Từ đầu trận đến
giờ, tôi chưa từng viết nửa chữ về vụ Asanzo. Tôi không thích theo trend, không
muốn dây dưa với những câu chuyện đang chờ giải quyết. Lại càng không ưa gì chuyện
cố chứng minh, tỏ ra hiểu biết, cố góp lời vào dàn đồng ca tranh cãi đã quá ồn
ào, trong khi thật sự không chắc mình đã am tường mọi ngóc ngách sự việc.
Mọi bất đồng, văn
minh nhất là cứ để luật pháp giải quyết. Tôi ủng hộ việc Asanzo kiện báo Tuổi
Trẻ ra tòa. Ai đúng ai sai, không phải những lời lẽ sắc bén có, bẩn bựa có của
các cá nhân cầm bút mà sẽ do Tòa án quyết định.
Có điều, những ồn
ào vụ việc lại nhắc tôi nhớ một vụ khác, nghiêm trọng hơn nhiều. Những bạn có
thâm niên làm báo, hoặc thâm niên quan tâm các vấn đề báo chí trên 20 năm chắc
chắn sẽ còn nhớ vụ tôi sắp kể. Và vì thế, tôi sẽ không nêu tên cụ thể bất kỳ ai
có liên quan mà không lo chuyện người đọc sẽ nghĩ rằng tôi bịa.
Khoảng dịp hè năm
1999, qua đường bưu điện, tôi nhận được một tập hồ sơ dày cộp tố cáo một vụ
gian lận thương mại cực lớn. Hồ sơ rất chi tiết, kèm đủ bản chụp từ phiếu xuất
kho, hóa đơn, vận đơn (từng container một), hồ sơ thông quan của hải quan, giấy
kiểm nghiệm chất lương, vệ sinh an toàn thực phẩm, báo giá của đơn vị nhập khẩu
cho đại lý....
Số là Công ty S.
ở Vũng Tàu đã nhập một khối lượng bột ngọt Ajinomoto loại cánh kiến về Việt
Nam. Hóa đơn, phiếu xuất kho, vận đơn (hàng hải)... đều thể hiện số bột ngọt
này có xuất xứ từ Brazil, trong khi hồ sơ thông quan của hải quan và phiếu kiểm
nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại thể hiện rằng nó là hàng xuất
xứ từ Singapore.
“Mì chính cánh”
khi đó là mặt hàng rất hot, đủ để thành câu cửa miệng khẳng định chất lượng,
đẳng cấp từ hàng hóa đến con người. Điểm đáng quan tâm, nếu là xuất xứ từ
Singapore, quốc gia trong ASEAN, mỗi tấn bột ngọt chỉ chịu thuế nhập khẩu 100
USD. Nếu do Brazil sản xuất, nó phải chịu thuế 300 USD/tấn.
Thời điểm đó,
trên thị trường, bột ngọt Ajinomoto cánh kiến bản lẻ 15.500 VND/kg, trong khi tỉ
giá hối đoái 1 USD khoảng hơn 11.000 VND. Nhờ giảm được khoản thuế khoảng 200
USD/tấn, tức khoảng 2.200 VND/kg nên lô hàng bột ngọt của công ty S. đã có thể
hạ giá bán lẻ xuống chỉ còn 13.500 VND/kg.
Việc bán phá giá
này của công ty S. đã bóp một phát chết tươi tất cả các nhà kinh doanh bột ngọt
khác trên toàn quốc, đẩy họ vào phá sản. Lâu quá, tôi không nhớ chính xác bao
nhiêu container, song lượng hàng công ty S. nhập về và trốn thuế được, mỗi tấn
2,2 triệu VND, lên tới xấp xỉ 10 tỉ đồng.
Không cam tâm
khoanh tay ngồi chờ đối thủ cạnh tranh cắt họng, “hiệp hội” những nhà kinh
doanh bột ngọt toàn quốc đã tung “gián điệp kinh tế” đi điều tra thu thập chứng
cứ. Họ phát hiện ra rằng, trên toàn thế giới, chỉ duy nhất Brazil là quê hương
của bột ngọt Ajinomoto loại cánh kiến. Các giấy tờ thể hiện mặt hàng này có
xuất xứ từ Singapore đều là giấy tờ làm giả.
