Đang trong mùa hè, các tuần báo Pháp giới thiệu những chủ đề nhẹ nhàng. Le Point dành trang nhất và nhiều trang trong cho hồ sơ đặc biệt « Những bí mật cuối cùng của các giáo đường » ở Pháp. L’Obs quan tâm đến « Một Marx khác »,
không phải Karl Marx mà là Thierry Marx, một đầu bếp kiêm doanh nhân
Pháp mở hệ thống trường dạy nghề giúp những người thất cơ lỡ vận có được
một cơ hội mới.
Hồ sơ của Courrier International tuần này nói về « Các phương cách mới để di chuyển ».
Có thể kể : xe trượt (trottinette), taxi bay…người ta có nhiều chọn lựa
về phương tiện di chuyển, nhưng chủ yếu cần quan tâm đến môi trường.
Nga lép vế trong quan hệ với Trung Quốc
Về quan hệ Nga-Trung, bài viết của The Economist nhận định « Hợp tác có lợi cho Trung Quốc hơn Nga »
đi kèm với hình vẽ một con gấu trúc lớn bệ vệ ngồi trên chiếc ngai màu
đỏ có ngôi sao vàng, bế trên tay một chú gấu nhỏ bé cầm lá cờ Nga, với
tựa đề có phần mỉa mai « Chiến hữu ».
Quan
hệ giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình được thắt chặt sau vụ Nga chiếm
Crimée, nhưng Trung Quốc đang thống trị trên tất cả lãnh vực. Kinh tế
Trung Quốc mạnh gấp sáu lần Nga và vẫn còn tăng trưởng, trong khi Nga
đang đi xuống. Thay vì là đối tác ngang hàng, Nga đang trở thành chư hầu
của Trung Quốc.
Cụng ly mừng sinh nhật Tập Cận Bình ngày 15/06/2019. |
Theo The Economist, nhận xét này dường
như có vẻ khắt khe. Nga dù sao cũng là cường quốc nguyên tử, với tư cách
thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga đang hiện
đại hóa quân đội và không ngần ngại sử dụng như ở Syria, tuần này các
chiến đấu cơ Nga lần đầu tiên đã tuần tra chung với Trung Quốc. Nhưng
tốc độ phụ thuộc của Matxcơva vào Bắc Kinh đang nhanh chóng tăng lên một
cách đáng lo ngại.
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhập
nguyên liệu của Nga. Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft lệ thuộc nguồn
tài chính Trung Quốc và ngày càng bán nhiều dầu cho Bắc Kinh. Nga cũng
muốn bớt phụ thuộc vào đồng đô la, nên đồng nhân dân tệ nay chiếm phần
quan trọng trong dự trữ ngoại hối. Trung Quốc cung ứng nhiều phụ tùng
chủ chốt cho hệ thống vũ khí Nga, và Putin cũng cần đến Bắc Kinh trong
việc kiểm soát người dân. Tháng trước Nga đã ký hợp đồng phát triển mạng
lưới 5G với Hoa Vi. Trung Quốc rất hài lòng, và Nga còn là tiếng nói
ủng hộ quan trọng trước những chỉ trích của phương Tây đối với Bắc Kinh
về nhân quyền và dân chủ.
Ông Putin không có nhiều chọn lựa, sau
khi bị phương Tây trừng phạt hoặc xa lánh do xâm chiếm Crimée năm 2014,
can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cha con cựu điệp viên
Skripal năm 2018. Ông có thể biện luận là tương lai nay tùy thuộc vào
Trung Quốc cùng với hệ thống tư bản nhà nước của người khổng lồ châu Á.
Tuy
nhiên theo tờ báo, Putin đã lầm. Phiên bản tư bản nhà nước theo kiểu
Nga là nhằm tìm kiếm lợi nhuận thay vì hiệu quả, những người thân cận
ông tha hồ thủ lợi từ ngân sách – đó là một trong những nguyên nhân
khiến Trung Quốc chỉ đầu tư hạn chế vào Nga. Tại Trung Á, quân đội Trung
Quốc đóng quân ở Tajikistan và tập trận mà không buồn tham khảo ý kiến
Matxcơva.
Thế giới cần tìm cách tách Nga ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi quá muộn chăng ? Theo The Economist,
sớm muộn gì một tổng thống khác, kiểu như Alexei Navalny sẽ quay mặt
với Bắc Kinh, khi lại cần đến sự trợ giúp phương Tây. Và khi đó chủ nhân
(nam hoặc nữ) Phòng Bầu dục Nhà Trắng sẽ bắt chước ông Nixon : lên
đường đi thăm Matxcơva.
