vendredi 12 janvier 2018

Le Dung - Ý niệm mong manh



Ảnh chỉ mang tính minh họa
Năm vừa qua là một năm có quá nhiều biến động về thời cuộc, xã hội và các sắc màu cảm xúc. Nó phơi bày, phô diễn những góc khuất sâu kín nhất, mà mỗi con người trong cuộc đời của mình, thường muốn cố che giấu đi.

Mới mấy tháng trước, người ta còn thấy Thanh Niên, Tuổi Trẻ nhận hàng tỉ đồng từ Vũ nhôm đi làm từ thiện. Họ, kín đáo ca ngợi hảo tâm. Họ, về nhà post lên Facebook mình những bức ảnh đầy tình thương và lòng trắc ẩn, không phân biệt xuất thân, nghèo giàu, chỉ có lòng thương vô bờ bến. Họ cùng nhà tài trợ sheo-fì cười tươi đầy ấm áp. Ít lâu sau, cũng chính họ quay ngoắt 180 độ vạch tội Vũ nhôm như Bao Công tái thế, kiểu tôi đã biết lâu rồi, có ngày nó sẽ chết.

Sau khi mất chức Bộ Chính trị, một ngân hàng đã tháo ảnh anh Thăng ngày còn mặn nồng cùng họ. Đến lúc đó anh vẫn mặn nồng, nhưng họ thì không. 

Ngân hàng không phải là nơi bỉ bôi hay đánh bóng chính trị. Ngân hàng cũng không phải là nơi chạy theo các xu thế của thời cuộc. Mà ngân hàng là nơi được trao gửi và nắm giữ niềm tin của số đông. Họ nắm trong tay tài sản lớn của hàng vạn người dân và hàng ngàn doanh nghiệp.

Khi họ đối xử với một người bạn, một người ơn, một người thầy, một người góp phần đem lại cho họ một khối tài sản và vinh dự to lớn bằng một hành vi hạ đẳng, vô ơn, tráo trở, thì đó là khi họ tự đem giá trị của chính mình ném vào trong vũng lầy thối tha đáng nguyền rủa của địa ngục trần gian. Và đó thật sự là điều đáng thương và bi phẫn nhất của giá trị cuộc sống nhân danh con người mới XHCN.

Báo chí từ chỗ tung hô mọi hành động của anh Thăng, kể cả những hành động được coi là ngô nghê nhất, như đeo găng vớt bèo hay đu dây cứu nạn, thì ngay lập tức sau đó, họ không từ bất cứ lời lẽ nào, từ chính thống đến trang cá nhân, dìm người ta xuống bùn đen ngay cả khi tòa chưa tuyên án, miễn đem đến cho họ niềm hoan lạc rừng rú mà họ cảm nhận được.

Từ cái chết của em bé người Việt ở Nhật tháng 3/2017, có thể thấy, còn hơn cả vô cảm và đê hèn. Đó là một lối truyền thông bạo tàn và phi nhân tính. Khi họ lao vào như chó đói, rỉa rói từng chi tiết cái chết vô tội của trẻ thơ một cách man rợ.

Họ đồng loạt phục dựng chi tiết cách thức giết người của một kẻ tội đồ nào đó, đay đi đay lại cái cách chặt xác người, cách cứa dao vào cổ nạn nhân với một sự khoái cảm bất tận về ngôn từ. Nhưng ngược lại, họ không bao giờ có lấy một lời tử tế cho những người lính đã chết vì chính thể của họ nhân sự kiện chiến tranh biên giới trước đó một tháng. Những người lính đã mất đi mạng sống trước họng súng của kẻ xâm lăng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đó là một nền báo chí khốn nạn hơn cả ấu dâm. Bởi ấu dâm chỉ hại một đứa trẻ, còn chúng nó, chúng nó làm băng hoại cả một thế hệ trong vòng quay của bạo tàn. Mỗi phóng viên là một chiến sĩ, mà sa trường là đồng bào, họ dùng khối óc và ngòi bút của mình, vẽ nên cuộc chiến làm hại tâm hồn những người trẻ. Dẫn lối cho họ vào mê cung hiếp dâm và giết người, bạo tàn và trụy lạc, với cuộc sống đầy hận thù nhỏ nhen và anh hùng giường chiếu.