Việc chúng được
đóng dấu đỏ để hàng được tuồn ra thị trường hợp pháp, giúp công ty S. bán phá
giá, độc chiếm thị trường chắc chắn là do có sự thông đồng, hối lộ cơ quan chức
năng. Họ đã tập hợp được đầy đủ bằng chứng không thể chối cãi, đóng thành hồ sơ
gửi cho tôi, dặn đi dặn lại (qua điện thoại) là chỉ mình tôi biết, tôi độc
quyền, đừng chia sẻ nó cùng ai. Họ bảo không tin được ai, vì chắc chắn bên Công
ty S. đã “mua” hết!
Hồ sơ rất chắc
chắn, không có gì đáng nghi ngờ. Song, vì vụ việc quá lớn, số tiền sai phạm quá
khổng lồ, tôi không viết bài ngay mà bỏ công đi gặp tất cả các bên có liên
quan, từ người tố cáo, người bị tố cáo, các cơ quan nhà nước có liên quan, có
đóng dấu trên hồ sơ để xác minh, đối chất. Không một ai trong số họ phản bác
tính chính xác của bộ hồ sơ tôi đang có trong tay. Tôi yên tâm viết bài, chắc
mẫm rằng gã nhà báo trẻ là mình sẽ “nổ bom” động trời làng báo vì độc quyền
khui được một vụ siêu khủng, với những chi tiết không thể chính xác hơn.
Nhưng không giống
như tôi suy nghĩ, bài báo đã duyệt, Ban biên tập (BBT) vẫn đề nghị khoan đăng.
Lý do là khi đó công ty S. vẫn còn nợ báo ANTG một số kỳ quảng cáo (32 triệu
đồng), trong đó có cả quảng cáo chính mặt hàng bột ngọt Ajinomoto cánh kiến !
Nổ ra vụ này, Công ty S. sẽ...chết chắc, tài khoản bị đóng băng, có mà đến mùng
thất mới đòi được tiền.
Bộ phận phía Nam
của báo An ninh Thế giới (ANTG) được BBT yêu cầu gấp rút đi đòi hết tiền quảng
cáo. Khi nào đòi đủ tiền, khi đó bài báo của tôi mới được đăng. Người đi đòi
tiền hoàn toàn không biết gì về chuyện loạt bài báo tôi vừa viết. Mỗi người một
việc, ai lo phần nấy.
Những người tố
cáo liên tục hối thúc, hỏi thăm. Trong khi đó, gần như đồng loạt, những người
đứng đầu của các cơ quan có trách nhiệm, kể cả Tổng giám đốc công ty S. đều xin
gặp riêng tôi. Huỵch toẹt: sai phạm quá lớn, nếu vụ việc bị khui thì hàng tá kẻ
sẽ đi tù.
Bà Tổng giám đốc
nói rõ: ngoài việc công ty S. bị truy thu 10 tỉ trốn thuế, họ sẽ còn mất thêm
khoản tiền phạt vì tội này, có khi còn lớn hơn cả chục lần, lên đến 100 tỉ,
thừa đủ giật sập toàn bộ Công ty S. (Thời điểm đó, ngân hàng lớn như EXIMBANK
vốn điều lệ cũng chỉ 300 tỉ đồng). Bà và những người liên quan gây ra tội đi tù
đã đành, nhưng hàng ngàn CBCNV khác, vì công ty phá sản cũng sẽ lao đao. Đánh
vào lương tâm và sự mủi lòng, họ không mong tôi “tha” cho họ, chỉ xin tôi và
báo ANTG đừng “giết” hàng ngàn người lao động khác, vì họ không có lỗi. Đổi
lại, họ sẽ không thêm bớt. Tôi cứ mở tài khoản ngân hàng và nói cho họ biết số
tiền mà tôi muốn có.
Bà Tổng không nói
ra điều đó khi chỉ một mình, mà cố tình “bảo chứng” bằng sự có mặt của người
bên hải quan, bên vệ sinh an toàn thực phẩm cùng
chung xuồng. Chỉ một cái gật đầu, tôi sẽ có tiền tỉ - khoảng vài trăm lượng
vàng ! Vào thời điểm đó, một căn chung cư nhỏ, cũ – điều mà tôi luôn mơ ước
nhắm tới – giá chỉ khoảng 50 triệu đồng, tức 10 lượng vàng. Đề nghị của họ
khiến gã nhà báo đang ở nhà thuê là tôi phát sốt phát rét, suýt nữa ngất.
