lundi 22 juillet 2019

Iran : Cuộc chiến tàu dầu sẽ đi về đâu ?

Một tàu của Vệ binh Cách mạng Iran áp sát tàu dầu Stena Impero của Anh đang bị giữ tại cảng Bandar Abbar, ngày 21/07/2019.

Căng thẳng tại eo biển Ormuz, cải cách các định chế quốc tế, hạn hán tại Pháp, đó là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay. 

Các bài viết có tựa đề gần giống nhau: Nếu Le Figaro cho biết « Áp lực tăng lên giữa Luân Đôn và Teheran tại eo biển Ormuz » thì Libération cũng dành hai trang báo cho chủ đề « Eo biển Ormuz, Teheran bắt tàu, Luân Đôn sôi sục ». La Croix than thở « Lại căng thẳng tại eo biển Ormuz », còn Les Echos nhận định « Luân Đôn sẵn sàng đáp trả Teheran sau vụ bắt tàu dầu ». 

Bắt tàu Anh trong tiếng hô « Allah Akbar ! »

Le Figaro cho rằng vẫn chưa phải là « cuộc chiến tàu dầu » đẫm máu như trong cuộc xung đột Iran-Irak thập niên 80, khi Saddam Hussein tấn công 280 tàu dầu Iran tại vùng vịnh Ba Tư, còn Teheran đánh vào 170 tàu của Irak. Nhưng những sự cố liên tục xảy ra tại khu vực chiến lược này khiến tình hình trở nên nguy hiểm. 

Thứ Bảy 20/7, tờ báo bảo thủ Keyan của Iran chạy tựa lớn « Một tàu dầu đổi một tàu dầu ! ». Hôm trước đó, một biệt đội Vệ binh Cộng hòa được trực thăng vận, hô vang « Allah Akbar », chiếm lấy tàu dầu Anh Stena Impero tại vịnh Oman, không xa eo biển Ormuz – tâm chấn từ hai tháng qua. Trước khi bắt tàu Anh, Vệ binh Cách mạng cũng đã bắt tàu dầu Mesdar mang cờ Liberia, nhưng thả ra sau khi biết chủ tàu này là một công ty Algérie. 

Việc « tịch biên » chiếc Stena Impero xảy ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Gibraltar (lãnh thổ thuộc Anh ở nam Tây Ban Nha) quyết định giữ thêm 30 ngày chiếc tàu dầu Grace 1 của Iran – bị Anh bắt hôm 4/7 khi chở dầu sang Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu. Và 24 giờ sau khi Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái Iran ở vịnh Ba Tư, tuy Iran bác bỏ. Tóm lại, các bên đều lập tức ăn miếng trả miếng.

Rồi sẽ đi đến đâu ? Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh cáo nếu có người Mỹ nào chết, Hoa Kỳ sẽ trả đũa bằng biện pháp quân sự.

Một vệ binh cách mạng Iran trên tảu dầu Anh Stena Impero, 21/07/2019.
Chiến lược ba giai đoạn của Iran tại eo biển Ormuz

Tin rằng Mỹ không muốn thương lượng và châu Âu bất lực không thể thuyết phục Donald Trump, phe diều hâu Iran gia tăng áp lực. Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận chế độ Teheran cho biết Vệ binh Cách mạng đã có chiến lược gồm ba giai đoạn. Hiện nay họ kiểm soát sở hữu chủ các tàu đi vào eo biển Ormuz, giai đoạn tiếp theo là đóng cửa eo biển với các địch thủ, chỉ cho các tàu nước bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vào. Cuối cùng nếu bị tấn công Iran sẽ đóng hẳn Ormuz, và phản công từ vùng duyên hải.

Tính sổ các tàu dầu bị bắt : Iran giữ hai (một chiếc khác là Riah đã được thả hôm thứ Năm 18/7), Anh giữ một. Nhưng Teheran còn bốn chiếc khác bị tịch thu ở Brazil. Ngược lại, kẻ thù bất cộng đáy thiên của Iran là Ả Rập Xê Út hôm qua đã thả tàu dầu Happyness 1 của Iran, bị bắt tại Hồng Hải từ hai tháng qua. Iran sẽ phải chi 20 triệu đô la để sửa chữa, nhưng Ả Rập Xê Út đòi trả « chi phí giữ tàu » 200.000 đô la một ngày, mà phía Teheran gọi là trấn lột.

Một chuyên gia nhận định : « Iran tìm cách duy trì không khí bất ổn, nhưng không vượt qua ngưỡng có thể làm cộng đồng quốc tế phải hành động ». Nhưng điều tệ hại nhất có thể tránh được đến bao giờ ?

