mardi 9 juillet 2019

Nguyễn Quang Duy - “Made in Vietnam” trong thương chiến Mỹ-Trung



Ông Phạm Văn Tam, chủ nhân Asanzo và cú lừa hàng Tàu hóa hàng Việt.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox Business, ngày 26/06/2019 vừa qua, Tổng thống Donald Trump công khai lập trường: 

“Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung QuốcChúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất trong số tất cả những kẻ lợi dụng.”

Ông Trump đã công khai rõ ràng Hà Nội đang tiếp tay cho Bắc Kinh, nên thiết nghĩ Hà Nội cần nghiêm chỉnh xem xét và thay đổi để tránh đưa Việt Nam vào cuộc chiến Mỹ-Trung. 

Thượng bất chính…

Vào ngày 14/3/2018, phát biểu tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giơ cao chiếc điện thoại di động hiệu Samsung lên khoe: “Rất có thể điện thoại thông minh của Samsung hiện đại nhất mà người Úc đang sử dụng hàng ngày đến từ Việt Nam vì theo Samsung khoảng ¾ lượng điện thoại này được sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam).”

Về lại Việt Nam được ai đó nhắc khéo nên tại một Hội nghị ở Hà Nội, ngày 19/12/2018, ông Phúc lại tuyên bố: “…nói Samsung là 100% nước ngoài là nhầm lẫn! Samsung có tỉ lệ sản xuất trong nước trước đây bằng 0 thì nay đã trên 30%.” 

…Hạ tắc loạn !

Đến Thủ tướng còn muốn biến hàng ngoại thành hàng Việt, nói gì các tư nhân chỉ biết chạy theo lợi nhuận làm giàu.

Báo Tuổi Trẻ vạch trần Asanzo nhập linh kiện, lột tem, xé nhãn Trung Quốc, lắp ráp thành sản phẩm dán tem, dán nhãn "Made in Vietnam", “Xuất xứ từ Việt Nam”“Hàng Việt Nam chất lượng cao” để bán giá thật cao.

Được báo Tuổi Trẻ phỏng vấn, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam cho biết: "Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu - cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường". Ông Tam thừa nhận: "Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam".

Asanzo bắt đầu doanh nghiệp vào cuối năm 2013, nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chỉ sau một năm Asanzo đã bán ra hơn 100.000 tivi. Đến năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỉ đồng, lên kế hoạch cho năm 2019 đạt doanh thu 10.000 tỉ đồng.

Hơn 6 năm mọi cơ quan công quyền, kể cả quan thuế và thuế vụ, đều không hay biết phải đợi đến khi bị phanh phui Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới ra lệnh vào cuộc điều tra. Pháp luật lỏng lẻo như thế nói gì việc vô số công ty Trung Quốc đang hoạt động trá hình tại Việt Nam. 

Pháp luật mù mờ

Chưa chắc Asanzo đã làm trái với pháp luật Việt Nam, vì ngay chính Samsung, 100% linh kiện nhập, vẫn nhìn nhận là hàng "Made in Vietnam". Luật hiện hành không rõ ràng nên dễ được giải thích một sản phẩm là "Made in Vietnam" khi giá trị gia tăng tại Việt Nam lớn hơn hay bằng 30% giá trị sản phẩm.

Các sản phẩm của Samsung có giá trị thương hiệu nên thu lợi nhuận rất cao. Hằng năm Samsung thu lợi nhuận trên 5 tỉ Mỹ Kim cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Vì thế nếu cộng thêm các chi phí khác giá trị gia tăng tại Việt Nam dễ vượt trên 30% giá xuất xưởng và xuất cảng. Phần giá trị gia tăng cho Việt Nam rất nhỏ, chỉ một vài phần trăm, nhưng Samsung là thương hiệu Đại Hàn và nước này đã ký Thỏa ước ngoại thương với Mỹ.

Asanzo khi nhập linh kiện từ Trung Quốc được miễn 10% thuế quan, các chi phí lắp ráp và giá thương hiệu hay mức lời rất cao, giá trị gia tăng cũng dễ dàng đạt trên 30% tổng giá bán ra nên cũng đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam.

Ngày nay hầu hết các nước, ngay cả Trung Quốc, đều có quy định thành luật cụ thể và rõ ràng về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa như made in/by/for…, produced in…, designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for..., không mù mờ như luật pháp Việt Nam.

Lạ một điều là Việt Nam đã bắt đầu thi hành CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), sẽ ký EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh Châu Âu) vào cuối tháng 6 này, lại vẫn chưa điều chỉnh luật để phù hợp với luật pháp các quốc gia khác.

Gần đây hàng Trung Quốc biến hóa thành hàng Việt Nam xuất cảng sang Mỹ tránh thuế đang rõ ràng gia tăng nhưng Hà Nội vẫn không tích cực ngăn chặn. Theo Báo Wall Street Journal ngày 26/6/2019 có hàng tỉ Mỹ Kim hàng hóa Trung Quốc tránh quan thuế Mỹ đi đường vòng vào Mỹ qua các nước Á Châu, đặc biệt là Việt Nam. Nếu Hà Nội không điều chỉnh lại luật pháp, buộc Mỹ phải trừng phạt, người dân Việt đã khổ sẽ phải khổ thêm. 

