mardi 23 juillet 2019

Nguyễn Quang Dy - Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông ?



Chiếc tàu  12.000 tấn Haijing 3901 đang xâm phạm vùng biển Việt Nam.

(NCQT 22/07/2019) Cách đây hơn ba năm, trong bài “Trung Quốc có thể làm gì tại Biển Đông” (29/02/2016), tôi đã ủng hộ lập luận của Alexander Vuving (APCSS/Hawaii) phản biện lại quan điểm của Lyle Goldstein (US Naval War College) vì không phù hợp với thực tế tại Biển Đông và vô tình tiếp tay cho Trung Quốc. Trong bài này, tôi cập nhật vắn tắt cơ hội và thách thức mới, và khuyến nghị Việt Nam có thể làm gì trong bối cảnh hiện nay tại Biển Đông.

Cập nhật diễn biến

Theo AMTI/CSIS (16/7/2019), trong mấy tuần qua, tàu HD-8 đã vào thăm dò dầu khí tại lô Riji 03 và Riji 27 (gần lô 06-01) trong vùng SEZ của Việt Nam, bị các tàu CSB và Kiểm Ngư của Việt Nam bám sát. Đồng thời, tàu hải cảnh Trung Quốc (Haijing 35111) đã khiêu khích 2 tàu Sea Meadow 29 và Crest Argus 5, đang phục vụ giàn khoan Hakuryu-5 của liên doanh PVN-Rosneft tại lô 06-01 (Lan Tây & Lan Đỏ), thuộc Nam Côn Sơn, phía tây-bắc Bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu 370km.

Những gì vừa diễn ra gần Bãi Tư Chính (7/2019) là sự “tiếp nối” những gì đã xảy ra trước đây (7/2017 và 3/2018) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), và là “khúc dạo đầu” cho tham vọng mới của Trung Quốc. Nói cách khác, đây là một ván cờ vây kéo dài (chưa có hồi kết) trong một “vùng xám” mà Trung Quốc có lợi thế, trong khi Việt Nam cô đơn, bị họ trùm chăn bắt nạt mà phải im lặng (để giữ “đại cục”).

Sau nhiều ngày im lặng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao đã lên tiếng một cách chung chung (16/7/2019) nhưng sau đó (19/7/2019) đã cụ thể và cứng rắn hơn: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam”.

Không chỉ người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mà cả người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lên tiếng (20/7/2019): “Hoa Kỳ lo ngại bởi tin tức về Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí tại Biển Đông, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam. Những hành động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhắm vào khai thác dầu khí ngoài khơi của các nước đòi chủ quyền khác, đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do rộng mở tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương…”

Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La (Singapore 1/6/2019) quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã công bố “báo cáo về chiến lược Indo-Pacific”, nhấn mạnh 2 điểm chính: (1) Phải sẵn sàng ứng phó với những đụng độ có thể xảy ra, (2) Tổ chức mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Với Việt Nam, Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng như Tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018), Mỹ cung cấp cho Việt Nam 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton (3/2018), 6 xuồng tuần tra tốc độ cao Metal Shark (4/2019), 6 máy bay trinh sát không người lái (ScanEagle), và một số máy bay huấn luyện (T-6 Texan II).

Ngày 17/7/2019, Đô đốc Philip Davidson (Indo-Pacific Commander), đã trả lời phỏng vấn về quan điểm của Mỹ đối với tham vọng của Trung Quốc muốn thống trị Châu Á. Ngày 19/7/2019, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã viết trên Twitter: “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”. Nhưng trong mấy tuần qua, khi Trung Quốc tập trận (29/6-3/7/2019), bắn thử 6 tên lửa diệt hạm YJ-12 (từ Trường Sa) và chiến hạm của họ tung hoành bắt nạt Việt Nam gần Bãi Tư Chính, người ta không thấy chiến hạm nào của Mỹ tại Biển Đông.

