lundi 17 août 2020

« Xinomics », chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu mới của Tập Cận Bình

Ảnh minh họa : Màn hình lớn chiếu tin tức thời sự với cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phát biểu, tại một khu mua sắm ở Bắc Kinh, 31/07/2020. © REUTERS/Tingshu Wang
Đăng ngày:


Liban, Trung Quốc là hai đề tài chính được các tuần báo Pháp bàn bạc nhiều. L’Obs đặt câu hỏi « Ai là những kẻ đã sát hại Liban ? ». Courrier International đặt vấn đề « Có thể cứu được Liban hay không ? » Các vụ nổ đã tàn phá Beyrouth cho thấy sự phá sản của Nhà nước Liban. Là con tin của các cường quốc khu vực, đất nước này dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Ảnh bìa The Economist tuần này dùng hai màu đen, đỏ, với hình vẽ một con gấu trúc, chạy tựa « Chính sách kinh tế mới của Tập : Đừng đánh giá thấp ». Le Point đặt câu hỏi « Phải chăng Hồi giáo đã chiến thắng ? » nhân dịp sắp đến phiên xử vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015. L’Express dành hồ sơ để vạch ra « Những chiêu lừa đảo về liệu pháp thay thế ».

Trung Quốc, đồng minh đã trở nên nguy hiểm cho ASEAN

Về Trung Quốc, Courrier International dịch lại bài viết của Nikkei Asian Review : « Địa chính trị : Trung Quốc, một đồng minh đã trở nên nguy hiểm ». Rất nhiều nước có số phận kinh tế gắn chặt với Bắc Kinh, và ngày nay đã ý thức được mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

Khi ASEAN được thành lập năm 1964, các thành viên có cùng mối lo sợ chủ nghĩa cộng sản. Mười nước ASEAN giờ đây là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Vào thời Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế năm 1978, tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã thu hút toàn châu Á và ngày nay Trung Quốc chiếm 20% trao đổi thương mại, trở thành đối tác hàng đầu của khối.

Đã từ lâu các nước Đông Nam Á trông cậy vào Hoa Kỳ để được bảo vệ an ninh, nhưng kinh tế thì lệ thuộc vào Bắc Kinh. Thái độ « đu dây » này chỉ thực hiện được khi Trung Quốc là cường quốc « trỗi dậy một cách hòa bình ». Nay với bàn tay sắt của Tập Cận Bình, các nước châu Á bắt đầu tỉnh thức.
Các chiến đấu cơ Trung Quốc gần như cứ hai ngày một lần lại xâm nhập « vùng nhận diện phòng không » của Đài Loan, một tình trạng chưa từng thấy từ nhiều năm qua. Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông khiến người Đài Loan không còn tin chút nào vào « nhất quốc, lưỡng chế ». Hồi tháng Năm, thủ tướng Lý Khắc Cường khi báo cáo trước Quốc Hội, từ « hòa bình » đã biến mất trong chương nói về việc thống nhất Đài Loan.

Trung Quốc không ngừng dương oai diễu võ khắp nơi. Tháng Tư, Bắc Kinh đơn phương lập ra một « quận » hành chính mới tại Biển Đông. Đến tháng Sáu, Bắc Kinh lại gởi một đơn vị chuyên đánh xáp lá cà đến gây hấn với những người lính Ấn Độ. Ý đồ bành trướng này dường như nhằm đoàn kết đất nước vào lúc quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu trở nên căng thẳng. Khi thủ tướng Úc Scott Morrison đề nghị mở điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, Trung Quốc bèn hạn chế nhập thịt và lúa mì Úc, khuyến cáo công dân không đến Úc học hành và du lịch.

Việc dùng kinh tế để làm áp lực nay cũng được áp dụng với châu Âu : đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) mới đây cảnh báo nếu Luân Đôn loại Hoa Vi khỏi mạng 5G, Trung Quốc sẽ không tham gia các dự án nhà máy điện nguyên tử và tàu cao tốc.

Nhật : Tâm lý chống Trung Quốc bùng dậy vì các vụ tàu hải cảnh xâm nhập

Mainichi Shimbun nhận định quan hệ Tokyo-Bắc Kinh đã trở nên tệ hại. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, các vụ tàu hải cảnh liên tục xâm nhập Senkaku đã thách thức Nhật Bản, dù Nhật rất muốn duy trì đối thoại.

