mardi 10 novembre 2020

Hoàng Hải Vân - Vì sao những người tự do chân chính thường thất bại ?

Truyền thông cánh tả do Đảng Dân chủ chi phối vừa dùng thủ đoạn đồng loạt công bố ông Biden chiến thắng, khi chưa một Ủy ban bầu cử của bang nào công bố kết quả kiểm phiếu, nhằm kích hoạt đám đông gây áp lực buộc ông Trump và chiến dịch của ông bỏ cuộc kiện cáo để thừa nhận thua.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham khi trả lời phỏng vấn Fox News mới đây đã đề nghị Tổng thống Trump không nên nhượng bộ. Ông nói, truyền thông không quyết định ai trở thành tổng thống, nếu họ có thể làm được như vậy, sẽ mãi mãi không bao giờ có một tổng thống đại diện cho Đảng Cộng hòa. Ông Graham nói rất có căn cứ, tôi sẽ cố diễn giải cái lý này.

1- Để các bạn dễ hiểu những gì tôi viết ở các phần dưới, một lần nữa xin lưu ý : Đảng Cộng hòa hiện bao gồm những người theo đường hướng nguyên thủy của các nhà lập quốc và trung thành với Hiến pháp Hoa Kỳ.

Đó là ủng hộ tự do cá nhân, ủng hộ thị trường tự do, chủ trương giảm thuế, duy trì một chính phủ nhỏ gọn và nền quốc phòng mạnh, không can thiệp vào các hoạt động kinh tế của người dân, duy trì hòa bình thế giới, không can dự vào chuyện nội bộ của các nước khác nếu lợi ích của nước Mỹ không bị đe dọa.

Còn Đảng Dân chủ hiện bao gồm các chính khách phái tả, chủ trương tự do phải có sự ban phát của nhà nước, chủ trương tăng thuế để phình to chính phủ, can thiệp vào các hoạt động kinh tế, lấy tiền của người dân Mỹ để lo những chuyện bao đồng trên thế giới nhằm thể hiện “vai trò lãnh đạo” của nước Mỹ.

Nói những người của Đảng Dân chủ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa là không sai, nhiều người trong số họ đã từng tuyên bố như vậy. Nhưng khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của họ không phải là khuynh hướng của người cộng sản. Những người cộng hòa Mỹ là những người tự do chân chính, những người dân chủ Mỹ là những người “tự do” mạo danh.

Sử dụng rất hiệu quả truyền thông để “tập hợp” dân chúng là truyền thống của phái tả (XHCN) thuộc mọi khuynh hướng, ở mọi quốc gia và trong mọi giai đoạn lịch sử. Những người theo chủ nghĩa tự do chân chính chưa bao giờ biết cách sử dụng công cụ lợi hại này. Cho dù họ biết cũng không sử dụng được, bởi vì việc này trái với bản chất của họ là không dùng các thủ đoạn lừa dối.

2- Khi còn cầm quyền ở Trung hoa lục địa, có lần người ta báo cho Tưởng Giới Thạch cùng một lúc hai cái tin : Có mấy sư đoàn Hồng quân đang tấn công và trên tờ Tân Thanh Niên có bài viết của Lỗ Tấn gây bất lợi cho Chính phủ. Tưởng Giới Thạch lệnh phải lập tức tịch thu ngay số báo đó, nói nó còn nguy hiểm hơn mấy sư đoàn kia.

(Lỗ Tấn là nhà văn tả khuynh lừng danh của Trung Quốc, dù chưa bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản nhưng được Mao Trạch Đông coi là "bậc vĩ nhân của cách mạng văn hóa Trung Quốc", là "thánh nhân của vô sản cũng như Khổng Tử là thánh nhân của phong kiến").

Mao thắng Tưởng, ngoài tài tổ chức và chiến lược chiến thuật, còn có lòng dân. Mà để có được lòng dân thì ngoài một số tấm gương vì nước vì dân vì lý tưởng, còn phải có truyền thông áp đảo để thổi phồng những tấm gương đó lên và đè bẹp phía địch xuống.

Hình ảnh người lính Hồng quân Trung Quốc “không động đến cây kim sợi chỉ của nhân dân” ngay cả nhà văn Kim Dung ở Hồng Kông cũng rất ngưỡng mộ. Ông Kim Dung có thấy người lính Hồng quân bao giờ đâu, ổng thấy trên truyền thông đấy ! Ông Tưởng Giới Thạch vốn theo chủ nghĩa tự do, khi ra Đài Loan phải sử dụng một số biện pháp độc tài để bảo vệ thành quả còn lại tại hòn đảo này sau khi Trung Hoa dân quốc bị Mao chiếm.

