mardi 14 mai 2024

Nguyễn Đình Bổn - Tà sư còn phá đạo pháp hơn người không hiểu đạo Phật!


Nhân chuyện sư Minh Tuệ hành cước xuyên Việt có nhiều người, kể cả những kẻ có học, vì không chịu tìm hiểu, chỉ nghe vài ba câu nói kiểu như "đời là bể khổ". Hoặc thấy ông từ bỏ tất cả để "hành xác" đã vội cho rằng đạo Phật bi quan, và vì vậy làm... chậm sự phát triển của quốc gia, nhân loại.

Vậy đạo (của đức) Phật có thực sự bi quan, yếm thế? Nếu chịu khó tìm hiểu, chúng ta sẽ biết rằng đạo Phật không hề bi quan, cũng chẳng lạc quan. Chữ Phật tiếng Phạn nghĩa là giác (ngộ), tức nhìn thấy cái sự thật tại thế gian này. Và đạo của Thích Ca là nói như thật và hành như thật.

Khi còn tại thế gian, Thích Ca tùy duyên mà độ. Ngài biết rõ chỉ có một số người có thể đạt đến cứu cánh tu tập nhưng phần lớn là chưa thể, nên ngài mới phân biệt hàng xuất gia và hàng cư sĩ. Với thế gian, với người chưa xuất gia, và với cả các bậc quân vương, Thích Ca khuyên nên giữ đúng 5 giới để khi luân hồi có thể trở lại làm người. Năm giới đó là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối.

Vậy cái đạo này bi quan yếm thế chỗ nào? Nếu nhân loại, hay cụ thể hơn, chỉ trong phạm vi một xóm ấp thôi, phần lớn mọi người giữ đúng được 5 giới này thì có phải yên lành, tốt đẹp hay không. Làm gì có chuyện nhậu say hay ngáo đá rồi quậy phá, làm gì có chuyện mất cắp hay đánh ghen. Còn các bậc quân vương nếu thực hành cái đạo lý đó, thì làm gì có chiến tranh, bóc lột, loạn lạc. Đạo Phật có cấm kinh doanh hay nghiên cứu khoa học đâu mà gây ra sự trì trệ của nhân loại?

Tất nhiên với bản chất là nói cái thật, Thích Ca vẫn chỉ ra ở kiếp người này tất cả Thọ đều dẫn đến Khổ, và khuyên chúng sanh thoát Khổ bằng con đường mà Ngài đã chỉ ra. Thế gian chỉ vui trong cái khổ thôi, chớ không có vui thật. Và có khi thú vui chỉ là để tạm khỏa lấp sự đau buồn, rồi nó sẽ nhanh chóng qua đi. Vì vậy Phật nói tất cả cảm thọ đều vô thường, đều Khổ. Cứ lấy cuộc đời chính ta ra làm ví dụ: Ai rồi cũng già yếu, bịnh tật và có khi chết một cách vô nghĩa!

Thế nhưng bản chất của con người là thích nghe lời dối trá nên mê lầm, và một số kẻ ngu dốt thì nhân đó báng bổ đạo pháp, và cả các tà sư.

Tôi nói các tà sư phá pháp nguy hiểm hơn, bởi họ có chùa to tượng lớn, có hàng vạn tín đồ. Và luôn đem cái nhân quả đã bị họ bóp méo, vẽ lên một cuộc sống giàu sang tương lai cho những ai dâng tiền vàng nhà cửa, hù dọa địa ngục cho ai chỉ trích chúng.

Này các tín đồ ngu muội! Liệu các vị dâng cúng cho tà sư rồi kiếp sau có giàu sang bằng địa vị thế tử nối ngôi như Thích Ca không? Tại sao ngài lại bỏ tất cả để đi tu?

Tuy nhiên sự tha hóa mà chúng ta đang thấy, những lời nhục mạ đạo Phật hay những thuyết giảng đầy lý luận ma quỷ đó cũng không làm xấu đi đạo của Thích Ca. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây diễn giải vì sao:

Có một thầy tu hành rất chân chánh, ở trong khu rừng cạnh làng. Trong làng, một thiếu nữ thấy thầy tu hành như vậy nên quý kính, mỗi ngày đều mang thức ăn đến cúng dường. Đều đặn như vậy một thời gian, người trong xóm bắt đầu đàm tiếu cô này phải lòng thầy. Cô gái buồn lòng thuật cho thầy nghe và nói: “Con tới cúng dường là để cho thầy yên tu, đạt đạo. Bây giờ trong xóm giềng đồn xấu con với thầy”. Thầy tu nghe vậy buồn quá, đợi khi cô ấy về, Thầy tìm sợi dây định thắt cổ tự tử. Khi đó có một hành giả đi ngang hỏi : Tại sao thầy tự tử? Đáp :Tôi tu hành rất thanh tịnh, mà người ta nói xấu, đàm tiếu, chê cười tôi phạm giới nên buồn quá tôi tự tử cho rồi.

Hành giả hỏi : Giả sử có người nói Thầy chứng A-la-hán, trong khi Thầy chưa chứng, Thầy có chịu không?

- Tôi chưa chứng mà họ nói chứng, tôi đâu có chịu.

- Nếu có người nói Thầy đọa địa ngục, Thầy có đọa không?

- Tôi tu hành đàng hoàng, đâu làm gì có tội mà đọa địa ngục.

- Như vậy Thầy chưa chứng A-la-hán, nói chứng cũng không được. Thầy không xuống địa ngục nói Thầy xuống cũng không xuống. Bây giờ Thầy không phạm giới, họ nói Thầy phạm giới, Thầy cũng đâu có phạm mà tự tử?

Nghe lời nói đó, thầy tu thức tỉnh, từ bỏ ý định tự tử và sau đó mặc thiên hạ, ông chỉ nỗ lực tu hành.

Như vậy rõ ràng khen, chê không phải sự thật. Nhưng thế gian lại sướng khổ ở lời khen tiếng chê. Cứ khen là vui, chê là buồn, tức thích những gì không đúng sự thật. Đạo Phật là đạo như thật, mà đã như thật thì có gì sợ khen chê hay bi quan, yếm thế!

Với sư Minh Tuệ, tôi tin rằng ông đã đủ thành tựu để vượt qua chướng ngại này sau 6 năm khổ tu và niết bàn với ông là có thể.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN 14.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.