samedi 27 juillet 2019

Hoàng Nguyên Vũ - Quên lãng những người ngã xuống vì chiến đấu với Trung Quốc là tội ác



Quên lãng, lạnh nhạt với những người ngã xuống vì chiến đấu với Trung Quốc: là tội ác dù bất cứ lý do gì !

Bảy mươi bốn người ngã xuống trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Mười nghìn người ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979 và 64 người ngã xuống trong cuộc bảo vệ đảo Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988.

Bảy mươi bốn người lính khoác áo Việt Nam Cộng Hòa và hơn mười nghìn người lính Việt Nam ngã xuống, họ đều có một điểm chung: Họ là người Việt, họ bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại và họ cùng hy sinh bởi một kẻ thù duy nhất: Trung Quốc, cùng một âm mưu duy nhất: bành trướng và cướp đất.

Một thời gian dài, họ không được nhắc. Các liệt sĩ trong hải chiến Hoàng Sa không được nhắc vì tư duy "bên thắng bên thua". Còn các liệt sĩ trong chiến tranh Biên giới với 4.000 liệt sĩ vẫn chưa quy tập được hài cốt; Gạc Ma vẫn còn 56 người trôi mãi theo sóng biển bất tận: Nỗi đau ấy, lý do nào để quên lãng?

Nhắc lại những con người đã đổ máu cho Tổ quốc, ảnh hưởng đến "16 chữ vàng" và "bạn tốt"? Có thể chế nào quyết định lịch sử hơn lương tâm và số phận con người? Không, không ai cả và không ai được quyền làm điều đó !

Hỏi sao hàng năm lớp trẻ thi môn lịch sử được điểm thấp. Hỏi sao nhiều người không mặn mà với lịch sử. Những dòng thấm máu và nước mắt này, bao năm qua, ở đâu trong những trang sử dạy cho các thế hệ đi sau?

Ai trong số chúng ta, ít nhất là từ thế hệ tôi về sau, thế hệ sinh vào những năm 74, 79 và 88, biết Hải chiến Hoàng Sa là gì? Biết Chiến tranh Biên giới ra sao và gần như Gạc Ma, một vòng tròn bất tử với những hy sinh anh dũng ấy, được định hình trong tâm thức người Việt?

Chúng tôi từ nhỏ được dạy yêu nước và căm thù giặc, sao không ai dạy chúng tôi về Hoàng Sa, về Biên giới, về Gạc Ma? Tại sao lại quên đi cái ký ức đau thương ấy, khi mà Trung Quốc chưa bao giờ thôi âm mưu cướp đất, cướp biển, chưa bao giờ thôi cái dã tâm ngàn năm và gây đổ máu cho cái mảnh đất này? 

Với ai Trung Quốc là bạn, là đồng chí, là hữu nghị. Nhưng với người dân Việt Nam từ cổ chí kim, từ suốt 4.000 năm qua, Trung Quốc là kẻ thù. 

Hôm nay, một lần nữa, 74 chàng trai ngã xuống ở Hoàng Sa, 10 nghìn chàng trai ngã xuống ở Biên giới 1979, 64 chàng trai ngã xuống ở Gạc Ma, nhắc tôi kỹ hơn về kẻ thù và kẻ ác. Kẻ thù sờ sờ ra đấy ngàn năm không quên. Còn kẻ ác là kẻ muốn chúng ta quên. Quên là một tội ác!

Có một dạo, nghĩ về Chiến tranh Biên giới với từng ấy người ngã xuống và nghe lại bài Hoa Sim Biên Giới, tự dưng nước mắt tôi chảy. Tôi đã từng khóc rất nhiều trong suốt 6 năm đi viết về hậu chiến tranh trong suốt các chiến trường xưa trên mảnh đất vốn đã tan hoang về chiến tranh này. Tôi đã ám ảnh vì những con người mang trong mình bom đạn nhăn nhó kể chuyện. Tôi đã từng không thể quên được ánh mắt tuyệt vọng, cô đơn và buồn tủi của những bà mẹ anh hùng, bà mẹ liệt sĩ của những chàng trai 20 tuổi ngã xuống cho từng tấc đất cha ông. 

Tại sao, tại sao một thời gian dài các liệt sĩ nằm lặng lẽ trên các nghĩa trang ấy, chỉ vì họ chiến đấu với Trung Quốc? Tại sao những cuốn sách viết về họ phải long đong lận đận lắm mới được xuất bản? Tại sao trong những trang sử không có tên họ? Họ chiến đấu và ngã xuống cho cái đất nước này, để có chúng ta hôm nay, để những người thành ông to bà lớn cơ mà? Tại sao lại làm những điều có tội với họ như thế?

Hôm nay, Trung Quốc vẫn đang xâm lược Biển Đông của cha ông, của chúng ta. Tự dưng, sóng Biển Đông nhuốm máu năm nào như trào lên, hoa sim dọc đường biên lại như nhuốm đỏ. Sẽ không bao giờ có "bạn vàng" cả, không bao giờ có đâu. Chỉ có người Việt tự nhớ người Việt, tự thương người Việt, tự bảo vệ người Việt và tự cùng người Việt nắm tay bảo vệ chủ quyền, bảo vệ từng tấc đất của cha ông mà thôi !

HOÀNG NGUYÊN VŨ 27.07.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.