Ông Park Chung Hee của Nam Hàn cũng là người theo trường phái tự do, nhưng phải biến thành một nhà độc tài để không bị lực lượng tả khuynh sử dụng đám đông tiêu diệt. Chính sự độc tài rất mang tiếng của ổng là tiền đề cho Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường phát triển và xã hội dân chủ tự do, nhưng cuối cùng ông cũng bị phái tả lập mưu sát hại (chứ không phải do cộng sản Bắc Hàn giết nhé). Con gái ổng, tổng thống Park Geun Hye đã bị phái tả dùng đám đông lật đổ tống vào tù, do bà không biết cách tập hợp đám đông để tự vệ.

Nhà độc tài Augusto Pinochet của Chilê cũng là người theo chủ nghĩa tự do, đã lật đổ vị Tổng thống tả khuynh Salvador Allende để thiết lập chế độ độc tài, bị truyền thông khắp nơi mô tả là tên khát máu, bị “giới trí thức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới” lên án. Không ai tính được, nếu chính quyền Allende tồn tại thì những người chết do chính quyền này gây ra (bao gồm chết do nghèo đói và chết do đàn áp) là nhiều hơn hay ít hơn số người chết dưới nền độc tài Pinochet.

Nhưng điều này là sự thật : Chính những cải cách thị trường tự do và tư nhân hóa nền kinh tế của chính quyền Pinochet đã tạo nền tảng rất vững chắc cho Chilê trở thành một nước phát triển nhất hiện nay ở khu vực Nam Mỹ, những di sản kinh tế tự do mà Pinochet để lại, dù phái tả lên cầm quyền cũng chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể đảo ngược, cũng giống như di sản kinh tế không thể đảo ngược của Park Chung Hee ở Hàn Quốc.

Hai nhà độc tài Park Chung Hee và Pinochet, một phần có Tưởng Giới Thạch, đã sử dụng các biện pháp độc tài để bảo vệ tự do nhưng đã “hy sinh” tự do ngôn luận để bảo vệ tự do kinh tế. Sự thịnh vượng của Hàn Quốc, Chilê và Đài Loan chính là từ công lao của các ông ấy, nhưng đối với dân chúng thì sự thịnh vượng đó là “từ trên trời rơi xuống”, còn các ông thì phải chịu những vết nhơ độc tài. Cha con ông Park người thì chết thảm, người thì đang ở tù, còn Pinochet thì cho đến chết vẫn không được yên.

Phải mất nhiều thế hệ lịch sử mới có thể được hiểu một cách từ từ. Và thời đại hiện nay sẽ không bao giờ xuất hiện những nhà độc tài như vậy nữa, vì làm như các ông này là lấy mục đích biện minh cho phương tiện, đi ngược lại lý tưởng tự do.

3- Triết gia tự do nổi tiếng thế giới F.A.Hayek từng nói về con đường tự do bị chối bỏ ở phương Tây từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 sau hai thế kỷ tự do ngự trị làm nên thịnh vượng. Kết quả là từ trước và sau Đại chiến II, hai cường quốc kinh tế tự do lớn nhất thế giới lần lượt ngã sang tả. Bắt đầu từ sự trúng cử liên tục 4 nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt, kế đó là sự thất cử của vị thủ tướng theo chủ nghĩa tự do Winston Churchill.

Cũng từ truyền thông mà chủ nghĩa xã hội hấp dẫn giới trí thức đến mức một loạt các vĩ nhân đã gia nhập Đảng Cộng sản hoặc ngã sang các trường phái xã hội chủ nghĩa như đại danh họa Picasso, thi hào Pháp Louis Aragon, văn hào Pháp Albert Camus (Nobel văn chương), thi hào Chilê Pablo Neruda (Nobel văn chương), văn hào Anh Bernard Shaw (Nobel văn chương, một trong những người khởi xướng chủ nghĩa xã hội Fabian từ đầu thế kỷ 20)…

Hayek nói, xã hội tự do mang trong mình nó các lực tự hủy hoại chính nó. Vì sao như vậy ? Vì với bản chất của nó, xã hội tự do là một xã hội khoan dung, dung nạp mọi xu hướng, mọi sự khác biệt, trong đó có xu hướng phản tự do đâm hoa kết quả rồi quay lại hủy hoại nền tảng nuôi dưỡng nó. Trong khi đối với người dân, thành tựu mà xã hội tự do mang lại được coi là đương nhiên, không phải công lao của lực lượng nào cả. Và xã hội tự do cũng giống như một khu rừng tự nhiên, ở đó có những cây cối tươi tốt và những cây cối èo uột khiếm khuyết, người ta có xu hướng chú ý đến những khiếm khuyết và muốn cải tạo để khắc phục những khiếm khuyết đó mà không nghĩ rằng việc cải tạo sẽ dẫn đến phá hủy khu rừng.

