Long Hải. Tôi nghĩ chỉ xách con theo tránh pháo kích thôi, vì ngày nào cũng có pháo với người chết. Tận khi bị dạt theo đám đông, kéo lên tàu Miller đến Phi Luật Tân, bên người tôi vẫn chỉ có một túi nhỏ bên trong có thư tình, hình ảnh người yêu và hai tập nhạc của ông Trịnh Công Sơn cho - "Như cánh vạc bay""Da vàng". Cái túi đó, đi đâu tôi cũng mang bên người, trong khi không có một xu nào.
Tôi đã khóc thành tiếng, khóc thật to lúc nhận quốc tịch Mỹ vì nghĩ có lẽ mình không bao giờ về Việt Nam nữa. Nửa vòng trái đất vậy làm sao mình về. Từ cái ngày 26/4/1975, ông Sơn tới nhà tôi ở đường Đồng Khởi chơi. Hai anh em ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ không nói gì, ngồi nhìn ra đường vầy thôi. Mọi người vẫn đi lại, đông hơn bình thường nhưng chưa có dấu hiệu gì hỗn loạn để cho mình thấy có một cuộc đổi đời lớn của lịch sử.
Tôi hỏi "Anh có đi không?’, vì lúc đó nhiều người đi khỏi Sài Gòn lắm rồi. "Mai có đi không?" - "Có lẽ em không có đi". Vậy mà, mãi tới năm 1997, tôi mới được về Sài Gòn, được hát cùng ông Sơn để đài NHK quay phim mà không nói năng gì được nhiều. Năm 2014, tôi được hát lần đầu trên sân khấu chính thức tại Việt Nam cho khán giả trong nước. Lần thứ ba về Sài Gòn, tôi chơi với ông Sơn một tháng, khi tôi về Mỹ thì ông mất.
Nhiều khi khán giả yêu thương tôi, dành cho tôi những từ ngữ đẹp. Nhưng tôi sợ lắm mỗi khi nghe tự nhiên người ta nói "nữ hoàng". Trời, nữ hoàng ở đâu ra vậy? Tôi sợ gọi là "nữ hoàng" với "danh ca" lắm. Có những điều phải biết xấu hổ.
Là một người sống đời ca hát. Qua một cánh rừng, ngang một cây cầu, dừng lại ở một góc phố, ngồi xuống uống một ly cà phê nơi quán nhỏ ven đường, thậm chí nhìn từng ngọn cây, bụi cỏ bên lề, lòng tôi cũng xao xuyến xót xa.
Có lúc bàng hoàng ngẩn ngơ, tưởng chừng như trong một cơn mơ, tưởng chừng một khuôn mặt, một dáng người thương yêu, thấp thoáng đầu phố, tưởng chừng như chỉ cần đưa tay ra những ngón tay tháp bút gầy guộc quen thuộc kia chạm vào tay mình. Nhưng rồi tôi hốt hoảng đến bật khóc vì trong tay tôi, chỉ có bàn tay lạnh giá của chính mình và góc phố kia chỉ là một khúc quanh hiu quạnh. Nhiều khi ngồi một mình, lòng trống rỗng, đầu trống rỗng. Tôi không thể nghĩ đến bất cứ một điều gì. Dường như trái đất đã sạch trơn, chẳng còn gì.
Lần đầu tiên tôi di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn khi còn là con bé 10 tuổi, tôi nhớ nhất tiếng mưa rơi trên mái tôn ở ngôi nhà trên đường Phan Thanh Giản. Và mãi tới hơn 70 tuổi, hơn một năm trước, tôi mới lại được nghe tiếng mái tôn thời trẻ dại khi đứng trong một nhà nguyện tại Sài Gòn. 

Ai đã từng trải qua nhiều ngang trái nghịch cảnh, cay đắng oan khiên, sẽ hiểu vì sao tôi có nhiều cái... khác người. Biết bao điều không còn nhìn thấy, không còn sờ tới được, dẫu chỉ một vài giây đồng hồ trước. Duy chỉ có kỷ niệm là bất biến. Nếu trong cuộc sống có một điều gì đó không thể thay đổi được thì đó là kỷ niệm. Những sự việc, những con người, đẹp có, xấu có, đã bỏ chúng ta mà đi. Tuổi trẻ đã bỏ chúng ta. Mầu trong của mắt. Mầu xanh của tóc. Mầu hồng của môi. Đã bỏ chúng ta. Lạnh lùng, tàn nhẫn và hồn nhiên.

Tất cả những sự việc đã xảy ra, đã qua. Tất cả những khuôn mặt đã xa khuất mịt mù. Tất cả những gì gọi là hạnh phúc hay nỗi đau của một thời nào đó, chúng ta không còn nhìn thấy, tìm lại được. Tôi gọi đó là kỷ niệm. Tôi không có quá khứ, dĩ vãng như mọi người thường đề cập tới. Tôi chỉ có kỷ niệm và đó là tất cả gia tài tôi cưu mang cho đến một ngày nào đó.

Nhưng sau tất cả, tôi nhớ một người từng ghé ngang thành phố Đà Lạt, cùng nhìn và nghe tôi hát một bài, rồi lặng lẽ ra đi đã để lại trong lòng tôi một an ủi, ấm áp không thể quên được. Ông đã dặn dò: "Đừng bao giờ làm mất nụ cười. Nó sẽ mở cho em cánh cửa tốt đi vào cuộc đời".
KHÁNH LY

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.