Biểu tình ngày 27/07/2019 phản đối vụ xã hội đen tấn công tại quận Nguyên Lãng, Hồng Kông. |
Hồng Kông đang trong thời khắc nguy hiểm nhất từ sau Cách mạng văn hóa
Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist nói về « Phong trào phản kháng ở Hồng Kông chống lại các biểu tượng của Bắc Kinh ». Tờ
báo nhận định, Hồng Kông đang sống trong những thời khắc bạo lực nhất,
nguy hiểm nhất kể từ sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.
Bắc Kinh tức giận tuyên bố việc Văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông bị coi là đích nhắm, là « thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền trung ương ».
Người ta lo ngại Trung Quốc sẽ đưa quân đội đến đàn áp, và như vậy sẽ
là một sự kiện chưa từng thấy kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm
1989. Tuy nhiên theo tờ báo, điều này khó xảy ra vì sẽ gây phẫn nộ trên
toàn thế giới, dù phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đe dọa
trong cuộc họp báo ngày 24/7.
Nếu trước đây người biểu tình chỉ
đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức, thì
nay yêu sách được mở rộng sang cải cách dân chủ ; nhưng không có đòi hỏi
nào được Bắc Kinh lắng nghe. Các nhà đấu tranh tên tuổi ôn hòa, kể cả
những khuôn mặt trẻ của Cách mạng Dù, nay không có mấy ảnh hưởng lên
phong trào phản kháng không có thủ lãnh này.
Những người biểu
tình sử dụng các ứng dụng tin nhắn mã hóa, mang theo quần áo thay đổi để
tránh bị nhận dạng sau khi giải tán, sự ẩn danh này khiến khó thể kiểm
soát hoặc thương lượng với họ. Dù đôi khi xảy ra bạo động, nhưng những
người biểu tình cực đoan vẫn có được sự thông cảm nơi phe ôn hòa. Ngược
lại ít có sự đoàn kết ở phía bên kia. Giám đốc một tờ báo thân Trung
Quốc hôm 23/7 đã từ chức, và Phòng Thương mại Hồng Kông vốn ủng hộ chế
độ, nay lên án bạo động ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long) và còn đi xa hơn :
kêu gọi chính quyền nhượng bộ.
Người biểu tình Hồng Kông dẫm đạp và nhổ nước bọt vào chân dung Lý Bằng, "tên đồ tể Thiên An Môn", 27/07/2019. |
Lý Bằng : Tên đồ tể Thiên An Môn
Le Monde
số cuối tuần vẽ lên chân dung Hà Vận Thi (Denise Ho), ngôi sao nhạc pop
Hồng Kông đã dám thách thức Trung Quốc. Là ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc
Cantopop (C-pop) tên tuổi, cuối tuần rồi cô tiếp tục là một trong những
người nổi tiếng hiếm hoi, công khai tham gia cuộc đấu tranh vì dân chủ ở
Hồng Kông. Một chân dung đối nghịch khác trên The Economist là « Tên đồ tể Thiên An Môn » : cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng qua đời ở tuổi 90.
Đêm
20/05/1989, khuôn mặt Lý Bằng đã ghi đậm dấu ấn lên ký ức Trung Quốc.
Ông ta xuất hiện trên truyền hình nhà nước, mặc chiếc áo đại cán kiểu
Mao, tóc chải ngược, tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh. Trước đó tại
Bộ Chính trị, Lý Bằng đã tranh cãi dữ dội với tổng bí thư chủ trương
cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), và đã giành chiến thắng nhờ có sự
ủng hộ của Đặng Tiểu Bình. Hàng trăm, thậm chí có lẽ hàng ngàn sinh
viên đã bị thảm sát, và danh hiệu « Đồ tể Bắc Kinh » thường được dành
cho Lý Bằng.
Thế giới hậu Thiên An Môn thuộc về họ Lý, chủ trương
tự do của Triệu Tử Dương không bao giờ xuất hiện trở lại. Lý Bằng tiếp
tục làm thủ tướng suốt gần một thập niên, và gia đình ông ngự trị trong
ngành năng lượng Trung Quốc. Hai con trai và một con gái của Lý Bằng là
quan chức của bộ Năng Lượng, một người con trai khác làm thống đốc tỉnh
Sơn Tây giàu có về than đá. Lý Bằng rất hãnh diện về công trình đập
khổng lồ Tam Hiệp tốn kém 10 tỉ đô la, làm 1,3 triệu dân phải di dời,
bất chấp tố cáo của giới bảo vệ môi trường và các quốc gia ở hạ nguồn.
