Hiroshima thành bình địa. |
Đăng ngày:
Vì sao phải dùng đến bom nguyên tử đối với Nhật ?
Tại
sao Hiroshima, một thành phố loại trung bình lại được chọn để làm mục
tiêu của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử ? Liệu có cần thả thêm
quả bom thứ hai xuống Nagasaki để buộc Nhật phải đầu hàng hay không ?
Phải chăng tổng thống Mỹ Truman trước hết muốn gây ấn tượng với Stalin ?
Từ cuối Đệ nhị Thế chiến, những câu hỏi này luôn ám ảnh các nhà sử học
và những người sống sót.
Cùng với nhịp độ giải mật của Washington
và Tokyo, những câu trả lời bắt đầu hiện rõ. Mới đây, việc công bố các
liên lạc mật của phía Nhật, mà tình báo Mỹ đã bắt sóng được trong suốt
cuộc chiến nhờ chiến dịch mang mật danh « Magic », cũng như biên bản các
cuộc họp với Nhật hoàng Hirohito vào mùa hè 1945 đã giúp vén lên bức
màn bí mật cuối cùng về Hiroshima.
Các quan chức cao cấp Mỹ chưa
bao giờ có ý định dùng vũ khí nguyên tử để chống lại Đức mà chỉ tấn công
Nhật. Hai năm trước, khi nhà máy làm giàu uranium còn chưa hoạt động,
chưa đủ nguyên liệu chế tạo bom, tướng Groves và ê-kíp của ông đã suy
tính về mục tiêu tương lai : căn cứ hải quân lớn nhất của Nhật tại quần
đảo Truk. Một sĩ quan đề nghị Tokyo nhưng bị bác vì quả bom phải nằm
thật sâu dưới nước để địch không thể vớt được trong trường hợp nó không
nổ, vả lại nếu người Nhật thu hồi thì cũng không đủ khả năng nghiên cứu
như người Đức.
Phi hành đoàn Enola Gay do đại tá Paul Tibbet (hàng đứng, giữa) chỉ huy. Ảnh chụp năm 1946. |
Hai năm sau, ngày 10/05/1945, ngay sau khi Đức đầu hàng và quả bom
đầu tiên đã sẵn sàng, một ủy ban « xác định mục tiêu » đưa ra danh sách
năm thành phố Nhật. Trước hết là cố đô Kyoto, sẽ tạo được tác động tâm
lý mạnh nhất. Thứ nhì là Hiroshima, cảng công nghệ có kho vũ khí lớn ;
Yokohama xếp thứ ba vì có phòng không mạnh, rồi đến Kokura và Niigata.
Bộ trưởng Chiến Tranh Henry Stimson ban đầu rất hào hứng, nhưng một tuần
sau lại lo sợ vũ khí nguyên tử sẽ làm Hoa Kỳ bị mang tiếng xấu « còn
hơn cả Hitler ». Cùng với sự ủng hộ của tướng Marshall, Kyoto được loại
khỏi danh sách và Hiroshima trở thành mục tiêu số 1.
Ngày 18/06,
tổng thống Truman họp bộ tham mưu để vạch kế hoạch tấn công Nhật. Thời
điểm được ấn định vào ngày 01/11/1945, với 766.000 GI đổ bộ lên đảo Cửu
Châu (Kyushu). Số lượng binh sĩ tử trận được dự đoán trong trường hợp
tốt nhất là khoảng 31.000 người, nhưng sau khi thế chiến kết thúc, người
ta ước tính Mỹ phải thiệt hại từ vài trăm ngàn đến trên một triệu binh
sĩ. Trong hồi ký, tổng thống Harry Truman cho rằng quả bom nguyên tử đã
tránh cho 250.000 quân nhân Mỹ khỏi thiệt mạng. Dù vậy đi nữa, liệu có
nên phá hủy hai thành phố với nhiều phụ nữ, trẻ em ? Liệu Nhật Bản có
đang định giải giáp vô điều kiện ?
Cột khói hình nấm sau khi quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki. |
Tướng lãnh Nhật không muốn đầu hàng, kể cả sau Nagasaki !