Đầu tháng Bảy, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm hải phận Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Đây là lần thứ 12 kể từ đầu năm, và là thời kỳ kéo dài nhất : 81 ngày liên tiếp trong vùng biển tranh chấp. Trước đó vào tháng Sáu, một tàu ngầm Trung Quốc đi qua quần đảo Amami, một phi cơ thám thính Trung Quốc bay qua eo biển Tsushima, hai oanh tạc cơ bay qua bay lại eo biển Miyako…

Tuy đứng về phía Hoa Kỳ, tỏ ra cứng rắn hơn trước Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ, Tokyo vẫn muốn mở ra cánh cửa đối thoại với Bắc Kinh. Nhưng các vụ xâm nhập tại Biển Hoa Đông và việc đàn áp Hồng Kông đã thổi bùng tâm lý chống Trung Quốc tại Nhật, và chuyến công du Nhật Bản của Tập Cận Bình không còn được bàn đến.

Thượng Hải, 11/08/2020
Đừng coi thường chủ nghĩa tư bản nhà nước của Tập Cận Bình 

Trên lãnh vực kinh tế, The Economist cảnh báo « Tập Cận Bình đang sáng tạo ra chủ nghĩa tư bản nhà nước, xin đừng coi thường ».

Hoa Kỳ đang tấn công Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ cấm TikTok, WeChat, trừng phạt các nhà lãnh đạo Hồng Kông cho đến gởi một bộ trưởng sang Đài Loan. Một phần là do sắp đến bầu cử, mặt khác là quan điểm của phe diều hâu trong chính phủ Donald Trump. Các nhân vật cứng rắn cho rằng nếu nhanh chóng đẩy lùi Bắc Kinh sẽ đạt được kết quả, vì chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đã yếu đi.
Logic có vẻ đơn giản : Trung Quốc tăng trưởng nhưng nhờ tín dụng, trợ giá, đánh cắp sở hữu trí tuệ, nếu bị đánh mạnh dễ bị suy sụp và giới cầm quyền sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên theo tuần báo Anh, kinh tế Trung Quốc chống chọi với cuộc chiến thuế quan và virus corona tốt hơn dự báo, thị trường chứng khoán Thâm Quyến khởi sắc, và chương trình của Tập Cận Bình là một kiểu pha trộn giữa toàn trị, công nghệ và tính năng động.

Giai đoạn sắp tới của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đang được tiến hành, được tờ báo đặt tên là « Xinomics ». Từ khi lên cầm quyền, mục tiêu của Tập Cận Bình là siết chặt móng vuốt của đảng, đè bẹp đối lập ở trong và ngoài nước. Chương trình kinh tế của ông được thiết kế để gia tăng sức mạnh Nhà nước, đối phó với các mối đe dọa : nợ công và tư đã lên đến 300% GDP.

Khu Diêm Điền (Yantian), cảng Thâm Quyến, 17/05/2020.
« Xinomics » : Siết tín dụng, hành chính hiệu quả, xóa nhòa công tư

« Xinomics » gồm có ba yếu tố. Trước hết là kiểm tra chặt chẽ chu kỳ kinh doanh và cơ chế tín dụng : không còn cho vay bừa bãi, giảm nợ xấu. Ngược với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009, số tiền bỏ ra để kích cầu trong dịch virus corona khoảng 5% GDP, chỉ bằng phân nửa Hoa Kỳ. Thứ hai là một hệ thống hành chính hiệu quả, các quy định được áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế : giờ đây chỉ cần 9 ngày để thành lập công ty.

Thứ ba là xóa nhòa ranh giới giữa công ty quốc doanh và tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước phải có lãi và thu hút các nhà đầu tư tư nhân, trong khi đó Nhà nước kiểm soát chặt công ty tư thông qua các tổ chức đảng. Những đơn vị nào hoạt động không tốt sẽ bị cho vào danh sách đen tín dụng. Và thay vì « Made in China 2025 », ông Tập nhắm vào những điểm yếu trong chuỗi cung ứng, cố tự cung tự cấp trong các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và pin.

