dimanche 22 novembre 2020

Hoàng Hải Vân - “Tả” và “Hữu, con đường nào cho Việt Nam tôi ?


Tôi đã viết nhiều về tả khuynh (left-wing) và hữu khuynh (right-wing) trong chánh trị, cái tút này không nhắc lại lịch sử các khái niệm cùng các diễn biến và phân cực của từng phái.

Chỉ nhắc lại tóm tắt một số nội dung căn bản về chính sách của từng phái trong chánh trị thế giới, điển hình là trong chánh trị Anh – Mỹ, với chừng mức có thể tham khảo cho Việt Nam :

PHÁI HỮU : Tôn trọng tự do cá nhân và bảo vệ quyền tài sản của người dân, chủ trương giảm thuế và duy trì một chính phủ nhỏ gọn (little government). Duy trì một chính sách an sinh xã hội đủ để chăm sóc người yếu thế không có khả năng lao động và hỗ trợ dân chúng gặp rủi ro bất trắc, không lấy tiền của người giàu để phân phối lại cho những người có sức lao động nhưng lười biếng không chịu làm việc.

Họ hạn chế nhập cư vì nhập cư tràn lan sẽ làm giảm mức sống của người dân Mỹ và gia tăng tội phạm. Phái này khi cầm quyền sẽ tháo bỏ các quy định quan liêu để bảo đảm cho thị trường tự do được vận hành thông suốt và bãi bỏ mọi sự kiểm soát xâm phạm tự do cá nhân. Các nhà chánh trị phái hữu tôn trọng cả tự do của con người ngay từ khi người đó đang còn là một sinh linh trong bụng mẹ (cho nên họ chống phá thai)

Đối với họ, nhà nước chỉ cung cấp những phúc lợi và dịch vụ mà từng người dân không làm được. Và nhà nước phải trở lại vị trí là người canh gác để cho trong nước người nọ không làm hại người kia, để cho ngoài nước không xâm phạm lãnh thổ và cướp đoạt tài sản của dân trong nước.

Nhà nước của phái hữu chủ trương hòa bình, không can dự chuyện nội bộ của nước khác nếu như nước đó không đe dọa đến an ninh của Mỹ, không chủ động mang quân đánh nước khác nếu như an ninh của Mỹ không bị nước đó uy hiếp. Nhà nước của phái hữu không mang tiền thuế của dân vung ra để “làm le” với thế giới hoặc cung phụng cho các tổ chức quốc tế làm những việc mà họ biết chắc là ích lợi thì ít mà tham nhũng thì nhiều. Mơ ước của họ là một “nhà nước gác đêm” để cho dân được tự do làm ăn, tự mình ấm no hạnh phúc.

“Tiền hiền” của phái hữu ở Hoa Kỳ chính là các nhà lập quốc – những người làm ra bản Hiến pháp. Phái hữu trung thành với tinh thần tự do của các bậc “cha già” làm nên nước Mỹ nên bị coi là “bảo thủ”. Họ tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng và sự tồn tại của mọi khuynh hướng trong xã hội, dù những khuynh hướng này lắm phen làm cho họ điêu đứng sống dở chết dở. Nền tảng của phái hữu hiện đại là tư tưởng của các triết gia và kinh tế gia từ Adam Smith, John Locke, von Mises đến F.A.Hayek và Milton Friedman…

PHÁI TẢ : Chủ trương tăng thuế để phình to chính phủ nhằm duy trì một nhà nước lớn (big government) nhiều sứ mệnh “cứu nhân độ thế”. Họ cố tình không hiểu một đạo lý đơn giản, là người thông minh sáng tạo chịu thương chịu khó sẽ làm ra được nhiều tiền hơn những kẻ vừa bất tài vừa làm biếng vừa luôn mồm nói đạo lý.

Họ đánh thuế lũy tiến cao, tức là tước đoạt một phần tài sản chính đáng của những người giỏi để chia lại cho những kẻ bất tài mà muốn chơi sang, họ gọi đó là “phân phối lại thu nhập” để bảo đảm “công bằng xã hội”. Họ nói, tự do hay ấm no hạnh phúc là do nhà nước ban phát.

Ở Mỹ, họ lờ đi các quyền tự nhiên được Hiến pháp tôn trọng. Họ chăm lo “quyền sống” của những người có thể cầm lá phiếu bầu cử, còn quyền sống của những đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ thì họ mặc kệ (họ ủng hộ phá thai).

Họ nói, thị trường tự do là vô minh cá lớn nuốt cá bé, nên các anh chị công dân phải nộp thêm tiền để nhà nước thiết lập hệ thống kiểm soát can thiệp. Họ nói, nhà nước phải quản lý bằng khoa học, các công dân hãy nộp thêm tiền đi, chớ có u mê.

Họ xây dựng hệ thống lý thuyết “kinh tế học vĩ mô” với những bài toán rối rắm cùng các đường cong các biểu đồ bí hiểm đưa vào giảng dạy ở các trường đại học và dùng truyền thông để phổ cập cho dân chúng, dân chúng hiểu không mặc kệ (dân chúng ai hiểu chết liền), hệ thống kinh tế học đó đã bị triết gia F. A, Hayek (tác giả “Đường về nô lệ”) vạch mặt là “tri thức ngụy tạo”. Nền tảng kinh tế của phái tả là tư tưởng của John Maynard Keynes, tổ sư của kinh tế học vĩ mô hiện đại.