Gần đây, chiến hạm Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền, bắt nạt Malsaysia và Việt Nam vì có xu hướng “thoát Trung” (nhất là trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của TBT/CTN Việt Nam). Thực ra, Trung Quốc muốn ép Việt Nam phải hợp tác với họ, chứ không được hợp tác với Mỹ. Trung Quốc tìm mọi cách gạt Mỹ ra khỏi khu vực, để họ dễ độc chiếm Biển Đông. Nhưng theo Alexander Vuving, Mỹ vẫn chưa có chính sách rõ ràng về Trung Quốc.

Cơ hội và thách thức mới

Đặc điểm nổi bật của chính quyền Trump là đã điều chỉnh chiến lược để đối đầu với Trung Quốc như là “thách thức chính” (theo NDS). Tuy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung “vừa đánh vừa đàm” và Trump thay đổi bất thường, nhưng chủ trương chống Trung Quốc chắc không thay đổi trong vài thập kỷ tới, như “đồng thuận quốc gia mới” được lưỡng đảng và người Mỹ ủng hộ. Nói cách khác, đánh là chiến lược, đàm là chiến thuật, nên thiệt hại của Trung Quốc là khó lường, sẽ tác động tới cục diện Biển Đông.

Trong khi chính quyền Obama tránh căng thẳng với Trung Quốc, thực hiện tuần tra Biển Đông (FONOP) một cách chiếu lệ như “đi qua vô hại” (innocent passage), thì chính quyền Trump tỏ ra sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, triển khai tập trận và tuần tra Biển Đông quyết liệt hơn. Đến nay đã có 8 nước đồng minh tham gia tập trận và tuần tra tại Biển Đông. Đặc biệt trong đó bốn cường quốc (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) đã hình thành nhóm “tứ giác kim cương” (Quad) làm trụ cột cho tầm nhìn chiến lược mới “Indo-Pacific mở và tự do”.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc đó đồng minh Mỹ đã không can thiệp để bảo vệ Việt Nam Công Hòa. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo/đá tại Trường Sa (Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Châu Viên, Subi, Ga Ven), nhưng đồng minh Liên Xô (trong quân cảng Cam Ranh) đã không can thiệp để bảo vệ Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc vây chiếm bãi Scaborough (standoff), nhưng đồng minh Mỹ đã không can thiệp để bảo vệ Philippines. Năm 2017, Trump đã bỏ rơi TPP.

Vì vậy, các nước khu vực tuy cần Mỹ nhưng chưa tin Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ họ chống Trung Quốc đang muốn độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc coi Biển Đông là “vùng xám” để chơi cờ vây bằng “hạm đội dân quân”, thay đổi thực địa thành chuyện đã rồi. Nhưng xu hướng “thoát Trung” ngày càng tăng (như Malaysia và Bắc Triều Tiên), lo ngại phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ sa vào “bẫy nợ” vì “Sáng kiến Vành đai Con đường” là “thực dân kiểu mới” (lời Mahathir).

Nói cách khác, xu hướng “gần Trung” (nnhư Philippines) là tạm thời và chiến thuật (có thể đảo ngược), còn xu hướng “thoát Trung” (như Malaysia) là lâu dài và chiến lược (khó đảo ngược). Trong khi nhiều nước tỉnh ngộ và phản ứng lại để “thoát Trung”, như một xu thế tất yếu, thì một số nước khác vẫn đang lệ thuộc vào Trung Quốc và “đi dây”, làm cho  quá trình chuyển biến có thể kéo dài bất định. Không phải vì họ thích thú Trung Quốc, mà vì họ chưa tin vào Mỹ (vì chiến lược còn chập chững).

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như “con dao hai lưỡi”, làm Việt Nam “vừa lợi vừa hại”.  Vì vậy, Việt Nam cần khôn ngoan và năng động để tối đa hóa nguồn lợi và giảm thiểu thiệt hại. Nhưng nếu Việt Nam để các nhóm lợi ích thao túng, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc để trốn thuế vào Mỹ, thì sẽ “lợi bất cập hại” và mắc kẹt vào trò chơi quyền lực Mỹ-Trung. Gần đây, Trump đã nặng lời chỉ trích Việt Nam và đánh thuế 456% lên thép có xuất xứ từ Đài Loan hay Hàn Quốc là một tín hiệu xấu.

