vendredi 19 juillet 2019

Phạm Xuân Nguyên - Gã hoang du cuối cùng



Đó là Phan Vũ. Gã đã dừng bước cõi trần về trời ở tuổi chín lăm. Khi chỉ năm năm nữa là gã sống trọn một thế kỷ. 

Và năm năm trước, vào dịp lễ Vu Lan, ở tuổi chín mươi gã còn “gửi theo hương hồn Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Phùng Cung, Phùng Quán và…” những suy tư trong chiều về một thế hệ bạn bè “căn kiếp đọa lệch vai gồng gánh” rủ nhau vội về Bến Lạ. Gã ngậm ngùi cho bạn: “Ôi! Những kiếp người chưa trọn kiếp hoang du”, khi “mái tóc ấy còn đậm mùi dại cỏ / Khuôn mặt này chưa đủ nụ hôn môi”.

Giờ thì các bạn Gã bên ấy đã đón Gã về, một rằm trước kỳ xá tội. Đón một anh chàng cao lớn đã hoang du thay họ trọn một kiếp người. Gã sẽ nói gì với các bạn mình? Nói là bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” đã được in rồi, in đủ, in đẹp, đã được ra mắt giới thiệu trân trọng. Không, Gã không nói thế. 

Bài thơ ấy Gã viết từ 1972, nó đã có số phận của nó trong cuộc đời của một tác phẩm văn chương. Nó không cần Gã phải nói thêm gì nữa. Ai nghe bài hát phổ một trích đoạn thơ từ bài này mà tìm đọc cả bài thì cảm xúc âm vang còn mạnh hơn, sâu hơn nữa. Thi thoảng giữa những bạn bè đồng nghiệp trẻ gã có đọc lên từng đoạn từng đoạn bằng cái giọng trầm ấm truyền cảm của mình chỉ là để hoài niệm một quãng đời đã sống. 

Bạn bè đón Gã chắc nhắc lại bài thơ “Bình vỡ”, bài thơ đầu tiên Gã viết 5/1956 lẽ ra đã đăng báo từ hồi đó, nhưng mãi đến 2008 mới xuất hiện trong tập thơ đầu tay của Gã. Chiếc bình của Gã màu xanh “mong ngóng một bông hoa thẫm đỏ”. Nhưng một hôm chiếc bình vỡ và Gã hiểu ra một điều “trong không gian luôn rạn nứt im lìm”. Rồi đến một ngày có bông hoa đỏ, nhưng “trong tôi chẳng còn chiếc bình xanh nào / để đợi chờ / và để vỡ…”.
 
Người ta thường bảo tác phẩm đầu tay hay có tính tiên báo, ám liệu về tác giả. Bài thơ đã được lên khuôn báo nhưng rồi không in có gây rắc rối cho Gã về sau, có phải vì thế mãi lâu sau này Gã mới trở lại với thơ.

Còn Gã nếu phải trình ra một cái gì cho bạn bè báo cáo một kiếp hoang du thì chắc Gã sẽ đưa bài “Tự họa”. Bài này Gã viết đầu thế kỷ XXI, như là một bản tổng kết đời người khi thời gian đi hết một trăm năm. Khi ấy Gã đã bảy lăm tuổi, cũng đã sống lâu hơn so với một số người bạn đi trước. Cái danh xưng Gã là ở bài này. Gã đây là một người - là Gã, là nhiều người - thế hệ Gã, là nhiều người nữa - kiếp nhân sinh. Mỗi nhát bút Gã tạc một đường nét chân dung con người Gã đi qua thế kỷ XX. 

Trong cõi người ta ấy Gã là ai, là gì?

“thằng nhóc mê tiếng kèn dụ dỗ / Lầm lạc từ số không đến vô cùng”. 

“xòe bàn tay che một đường mưa / một đời nắng chân trần rát bỏng / Sợi thòng lọng trên đầu phận số / Chênh vênh bờ vực lối đi về”.

“con ngựa quên hiệu còi khởi chạy / Phi thật nhanh nhưng chệch đường đua”.

“đứng giữa ngày tàn chiều tận / trên thân đau đếm đủ đòn roi / Đòn hội chợ của đám đông không thù oán / Khi cô đơn chính là hình án / Giữa chợ trời còn rao bán tài hoa”.