Họ, phái tả đó, mang tiền của dân Mỹ đi gây sự khắp nơi và tài trợ cho quốc gia khác, cho các tổ chức quốc tế để làm sen đầm lãnh đạo thế giới. Các khoản tiền phung phí khổng lồ đó kích hoạt tham nhũng thì nhiều mà tạo hiệu quả cho phát triển thì ít.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị. Sau bao nhiêu năm chiến tranh lạnh, đến khi phái hữu trỗi dậy ở Mỹ và Anh, bùng nổ “cuộc cách mạng” Reagan-Thatcher hồi phục kinh tế thị trường và chủ nghĩa tự do chân chính, thì thế giới mới đảo lộn. Niềm cảm hứng vô biên từ hai nhân vật lịch sử này lan tỏa khắp thế giới khiến cho hệ thống kinh tế kế hoạch hóa vỡ như bong bóng dẫn đến Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới tan rã mà không cần đến súng đạn. Để tiếp tục tồn tại, một số nước XHCN như Trung Quốc và Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường để bảo tồn chế độ.

Trong khi Đông Âu chuyển sang kinh tế thị trường không quá phức tạp, thì thành lũy kinh tế kế hoạch ở nước Nga lại vô cùng khó tháo bỏ. Yegor Timurovich Gaidar, một “fan” của F.A. Hayek và M. Friedman, được ông Yeltsin bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng với quyết tâm đưa nước Nga chuyển hẳn sang kinh tế thị trường tự do. Dù Gaidar thất bại vì không đương đầu nổi với bộ máy quan liêu chưa bị giải thể ở Nga, cuối cùng nước Nga chỉ duy trì được một nền kinh tế thị trường nửa vời, nhưng hàm lượng kinh tế thị trường tự do, thứ làm cho nước Nga hùng mạnh trở lại, chính là di sản của nhà kinh tế phái hữu Gaidar.

Ở Trung Quốc, ngay từ thời cách mạng văn hóa, nhiều trí thức có trách nhiệm đối với đất nước của họ đã lén lút lưu hành những tác phẩm của Hayek, đó chính là nền tảng tư tưởng cho cuộc cải cách mở cửa theo hướng thị trường của Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc ngày nay vẫn là nước kinh tế thị trường nửa vời dưới một quốc gia chưa thoát khỏi chế độ toàn trị, nhưng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc chính là do hàm lượng kinh tế thị trường tự do được xác lập trên nền tảng của Hayek và của niềm cảm hứng từ cuộc cách mạng Reagan-Thatcher.

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới theo hướng thị trường cũng diễn ra giữa thời gian ông Reagan và bà Thatcher cầm quyền ở Mỹ và Anh. Dù không được tuyên bố và không ai để ý, nhưng tư tưởng của phái hữu Anh-Mỹ đã thâm nhập một cách ngoạn mục vào các cơ quan và các chuyên gia lập chính sách đổi mới.

Rất may mắn là các nhà lãnh đạo khởi xướng công cuộc đổi mới đã không quan tâm đến lý thuyết và các tên gọi, các vị thấy cái gì hợp lý thì chấp nhận mà không cần biết nguồn gốc của những cái đó từ đâu. Nền kinh tế thị trường của Việt Nam, dù vẫn đang nửa vời với cái đuôi XHCN, nhưng cũng đủ để ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, gia nhập WTO và tham gia một loạt các cam kết thương mại tự do khác.

Vấn đề của Việt Nam là hoàn thiện luật lệ (thực chất là xóa bỏ mạnh mẽ sự trói buộc) để thị trường tự do vận hành một cách đầy đủ và từng bước tự do hóa chánh trị. Với quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, nếu như Đảng Cộng hòa của Mỹ chi phối được chính trường Mỹ, chính sách tự do của Mỹ sẽ âm thầm tạo cảm hứng thúc đẩy Việt Nam cải cách nhanh hơn theo hướng thị trường tự do.

Con đường để trở thành một quốc gia thịnh vượng của Việt Nam chỉ có thể là con đường tự do hóa kinh tế và chánh trị, nghĩa là nhà nước phải lùi càng xa càng tốt các hoạt động kinh tế và giải phóng mọi sự trói buộc để bảo đảm tự do cá nhân cho người dân. Đó chính là con đường của phái hữu, nhưng chúng ta chỉ cần nội dung thực chất, không cần phải gọi tên. Đáng tiếc là đội ngũ trí thức, kể cả đội ngũ được đào tạo ở Mỹ và châu Âu, đều thiên tả. Đội ngũ này đang ngày càng nhiều trong các cơ quan hoạch định chính sách và rất to tiếng về đạo đức, về nhân văn nhân ái trên truyền thông. Điều đáng buồn nữa là trong những người “bất đồng chính kiến” phần lớn cũng đều là những người thiên tả.

Tóm lại, sự phát triển của Việt Nam, trong đó có thành tựu ngoạn mục của công cuộc xóa đói giảm nghèo là thành tựu của hàm lượng “hữu” trong các chính sách đổi mới, còn “tả” thì đang kéo lùi bánh xe lịch sử, bao gồm “tả” trong chính quyền và “tả” trong những người “bất đồng chính kiến”.

HOÀNGHẢI VÂN 22.11.2020

P/s : Tôi có nhiều người bạn tả khuynh ngoài đời và trên Facebook này. Tôi tôn trọng khuynh hướng của họ nên không tranh luận, nhưng nhiều người trong số họ biết tôi “hữu” nên hình như đang tránh xa tôi, có người còn quay sang chửi bới. Tôi thì việc gì ra việc đó, vẫn like, vẫn thả tim những cái tút hay trên trang của họ, còn họ thì không.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.