Việt Nam có thể làm gì

Về đối ngoại, Việt Nam cần “tái cân bằng chiến lược”, để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với các cường quốc khác trong “tứ giác kim cương” và khối EU. Trong bối cảnh đó, cần coi trọng quan hệ với Nhật vì có tiềm lực và vai trò lớn hơn trong khu vực. Quan hệ với ASEAN tuy quan trọng, nhưng vì họ đang bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, nên vai trò còn nhiều hạn chế.  Lợi ích chiến lược của Việt Nam không chỉ gắn với ASEAN mà còn gắn với vùng Indo-Pacific.

Về đối nội, Việt Nam cần nghiêm túc điều tra và xử lý các doanh nghiệp gian lận thương mại tranh thủ “đục nước béo cò”, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc (hay nước khác) thành hàng hóa “made in Vietnam” để trốn thuế nhập khẩu Mỹ. Nếu trước đây Việt Nam còn chủ quan, coi thường cảnh báo thì nay phải lĩnh hậu quả. Trong khi một số doanh nghiệp thủ lợi (trước mắt) thì quốc gia thiệt hại (lâu dài). Vì vậy, chuyến thăm Mỹ sắp tới của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng sẽ càng quan trọng hơn.

Về lâu dài, Việt Nam cần đổi mới thể chế và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, để phù hợp với luật chơi với Mỹ cũng như các nước khác (theo CPTPP và EVFTA). Nếu luật chơi của WTO chưa đủ làm Việt Nam thực sự hội nhập quốc tế, thì đây là cơ hội mới để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế theo hẳn cơ chế thị trường thực thụ. Nếu không chuyển đổi kịp thời, Việt Nam dễ thành nạn nhân, mắc kẹt vào đối đầu Mỹ-Trung.

Về truyền thông, muốn được quốc tế ủng hộ và bênh vực, Việt Nam phải lên tiếng vận động (như thời chống Mỹ). Vai trò truyền thông báo chí rất quan trọng nên Trung Quốc đã chú ý vận dụng “Tam chủng Chiến pháp” (trong đó có truyền thông). Trong khi báo chí Trung Quốc lên tiếng thì Việt Nam vẫn im lặng. Trong khi Trung Quốc có “Thời báo Hoàn cầu” (nay Jack Ma đã mua South China Morning Post), thì Việt Nam không có đối trọng.

Nhiều người có thể chỉ trích Việt Nam có thái độ hèn kém trước Trung Quốc, bị họ bắt nạt mà không dám kêu cứu. Nhưng Việt Nam (hay ASEAN) sẽ cứng rắn và kiên quyết hơn với Trung Quốc nếu: (1) được quốc tế ủng hộ mạnh (nhất là Mỹ), (2) tương quan lực lượng không quá yếu (nhất là trên thực địa), (3) Nội bộ đoàn kết và nhất trí (nhất là về “thoát Trung”). Chắc còn có những nguyên nhân khác, nhưng đây là những nhân tố thiết yếu.

Người Việt có câu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, như tấm gương Bà Trưng, Bà Triệu thời xưa, hay “đội quân tóc dải” thời chống Mỹ. Nhưng gần đây khi giặc đến nhà, đàn ông đàn bà đều phải im lặng để giữ “đại cục”.  Sau vụ dàn khoan HD-981 gây chấn động dư luận (và bạo lực), Việt Nam chắc rút kinh nghiệm “không làm to chuyện”, nên dẫn đến “thiếu hụt thông tin”. Nhưng đây chính là điều Trung Quốc muốn, để dễ bắt nạt Việt Nam trong vụ đối đầu hiện nay (7/2019) cũng như lần trước (7/2017 & 3/2018).

***

Tóm lại, trước bối cảnh trật tự thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam cần đổi mới thể chế chính trị để tháo gỡ các ách tắc và phát huy kết quả đổi mới kinh tế. Muốn độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải tự cường và dựa vào nội lực là chính, đồng thời điều chỉnh chiến lược và xoay trục để tăng cường hợp tác chiến lược với các nước cùng chia sẻ tầm nhìn và lợi ích chiến lược tại Biển Đông và khu vực Indo-Pacific.

NGUYỄN QUANG DY

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.