lundi 22 janvier 2018

Một nén hương lòng gửi tới Hoàng Sa



Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên.
Nhân kỷ niệm 44 năm Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm (17/01/2018), một số tờ báo nhà nước Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên có đăng các bài viết về trận Hải chiến Hoàng Sa oai hùng. Một tờ khác là Giáo Dục VN đăng loạt bài 4 kỳ của tiến sĩ Trần Công Trục về sự kiện bi tráng này. Xin giới thiệu với bạn đọc những bài viết hiếm hoi trên báo chí nhà nước, vẫn giữ nguyên những từ ngữ thuộc loại « cấm kỵ » lâu nay như « Việt Nam Cộng Hòa », « Ngô tổng thống »

(GDVN17/01/2018) - Hải quân Việt Nam Cộng Hòa hạ quyết tâm bằng mọi giá phải giành lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đuổi địch ra khỏi đảo.

Hàng năm, cứ vào thời điểm khởi đầu của một năm mới, có rất nhiều việc để làm, để nhớ, để chiêm nghiệm trong cuộc sống thường nhật, vốn quá bề bộn của mỗi một chúng ta. Trong số đó, có những sự kiện không thể nào quên đối với mỗi một người con đất Việt.

Những ngày này, ký ức nhóm đảo Lưỡi Liềm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm từ trong tay lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở đây lại ùa về. 

Từ đó đên nay, mặc dù 44 năm đã trôi qua, dư luận người Việt Nam ở trong và ngoài nước vẫn đang tồn tại những thông tin về diễn biến cụ thể, cũng như những ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. 

Để góp phần làm sáng tỏ hơn về trận hải chiến bi hùng này, chúng tôi xin được hệ thống và cung cấp thêm một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được từ hồ sơ lưu của lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

Chúng tôi xin ôn lại sự kiện bi tráng này, như nén tâm hương tưởng niệm tất cả những người con Đất Việt đã vị quốc vong thân để cho chúng tôi có cuộc sống hôm nay trên dải đất hình chữ S, đồng thời nhắc nhau nhớ rằng, vẫn còn một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa trở về với Tổ quốc!

Phối cảnh khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Trung Quốc dã tâm ngầm chiếm đảo

Ngày 11/1/1974, theo nguồn tin của Thông tấn xã AFP, Việt Nam Cộng Hòa biết được tin Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm cứ bất hợp pháp quần đảo này. 

Trước tình hình đó, ngày 16/1/1974, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Vương Văn Bắc tổ chức họp báo tố cáo Trung Quốc huy động tàu chiến xâm phạm lãnh hải quanh các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và đổ quân lên các đảo này.   

Phán đoán được âm mưu của Trung Quốc trong việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, nên ngày 14 tháng 1 năm 1974, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển của Việt Nam Cộng Hòa ra chỉ thị, lệnh cho một chiến hạm đến quần đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ đưa viên trưởng Ty khí tượng bị bệnh nặng về Đà Nẵng và quan sát tình hình. 

Lực lượng cùng đi có ba sĩ quan và hai nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 và một nhân viên Tòa lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng (tên là Cetald E.Kóh) đang công tác trên đảo Hoàng Sa (Pattle). 

Theo đó, lúc 6 giờ tối 14/1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) được lệnh rời Đà Nẵng đi Hoàng Sa.

Sáng ngày 15/1/1974, tuần dương hạm HQ16 đến Hoàng Sa, phát hiện  trên đảo Hữu Nhật (Robert) có cắm cờ Trung Quốc và gần đó có một “tàu đánh cá” Trung Quốc, mang tên Nam Ngư, số 402. 

Đây là loại “tàu đánh cá” có vũ trang, đài chỉ huy ở giữa, hai bên gắn ăng-ten cần loại PRC 25. Vỏ tàu bằng sắt, mũi hình chữ V, trọng tải 130 tấn, trên boong trước có ba xuồng cấp cứu nhỏ và một xuồng bằng sắt, vũ trang đại bác 25 ly. 

Nhân viên đài khí tượng đảo Hoàng Sa (Pattle) cho biết, “tàu đánh cá” nói trên của Trung Quốc đến từ 10/1/1974 và trước đó khoảng một tháng cũng có một chiếc như vậy, nhưng đã rời khỏi đảo. 

