Anh Trần Quốc Cường thất thần vì sự ra đi đột ngột của mẹ - Ảnh: LÊ
VÂN
|
Bệnh nhân chết
do 4 giờ bị "bỏ mặc" ở Chợ Rẫy: Giỏi và uy tín để làm gì khi mà không
cứu người?
Bệnh nhân
Nguyễn Thị T (57 tuổi, ngụ Q8, TP.HCM) đã chết sau 4 giờ chuyển vào bệnh viện (BV)
Chợ Rẫy để cấp cứu nhưng gần như đã bị bỏ mặc không thăm khám cho đến khi chết.
Bệnh nhân này bị tiểu đường mãn tính, chiều ngày 9/7, bà hôn mê nên gia đình
đưa vào Chợ Rẫy cấp cứu.
Theo gia đình,
suốt 4 tiếng ở phòng cấp cứu, bệnh nhân được bố trí nằm trong phòng cấp cứu
nhưng không được các bác sĩ thăm khám. Con trai của bệnh nhân, anh Cường, nhiều
lần xin phòng cấp cứu chăm sóc mẹ anh nhưng bị các bác sĩ đuổi ra kèm theo lời
gắt của một cô y tá: "Đâu phải một mình mẹ anh bị hôn mê đâu, ở đây
biết bao nhiêu người hôn mê" (Báo Tuổi Trẻ đưa tin). Sau đó, bà T
ngưng tim, hạ huyết áp rồi qua đời.
Cũng theo anh
Cường, sau khi bà T mất, các bác sĩ Chợ Rẫy yêu cầu ký vào tờ giấy biên bản
thỏa thuận hai bên, trong đó có nội dung: Bệnh viện không chịu trách nhiệm, đã
báo trước với người nhà để nhận xác, nhưng gia đình không đồng ý ký và tự viết
giấy tay xin xác mẹ về mai táng.
Cũng trao đổi
với báo Tuổi Trẻ, phía BV Chợ Rẫy xác nhận bệnh nhân nhập cấp cứu trong tình
trạng tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường và được
lưu theo dõi tại khoa cấp cứu. Đến 23h10 ngày 9-7, bệnh nhân hôn mê, ngưng hô
hấp tuần hoàn.
Về trách nhiệm,
phía Chợ Rẫy cũng xác nhận: "Bác sĩ khám bệnh chưa có nhiều kinh nghiệm
xử lý trên bệnh nhân có nhiều bệnh nền, chưa nhận định chính xác tình trạng của
người bệnh, chưa tiên lượng được diễn biến có thể xảy ra. Trưởng tua trực cấp
cứu theo dõi chưa sát tua trực. Việc phân công, sắp xếp chưa hợp lý để phát
hiện và xử trí kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.Ngoài ra, một số
nhân viên trong tua trực cấp cứu có thái độ phục vụ và giao tiếp chưa tốt với
bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân" (Báo Tuổi Trẻ đưa).
Chợ Rẫy đã ra
quyết định đình chỉ công tác với bác sĩ khám ban đầu và trưởng tua trực cấp cứu
cho bệnh nhân T ngày hôm đó. Đồng thời, BV Chợ Rẫy đã xin lỗi gia đình người
bệnh về sự việc đau lòng này.
Quá tải hay
"bệnh nặng và chết" là bình thường ở Chợ Rẫy?
Tôi đã không ít
lần được bạn bè và người thân nhờ cậy xem có thể giúp được gì không, khi họ có
người nhà cấp cứu ở Chợ Rẫy.
Việc "nằm
chờ" để được cấp cứu, việc thiếu bình ô xy để thở, việc mãi không được
thăm khám, không phải là điều chưa từng xảy ra, ít nhất là trong những ca người
thân ấy. Nhiều lần tôi gọi nhờ các bác sĩ bạn bè thân với Chợ Rẫy, lưu ý dùm
những ca nguy cấp mà người thân đang nhờ ấy. Sau đó, các bệnh nhân cũng được
cấp cứu kịp thời.
Một điều áy
náy, nên tôi rất ngại phải nhờ: liệu cơ hội sống của bệnh nhân này có làm giảm
cơ hội sống của bệnh nhân khác không? Nhưng hầu hết với các bệnh nhân bị tai
biến phải đưa đến Chợ Rẫy, nếu ai đó nhờ, tôi chắc chắn bằng mọi cách để giúp
họ. Bởi với những bệnh nhân như này, cơ hội sống nhiều khi chỉ đếm bằng giây.
