dimanche 14 juillet 2019

Trương Nhân Tuấn - Việt Nam sẽ trả đũa vụ Tư Chính bằng cách gì ?



Tàu Trung Quốc đấu với tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dưong Thạch Du 981.
Báo chí nước ngoài đăng tin cho biết các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần nay mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này trong quá khứ Trung Quốc đã từng ký giấy phép (1992) cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ hoạt động. Vụ này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa. 

Vụ giàn khoan HY981 hồi năm 2014, phía Trung Quốc đưa vào khảo sát địa chấn khu vực chung quanh thềm lục địa đảo Tri Tôn (của Việt Nam), cách bờ biển Việt Nam 120 cây số. Việc này bề ngoài làm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng. Nhưng nếu ta xét thực chất vấn đề, rõ ràng Việt Nam và Trung Quốc "đóng tuồng" ở sân khấu Tri Tôn. Cách nói khác giàn khoan HD981 chỉ là "diện", là "hỏa mù". 

Bởi vì trong lúc hai bên Việt Nam và Trung Quốc chơi trò "bắn súng nước" chung quanh giàn khoan 981, dân chúng Việt Nam cũng reo hò ủng hộ cho phe mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải phận. Thì Trung Quốc bắt đầu công trình xây dựng trên 7 bãi đá (chiếm của Việt Nam năm 1988). Thời gian ngắn các bãi đá trở thành các đảo nhân tạo. Sau khi hoàn thành (chỉ 3 năm sau) các đảo này trở thành những căn cứ quân sự, bao gồm lực lượng không quân, hải quân với những phi trường, bến tàu (tàu chiến lẫn tàu ngầm), ra đa, những giàn hỏa tiễn chống hạm, chống tiếp cận.... 

Bây giờ nhìn lại, nếu thời đó dân chúng không bị "mờ mắt" trước sự kiện HD981 thì việc Trung Quốc xây dựng đảo chưa chắc đã xảy ra thông suốt. Bây giờ việc xây đảo (căn cứ quân sự) đã xong, thế giới coi như "chuyện đã rồi", an ninh quốc gia Việt Nam bị đe dọa. 

Vùng "nhận dạng phòng không - ADIZ" ở biển Hoa Nam của Trung Quốc có thể tuyên bố bất kỳ lúc nào. Vùng biển Trường Sa, mà giới hạn là bãi Tư Chính - Vũng Mây (Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc), sẽ thuộc vùng kiểm soát của Trung Quốc, trên không cũng như dưới biển (dĩ nhiên bao gồm các quyền thuộc quyền chủ quyền về thềm lục địa, EEZ...) 

Thời đó có "tượng đái" họ Phùng, người thống lĩnh quân đội Việt Nam, ở diễn đàn Sanggri-La có tuyên bố (để đời) rằng chuyện của Việt Nam và Trung Quốc là chuyện "của anh em trong nhà". Dĩ nhiên, khi cho đó là "chuyện trong nhà" thì không quốc gia nào có thể can thiệp. (Nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc là không can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác). Chớ nếu không, các nước như Mỹ, can thiệp. Thì việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo cũng không thể xúc tiến. 

Bây giờ Trung Quốc cho tàu bè đi khảo sát, làm địa chấn để dò tìm những mỏ dầu ở khu vực mà họ đã ký phép cho công ty Mỹ khai thác năm xưa. Báo chí đăng tải là tàu hải cảnh của Việt Nam có ra ngăn chặn. 

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc thăm dò như vậy là có mục đích gì ? Để khai thác tài nguyên ? Để đánh dấu những giới hạn khu vực biển theo bản đồ chữ U ? 

Bãi Tư Chính khá xa Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc tự tin vào "hỏa lực" ở các đảo nhân tạo (Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma....) có thể bảo vệ được giàn khoan, nếu Trung Quốc quyết định khai thác lâu dài ở vùng này ? Tình hình Trung Quốc "thập diện mai phục", từ Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan cho tới cuộc thương chiến với Mỹ. Trung Quốc có đủ lực lượng mở thêm "mặt trận" khác, nằm trong vùng "tiềm lực tối ưu" của Việt Nam hay không ? 

Hay là Trung Quốc muốn tìm món quà đáng giá để "tặng" cho ông Trump ? Trên danh nghĩa hợp đồng giữa Trung Quốc và công ty khai thác dầu của Mỹ (thời đó là Creston) vẫn chưa hết hiệu lực. Chiêu "mượn hoa cúng Phật" này thật là siêu việt.

Tóm lại Việt Nam sẽ "trả đũa" Trung Quốc bằng cách gì ? Vụ Đài Loan đang vận động có ghế ở Liên Hiệp Quốc cũng là cách để Việt Nam "thọc vào sườn" Trung Quốc, nếu cha nội này chơi xấu.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 13.07.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.