Tàu HQ16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi đảo Hoàng Sa (Pattle), nhưng tàu này không đáp ứng. Tuy nhiên sau đó, vào buổi chiều, tàu Trung Quốc nói trên đã tự động rời khỏi đảo. 

Đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ảnh TTXVN
Tàu HQ16 trở lại neo đậu tại đông nam đảo Hoàng Sa (Pattle) cách khoảng 1 hải lý. 

Tiếp đó, sáng 16/1, tàu HQ16 rời đảo Hoàng Sa (Pattle) đi quan sát các đảo khác và nhận thấy đảo Quang Hòa đã bị chiếm đóng công khai, trên đảo có chòi canh, vọng gác cao, gắn cờ Trung Quốc. 

Một chiếc tàu vũ trang di chuyển quanh đảo. Tàu này rời Quang Hòa theo hướng tây bắc vào giữa buổi sáng. 

Đảo Duy Mộng không có người, nhưng có hai tàu nhỏ, nên tàu HQ16  không thể quan sát được. Tàu HQ16 rời Quang Hòa và Duy Mộng đến đảo Quang Ảnh và nhận thấy trên đảo có cắm cờ Trung Quốc. 

Nhân viên tàu HQ16 đổ bộ 16 nhân viên thám sát, phát hiện trên đảo có 6 nấm mộ, 4 cũ và 2 còn mới, trước mỗi nấm mộ đều có gắn bia đá và chữ Trung Quốc. 

Ngoài  ra còn phát hiện thấy một vỏ lựu đạn Trung Quốc, một chai rượu Suntory còn ít rượu, một hầm trống làm bằng thùng đạn. Nhân viên tàu HQ16 đã gắn hai lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trước khi rời đảo về tàu. 

Tàu HQ16 tiếp tục di chuyển về phía đảo Hữu Nhật phát hiện thấy ở tây nam đảo khoảng 1,5 hải lý có hai “tàu đánh cá” vũ trang Trung Quốc neo cách nhau khoảng 20m mang số 402 và 407. 

Từ chiếc 407, quân Trung Quốc đang dùng xuồng di chuyển khoảng một trung đội sang chiếc 402.

Biết được thực trạng trên, chiều ngày 16, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tăng cường tàu HQ4 ra Hoàng Sa, chở theo một trung đội biệt hải, đồng thời chỉ thị cho tàu HQ16 sử dụng một tiểu đội chiếm giữ đảo Quang Ảnh.

Mặt khác, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã báo cáo tình hình về Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 (QĐ1- QK1). 

Các cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Wikipedia.
Chuẩn bị chiến đấu giành lại chủ quyền

Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho khối hành quân và Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển báo cáo sự kiện lên Bộ Tổng Tham mưu;

Đồng thời chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải trình bày trực tiếp với Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, nhân khi ông đến thăm Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải, ngày 16/1/1974. 

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho Tư lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên hải, Phó đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. 

Đồng thời, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa triệu tập Hội đồng Nội các họp bàn về việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. 

Cũng trong buổi chiều hôm đó (16/1), Tư lệnh Hải quân tham dự phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nội các. 

Sau khi Tham mưu phó cuộc hành quân thuyết trình về tình hình quần đảo Hoàng Sa, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu kế hoạch tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng. 

Theo đó, ngày 17/1/1974 Bộ Tư lệnh Hải quân ban hành Lệnh hành quân số 42 cho Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải thi hành. 

Phối hợp hành quân, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân cùng Bộ Tham mưu luôn làm việc bên cạnh Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, đồng thời Bộ tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 cử một Trung tá tham dự. 

Kế hoạch hành quân tái chiếm các đảo bị Trung Quốc chiếm đong được triển khai làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Chiếm lại các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm đã bị quân Trung Quốc chiếm trái phép và cắm cờ. 

Các đảo này theo thứ tự từ trái sang phải gồm: Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond).

Giai đoạn thứ hai: Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, sẽ tuần tiễu và rải quân bảo vệ các đảo còn lại, trên mỗi đảo sẽ có một nửa tiểu đội chiếm giữ.

Lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa tham dự cuộc hành quân này gồm: một khu trục hạm HQ4 (Trần Khánh Dư), hai tuần dương hạm là HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ16 (Lý Thường Kiệt), một hộ tống hạm HQ10 (Nhật Tảo), hai toán biệt hải gồm 31 người do Sở phòng vệ Duyên hải tăng cường, bốn toán Hải kích gồm 60 người do Liên đội người nhái tăng cường. 

Thành phần yểm trợ và dự bị gồm một đại đội địa phương quân và bốn máy bay trực thăng do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 tăng cường, hai yểm trợ hạm (HQ800 và HQ801), một hộ tống hạm HQ11 và ba tuần duyên đĩnh (VPB) HQ709, HQ711, HQ723. 

Tư lệnh Hải quân chỉ huy tổng quát. Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ huy trực tiếp.

Triển khai kế hoạch hành quân, 9 giờ tối ngày 16/1, tàu HQ4 chở theo 27 biệt hải thuộc Sở Phòng vệ Duyên hải và một số phóng viên rời Đà Nẵng tiến ra Hoàng Sa. 

Tàu HQ800 đến Đà Nẵng ngày 17/1 chở theo 43 nhân viên Hải kích của Liên đội người nhái.
Tàu HQ5 chở theo 43 Hải kích cùng HQ10 rời Đà Nẵng lúc nửa đêm 17/1, dự trù chở theo một đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ, nhưng vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu, mặc dầu đã có lệnh của Bộ Tổng Tham mưu. 

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu.
Phá hủy ngụy bằng chứng ngụy tạo của quân Trung Quốc, bảo vệ chứng cứ chủ quyền

Lúc gần 8 giờ sáng ngày 17/1, tàu HQ16 tái đổ bộ lên đảo Quang Ảnh 15 nhân viên, do Trung úy Liêm làm trưởng toán.

Lực lượng này mang theo vũ khí và vật dụng gồm 2 súng M79, 3 súng M16, 1 súng Carbine, 1 máy thông tin PRC 25, 1 poignard, 15 áo phao, mấy xẻng, 1 búa phòng tai, 6 lựu đạn MK.3, 1 súng hỏa pháo với 5 viên đạn cùng một số loại đạn dược khác, 1 xuồng cao su cỡ 1,5 x 2m.

Nhiệm vụ của toán này là triệt hạ 6 mộ bia mà Trung Quốc đã ngụy tạo, chiếm đóng và tổ chức phòng thủ trên đảo.

Sau khi lấy 6 tấm bia mộ đá giả của Trung Quốc về tàu, HQ16 rời đảo Quang Ảnh đến đảo Hữu Nhật lúc 11 giờ cùng ngày (17.1) và án ngữ tại phía đông nam đảo để hỗ trợ cho tàu HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên từ phía tây đảo Hữu Nhật. 

Trong khi đó, hai tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc số 407 và 402 ở lại phía nam đảo Hữu Nhật và cách bờ gần 1.000m. Khi thấy tàu HQ4 hạ xuồng đổ bộ, hai tàu của Trung Quốc cũng hạ nhưng vì không kịp nên lại kéo lên. 

Trên mỗi tàu cá vũ trang này có khoảng 30-35 thuỷ thủ mặc đồng phục màu xanh. Tàu trang bị súng 25 ly phòng không, một khẩu đã lắp sẵn một thùng đạn còn các khẩu khác được bao kín nên không rõ số lượng. 

Tàu này di chuyển quanh đảo Hữu Nhật đồng thời có một tàu ở phía nam đảo tiếp ứng khi cần.
Toán biệt hải lên đảo Hữu Nhật tìm thấy một lá cờ Trung Quốc đã cũ và mục, một tấm bảng gỗ thông sơn đỏ còn mới (cỡ 1,2m x 0,2) có ghi 17 chữ Trung Quốc: “Trung Hoa Nhân dân Cộng Hòa quốc thần thánh lãnh thổ, tuyệt bất dung hử xâm phạm”. 

Cờ và bảng gỗ đã bị tàu HQ4 tịch thu. 

Đồng thời còn phát hiện thấy các vết tích của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963, gồm miếu nhỏ có khắc ghi rõ ngày 24/11/1963; 

Một tấm bia xây theo kiểu Đài chiến sĩ mỗi bề 3 mét, cao hơn mặt đất 0,4m có ghi hàng chữ Việt “Đệ nhất Trung đoàn đổ bộ LĐ/TQLC” và vẽ một ngôi sao trắng lồng trong vòng tròn đen, dưới ngôi sao có ghi LĐ.42. 

