mardi 30 janvier 2018

Hoàng Thu Hường - Vietjet và «văn hóa» thết đãi da thịt phụ nữ



Thật ra những vụ phơi da thịt trên máy bay Vietjet không phải scandal đầu tiên, và sẽ không bao giờ là lần cuối cùng. Vietjet nhận phản ứng dữ dội đúng vào thời điểm cả nước đang ở cao trào cảm xúc, mấy cô người mẫu đụng vào thần tượng của họ nên các cô và hãng hàng không xác định là “lĩnh đủ”.

Đây chỉ là một vụ việc đỉnh điểm diễn ra trước hàng vạn con mắt. Nhưng thứ văn hóa coi da thịt phụ nữ là mặt hàng thết đãi, giải trí từ lâu vẫn diễn ra khắp nơi. Từ những quán bia vỉa hè, các cô tiếp thị bia trong bộ váy không thể cũn cỡn hơn lượn qua lượn lại. 

Tôi thành thực băn khoăn không biết độ ngắn của váy các cô có tương thích với số bia bán ra hay không. Chỉ biết rằng nó ngầm tạo ra một loại luật chơi bất thành văn: chỗ nhậu nhẹt không dành cho đàn bà (được cho là) tử tế, có tự trọng, còn đàn ông thì thoải mái thể hiện phóng túng. Mặc định rằng những cô gái bước vào những nơi đó phải chấp nhận sự suồng sã trịch thượng.

Tệ hơn, thứ văn hóa thết đãi da thịt này còn xuất hiện cả trong bữa tiệc quốc gia như APEC. Để thấy rằng nó phổ biến đến nỗi người ta tin rằng thế là trọng khách, thế là thết đãi, thế là hay ho lắm. Giống như bữa tiệc rượu nào cũng phải gọi phụ nữ “tiếp” như chuyện của mấy cô giáo mới đây. Bàn tiệc nào cũng “ban phát” cho những người phụ nữ “cơ hội” ngồi cạnh “sếp A” “ngài B”… bất chấp người ta có thích thú gì hay không; chưa nói việc phơi da thịt suồng sã.

Tôi luôn tin những người đàn ông tử tế lịch lãm chẳng thích thú gì khi nhìn những người phụ nữ chờn vờn da thịt trước mặt mình, nếu không ở phòng ngủ. Chưa nói họ bị sao nhãng ảnh hưởng đến công việc và hình ảnh, thì việc khiêu khích khiếm nhã – một cách quấy rối tình dục – chắc chắn làm họ khó xử, và chắc chắn không thể tôn trọng những người làm trò và bày mấy trò đó. Trừ phi anh ta là loại “bựa”, “bựa” rồi thì bó tay chứ bình luận gì nổi.

Sự việc một hãng hàng không dùng màn trình diễn “bựa” để chào đón Đội tuyển U23 Việt Nam không đơn thuần là một tai nạn trong việc chuẩn bị kịch bản. Nó thể hiện sự thiếu hụt chuẩn mực về văn hóa cư xử nơi công cộng, kiến thức cơ bản về quyền con người, và ý thức xây dựng thương hiệu bền vững trên nền tảng là sự tử tế, chân thành.

Khách hàng trên chuyến bay vừa qua không chỉ là các cầu thủ trẻ vừa giành vinh quang. Họ còn là những khách hàng và là các cá nhân với đầy đủ quyền và giá trị của họ. Họ có quyền giữ gìn sự riêng tư, không bị làm phiền, dù đó là những người mẫu hở hang hay một cá nhân nào khác. 

Việc hãng bay đơn phương thay đổi dịch vụ (ở đây là tự động thêm màn trình diễn người mẫu), họ đã vi phạm vào quyền riêng tư và cam kết dịch vụ ban đầu với khách hàng. (Đừng nói là hãng tài trợ miễn phí thì hãng thích giở trò gì thì giở. Không phải mời người ta bữa cơm thì anh muốn tọng vào mồm người ta cái gì thì tọng).

Về nguyên tắc, hãng bay phải hỏi ý kiến khách hàng trước khi cung cấp dịch vụ. Về mặt con người, trước khi quyết định đưa người mẫu ra trình diễn, đơn vị tổ chức phải tôn trọng ý kiến, cảm xúc, sự cộng tác của khách hàng, ở đây là các cầu thủ. Họ đã rất mệt mỏi và cần được yên tĩnh.

Chính sự bất chấp phá vỡ mọi nguyên tắc trong cung cấp dịch vụ, không đếm xỉa đến sự hợp tác của đối phương, và đánh giá sai hoàn toàn cảm xúc/thẩm mỹ của công chúng (tưởng thế là hay lắm), chỉ quan tâm đến mục đích cho mình khiến doanh nghiệp bị phản ứng mạnh mẽ.

Thứ tư duy hành xử rẻ tiền này sẽ không chỉ xảy ra ở Vietjet. Nó sẽ còn tạo scandal ở chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác, đơn giản là “bựa quen rồi, tử tế không chịu được”.

Đối mặt với những thứ này chỉ có cách “Xin thí chủ hãy nhận của tại hạ một đạp!” như cách nói của cư dân mạng mấy hôm nay.

FB HOÀNG THU HƯỜNG 29.01.2018 (Tựa do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.