« Xinomics » có tác động tốt trước mắt : nợ nần bớt chồng chất, hai cú sốc thương chiến và đại dịch không dẫn đến khủng hoảng tài chính, hiệu năng khu vực công tăng lên và các nhà đầu tư bỏ tiền vào công nghệ mới. Tuy nhiên chỉ có thời gian mới mang lại câu trả lời thực sự. Trung Quốc hy vọng kế hoạch hóa tập trung vào công nghệ mới sẽ thúc đẩy sáng tạo, tuy nhiên lịch sử cho thấy thái độ cởi mở, tự do ngôn luận mới là những yếu tố chính.

Có một điều chắc chắn là khó thể hy vọng đối đầu sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh xếp giáp quy hàng. Khác với Liên Xô cũ, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có liên quan đến tất cả mọi nơi. Hoa Kỳ và đồng minh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài hơn giữa các xã hội rộng mở và chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.

Một người dân đứng trước căn nhà mình sau vụ nổ ở Beyrouth, 12/08/2020.
Liban, « Thụy Sĩ của Cận Đông » rơi vào khủng hoảng

Nhìn sang Trung Đông, Le Point phân tích « Liban, những nguyên nhân của sự bùng nổ ». Trong suốt 30 năm qua, những thủ thuật tài chính đã giúp nước này trụ được, nhưng vụ nổ ở cảng Beyrouth vừa rồi có thể là phát súng ân huệ. L’Express giải thích, « Liban đã rơi vào vực thẳm chỉ trong vòng vài tháng như thế nào ». Le Point gọi sáu thủ lãnh cộng đồng đang lãnh đạo Liban là « Bè lũ sáu tên », còn L’Obs đăng bài phỏng vấn trong đó giám đốc một think tank đòi hỏi sáu nhân vật này phải ra đi.

Cảng Beyrouth đã biến mất, nhường chỗ cho một hố khổng lồ sâu 43 mét và một rừng các đống đổ nát, nơi những ngọn khói vẫn còn bốc lên. Có 171 người đã thiệt mạng, trên 6.000 người bị thương, 300.000 người không còn nhà cửa.

Hai vụ nổ ở Beyrouth đã trở thành biểu tượng cho sự vô trách nhiệm của chính giới Liban, cộng thêm vào khủng hoảng kinh tế đang đè nặng. Trước đây được mệnh danh là « Thụy Sĩ của vùng Cận Đông », kể từ tháng Ba lần đầu tiên trong lịch sử Liban lâm vào tình trạng vỡ nợ : tổng cộng nợ trên 92 tỉ đô la, tương đương 170% GDP, và không còn tiền mặt. Các tài khoản ngoại tệ của người dân bị phong tỏa, việc rút tiền bằng nội tệ bị hạn chế.

Hiệp ước Taef ký tại Ả Rập Xê Út năm 1989 đã kết thúc cuộc nội chiến làm trên 150.000 người chết, nhưng lại tôn giáo hóa Liban. Theo Hiến pháp, chủ tịch nước phải là người Công giáo, thủ tướng theo Hồi giáo Sunni và chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo Shia. Nhưng trên thực tế quyền lực được chia sẻ giữa sáu thủ lãnh cộng đồng dưới hình thức đảng chính trị.

Hệ thống cai trị thực sự là một kiểu hợp tác xã giữa sáu thủ lãnh, đã cởi bỏ bộ áo dân quân, thay bằng bộ đồ vét để làm giàu. Viên chức các bộ được bổ nhiệm không theo năng lực mà được chọn trong số những người cùng tôn giáo với bộ trưởng. Chính giới và các ngân hàng có mối liên hệ chặt chẽ, không ít trường hợp các quan chức cũng nằm trong hội đồng quản trị ngân hàng.

Trò ảo thuật tài chính hay hệ thống Ponzi ?

Không có nguyên vật liệu lẫn kỹ nghệ đúng nghĩa, Liban hầu như chẳng xuất khẩu được gì cả, 80% lương thực, thực phẩm nhập từ nước ngoài. Sau nội chiến, Liban nợ đầm đìa, được vực dậy phần lớn nhờ một nhân vật là Riad Salamé, thống đốc ngân hàng trung ương 42 tuổi. Để tạo cảm giác ổn định, « nhà ảo thuật » này gắn đồng bảng Liban với đồng đô la theo hối suất cố định cho đến ngày nay : 1.507 bảng Liban đổi 1 đô la, tuy thực tế Liban không có đủ tiền mặt để quy đổi.

