Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Ảnh TTXVN |
(Thanh Niên 22/01/2018) 'Di sản' nổi bật nhất
của ông Đinh La Thăng là hàng chục dự án BOT giao thông không đúng bản chất tốt
đẹp của BOT, tạo ra nhiều bất cập, khó khăn mà giờ đây chúng ta đang phải tập
trung xử lý.
Hôm nay, sau 5 ngày nghị án, TAND TP.Hà
Nội sẽ tuyên án vụ "cố ý làm trái
quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và
"tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và
Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là phiên tòa đầu tiên được tiến
hành trên tinh thần cải cách tư pháp về cả nội dung lẫn hình thức; trong suốt 7
ngày tranh tụng, các luật sư đã được tạo điều kiện tranh biện một cách đầy đủ,
có nhiều thời gian để bào chữa. Báo chí cũng được tạo điều kiện tối đa, người
dân được biết nhiều hơn các thông tin tự nhận tội, xin tha lỗi cũng như những
lập luận biện hộ cho các bị cáo. Tuy nhiên diễn biến tại tòa chưa cho thấy hết
tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án này và những sai phạm khác vốn chưa
được đưa ra xét xử.
Hậu quả nghiêm trọng khôn lường
Con số 119 tỉ đồng thiệt hại mà các cơ
quan tố tụng chứng minh được và con số 13 tỉ đồng tham ô, tạo cảm giác “hậu quả” có vẻ như “ít nghiêm trọng” hơn những gì mà nhiều người dân chờ đợi. Trên
thực tế, đây chỉ là mức thiệt hại ban đầu được định lượng trong khi hành vi cố
ý làm trái của các bị cáo đã làm cho thời gian thực hiện dự án Nhiệt điện Thái
Bình 2 kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỉ đồng, số tiền nếu
phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD.
Đặc biệt, hàng nghìn tỉ đồng vốn tạm
ứng đã được sử dụng tùy tiện, trái nguyên tắc, gây thất thoát rất lớn mà kết
luận điều tra chưa thể làm rõ hết.
Đây cũng là sai phạm điển hình của PVN
trong những năm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng
trách cao nhất của tập đoàn. Thực tế cho thấy, bằng việc đầu tư, góp vốn tràn
lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm đã dẫn tới việc kinh
doanh thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng ở nhiều dự án
khác nữa chứ không riêng gì hai vụ được đem ra xét xử.
Trước tòa, các bị cáo khai rằng, dù
biết sai vẫn không ai dám làm trái ý Chủ tịch Đinh La Thăng. Cách làm của bị
cáo Thăng, xét trên toàn cục các vi phạm thì không phải là quyết đoán, táo bạo
mà là bất chấp pháp luật, bất chấp hậu quả. Cung cách lãnh đạo này, không chỉ
đưa chính ông Thăng ra tòa mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các
cấp của tập đoàn bị xử lý. Đau xót hơn, trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều
người đã từng là những chuyên gia có đóng góp to lớn trong ngành dầu khí.
Không “động cơ tư lợi” thì là gì ?
PVC - thành viên của Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PVN) - do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch hội đồng quản trị, Vũ Đức
Thuận làm tổng giám đốc (từ 2008 - 2012). Năm 2010 do việc đầu tư dàn trải,
không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân
đối nghiêm trọng. Để cứu vớt con tàu đang chìm đắm, thay vì có các giải pháp
căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao cho PVC gánh vác thêm các
khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC với giá trị lên tới 793
tỉ đồng. Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá
trị đầu tư 3.460 tỉ đồng/2.500 tỉ đồng vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền
đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn
rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án
nhiệt điện lớn nhưng ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch của PVN vẫn giao
cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - một công
trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu.
Các công tố viên cho rằng, hành vi này
là “vì lợi ích và động cơ cá nhân”. Đúng
vậy, nếu không là động cơ cá nhân thì là động cơ gì mà một dự án chưa được phê
duyệt, chưa có thiết kế FEED, chưa dự toán…, chưa có hồ sơ dự thầu và các thủ
tục pháp lý khác có liên quan, ước giá trị lên tới 1,2 tỉ USD lại được giao cho
một nhà thầu không có kinh nghiệm thi công và năng lực tài chính?
Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng
ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, khai biết hợp đồng EPC số 33 có vấn
đề, đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng, đề nghị tập đoàn xem xét
có ý kiến nhưng không ai trả lời. Ông Chương khai, ban phải thực hiện việc
chuyển tiền tạm ứng cho PVC bởi bị “sức
ép của lãnh đạo PVN”, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn. Trả lời HĐXX, bị cáo
Nguyễn Xuân Sơn khai việc ký “công văn
hỏa tốc”, cho PVC tạm ứng với “yêu
cầu chuyển tiền ngay trong ngày”, là thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch
Tập đoàn Đinh La Thăng. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 - 31.5.2011),
PVC đã được PVN “tạm ứng” 1.000 tỉ
đồng và 6,6 triệu USD trái quy định. Trong đó, 1.115 tỉ đồng đã bị PVC sử dụng không đúng mục đích.
Tại tòa, hầu hết các bị cáo đều khai
nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách
nhiệm như cáo buộc mà đổ cho “trách nhiệm
của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện”. Bị cáo Thăng chỉ thừa nhận
trách nhiệm là người đứng đầu, “do sức ép
về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường
xuyên”.
Đâu chỉ có bấy nhiêu sai phạm
Không chỉ phạm sai lầm trong chỉ đạo
đầu tư, can thiệp trực tiếp tạo ra sai phạm trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2,
ở vị trí là Chủ tịch PVN (2006 - 2011), ông Thăng còn biến mình và các cộng sự
vốn là cán bộ cấp cao của PVN thành bị cáo trong vụ án thiệt hại 800 tỉ đồng
xảy ra tại Ocean Bank.