Tranh
cãi giảm xuống từ những năm 2000, sau khi chiến dịch « Magic » và bản
dịch các tranh luận ở Hoàng cung tháng 8/1945 được giải mật. Người ta
khám phá rằng đa số nhà lãnh đạo quân đội Nhật không hề muốn đầu hàng,
kể cả sau khi Hiroshima đã bị hứng quả bom đầu tiên.
Ngày
26/07/1945, tổng thống Mỹ Truman, thủ tướng Anh Churchill và tổng bí thư
Liên Xô Stalin họp ở Potsdam, Đức, đưa ra tối hậu thư cho Nhật, đe dọa
« hủy diệt nhanh chóng và toàn bộ », nhưng không cho biết bằng phương
tiện gì. Một số quan chức Nhật cảm nhận được nguy cơ, thúc giục chính
phủ chấp nhận ngay để còn có được các điều kiện tốt nhất, nhưng Tokyo
chần chừ. Đại sứ Nhật tại Matxcơva, ông Sato tức giận, sợ rằng « toàn bộ nước Nhật sẽ biến thành tro bụi ».
Quân đội Mỹ tiến vào Nagasaki. |
Hai
tuần sau tối hậu thư, Hiroshima lãnh nhận ngọn lửa hạch tâm. Bộ máy
chiến tranh Nhật họp lại trong bunker của Hoàng cung, lần này Nhật chấp
nhận đầu hàng, nhưng với điều kiện Nhật hoàng vẫn là lãnh đạo.
Washington từ chối. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn để ngỏ cánh cửa thương
lượng, nhưng một cuộc nghe lén của « Magic » cho thấy phe quân sự Nhật
vẫn quyết chiến, bất kể kết quả đàm phán.
Hôm sau, tổng thống
Truman ra lệnh thả quả bom thứ hai mang tên « Fat Man ». Do thời tiết
xấu, Kokura không còn là mục tiêu, mà thành phố cảng Nagasaki bị hủy
diệt ngày 13/08/1945. Nhật hoàng lập tức họp các cố vấn. Do sợ một bộ
phận quân đội sẽ lật đổ, ông quyết định chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ
và lần đầu tiên phát biểu với quốc dân trên đài phát thanh.
Tuyên
bố của Nhật hoàng phát đi ngày 15/08, vừa đúng lúc để tránh một thảm họa
mới. Trước đó một hôm, Truman đã quyết định nếu Nhật không đầu hàng
toàn bộ, ông sẽ ra lệnh thả quả bom nguyên tử thứ ba, và mục tiêu lần
này là Tokyo !
Đối đầu Mỹ-Trung sẽ còn đi xa hơn ?
Xung đột Mỹ-Trung tiếp tục là đề tài được báo Pháp chú ý. Tuần này đến lượt Le Point
dành hồ sơ nhiều trang cho vấn đề này. Trang bìa của tờ báo là ảnh tổng
thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc mặt đối mặt, với hàng tựa « Họ sẽ đi đến đâu ? »Theo Le Point, trong cuộc so găng giữa hai cường quốc, châu Âu có thể được hưởng lợi với điều kiện phải biết đoàn kết.
Từ
khi Trung Quốc trở thành cường quốc thuộc loại hàng đầu, ông Tập Cận
Bình có thái độ ngày càng hung hăng. Đối mặt với ông Tập là tổng thống
Mỹ Donald Trump, mà một trong những lý do khiến ông được bầu lên là tâm
lý bất mãn vì hàng Trung Quốc làm nhiều công nhân Mỹ mất việc. Cuộc
chiến thương mại rồi đến đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán càng
khiến xung đột lên cao.
« Không thể có hòa bình nhưng cũng khó thể xảy ra chiến tranh »,
đó là nhận xét của triết gia Raymond Aron năm 1947 về chiến tranh lạnh,
có thể áp dụng cho quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Cuộc đối đầu không chỉ về
kinh tế, thương mại mà cả chính trị. Nhà nước độc đảng Trung Quốc muốn
áp đặt ý thức hệ lên các giá trị dân chủ, ngay cả gu-lắc cũng tái sinh
với các trại cải tạo giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc từ đối tác thành đối thủ của EU
Châu
Âu trong một thời gian dài không quan tâm những gì xảy ra tại Hoa lục,
tự hài lòng qua việc buôn bán với « công xưởng thế giới ». Cách đây vài
năm, Pháp, Đức, Anh vẫn còn tin rằng Trung Quốc với kinh tế thị trường
sẽ trở nên dân chủ, nhưng thực tế Bắc Kinh từ chối mở cửa, ngày càng độc
tài hơn. Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan, ngang
nhiên vi phạm thỏa thuận với Anh về Hồng Kông khiến hình ảnh Bắc Kinh
trở nên tồi tệ.
