vendredi 26 juillet 2019

Nguyễn Tiến Tường - Khoảng lặng Nguyễn Phú Trọng



Đầu năm 2017, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, một chuyến đi mang tính thường lệ giữa lãnh đạo hai đảng. Từ năm 2018 khi chấp chính chức Chủ tịch nước, ông Trọng không còn đi Trung Quốc,  và cũng không có cuộc tiếp xúc nào với giới cầm quyền Trung Quốc tại Việt Nam. 

Nhắc cương vị Chủ tịch nước để hiểu rằng đó là danh phận để ông Trọng tiếp cận các nước Tây phương với tư cách nguyên thủ chính danh, chứ không đơn thuần là TBT một đảng. 

Diễn đàn "Một vành đai, một con đường" được Trung Quốc tổ chức trong bối cảnh liên tiếp dính đòn trừng phạt kinh tế từ Mỹ, có thể xem là động thái đốt lửa gọi chư hầu. Ông Trọng vắng mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, cùng thế giới có thông điệp rắn rỏi lên án Trung Quốc sử dụng bẫy nợ để ép buộc các quốc gia nhượng địa hoặc lệ thuộc chính trị. 

Lần đầu tiên sau miên mãi năm tháng chịu đựng, cuộc chiến 1979 được chỉ mặt đặt tên là cuộc xâm lược của người Trung Quốc. Luật đặc khu trì hoãn khi đối mặt nguy cơ nhượng địa. 

Và khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đi Trung Quốc trong lúc TBT Nguyễn Phú Trọng úp mở về cuộc đi Mỹ, người Trung Quốc có vẻ như nóng mặt gây hấn Biển Đông để đe nẹt và "đòi người". Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc.

................

Điểm lại một số sự kiện khách quan để công nhận rằng đây đang là thời đoạn mà Việt Nam có thái độ rắn rỏi, dứt khoát nhất với Trung Quốc trong vòng nhiều thập niên

Và cũng chứng minh được rằng người Trung Quốc đang bối rối. Việt Nam dần trở nên khó lường với họ, tương tự như hình ảnh của ông Trọng. 

Nếu có một chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới, quốc gia sẽ mở ra nhiều hy vọng. Đó không chỉ là tìm kiếm đồng minh tạo đối trọng với người Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn là cuộc "giác ngộ" hiện thực trong nước. 

Khác với chiếc áo vét công chính nặng tính mô phạm của ông Trọng, quyền lực chính trị đơn nhất của hệ thống đã tạo chiếc đũa thần cho những người dưới ông tạo phe cánh lợi ích. Không những vậy, chính quyền uy đó đã giúp họ mở toang cánh cửa để "cõng rắn cắn gà nhà", mời người Tàu đến xâm thực bằng vốn và phá hoại kinh tế. 

Quốc gia bị vắt kiệt, niềm tin khô hạn, đảng và nhân dân đồng sàng dị mộng. Thảm trạng đó sẽ dẫn đến sự suy giảm sức hấp dẫn trong cuộc chơi với người Mỹ. Và suy cho cùng, muốn người Mỹ ngồi xuống, Việt Nam không có gì khác để mặc cả với họ ngoài dân chủ và nhân quyền. 

Rất khó để tất tay niềm tin vào TBT Nguyễn Phú Trọng khi ông luôn cho thấy sự nhùng nhằng giữa đảng và dân tộc, ông đã không chọn một cảm xúc tuyệt đối. Nhưng ham muốn vĩ nhân là điều có thể đọc vị từ ông. Thực tiễn đã cho thấy rằng con đường của các "vĩ nhân đỏ" trên thế giới luôn phải đổi bằng xương máu của nhân dân, và nó không còn phù hợp trong thời đại mới. 

...........

Tin hay không tin, ghét hay không ghét ông Nguyễn Phú Trọng thì cũng phải mặc nhiên công nhận rằng đây là kỷ nguyên mà quốc gia có nhiều tín hiệu thức tỉnh. Và cũng như người cầm trịch, quốc gia hỗn loạn ấy cần một khoảng lặng dài hơn để định hình tâm thế "xoay trục". 

Ngồi xuống với nhau trong tấm áo phụng sự quốc gia !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.