Ông Đinh La Thăng cũng “ghi dấu ấn” trong các dự án thua lỗ
nghìn tỉ khác của ngành dầu khí: Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất,
Nhà máy ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất…
Đặc biệt, cũng với kịch bản “tiền trảm hậu tấu” kiểu như ở dự án
Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng đã đẩy PVN sa lầy và mất trắng cả chục ngàn
tỉ đồng ở dự án liên doanh khai thác dầu tại Venezuela. Bằng những con số báo
cáo không thật, dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN đã ký hợp đồng lập
liên doanh với Venezuela vào tháng 6.2010, trước khi các cấp có thẩm quyền
chính thức cho phép, bất chấp cảnh báo rủi ro của các bộ ngành liên quan. Nhưng
điều đáng nói hơn, trong bản hợp đồng này, PVN đã chấp nhận những điều khoản
cực kỳ vô lý, chẳng hạn như trả phí (1 USD/thùng dầu) bất kể có dầu hay không.
Trong vòng 30 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết, PVN phải trả cho đối tác
584 triệu USD tiền mặt.
Tính từ tháng 5.2011 đến tháng 5.2012,
PVN đã nộp cho đối tác 442 triệu USD mà không có một giọt dầu nào được tìm
thấy. Năm 2013 (khi ông Thăng đã yên vị Bộ trưởng GTVT), ban lãnh đạo mới của
PVN phải “cứu” 142 triệu USD cuối
cùng bằng quyết định đơn phương chấm dứt liên doanh, chấp nhận mất 442 triệu
USD “phí tham gia”, mất luôn 90 triệu
USD tiền góp vốn (tương đương khoảng hơn 11.000 tỉ đồng).
Cũng cần phải nói thêm rằng, mãi tới
ngày 25.10.2010, cấp có thẩm quyền mới đồng ý về mặt nguyên tắc cho PVN đầu tư
vào Venezuela, nhưng từ ngày 29.6.2010, ông Đinh La Thăng đã cho ký hợp đồng
với phía Venezuela. Hợp đồng này mặc dù có nhiều rủi ro đã được các bộ ngành
cảnh báo, đã đặt các cấp thẩm quyền trước “sự
đã rồi” dẫn đến những tổn thất vô cùng to lớn.
Khi ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng,
ngành giao thông được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng, hạ tầng
giao thông được cải thiện dù có công đóng góp của ông Thăng, đa phần là thừa
hưởng thành quả đầu tư từ các nhiệm kỳ trước (đưa vào sử dụng trong nhiệm kỳ
của ông). “Di sản” nổi bật nhất của
ông Đinh La Thăng là hàng chục dự án BOT giao thông không đúng bản chất tốt đẹp
của BOT, tạo ra nhiều bất cập, khó khăn mà giờ đây chúng ta đang phải tập trung
xử lý.
Ông Thăng đã từng được ghi nhận là cán
bộ trẻ, năng động, là nguồn để đào tạo, bổ sung nhân sự lãnh đạo cao cấp. Chính
vì vậy, từ một cán bộ tại Tổng công ty Sông Đà, ông Thăng đã trưởng thành qua
nhiều vị trí quản lý cho đến khi từng là lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính
trị. Công của ông - về “bề nổi” đã
được tưởng thưởng.
Sai phạm của ông, đã bắt đầu ngay từ
khi chưa giữ những cương vị cao, đã chậm được phát hiện; có thể nhờ khéo léo
che đậy. Và khi được phát hiện từng phạm sai lầm thì ông Thăng phải được xét xử
nghiêm trong cái lẽ công bằng. Đây là vụ án đầu tiên xử ông Thăng với vai trò
chủ mưu; việc truy cứu trách nhiệm của ông còn đang tiếp tục. Chắc chắn các cơ
quan tố tụng sẽ lần theo sát các “dòng
tiền” và chứng minh động cơ cố ý làm trái của ông Thăng.
Công cuộc đấu tranh
chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã chứng minh là không hề có vùng cấm;
quan chức phạm pháp đều phải bị xét xử nghiêm khắc, bị thu hồi tài sản do tham
ô mà có, cho dù họ ở bất kỳ cương vị nào.
Ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện
trưởng Viện KSND tối cao: Mức án đề nghị đã có giảm nhẹ rất lớn cho bị cáo
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, một nguyên Ủy
viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử với tội đặc biệt nghiêm trọng là tội cố ý
làm trái. Điều này khẳng định quan điểm “không
có vùng cấm” của Tổng bí thư. Lâu nay người ta vẫn nói “đánh tham nhũng chỉ
từ vai trở xuống”, hay chỉ hô hào “tăng
cường, đẩy mạnh”, thì lần này đã chứng minh việc chống “giặc nội xâm” đã đi vào thực chất, mở ra sự tin tưởng của nhân dân
vào quyết tâm của Đảng.
Có nhiều dư luận khác nhau xung quanh phiên tòa. Tuy
nhiên, tội cố ý làm trái với trường hợp này là đặc biệt nghiêm trọng với khung
tối đa lên tới 20 năm tù. Việc Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử với mức án
14 - 15 năm đối với bị cáo Đinh La Thăng là hoàn toàn phù hợp, là đã cân nhắc,
xem xét đến quá trình cống hiến của bị cáo. Tuy nhiên, việc áp dụng mức án cụ
thể như thế nào còn phải phụ thuộc vào quá trình nghị án của Hội đồng xét xử.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.