Không có nơi đâu trên thế giới này, nơi mà người ta có thể tôn vinh than khóc một cái chết vì tuổi già, và im lặng đáng sợ với những sự hy sinh vì chính thể của hàng vạn người trẻ tuổi. Đó là sự im lặng đáng nguyền rủa. Đúng ra, thay vì đúc tượng của người chết già, họ phải tỏ lòng xót thương người chết trẻ, hoặc chí ít là song hành, nhất là khi những người trẻ đã chết đi vì đất nước. Bởi tổ quốc chẳng phải của riêng ai. Nhưng không.

Lạnh và vô cảm.
U mê, phàm tục và hỗn độn.
Xôi thịt và kệch cỡm.
Nơi chỉ có thể thấy “vẻ bất bình, mệt mỏi, chán nản, nhàn hạ và vắng bóng yêu thương” 


Chúng ta có thể tiếc nuối vua Quang Trung, nhưng lịch sử là lịch sử. Cho dù có vặn trái lịch sử đến mức nào, cũng khó có thể phủ nhận được, cương thổ quốc gia có được đến ngày hôm nay, gần phân nửa là nhờ công lao mở cõi của các vị Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi đến cực nam tỉnh Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Chu với Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Định, Đồng Nai, Sài Gòn. Chúa Nguyễn Phúc Chú với đồng bằng sông Cửu Long. Và Chúa Nguyễn Phúc Khoát với Hà Tiên, Sóc Trăng, Trà Vinh và phần lớn những miền biên viễn còn lại để làm nên Nam Bộ. Và chính con cháu của họ, vua Gia Long đã nhất thống cơ đồ ngày nay.

Nhưng lịch sử cho người trẻ học, đã không giành một vị trí xứng đáng cho họ, mà ngược lại, còn có phần bĩ bôi và chà đạp.

Không thể phủ nhận một điều, trên đất nước mà chúng ta đang sống, vốn dĩ trước đây đã tồn tại không dưới bốn quốc gia. Tuy thế, chỉ có duy nhất một chương ngắn cho vương quốc Chămpa ở năm lớp 6, điểm từ thế kỷ II đến thế kỷ X trong hai trang giấy mà hình ảnh đã chiếm đi 1/3.

Khi chúng ta đưa con vào bảo tàng lịch sử Việt Nam, một góc đồ sộ các di vật tìm thấy được, cho thấy sự tinh xảo của nền tảng mỹ thuật từ hoa văn đến chế tác, mà ngay cả công nghệ hiện nay cũng khó có thể làm đẹp hơn được. Đó là vương quốc Phù Nam.

Nhìn lại di sản văn hóa mà chúng ta được UNESCO công nhận, khó có thể chối từ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên khởi nguồn từ vương quốc Nam Bàn, Thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc Chămpa, Nhã nhạc cung đình Huế mang bóng dáng và kế thừa nền âm nhạc Chămpa một cách rõ nét, và cung đình Huế là một hình thái thu nhỏ của kiến trúc Trung Hoa cùng thời.

Nền tảng văn hóa quốc gia vốn dĩ như con voi, có bốn cái chân đạp lên bốn nền văn hóa mà chúng ta kế thừa. Chúng ta cũng có đến 54 dân tộc anh em khác nhau cùng sinh sống. Thế nhưng, thật đáng tiếc là cách truyền dạy cho thế hệ mai sau lại lật ngược con voi đó lại, coi người Kinh là xương sống, rồi chặt bỏ đi mấy cái chân làm điểm tựa vững chãi, trương cái bụng chềnh ềnh một cách thô kệch và dị hợm lên, để cho thấy được cái lớn lao của nền văn hóa thông qua diện tích tiếp xúc.

Khi đó, cái vòi mất chân cũng chẳng còn đâu chức năng kiếm tìm văn hóa để dưỡng nuôi cơ thể của nó nữa. Chỉ như cái mồm con đa, một đầu cắm vào cái bụng to tròn, còn đầu kia huơ huơ ngoe nguẩy như chỉ chăm chắm đi hút máu, mà không thể nào xê dịch được.

Nó bất lực trong chính cái sự kỳ vĩ, to lớn do chính mình vẽ ra. Đó không chỉ là một ý niệm mong manh về tương lai được vẽ trên nền quá khứ chổng ngược và bất biến, muôn năm và vĩ đại, mà nó còn cho thấy sự thiển cận và mù quáng của ý niệm đương thời.

FB LE DUNG 09.01.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.