Những que diêm Iran đang nhóm lửa

Trong bài xã luận mang tựa đề « Những que diêm Iran », La Croix nhận định, có vẻ như không ai muốn chiến tranh. Nhưng tại eo biển Ormuz, Mỹ và Iran đang đùa với lửa.

Thời sự mùa hè này toàn về những sự kiện trên biển. Tháng nào cũng xảy ra vụ bắt tàu, tuần nào cũng có những đe dọa qua lại giữa Mỹ và Iran, và không ngày nào mà không có tranh cãi về máy bay không người lái bị bắn rơi. Chưa kể từ thứ Bảy 20/7, và lần này thì trên đất liền, quốc vương Ả Rập Xê Út tuyên bố sẵn sàng cho quân Mỹ đồn trú, lần đầu tiên kể từ 16 năm qua. Với những vụ tấn công và phá hoại liên tục, eo biển Ormuz, nơi một phần ba lượng dầu lửa thế giới đi qua, rất dễ « bốc cháy ».

Libération chú ý đến khía cạnh « chiến tranh hình ảnh ». Video dài hai phút về vụ bắt tàu dầu Anh với các hình ảnh những chiến binh bịt mặt chiếm lĩnh chiếc tàu dầu, trên nền những tiếng hô « Thượng Đế vĩ đại », được quay từ trực thăng lẫn trên tàu, nhằm chứng tỏ sức mạnh của Nhà nước để trấn an nhân dân Iran, đã có phần nào tác dụng.

Về phía Anh, tờ báo cho rằng đang trong vị thế rất nhạy cảm. Vừa cố gắng cứu vãn hiệp ước nguyên tử Iran, mặt khác lại phải tỏ ra cứng rắn trước Teheran, vào lúc Mỹ và Iran đều đang căng thẳng. Bên cạnh đó, giới quân sự chỉ trích phản ứng yếu ớt của chính quyền, do đang bận rộn với Brexit và thay đổi thủ tướng.

Bà Theresa May chỉ còn tại vị đến thứ Tư tới, không tham dự hai cuộc họp khẩn tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy. Với một thủ tướng sắp ra đi, ít tập trung cho hồ sơ Iran, và thiếu sự phối hợp với các đồng minh châu Âu, Luân Đôn có vẻ lẻ loi. Tân thủ tướng sẽ phải nhanh chóng tái khẳng định vị thế.

Biểu tình tại Rangoon ngày 17/07/2019 đòi sửa đổi Hiến pháp.
Quân đội Miến Điện không dễ buông quyền lực

Liên quan đến châu Á, Le Monde nói về quyền lực của quân đội Miến Điện đang bị tranh cãi. Đảng của bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi Hiến pháp để giảm bớt quyền hành của giới quân nhân, nhưng khó thể thành công. 

Quân đội đang ở thế thủ : thứ Ba 16/7, Hoa Kỳ loan báo trừng phạt tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing cùng với ba quan chức khác do tội ác đối với người Rohingya. Hôm sau, hàng chục ngàn người biểu tình tại Rangoon và nhiều thành phố khác, giương biểu ngữ « Sửa đổi Hiến pháp 2008 ». 

Đảng Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi muốn giảm từ ngưỡng 75% số phiếu để tu chính Hiến pháp xuống còn 66%, và hủy bỏ điều khoản khiến bà không thể giữ chức tổng thống hoặc phó tổng thống. Nhưng quân đội đang chiếm ¼ số ghế trong Quốc Hội, không dễ chịu thua, và tổng tư lệnh quân đội có toàn quyền đưa ra những biện pháp đặc biệt « vì lý do an ninh ».

Kêu gọi tẩy chay hàng Nhật tại một chợ ở Seoul, 20/07/2019.
Nhật-Hàn đấu nhau, ngư ông Trung Quốc đắc lợi ?

Tại Bắc Á, « Căng thẳng lại nổi lên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về thương mại và ngoại giao ». Vụ một người Hàn Quốc tự thiêu trước đại sứ quán Nhật tại Seoul hôm thứ Sáu tuần trước, theo Le Monde là cái mốc đáng buồn cho xung đột giữa hai nền dân chủ lớn nhất châu Á, đều là đồng minh của Mỹ. Tổng thống Donald Trump, đang trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đã phải cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Những hiềm khích lịch sử được khơi lại, những nhân vật nổi tiếng của Hàn Quốc hủy các chuyến đi sang Nhật Bản, và các nhà buôn tẩy chay những sản phẩm Nhật bị cho là « made by war criminals » (do các tội phạm chiến tranh sản xuất.