Từ đối tác, Trung Quốc trở thành « đối thủ có hệ
thống » của EU. « Ngoại giao khẩu trang » rồi « ngoại giao chiến lang »
khiến châu Âu thêm cảnh giác. Khi đại dịch hoành hành, được EU viện trợ
60 tấn trang thiết bị y tế thì Bắc Kinh yêu cầu kín tiếng, ngược lại khi
đến lượt châu Âu bị con virus từ Vũ Hán tấn công, những chuyến hàng
khẩu trang được tuyên truyền rầm rộ một cách thiếu liêm sỉ, dù đó là
hàng xuất bán chứ chẳng phải cho không.
Trung Quốc còn chia rẽ EU : ưu tiên cho nơi này, trừng phạt nơi nọ. Le Point
kết luận, các nước châu Âu cần đồng lòng bảo vệ lợi ích chung trước Bắc
Kinh nếu không muốn đóng vai một con cờ trong cuộc chiến tranh lạnh
mới. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, nếu Liên hiệp Châu Âu (EU) không
muốn bị chà đạp, thì phải biết cách làm cho người khác tôn trọng mình.
Biểu tình tại New York ngày 02/08/2020 ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông. |
Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng Stasi hồi sinh tại Hồng Kông
Về Hồng Kông, Le Point
cho rằng Stasi đã được dựng dậy tại đặc khu. Sáng tinh mơ 08/07 những
con đường còn vắng tanh, văn phòng an ninh quốc gia được khai trương tại
Hồng Kông, với một ít nhà báo được chọn lọc kỹ càng để tránh người biểu
tình kéo đến. Giám đốc Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) nổi tiếng vì vụ
đàn áp dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông. Hai người phó là Lý Giang Chu (Li
Jiangzhou) lâu nay phụ trách việc liên lạc giữa công an Trung Quốc và
Hồng Kông, còn Tôn Thanh Dã (Sun Qingye) là quan chức tình báo.
Thực
chất đây là một chi nhánh của an ninh Trung Quốc, có thể so sánh với cơ
quan mật vụ Stasi của Đông Đức cũ. Cựu ngoại trưởng Anh Ernest Bevin
năm 1949 gọi Hồng Kông là « Berlin của châu Á », nhưng nay lịch
sử đảo ngược : đô thị này từ thế giới tự do rơi vào bàn tay độc tài,
một tình huống chưa có xã hội nào gặp phải kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Hôm
01/07 bất chấp cấm đoán và đe dọa, người dân vẫn biểu tình. Tuy nhiên
trong số 370 người bị bắt chỉ có 10 người bị cáo buộc theo luật an ninh
mới, và chỉ 1 trong 10 người này bị tạm giam. Theo luật sư, cảnh sát
Hồng Kông vốn quen theo luật thừa hưởng từ thời Anh, không biết xử trí
ra sao. Đến 06/07, chính quyền mới công bố các quy định cụ thể theo luật
an ninh mới.
Ngày 29/07, mẻ lưới đầu tiên mới chụp xuống bốn sinh
viên tuổi từ 16 đến 21 của nhóm Student Localism tuy nhóm này đã giải
thể. Do nhóm không bạo động nên bị buộc « tội phạm về tư tưởng » với
khung hình phạt đến chung thân, nhưng dường như thiếu chứng cứ nên
trưởng nhóm Chung Hàn Lâm (Tony Chung Hon Lam) được tại ngoại hầu tra.
Anh cùng nhiều thành viên gần đây bị theo dõi sát sao. Tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo đối lập Apple Daily cho
biết có một xe tải nhẹ giám sát thường xuyên đậu trước nhà ông. Bắc
Kinh thưởng tiền cho một số nhà báo thiếu lương tâm cung cấp thông tin
về Lê Trí Anh, còn Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) sau vụ đụng độ với một
trong những kẻ theo dõi đã kêu gọi giúp đỡ để thuê một người bảo vệ.