Nhưng tôi phải từ
chối, lý do là bài đã viết, đã nộp, quyền quyết định không thuộc về riêng tôi
nữa. Vả lại, tôi không thể trở bút, phản bội niềm tin của những người đã mang
hồ sơ đến và tố cáo. Giá bao nhiêu tôi không quan tâm, vì chắc chắn tôi không
bán. Tiền không phải, không thể là của tôi, lại quá lớn, tôi không muốn đùa với
cả lương tâm lẫn luật pháp.
Nhưng, trò đùa
chưa dừng lại. Phía công ty S. và những người chung xuồng giải thích rằng: nếu
viết sai sự thật mới lo luật pháp hỏi thăm, còn không đăng, không viết thì
không luật pháp nào xử tôi cả. Cả nước có hàng ngàn, cả vạn người viết báo,
không riêng gì tôi.
Nếu ngại, công ty
S. sẽ ký quảng cáo với báo qua tôi. Hợp đồng 2 bộ. Bộ tôi mang về cơ quan trị
giá 1, bộ công ty giữ lại sẽ có giá 2,3 hoặc 5 lần. Phần chênh lệch giữa hai
hợp đồng, tôi hưởng trọn. Hợp đồng quảng cáo sẽ kéo dài đến khi nào tài khoản
của tôi tròn số tỉ mới thôi, hoặc sẽ...bàn tiếp. Tiền sẽ trả trước và trả ngay,
tôi không cần phải đi đòi. Tôi sẽ là người nhận tiền, có hóa đơn, có đóng đủ
thuế thu nhập..., nghĩa là hoàn toàn hợp pháp, không ai phát hiện ra hay xử lý
gì được. Họ sẽ xuất 2 bộ hóa đơn thanh lý theo đúng số tiền đã ký trên mỗi bộ
hợp đồng. Việc tôi cần làm rất đơn giản: không đăng bài.
Tôi vẫn từ chối.
Tôi báo cáo hết toàn bộ vụ việc với cơ quan. Đánh giá vụ việc đã quá nghiêm
trọng, sau khi bàn bạc, báo ANTG đi đến thống nhất: không theo ý muốn bên nào
cả. Tôi ôm cả bài báo lẫn toàn bộ hồ sơ sang A24, Cục An ninh điều tra Bộ Công
an (sau khi thông báo rõ cho bên công ty S. và những người liên quan biết) để
báo cáo. Báo ANTG sẽ đăng bài ngay sau khi A24 xác nhận nội dung những gì tôi
viết là chính xác.
Tại A24, tôi toát
mồ hôi thêm lần nữa. Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) không cần đến tôi cung
cấp, họ cũng đã có đầy đủ trong tay toàn bộ chi tiết, ngóc ngách của vụ việc từ
trước. Đây là một vụ án lớn mà A24 đang thụ lý. Không như tôi biết, bộ hồ sơ ấy
không chỉ mình tôi có. Nó đã được gửi tới không dưới 20 nhà báo chuyên viết
điều tra, viết nội chính của nhiều tờ báo khác. Những người tố cáo gửi cho ai,
bên công ty tiếp xúc với phóng viên nào, A24 đều nắm rõ từng chi tiết.
Đại tá Nguyễn Văn
Hoạt, Cục phó A24 phụ trách phía Nam bảo tôi: “Cháu và báo ANTG đã làm việc cần làm, đúng đắn đấy. Vụ này rất nghiêm
trọng, ANĐT đang làm, cháu về nói với anh Hữu Ưóc đề nghị ANTG khoan đăng. Sau
hôm nay, phía Công ty S. sẽ không gọi, không hỏi gì cháu nữa đâu”. Còn
thượng tá Nguyễn Xuân Mừng, Trưởng phòng thì vỗ vai khi đưa tôi ra cửa: “Đúng gì, cậu vừa tự cứu mình đấy ông tướng
ạ. Suýt nữa cậu đã thành thằng mó dái ngựa”.
Mãi hơn hai năm
sau đó, đại án Công ty S. này mới được đưa ra xét xử, trong đó có nội dung án
từ về vụ gian lận xuất xứ bột ngọt Ajinomoto. Bà Tổng giám đốc lĩnh án tù chung
thân. Những người có liên quan khác đều khoác áo Juve với thời gian đằng đẳng.
