Người giàu Việt Nam
ôm tiền đi cúng "Phật ngoại" để khoe mẽ sự giàu có, về vẫn tham sân
si như thường !
Ở Nepal, trong các
tu viện, mỗi lần hành lễ trong một tu viện lớn tầm 500 chỗ được chia thành hai
khu riêng biệt. Một khu dành cho tăng ni tụng niệm; một khu có ghi chữ
"Vietnamese", tức là dành cho giới Phật tử Việt Nam. Thế mới thấy,
người Việt Nam mình mê "Phật ngoại" đến mức nào !
"Phật tử Việt
Nam" ở đây, nghiễm nhiên không có bóng dáng của những "người nghèo
theo Phật". Đa số là những người giàu, đại gia, văn nghệ sĩ có thu nhập
cao. Hàng năm, họ đi theo các tour "tâm linh", với chi phí không dưới
100 triệu đồng.
(Tôi nói lại quan
điểm: đi du lịch không có gì sai, du lịch tâm linh càng không có gì sai. Nhưng
bình tĩnh, nội dung của bài viết sẽ đề cập ở một khía cạnh khác).
Trong các buổi hành
lễ, người ngồi chễm chệ trên ngai vàng là Nhiếp chính vương. Ừ, Nepal, Buhtan
hay Tây Tạng, dân nghèo khổ, nhưng các "Nhiếp chính vương" thì ngai
vàng áo gấm, được cung phụng chẳng kém gì một ông vua cả.
Chúng ta thắc mắc về
Minh hổ mang của chùa Ba Vàng, nhưng so với các vị nhiếp chính này, độ xa hoa
của Minh hổ mang chỉ mới là cấp nhi đồng thôi.
Có lẽ, ngành du lịch
Việt Nam nếu muốn làm kinh tế tâm linh thì chắc chắn đừng đi học chùa Ba Vàng
làm gì, cắp sách đi học mấy ông Nhiếp chính vương cũng như bộ máy tổ chức kinh
tế của các hệ thống tu viện ở các nước này. Cái thành công lớn nhất của họ là
"chọn người giàu để bán niềm tin". Họ đã có trong tay danh sách những
người giàu có mộ đạo của Việt Nam và không nói không rằng, hàng năm, những
người giàu đến cống nạp đều đặn để làm nên áo gấm, ngai vàng cho họ.
Có những người giàu
còn mời các "Nhiếp chính vương" ấy về Việt Nam. Dĩ nhiên, để mời thì
tiền "thỉnh" cũng không ít. Một "chiêu" dễ thấy, khi các
Nhiếp chính xuống sân bay, tia thấy vài gương mặt lạ nom có vẻ giàu có, Nhiếp chính
chơi bài làm quen, với dụng ý kiểu như: "Ta với con như đã gặp nhau từ
kiếp nào, quen lắm". Rồi tiếp theo là ta có thể hóa giải các vấn nạn
cho con.
Ôi dào, đang ăn ngon
mặc đẹp, đi đâu cũng dịch vụ năm sao, đồ hiệu quấn đầy người, buôn may bán đắt
hoặc có chồng là quan chức, là đại gia, nghe đến chữ "vấn nạn" thì có
khi cũng tè cả ra quần. Và cứ thế: nhiếp chính đã thu nhận thêm những con mồi
mới.
Hàng năm, trong dòng
người đi hành hương Phật giáo qua các nước ấy để gặp các Nhiếp chính vương, hầu
hết là những người giàu có của Việt Nam. Rồi những chàng trai cô gái tầm 20-30
tuổi, con của những quan chức "không phải dạng vừa", cũng cầm cả một
đống tiền thuế dân sang bên đó cống nạp. Họ đi theo tâm linh, theo Phật pháp
cũng là tốt thôi. Nhưng bản thân họ đang tiêu những đồng tiền tham nhũng mà
cũng đưa sang nước người cúng dường thì nghe chẳng xuôi tai một chút nào.
(Không tin, cứ nhìn
Facebook họ. Hầu hết đăng tải ầm ầm bức ảnh của những chuyến đi và nói giọng
đạo lý Phật pháp như thật. Trong khi đó không thấy họ nói với cha họ bớt tham
nhũng hay chính họ bớt tiêu tiền bất minh đi).
Rồi, khi đi về, họ
sẽ được gì?
Nhóm 1: Một số doanh
nhân mới giàu, nghe đâu có người đi sang đó đứng dưới gốc đa khóc hu hu xong về
không làm ăn gì nữa. Công việc bỏ bê, lòng đặt đâu ở một cõi khác nhiệm mầu
hơn, nhẹ nhàng hơn. Ăn không muốn uống cũng hạn chế. Nguy cơ thành người giời
cao.
Nhóm 2: Văn nghệ sĩ.
Đi về thì nói đạo lý ầm ầm. Đáng kể nhất là có cái cô MC rất sến súa của một
chương trình nổi tiếng trên HTV và thêm một số gương mặt có máu mặt trong làng
giải trí. Thế nhưng, đụng đến quyền lợi là vẫn sân si trên cả mẹ cha của sân
si, và vẫn sống lung tung như thường. Nhóm này vậy đã có thêm một món trang sức
mang tên: Đạo ngoại ! (các bạn này không thích chơi hàng nội).
Nhóm 3: Đi về để
buôn bán. Loại này thì khôn rách trời chui xuống. Điển hình có một chị doanh
nhân chủ một lò hỏa táng. Tranh thủ các chuyến đi là mua tranh mua tượng, sau
đó mời các tu sĩ bên đó đọc dăm ba câu lầm bầm vào cái tượng cái tranh (mà chắc
chắn một điều, chị đó cũng chẳng biết cái ông bà đó đọc cái quái gì). Người mua
tin tưởng, nghĩ mấy câu lầm bầm ấy nhiệm mầu lắm, bỏ cả trăm triệu đồng nhiều
khi chỉ mua một bức tượng hoặc một cái vòng tay hàng chợ ở cái xứ nghèo nàn ấy.
(Nếu nhiệm mầu vậy,
sao mấy lão Nhiếp chính ấy không đọc thần chú để cho Nepal bớt nghèo, Ấn Độ bớt
nạn hiếp dâm hay thậm chí Tây Tạng thoát khỏi kiểm tỏa của Trung Cộng đi nhỉ?)
Ừ, cũng chỉ mong các
anh các chị đi hành hương đất Phật về sống đẹp hơn, tạo ra các niềm vui nhiều
hơn, đó là ý nghĩa cuối cùng của niềm tin. Nhưng đi để khoe mẽ, để tạo ra sự
lấp lánh ảo mang tên tâm linh như một thứ trang sức trong đời, để thành con cừu
cho người ta dắt trong khi "Bụt chùa nhà không thiêng", thì cũng đến
lạy các anh chị !
P/s: Đức Phật hiện
hữu để chúng ta nhìn vào đó mà sống tốt, chứ không phải để những kẻ như các
Nhiếp chính vương buôn thần bán thánh và các Phật tử sính ngoại đi mua xong về
khoe như trò hề đâu ạ !
HOÀNG NGUYÊN VŨ
29.07.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.