Thực lòng, tôi rất cảm ơn những người bạn cũng như các bác sĩ Chợ Rẫy đã khá
"kịp thời" nhưng cũng gờn gợn khi nghĩ về những bệnh nhân khác, có
thể là một trường hợp xấu số như bà T...
Nếu bạn từng
đến Chợ Rẫy, thì bạn đều tin, việc quá tải ở đây là có thật. Luôn luôn quá tải.
Đây là bệnh viện tuyến cuối, là nơi tập trung các bác sĩ đầu ngành và cũng là
nơi chuyên môn bác sĩ thuộc diện cao nhất, nên các ca nặng từ cả nước, thậm chí
khu vực đổ về từng phút; cũng như những ca cấp cứu nặng ở Sài Gòn.
Chúng ta cần
hiểu và thông cảm cho các bác sĩ trong tình trạng bệnh viện quá tải; nhưng
chúng ta không thể chấp nhận thái độ xem thường tính mạng của người bệnh, như
lời cô y tá kia: "Có phải một mình mẹ anh hôn mê sâu đâu?". Đó
là thái độ của một kẻ độc ác, coi rẻ mạng sống của người khác và hành xử thiếu
y đức hoàn toàn.
Đúng, bất cứ
bác sĩ hay cán bộ y tế nào làm việc ở Chợ Rẫy đều từng giờ chứng kiến các ca
quá nặng, chứng kiến việc "hôn mê sâu" như cơm bữa và chứng kiến cái
chết là bình thường. Nhưng "bình thường" đến mức bỏ cho chết cũng là
"bình thường" thì quả là quá độc ác. Các bệnh nhân khi đến đây là tìm
hy vọng sống cuối cùng, lẽ nào bị tước đoạt ngay tại nơi mà họ đang đến cưỡng
cầu một sự sống? Vậy người ta đưa bệnh nhân đến Chợ Rẫy để làm gì, dù các bác
sĩ ở đó có giỏi đến cỡ nào chăng nữa?
Giỏi và uy tín
về chuyên môn liệu để làm gì, khi mà không cứu người?
Trong ngành y,
không cứu người là một tội ác, nó gần như là giết người. Thực ra, nếu Chợ Rẫy
cảm thấy "đâu chỉ mình người nhà anh hôn mê sâu" thì giới
thiệu qua BV khác, ví dụ Đại học Y Dược, hay các bệnh viện giảm tải cho Chợ
Rẫy, khi mà bệnh nhân còn trong trạng thái tỉnh.
Tôi hoàn toàn
trân trọng các bác sĩ Chợ Rẫy, trân trọng uy tín của BV, hiểu về sự quá tải của
BV. Nhưng không bao giờ chấp nhận được việc từ chối cứu người cũng như sự lạnh
nhạt, xem cái chết là bình thường, trong suy nghĩ của một số y bác sĩ nơi đây.
Ví dụ như ca bệnh của bà T vừa rồi.
Nhưng bạn cũng
cần hiểu áp lực của các bác sĩ ở Chợ Rẫy cũng như các bệnh viện tuyến trên.
Thực tế thì khi giờ nào cũng quá tải, quá tải quá tải và quá tải đến mức nhìn
cái chết là bình thường, ở góc độ xa hơn, lỗi không còn thuộc về họ.
Mà là, nhìn một
góc độ khác, nhìn cảnh Chợ Rẫy và hầu hết các BV tuyến trên quá tải; nhìn cảnh
nhiều bác sĩ ra trường trầy trật để xin việc làm, tôi lại nghĩ về các tượng đài
nghìn tỉ, các khuôn viên nghìn tỉ và rất nhiều thứ nghìn tỉ khác ở cái đất nước
này. Giá mà cái nghìn tỉ ấy, những diện tích đất đai bao la ấy được nhường cho
việc xây các cơ sở của BV tuyến trên để cứu sống con người thay vì đúc tượng và
dành các quỹ đất mênh mông, cả nghìn tỉ cho những người đã chết dù họ có là ai,
có phải nên làm hơn không?
HOÀNG NGUYÊN VŨ
13.07.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.