Để duy trì hối suất giả tạo này, ông Salamé thu hút tiền gởi tiết kiệm bằng đô la từ nước ngoài bằng lãi suất có khi lên đến…20% số vốn bỏ ra. Sau đó ngoại hối được ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay. Người gởi tiền và ngân hàng hài lòng, nhưng Nhà nước ngày càng thiệt thòi. Lãi suất quá cao, người dân Liban chỉ cần gởi ngân hàng lấy lãi, không đầu tư, không làm việc. Thống đốc Salamé bị tố cáo là « kiến trúc sư của hệ thống Ponzi quy mô nhất trong lịch sử nhân loại ».

Tình trạng ổn định bề ngoài được duy trì trong hai thập niên nhờ hàng tỉ đô la kiều hối, từ kiều dân Liban ở vùng Vịnh. Nhưng phép lạ đã rơi rụng cùng với cuộc nội chiến nổ ra ở Syria. Việc lực lượng Hezbollah Liban từ năm 2013 tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội Bachar Al Assad gây giận dữ cho các vương quốc dầu lửa, vốn ủng hộ phe nổi dậy Syria. Coi phong trào Shia này là cánh tay vũ trang của Iran, Ả Rập Xê Út bèn cắt nguồn tài trợ cho Liban.

Không còn đô la, hệ thống của Salamé sụp đổ dần, kéo theo cả nền kinh tế. Đồng nội tệ mất đến 80% giá trị kể từ tháng 10 năm ngoái, lạm phát vượt 70%. Hàng mấy chục ngàn người đã xuống đường, khiến hai thủ tướng lần lượt từ chức. Tuy nhiên nếu chính phủ thay đổi, những người có quyền quyết định thực sự vẫn còn đó. Chiếc mặt nạ đã rơi nhưng họ quyết giữ đặc quyền đặc lợi.

« Tôi là Charlie », còn bây giờ tôi là ai ?

Về tình hình nước Pháp, năm năm sau các vụ khủng bố Charlie Hebdo, Montrouge và Hyper Cacher năm 2015, phiên tòa sẽ mở ra vào đầu tháng Chín với những bị cáo hạng nhì, vì những kẻ thủ ác đã chết. Le Point điểm qua tình hình và cay đắng tự hỏi : Phải chăng phe Hồi giáo đã thắng ?

Ngày 11/01/2015, ít nhất bốn triệu người đã xuống đường trên khắp nước Pháp để nói không với bạo lực, trên 40 nguyên thủ có mặt ở Paris biểu lộ tình liên đới, những biểu ngữ « Je suis Charlie » xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng giờ đây Charlie Hebdo vẫn bị đe dọa, sự tự do mà tờ báo trào phúng này đại diện thực ra chỉ là một kiểu quản thúc tại gia. Cô bé Mila 16 tuổi bị dọa giết và hãm hiếp chỉ vì đã chỉ trích đạo Hồi, phải chuyển trường. Nhưng người ta làm ngơ trước nạn nghĩa trang Do Thái bị phá hoại, những tiếng hô kỳ thị trong cuộc biểu tình đòi « công lý » cho Adama Traoré – thanh niên da đen chết sau khi bị câu lưu mà nguyên nhân đã được pháp y kết luận đến ba lần là không phải do hiến binh, còn cảnh sát thì bị căm ghét. « Tôi là Charlie », nhưng bây giờ tôi là ai ???

Kamala Harris, ứng viên ít gây ngạc nhiên

Liên quan đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở nước Mỹ, The Economist giải thích « Vì sao Kamala Harris là một chọn lựa tốt cho ông Joe Biden ».

Việc chọn bà Harris đứng chung liên danh đã được đoán trước từ khi ông Joe Biden loan báo người phó sẽ là một phụ nữ. Bà Elizabeth Warren quá thiên tả, tuổi cũng lớn gần bằng ông Biden và có thể làm đảng Dân Chủ bị mất đi một ghế ở Thượng Viện (thống đốc Massachusetts tạm thay thế bà, là người của đảng Cộng Hòa). Ngôi sao của phe cấp tiến Stacey Abrams thì chưa bao giờ giữ chức vụ nào lớn hơn dân biểu bang Georgia. Karen Bass, đứng đầu Congressional Black Caucus (gồm các dân biểu da đen) là một người hâm mộ Fidel Castro – một trở ngại cho những lá phiếu ở Florida. Và nhiều người dường như không thích bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.