Đó là lý do các lực lượng xã hội chủ nghĩa (tả khuynh, cấp tiến), những người muốn dùng khoa học để cải tạo xã hội, luôn hấp dẫn đám đông. Cho đến khi mất tự do, người ta mới biết quý nó. Vì lý do đó mà sau Đại chiến II người Đức cảm thấy việc xây dựng một xã hội tự do trở nên lý thú, vì họ vừa thoát khỏi chế độ toàn trị, còn người Mỹ và người Anh thì vẫn thấy con đường xã hội chủ nghĩa của cánh tả hấp dẫn hơn, vì chế độ toàn trị chưa thiết lập tại những nơi này.

Hayek cho rằng, có thể phải qua một pha tăm tối của chế độ toàn trị thì các lực lượng tự do mới lấy lại được sức mạnh của mình. Song không nhất thiết phải như vậy, nếu những người tự do biết đưa ra một cương lĩnh có sức quyến rũ trí tưởng tượng của mọi người.

Chừng nào công luận vẫn nằm trong tay của phái tả thì các lực lượng tự do vẫn bị lép vế. Theo Hayek, bài học mà những người theo chủ nghĩa tự do chân chính phải học từ sự thành công của những người xã hội chủ nghĩa là, chính sự dũng cảm để trở thành người không tưởng của họ đã khiến cho họ được sự ủng hộ của giới trí thức,và vì thế có được ảnh hưởng trên công luận. Viễn cảnh của tự do vẫn sẽ còn đen tối, trừ phi chúng ta có thể làm cho triết lý của xã hội tự do một lần nữa trở thành chủ đề trí tuệ sống động được truyền bá rộng rãi.

Nền tự do của nước Mỹ được phục hồi mạnh mẽ dưới thời Reagan và tác động sâu rộng làm thay đổi thế giới, khiến cho phái tả phải tự “định nghĩa lại mình”, nhưng bọn họ không chùn bước. Thắng lợi của Trump năm 2016 khiến cho phái tả lồng lộn. Bọn họ đã đánh ông tơi bời, đánh phủ đầu đánh dưới thắt lưng, đánh dồn dập hàng ngày trong suốt bốn năm trời. Không có một nguyên thủ quốc gia nào bị đánh một cách bỉ ổi đê tiện như vậy. Ông thực sự là một chiến binh như ai đó nói, một chiến binh dũng cảm bảo vệ tự do giữa sóng gió.

Cuộc bầu cử lần này thắng thua chưa biết, nhưng đã có hơn 70 triệu công dân Hoa Kỳ bỏ phiếu cho ông, là số phiếu nhiều nhất dành cho một ứng viên của Đảng Cộng hòa. Đó là minh chứng sống động của tinh thần tự do đang trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ. Nếu lần này ông thua, là do Đảng Cộng hòa coi thường đám đông, coi thường việc sử dụng truyền thông, đã thả lỏng trận địa truyền thông cho phái tả nắm giữ.

Những người cộng hòa Mỹ thường ngây thơ thiệt thà và chủ quan tự thị, không biết có bao nhiêu người trong số họ hiểu được sự khẩn thiết trong lời cảnh báo của Thượng nghị sĩ Graham như nói ở đầu bài. Rằng nếu tiếp tục để cho truyền thông tả khuynh lộng hành chi phối nền chính trị Mỹ thì sẽ không bao giờ có thêm một tổng thống cộng hòa nào nữa.

Nhưng có vẻ như, trừ một số tiếng nói lạc điệu mà truyền thông cố tình đồ đậm, những người cộng hòa đang đoàn kết hơn bao giờ hết xung quanh người chiến binh dũng cảm nhất của họ là ông Trump. Chưa biết họ có kịp đảo ngược tình thế hay không.

HOÀNGHẢI VÂN 10.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.