Biểu tình tại Vancouver, Canada đòi trả tự do cho 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc tập trung cải tạo, 08/05/2019. |
Vấn đề trại cải tạo Tân Cương được « quốc tế hóa »
Cũng về Trung Quốc, The Economist nhận xét « Hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương đã trở thành chủ đề tranh cãi quốc tế ». Sau
khi 22 nước chủ yếu là phương Tây gởi thư lên Hội đồng Nhân quyền Liên
Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo giam giữ người
Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vài ngày sau lại xuất hiện một lá thư khác của
37 nước ủng hộ Bắc Kinh, gồm những nước thường bị phương Tây chỉ trích.
Không
có gì ngạc nhiên trước những chữ ký của Venezuela, Nga, Ả Rập Xê Út, Ai
Cập, hoặc những nước được Trung Quốc đầu tư như Pakistan và Lào, vốn
không muốn « cắn vào bàn tay đang mớm cho mình ». Nhưng đáng phẫn nộ
nhất theo tờ báo, là các nước vùng Vịnh, ủng hộ Trung Quốc vì nhiều lý
do từ quốc phòng, kinh tế thậm chí tôn giáo.
Chẳng hạn Các tiểu
vương quốc Ả Rập thống nhất do bị Mỹ từ chối bán máy bay không người
lái, đã quay sang mua drone Wing Loong 2 của Trung Quốc. Năm 2018, Bắc
Kinh đã ký các hợp đồng xây dựng và đầu tư trị giá 28 tỉ đô la tại Trung
Đông, một khu vực khó thu hút được đầu tư nước ngoài. Nhưng thông tin
về các trại cải tạo Tân Cương ngày càng được tiêt lộ nhiều hơn, các nhà
lãnh đạo Hồi Giáo bắt đầu chịu đựng áp lực trong nước đòi bảo vệ các
đồng đạo.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại hội nghị kinh doanh Mỹ-Đài ở New York ngày 12/07/2019. |
« Mùa hè rực rỡ » của nữ tổng thống Đài Loan
Còn tại Đài Loan, The Economist khi nói về « Triển vọng tái đắc cử của bà Thái Anh Văn » đã ví von : Mùa đông đi qua, mùa hè sắp tới đầy tươi sáng đối với nữ tổng thống.
Tờ
báo nhắc đến chuyến công du vùng vịnh Caribê mới đây của bà Thái Anh
Văn với bốn ngày lưu lại trên đất Mỹ, dài nhất từ trước đến nay, bất
chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bà đi tàu ngang qua tượng Nữ thần Tự
Do, gặp gỡ một số đại biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, phát biểu tại đại học
Columbia.
Trong lần quá cảnh trước đó, bà đến thăm NASA, trở
thành nhà lãnh đạo Đài Loan đầu tiên bước chân vào một cơ quan liên bang
Mỹ kể từ năm 1979. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã khiến cán cân
nghiêng về phía bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới,
còn phe Quốc dân đảng thân Trung Quốc bị xuống dốc.
Boris Johnson và nguy cơ « no-deal »
Về châu Âu, trên trang bìa báo in The Economist
là hình vẽ tân thủ tướng Boris Johnson đang hào hứng lái chiếc xe buýt
hai tầng màu đỏ quen thuộc ở thủ đô Luân Đôn, mang dòng chữ « Make Britain Great Again »
(Làm cho nước Anh vĩ đại trở lại), lao thẳng xuống con dốc đứng của
đường trượt tàu lượn siêu tốc. Tờ báo Anh không ngần ngại khẳng định « Để ngăn chận no-deal, các nghị sĩ bảo thủ phải sẵn sàng hạ bệ Boris Johnson ! ».
Ông
Boris Johnson đã gây bất ngờ khi thành lập một nội các toàn những nhân
vật cứng rắn. Priti Patel vốn ủng hộ tái lập án tử hình, làm bộ trưởng
Nội Vụ, Dominic Raab chủ trương Brexit « cứng », làm ngoại trưởng. Tân
thủ tướng tin rằng Donald Trump sẽ mang phao cứu sinh đến khi Anh quốc
rời bỏ Liên hiệp Châu Âu (EU), điều này theo tờ báo là nguy hiểm, vào
lúc Luân Đôn phải khẳng định vị trí trong hồ sơ Iran.
Nhưng đáng
ngại nhất là kế hoạch Brexit siêu thực của ông. Bà Theresa May đã thất
bại với những lời hứa không thể thực hiện được, còn Boris Johnson phạm
cùng một sai lầm, ở tầm vóc lớn hơn. Ông hứa bỏ điều kiện « backstop »
về một biên giới thực tế với Bắc Ireland, dọa không trả chi phí « ly dị
», và nhất định sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không,
« do or die » (hành động hay là chết). Nếu bà May có hai năm,
thì ông Johnson chỉ có ba tháng để biến những lời hứa được cho là bất
khả thi trên đây thành hiện thực.