“một mặt phẳng cho mọi tầm nhìn / Một chiều cao cho những đường thẳng đứng”.

“trần trụi đi qua thời gian / một mênh mông hun hút gió”.

Và Gã đắp cho bức tự họa của mình nhát bút cuối cùng: “Không có gì để trối trăng”. 

Gã hoang du cuối cùng của một thế hệ tài hoa hào hoa đào hoa, như thế, đã nói thay cho anh em, bè bạn một lời khẳng quyết. Họ đã được sinh ra ở một thời và họ đã sống cái thời của mình một cách tin tưởng và đau đớn, yêu thương và khổ ải. Họ dấn thân và chấp nhận. Họ để lại thơ nhạc họa cho đời và ra đi. 

Người sau sẽ đến tiếp nhận cái họ để lại và đi tiếp. Đó là cuộc trường chinh miên viễn nhọc nhằn và quyến rũ về cái đẹp cái tốt ở cõi trần mà ai được số mệnh chạm vào đều tự nguyện đi.

Phan Vũ đã vậy. Gã đã độc hành trên con đường chênh vênh lấp lóa giữa mặt trời và hoàng hôn, yêu thương và thù hận. Độc hành hoang du. Khi bạn bè chưa trọn kiếp phải dừng chân, Gã đi tiếp một mình. Đi vắt qua hai thế kỷ. Đi qua những biến động lớn của lịch sử đất nước mà ngày về còn là nỗi trăn trở một câu hỏi của hôm qua cho hôm nay. 

Đi qua những nỗi tình riêng với những người nữ trong đời đã yêu đã sống, đã gắn bó chia sẻ, đã hạnh phúc đau khổ. Tiếng khóc nén lại trong lòng nhớ người vợ đầu là một diễn viên điện ảnh “Kể từ tháng em mãi đi xa / Tờ lịch chỉ còn một tháng nhớ / Thời gian cũng chỉ tính theo em / Bất kể thu đông hay xuân hạ”. Gã viết thật buồn và thật hay về nỗi quạnh vắng trong nhà của hai bố con khi thằng bé thiếu người chơi trốn tìm, “còn thằng lớn suốt đời đi trốn / Bởi không ai thương nhớ đi tìm”.
 
Và rồi mùa xuân lại khởi lên trong Gã từ tóc em, môi em. Và Gã gọi đó là “sự trồi sinh nỗi nhớ”. Một cách gọi rất thơ nói đúng sự trỗi dậy của một mầm yêu mới. Từ đó gã lại có gia đình lần hai với một nhà báo. Nhưng với kiếp hoang du phụ nữ luôn là hiện thân của Nàng Thơ. Do đó thơ và họa của Gã chất chồng ẩn hiện cái đẹp đam mê một đời tìm kiếm.

Hà Nội từ nay “mồ côi” Gã. Đắm đuối Hà Nội đến thế, dâng tặng cho Thăng Long xưa hơn bốn trăm câu thơ mê man đến thế, nhưng Gã sống tít tận Sài Gòn để lòng luôn khắc khoải nhớ thương. Dịp nghìn năm đất Rồng Lên Gã có ra một lần đọc thơ. Từ đó là thôi, là vẫn muốn ra lắm mà đành chịu, đến khi có thể ra được thì sức đã yếu. 

Giữa năm 2018 khi tập thơ được tái bản làm mới, một cuộc ra mắt sách long trọng đã được nhà sách Nhã Nam tổ chức ở Viện Pháp (L’Espace) tại Hà Nội. Ai cũng háo hức trông chờ Gã xuất hiện để được gặp mặt, được nghe thơ, nghe chuyện từ chính Gã. Nhưng Gã đã chỉ có mặt trên màn hình cho mọi người thấy và nghe. 

Từ nay mỗi góc phố con đường mái ngói cầu thang hàng cây Hà Nội đã mồ côi Gã. Song chính vậy mà đi giữa thủ đô từ nay nhìn đâu cũng thấy có Gã khi trong lòng người luôn ngân nét thơ nhạc ‘Em ơi, Hà Nội phố…”

Kìa, dáng phong trần của Gã Phan Vũ hoang du “bơ phờ với gió mây” còn kia…

PHẠM XUÂNNGUYÊN
Hà Nội, 18/7/2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.