Đang bị sa sút trong các cuộc thăm dò, uy tín của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bỗng tăng lên từ khi đối đầu với Tokyo, còn thủ tướng Nhật Shinzo Abe, với sự ủng hộ của cánh hữu, không có ý định nhượng bộ.

Les Echos nhận định « Ông Shinzo Abe sắp phá kỷ lục người lãnh đạo nước Nhật lâu nhất ». Liên minh cầm quyền của ông hôm qua đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng Viện.

Những biện pháp để thu phục cử tri, nhất là giới trẻ, của ông Abe đã đạt kết quả : cho đến tối thứ Bảy, thủ tướng vẫn rất tích cực hoạt động trên Instagram, với những hình ảnh gần gũi như cùng ăn trưa với sinh viên, nấu nướng thức ăn…Với chiến thắng lần này ông Shinzo Abe qua mặt Taro Katsura, người đã lãnh đạo nước Nhật suốt ba nhiệm kỳ vào đầu thế kỷ 20.

Thủ tướng Nhật tin rằng phải cải tổ sâu sắc quân đội để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò dư luận hôm qua, có 54% người Nhật ủng hộ ông Shinzo Abe tiếp tục nắm quyền, nhưng chỉ có 36% muốn ông sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.

"Đồng khô cỏ cháy" tại miền bắc Pháp. Ảnh Frédérik Giltay.
Hạn hán, nỗi lo của nước Pháp mùa hè này

Về khí hậu, trang nhất của Libération đăng ảnh một vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chạy tựa « Hạn hán, người người đổ xô tìm nước ». Những đợt nóng liên tục xảy ra dẫn đến việc khan hiếm nước, khiến chính quyền Pháp phải hạn chế dùng nước tại 73 khu vực. Nông nghiệp, kỹ nghệ, năng lượng, du lịch và các thành thị đều chật vật để có được lượng nước cần dùng.

Les Echos mô tả những hậu quả đầu tiên : Những cây thông héo úa, những cánh đồng bắp xác xơ vì thiếu nước, những ngôi nhà bị lún nứt vì xây trên nền đất sét…Bài xã luận của Libération nhấn mạnh nước là « Tài sản chung », mỗi người cần có ý thức tiết kiệm nước, phủ xanh mặt đất…và cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn.

Không phải chỉ có nước Pháp bị hạn hán, mà đây là hiện tượng toàn cầu. Tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ, nhiều vòi nước bị khóa để tránh việc các hộ dân xài lố định lượng, người ta phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để lấy nước. Người nghèo mua nước với giá cắt cổ, người giàu mua máy bơm khai thác lượng nước ngầm hiếm hoi. Những bữa ăn được dọn ra trên lá chuối để khỏi rửa chén, và đã có những vụ xe bồn chở nước bị tấn công.

Cuba : « Chủ nghĩa xã hội hay là chết » ?

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Le Monde có bài phóng sự thú vị mang tựa đề « Cuba, những tiếng nói tự do ». Đối với người dân đảo quốc, « botella » tức vẫy xe đi nhờ là cách hầu như duy nhất để đối phó với sự thiếu thốn phương tiện giao thông công cộng, và trong hoàn cảnh ấy họ thoải mái thổ lộ về những bất cập của chế độ.

Tại Cuba, một tài xế taxi ở La Habana chạy nửa ngày có thể kiếm được thu nhập bằng cả tháng lương của một bác sĩ hay giáo sư đại học. Trong cuốn sách có cái tựa đơn giản « Cuba », tác giả Sara Roumette nhận xét : « Đó là một chế độ bảo vệ rất nhiều và cũng áp đặt rất nhiều. Một đất nước mà tất cả mọi người đều biết đọc biết viết, với ưu tiên dành cho giáo dục, nhưng nếu đòi hỏi tự do ngôn luận bạn sẽ biết được địa ngục là như thế nào. Cuba là nơi mà người ta có thể đến bệnh viện không cần có đồng nào trong túi, nhưng sống cho ra sống với đồng lương nhà nước đã trở nên bất khả ».

Le Monde ghi nhận trong khi những khẩu hiệu có từ sau khi nhà độc tài Batista sụp đổ năm 1959, vẫn khoe « Cuba, đất nước tự do đầu tiên tại châu Mỹ la-tinh », thì từ đó đến nay, cứ 10 người dân đã có 1 người bỏ nước ra đi. Trên những bức tường, dòng chữ « Chủ nghĩa xã hội hay là chết ! » đã phai nhạt đi với thời gian, phía dưới ai đó đã viết thêm câu « Có gì khác nhau đâu ? »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190722-iran-cuoc-chien-tau-dau-se-di-ve-dau

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.