Ra khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận (no-deal) bằng mọi giá sẽ là thảm họa, và The Economist
cho rằng Nghị viện Anh chỉ còn cách bỏ phiếu bất tín nhiệm tân thủ
tướng. Hoặc ít nhất chỉ cần lá phiếu của vài nghị sĩ để giải tán chính
phủ của đảng mình, sẽ là một sự kiện chưa từng có kể từ năm 1940.
Từ trái sang phải: Nữ dân biểu Ilhan Omar (bài Do Thái), Alexandria Ocasio-Cortez và Rashida Tlaib (cổ vũ chủ nghĩa xã hội). |
Xu thế thiên tả của Dân Chủ Mỹ
Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Point tuần này nhận định, đành rằng các tweet của tổng thống Mỹ Donald Trump bảo bốn dân biểu nữ da màu « quay về nguyên quán »
là tệ hại, nhưng cũng không nên giấu diếm một thực tế bao trùm. Đó là
vấn đề bản sắc sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tranh cử tổng
thống năm 2020 tại Hoa Kỳ.
Hiệp hội Democratic Socialists of
America (Dân chủ Xã hội Mỹ), mà Alexandria Ocasio-Cortez và Rashida
Tlaib - hai trong số bốn nữ dân biểu trên - là thành viên còn người thứ
ba Ilhan Omar là ủng hộ viên, là tổ chức lớn nhất ở Mỹ cổ vũ cho chủ
nghĩa xã hội, bất chấp các bài học thê thảm của Venezuela và Cuba.
Theo
Pew Research Center, có đến 46% cử tri Dân Chủ tự nhận có khuynh hướng «
tự do » (trong ngôn ngữ chính trị Mỹ có nghĩa là cánh tả), tăng 18 điểm
so với mười năm trước, còn số người « ôn hòa » sụt 7 điểm, chỉ còn 37%.
Donald Trump biết điều đó, và các tweet của ông nhằm chia rẽ đối thủ
hơn là huy động phe mình. Ông tìm cách làm cho Ocasio-Cortez, một người
cực đoan, và Omar, bài Do Thái kịch liệt ; xuất hiện như khuôn mặt thật
của Dân Chủ, gây bối rối cho phe Dân Chủ ôn hòa mà đại diện là bà Nancy
Pelosi.
Khung cảnh hội nghị quốc tế với 730 đại biểu của 44 quốc gia tại Bretton Woods, New Hamsphire, Hoa Kỳ tháng 7/1944. |
Thách thức phi toàn cầu hóa
Nhìn chung về kinh tế thế giới, Le Point cổ vũ cho « Một Bretton Woods mới chống lại phi toàn cầu hóa ».
Trong một thế giới đang trở nên bất ổn do chủ nghĩa dân túy và xu hướng
co cụm, các nhà lãnh đạo thế kỷ 21 đang phải đối đầu với cùng một thách
thức của năm 1944.
Cách đây 75 năm, từ ngày 1 đến 22/07/1944 đã
diễn ra hội nghị Bretton Woods tập hợp 44 quốc gia đồng minh, trong khi
các trận đánh vẫn đang ác liệt ở châu Âu và Thái Bình Dương. Mục tiêu là
chuẩn bị cho hòa bình và lập ra một trật tự kinh tế, tiền tệ ổn định,
tránh những sai lầm hồi năm 1918. Tiếp đến là sự ra đời của Quỹ Tiền tệ
Quốc tế (IMF) rồi IBRD (BIRD theo tiếng Pháp), tiền thân của Ngân hàng
Thế giới (WB).
Hệ thống tiền tệ của Bretton Woods biến mất cùng
với quyết định của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1971, chấm dứt việc
quy đổi đô la ra vàng, nhưng tinh thần vẫn được giữ nguyên. Đồng euro
được tung ra vào đầu năm 1999 nhằm ổn định thị trường tiền tệ châu Âu,
IMF chuyên tâm vào việc xử lý nợ công…Hệ thống đa phương Bretton Woods
cũng đã góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm
2008, nhưng cái giá phải trả là giai cấp trung lưu các nước phát triển
chịu thiệt thòi. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ tái xuất hiện,
song song đó Trung Quốc triển khai mô hình độc tài đối chọi với dân chủ,
và tìm cách xuất khẩu qua « Một vành đai, một con đường ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.