Hôm trước nói về
vụ xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, tôi có cho rằng thực chất các vụ xử
này là xử đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN). Tất cả những tội phạm tham
nhũng, những người “làm trái quy định của
nhà nước”… gây thất thoát của cải quốc dân, không ngoại lệ, đều là đảng
viên đảng CSVN.
Ông Trọng có nói “đánh tham nhũng là ta đánh vào ta”. Ông
Tư Sang thì nói “không còn là con sâu làm
rầu nồi canh, mà là cả một nồi sâu”.
Từ quyền cao chức
trọng bên trên cho tới cán bộ làng nhàng bên dưới, tất cả đều là “sâu bọ”.
Bà Doan phó chủ
tịch nước than thở “họ ăn của dân không
từ một thứ gì”.
Ai trong đảng dám
vỗ ngực xưng mình là “trong sạch” ?
Ai là đảng viên, trong quá trình lãnh đạo đã không “làm trái”, không “gây hậu
quả nghiêm trọng” cho đất nước, cho dân tộc ?
Không có ai cả.
Nếu xử tội tham
nhũng, bằng các bộ luật hình sự trong quá khứ thời xã hội chủ nghĩa (XHCN), hay
bộ luật hiện tại “kinh tế thì trường định
hướng XHCN”, (hay với các bộ luật hình sự tương lai thời kinh tế thị
trường), tất cả đảng viên CS ai cũng vào tù, không chung thân thì tử hình.
Nhưng vụ xử ông
Thăng đã làm lộ ra những mâu thuẫn từ nội tại của chế độ.
Người “trong sạch”, những đảng viên của các thế
hệ trước, làm “cách mạng vô sản”. Bản
thân họ là vốn là “người vô sản”.
Những người này
ít ai tham nhũng. Nhưng hậu quả những chính sách kinh tế của họ đề ra, không
chỉ “nghiêm trọng”, mà là cực kỳ
nghiêm trọng. Họ đã đánh gục, xóa sạch nền kinh tế tư nhân.
Họ đã làm cho đất
nước “tàn phế”. Với một thân thể của
phế nhân, ba thập niên “đổi mới” xây
dựng lại, nền kinh tế quốc dân vẫn chưa “hồi
phục” được nguyên trạng 1975.
Lấy luật nào “xử” được công hay tội của những người
này ? Không có luật nào cả. Nhưng đối với lịch sử, họ có công hay có tội ?
Dưới “ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng
Hồ Chí Minh” thì họ “có công”.
Nhưng dưới luật pháp thời “kinh tế thị
trường định hướng XHCN” thì họ “có
tội”.
Thời trước 75,
những gì thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đều bị xếp vào “tội trạng”, từ “tư bản bóc
lột” cho tới “văn hóa đồi trụy”.
Thời bây giờ, đảng viên CSVN cố gắng thực hiện những chính sách của đảng, thực
ra sao chép 100% các mô hình văn hóa, kinh tế… thời VNCH.
Nhưng trên quan
điểm chính trị, đến bây giờ VNCH vẫn bị xem là “ngụy”, là “tập đoàn đánh
thuê” (sic!).
Mâu thuẫn nội
tại, nhân sự lãnh đạo các thời kỳ đều là đảng viên đảng cộng sản. Các chính
sách kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội… đều do “trí tuệ đỉnh cao” lập ra. Các chính sách, lúc thì đúng, lúc thì
sai. Có lúc cái sai trở thành cái đúng, cái đúng trở thành sai.
Chính sách thay
đổi xoèn xoẹt, hết tả sang hữu, đất nước trôi nổi lênh đênh như con thuyền mất
bánh lái.
Những người “làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả
nghiêm trọng” thì có điều 165 BLHS 1999 xét xử.
Nhưng khi quy
định của nhà nước sai thì luật nào xử nhà nước ? Chính sách của đảng sai thì
luật nào xử đảng ?
Cả một tập đoàn
độc quyền cai trị đất nước mà không có một giá trị lý thuyết nền tảng nào. Tất
cả chỉ toàn ngụy biện. Nếu áp dụng luật thời “chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh” thì những đảng viên
cộng sản hôm nay đều bị tử hình.
Vậy mà họ vẫn
luôn mồm “kiên định chủ nghĩa Mác Lê Nin
và tư tưởng Hồ chí Minh” để độc quyền lãnh đạo.
Vì nội tại mâu
thuẫn nên xã hội nảy ra những trường hợp, vừa phi lý vừa phi nhân. Lịch sử đảng
không thiếu những trường hợp những người “làm
trái”, đi ngược chủ trương đường lối của đảng, như ông Kiệt, ông Kim Ngọc…
lại được người dân nhớ ơn. Tội trạng hai ông này, lý ra phải tử hình thì lại
được xem là “có công”. Trong khi
những “chủ trương lớn của đảng” như
vụ Bô-xít, vụ Formosa… gây hậu quả tàn phá môi trường, rừng chết biển chết…
không thấy ai có tội hết cả.
Tất cả cán bộ
lãnh đạo đều là đảng viên.
Quyết định bổ
nhiệm cán bộ vào lãnh đạo các tập đoàn kinh tế quốc doanh nằm trong tay ai ?
Dĩ
nhiên không phải do người dân mà do lãnh đạo đảng. Lãnh đạo đảng là ai ?
Nếu không phải là
ông Trọng, thì là Bộ Chính trị, là người có trách nhiệm về nhân sự mà mình bổ
nhiệm.
Cả một tập đoàn
đã là “một bầy sâu”, ai thảy đều hư
hỏng, hủ bại. Bổ nhiệm người nào thì người đó cũng là “con sâu”, là người hư hỏng, hủ bại.
Chính cái “thể chế” này, cái đảng này, mà người
đại diện là quý ông Trọng, ông Phúc, ông Quang, bà Ngân... đáng lẽ phải ra
trước vành móng ngựa, trả lời trước quốc dân về tội trạng của mình.
Trước Tòa ông
Thanh khóc lóc năn nỉ xin lỗi ông Trọng. Điều này cho thấy ông Trọng mới đúng
là quan tòa. Còn ông Thăng thì xin lỗi đảng.
"Nhà nước pháp quyền" thành ra
"nhà nước pháp hề".
Tòa kết án 13 năm
cho ông Thăng, chung thân cho ông Thanh. Bản án này là bản án dành cho ông
Trọng và Bộ Chính trị. Bản án còn rất nhẹ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.