Nhà hoạt động Viên Gia Úy (Tiffani Yuen Ka Wai) và các đồng đội trong chiến dịch tranh cử trước đây. |
Cuộc thanh trừng của Trung Quốc đã bắt đầu tại đặc khu
Chung
Hàn Lâm có « vinh dự » trở thành nhà hoạt động đầu tiên bị bắt theo
luật an ninh, do anh là một mục tiêu dễ tổn thương. Hầu như ở nước ngoài
không ai biết đến, sinh viên 19 tuổi này đứng đầu một nhóm chỉ khoảng
50 người, và chủ trương độc lập chỉ được khoảng 10-20% người Hồng Kông
ủng hộ. Tiếp đến 12 ứng cử viên dân chủ trong đó có Hoàng Chi Phong bị
gạt khỏi danh sách cùng với 4 thành viên của một đảng đối lập. Nhưng
chiến thắng vẫn chưa chắc đứng về phía chính quyền, nên cuộc bầu cử Nghị
Viện bị dời lại sang năm 2021 với cớ dịch Covid.
Chuyên gia
Jean-Pierre Cabestan thú nhận bản thân ông cũng bất ngờ với bàn tay sắt
của Bắc Kinh, quyền tự trị của Hồng Kông chỉ còn là ảo tưởng. Tại Văn
phòng liên lạc, mỗi cố vấn phụ trách một lãnh vực, thực hiện các chỉ thị
từ Bắc Kinh tuy trên lý thuyết chính quyền Hồng Kông vẫn điều hành.
Giáo sư Cabestan nêu ra một nghịch lý là lãnh đạo các tỉnh ở Hoa lục có
thể bảo vệ quyền lợi địa phương của mình tốt hơn chính quyền Hồng Kông.
Phía
sau các đại diện của Bắc Kinh là một dự án đầy tham vọng : thay đổi xã
hội Hồng Kông bằng giáo dục và tuyên truyền. Cuộc thanh trừng đã bắt đầu
tại các trường đại học với việc sa thải hai ông Thiệu Gia Trăn (Shiu
Kachun) và Đái Diệu Đình (Benny Tai), việc bắt giữ Chung Hàn Lâm là phát
súng cảnh cáo cho những sinh viên bắt đầu tham gia đấu tranh từ năm
2019.
Người Đài Loan biểu tình tại Paris ngày 11/07/2020 ủng hộ dân Hồng Kông, phản đối Trung Quốc. |
Đài Loan không phải là nước duy nhất bị Trung Quốc đe dọa
Liên
quan đến một vùng đất khác đang chịu sức ép nặng nề của quân đội Trung
Quốc là Đài Loan, ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) khi trả lời
phỏng vấn tuần báo Pháp đã khẳng định « Đài Loan không phải là nước duy nhất trong tầm ngắm của Trung Quốc ».
Phản bác tuyên bố của ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu « Trung Quốc không phải là mối đe dọa cho hòa bình thế giới »,
ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh, nhìn từ châu Âu, Trung Quốc quá xa xôi,
nhưng Đài Loan chỉ cách chưa đầy 200 km, cảm nhận rất rõ áp lực.
Từ
đầu năm, không chỉ cho phi cơ và chiến hạm lượn lờ xung quanh hòn đảo
mà Bắc Kinh còn lớn tiếng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực. Nhật Bản cũng trong
tình trạng báo động thường trực ở Biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, việc
Trung Quốc quân sự hóa khiến các nước Đông Nam Á phải cứng rắn hơn, chưa
kể vụ đụng độ với Ấn Độ tại biên giới. Trong nước, Bắc Kinh đàn áp Tân
Cương, Tây Tạng và bây giờ đến lượt Hồng Kông, hủy hoại mô hình dân chủ
và Nhà nước pháp quyền tại đặc khu.
Về việc Trung Quốc tìm cách
khống chế các tổ chức quốc tế mà điển hình là Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO), hay Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Interpol, ngoại
trưởng Đài Loan nhắc lại kinh nghiệm đau thương với Liên Hiệp Quốc. Khi
cho Trung Quốc gia nhập năm 1971, nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc ghi rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện duy nhất, còn
đại diện của ông Tưởng Giới Thạch bị trục xuất. Hoàn toàn không nói đến
Đài Loan. Bắc Kinh vịn vào đó để diễn dịch rằng Đài Loan là một bộ phận
của Trung Quốc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.