Nỗi đau của dân nghèo

Asanzo chủ yếu nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam, biến hóa thành hàng Việt để bán trong thị trường Việt Nam, nên thua thiệt là người tiêu thụ. Nhất là người ở thôn quê nghèo, ít tiền, không rành về thương hiệu và phẩm chất mặt hàng.

Asanzo phải đóng 10% thuế quan khi nhập một tivi từ Trung Quốc, nhưng nếu nhập vài linh kiện để lắp ráp tivi tại Việt Nam thì Asanzo được miễn khoản thuế này. Lỗ hổng luật pháp để Asanzo tránh thuế quan. Theo báo Tuổi Trẻ, Asanzo còn lập nhiều công ty ma để trốn và tránh thuế. Asanzo là một doanh nghiệp tư nhân lớn mà dễ dàng trốn và tránh thuế cả 6 năm như thế thì cần xét lại khả năng chuyên môn của cả Thuế Quan lẫn Sở Thuế của Việt Nam. 

Thất thu ngân sách như thế chỉ làm lợi cho những kẻ biết luồn lách còn thua thiệt vẫn chính là người dân. Chủ tịch Asanzo ông Phạm Văn Tam là một “Shark Tank” lại thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình VTV để “truyền cảm hứng” cho giới trẻ khởi nghiệp làm giàu giúp đất nước phú cường, vỡ lẽ ông lại là “cá mập” chuyên làm giàu trên xương máu dân nghèo.  

Niềm tự hòa công nghiệp hóa đất nước

Từ ngày miền Bắc quyết định tiến lên xã hội chủ nghĩa, Hà Nội đã theo mô hình Xô Viết thực hiện công nghiệp hóa đất nước đến nay đã trên 60 năm. Công nghiệp do đó luôn được Hà Nội ưu tiên, trước kia Hà Nội cho xây dựng các Tập đoàn nhà nước nhưng đều thất bại. 

Ngày nay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được nâng đỡ mọi mặt, nhờ thế thống lĩnh nền kinh tế Việt Nam. Không ít đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Con số này đang gia tăng khi hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế.

Tư nhân Việt đều nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Muốn lớn mạnh và làm giàu thì phải gian dối như Asanzo biến hóa hàng Trung Quốc thành “Made in Vietnam”. 60 năm ước mơ “Made in Vietnam”, kết quả là hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, công nghiệp hóa đất nước xem như thất bại.

Mượn cả mô hình phát triển

Ngay cả mô hình phát triển cũng mượn “Mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc” đổi lại thành “Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Một hình thức “Made in China” nay thành “Made in Vietnam”.

Trong khi Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp, 70% dân số vẫn sống ở nông thôn với một mức sống vô cùng thấp. Dồn nguồn lực để công nghiệp hóa thì phải dùng nguồn lực từ nông nghiệp, nông dân là thành phần phải chịu hy sinh. Công nghiệp hóa đã hoàn toàn thất bại, trong khi đồng bằng sông Cửu Long sông Hồng Hà xưa là vựa lúa nay người nông dân sống nghèo và thiếu thốn.  Đã đến là lúc Hà Nội phải nhìn nhận thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa.

Hà Nội cần thay đổi thể chế

Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc nhở Hà Nội đừng lợi dụng Mỹ. Như khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Tòa Bạch Ốc tháng 6/2017 ông nhắc về cán cân thương mãi mất quân bình, dự Hội Nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017 ông tuyên bố nhiều nước lợi dụng Mỹ. Ở Hà Nội tháng 2/2019, ông nói rõ sẵn sàng bán vũ khí cho Việt Nam cân bằng cán cân thương mãi Mỹ-Việt. Mua nhiều vũ khí Mỹ nghĩa là khi xảy ra chiến tranh phải phụ thuộc vào Mỹ, nếu không Mỹ dễ dàng khống chế số vũ khí này.

Ông Trump ngay trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước tiếp tay với Mỹ để chống lại xã hội chủ nghĩa, Hà Nội lại vẫn muốn đeo đuổi thứ chủ nghĩa này. Ông Trump đang tìm mọi cách để ép Trung Quốc thay đổi thể chế cộng sản, chấp nhận luật chơi chung cho các quốc gia theo kinh tế tự do, thì Hà Nội lại tiếp tay với Trung Quốc.

Chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung càng lúc càng trở nên khốc liệt, ngay trước mắt là Hà Nội cần giảm thiểu việc lệ thuộc vào Trung Quốc, không để nước này mượn đường “hàng Tàu nhãn Việt” hay đầu tư lắp ráp hàng Trung Quốc rồi tuồn hàng sang Mỹ.

Nhưng con đường đúng đắn cho Hà Nội là phải thay đổi thể chế, thực hiện một nền kinh tế tự do đúng nghĩa. Với một nền chính trị tự do và dân chủ, đưa đất nước thoát khỏi đau thương của chiến tranh Mỹ-Trung, hòa nhập cùng thế giới tự do.

NGUYỄN QUANG DUY (Tác giả gởi cho blog Thụy My)
Melbourne, Úc Đại Lợi 29/6/2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.