Hàng trăm bài báo đã đề cập đến vụ việc trước và sau phiên tòa, không ai dám
lên tiếng bảo là báo mình độc quyền thông tin vụ việc, phóng viên báo mình là
cao thủ điều tra.
Suốt một năm
trước phiên xử, có vài chục đồng nghiệp của tôi đã thường xuyên bị “mời” lên
A24 ngồi “uống trà” để trả lời các câu hỏi của điều tra viên, câu nào cũng lờ
lợ vị mì chính cánh. Không ai trong số họ viết bài về vụ này. Người nhiều nhất
có nhận quà cũng chỉ mấy triệu (đã mất vì bạo bệnh). Người trẻ nhất là một cô
phóng viên báo bạn thỉnh thoảng cũng hay cà phê cùng tôi. Một phóng viên đàn
anh của tôi, nhân sinh nhật con trai, bà Tổng giám đốc có gửi tặng (qua phóng
viên báo khác) một chiếc đồng hồ hàng hiệu, nghe nói giá 1.200 USD. Nhưng khi
buộc phải nộp lại và đem giám định, trị giá thật của nó không quá 20 USD. Nhờ
thế mà sự "im lặng" của anh này được coi là không có tội tình gì, chỉ
bị cưỡng bức uống trà ít bữa trong suốt một năm.
Kể lại chi tiết
về vụ việc mà bản thân là người trong cuộc, tôi muốn bạn đọc quan tâm đến vài
ba điều tương đồng. Thứ nhất, đừng lấy việc “quyền
lợi người tiêu dùng không bị xâm hại” như phe ủng hộ Asanzo đang cố gào lên
để bảo rằng việc quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo là không sai gì cả. Người
tiêu dùng năm 1999 đã mua được bột ngọt Ajinomoto rẻ hơn 2.000 đồng/kg (16%),
nhưng công ty S. vẫn bị buộc các tội trốn thuế, gian lận thương mại, làm giả hồ
sơ cố ý khai báo gian dối về xuất xứ hàng hóa để trục lợi...
Bênh hay chống
báo chí, hay cố ý rình rập khủng hoảng truyền thông để ăn xác chết, bạn cũng nên
nghĩ cho kỹ, chỉ nói đúng điều mình nghĩ, đừng vì lý do hay động cơ khác. Yếu
đừng ra gió, muốn không ai biết thì đừng làm. Đừng mơ có ai đó sẽ vì bạn, yêu
kính bạn mà xả thân, cứu hay bảo kê cho bạn trước hiểm nguy và luật pháp. Chỉ
có sự trung thực của chính ta mới giữ được cho ta sự an toàn.
Kiếm tiền ngoài
nhuận bút, với tôi không hề là chuyện khó, phải nói chính xác là quá khó. Khó
đến mức những kẻ kém cỏi một cách bình thường như tôi chịu không làm được, cũng
không dám nghĩ đến chuyện làm. Không có ai là quyền lực, là cao thủ trong
chuyện viết cả.
Quyền lực thật sự nằm ở sự thật, không nằm ở các tuyên bố. Cao
thủ đến mấy người viết cũng chỉ có thể lừa, xỏ mũi được bạn đọc thiếu thông
tin. Còn với cơ quan luật pháp, cao thủ cũng chỉ múa gậy trong bị. Càng chủ
quan khi được đám đông tung hô, ngày bị “cưỡng bức uống trà cả năm” - mức nhẹ
nhất - càng đến rất gần.
Và cuối cùng,
phóng viên một tờ báo lớn không có nghĩa là một nhà báo lớn. Tương tác nhiều
như kiến lụt vỡ tổ, được tung hô nổ trời cũng không phải là FBker lớn hay cây
bút lớn. Nghề cầm bút không làm gì có lớn hay nhỏ, chỉ có tử tế, trung thực hay
không mà thôi.
Theo tôi, làm
nghề viết, đừng say sưa nói nhiều về bản lĩnh hay sự can đảm. Trong nghề này,
không có sự can đảm nào lớn hơn dám từ chối cái không thuộc về mình. Muốn ngủ
ngon, không lo bị đe dọa gì cả thì tốt nhất nên nghĩ đến điều đó, dù là làm hay
nhận.
NGUYỄN HỒNG LAM
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.