Tất cả được đóng khung trong một hình chữ nhật, hai bể nước bằng xi măng ghi “nước uống” và một hàng chữ đã mờ nhưng còn đọc được “Ngô Tổng thống”, một tấm bia ghi TĐ.3/TQLC ngày 5 tháng 12 năm 1963. 

Sau đó toán biệt hải đã dựng cờ Việt Nam Cộng Hòa trên đảo.

Tàu HQ4 Việt Nam Cộng Hòa tham gia cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên.
Tàu HQ16 phát hiện thấy hai tàu loại Hộ tống hạm (Kronstadt) mang số 271 và 274 trang bị đại bác 100 ly và 37 ly từ đảo Quang Hòa đang tiến về đảo Hữu Nhật;

Tàu HQ4 tiếp cận các tàu này, thả xuồng cao su chở nhân viên biết tiếng Trung Quốc sang tiếp xúc, nhưng các tàu này chạy máy không cho cập vào. 

Chiến hạm HQ4 dùng quang hiệu yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đó nhưng không có kết quả. 

Ngược lại, các tàu Trung Quốc còn chạy quanh tàu HQ4 và chặn đầu bất chấp luật hàng hải quốc tế, đồng thời trả lời bằng quang hiệu rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu chiến hạm HQ4 của Việt Nam Cộng Hòa tránh ra.

Tàu HQ16 được lệnh rời đảo Hữu Nhật đến tiếp tế lương thực và phương tiện cho toán đổ bộ trên đảo Quang Anh.

Cũng trong ngày 17/1, 43 nhân viên Hải kích thuộc Liên đội người nhái đến Vùng 1 Duyên hải bằng tàu HQ800. 

Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Đại tá Tham mưu trưởng hành quân lưu động biển truyền khẩu lệnh đến Vùng 1 Duyên hải rằng: 

Dùng phương pháp phô trương lực lượng để làm áp lực ôn hòa, buộc tàu Trung Quốc rời khỏi đảo và ra khỏi hải phận Việt Nam Cộng Hòa, tuyệt đối tránh hành động khiêu khích và chỉ khai hỏa khi bị tấn công trước; 

Lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa hạ quyết tâm bằng mọi giá phải giành lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đuổi địch ra khỏi đảo và trương cờ Việt Nam Cộng Hòa trên các đảo. 

Nếu Trung Quốc dùng vũ lực, Hải quân được toàn quyền hành động.

23 giờ ngày 17/1/1974, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho tàu HQ4 rút 14 biệt hải trên đảo Hữu Nhật để đổ lên đảo Duy Mộng trong đêm trước khi trời sáng, dùng áp lực ôn hòa buộc toán người lạ rời khỏi đảo, tránh mọi hành động khiêu khích, chỉ sử dụng vũ khí khi bị tấn công trước. 

Hạm trưởng HQ4 lo ngại rằng, hiện ở Duy Mộng có tàu đối phương, nếu tàu HQ4 đổ bộ thì sẽ có đụng chạm, trong khi đó số nhân viên của HQ4 lại ít.

Đồng thời, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển chỉ thị: Tăng cường ngay hai chiếm hạm chở theo người nhái đến Hoàng Sa; liên lạc với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 để xin địa phương quân nếu chưa có; 

Sáng sớm 18/1 chiếm lại Duy Mộng như đã định; sử dụng biệt hải được rút từ đảo Hữu Nhật, lấy một tiểu đội địa phương quân ở đảo Hoàng Sa (Pattle) sang giữ đảo Hữu Nhật. 

Khoảng nửa đêm 17/1, tuần dương hạm HQ5 chở 43 nhân viên Hải kích và cùng hộ tống hạm HQ10 khởi hành từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa. 

Hải đội trưởng Hải đoàn 3 là Đại tá Hà Văn Ngạc, được Tư lệnh vùng 1 Duyên hải Chỉ định làm SQ/CHCT. 

Trước đó, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã dự tính và cho tăng cường đi theo tàu HQ5 và tàu HQ10 một đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu.

TS TRẦN CÔNG TRỤC

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.