vendredi 20 novembre 2020

Bùi Nguyễn Trường Kiên -Thầy tôi !

 

Hồi ấy, trước năm 1975, ban ngày tôi đi làm, ban đêm đi học. Tuy là lớp học ban đêm, nhưng chương trình học vẫn giống hệt những trường, lớp ban ngày. Cũng đầy đủ tất cả mọi môn học và thời gian học cũng một ngày 4 tiếng như thế. Hàng ngày chúng tôi học từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm.

Ai đi học những lớp ban đêm ấy? Chắc anh chị em cũng không khó đoán – bọn tôi là những học trò thuộc gia đình nghèo, ban ngày phải bươn chải kiếm sống, tối đến trường cố kiếm lấy cái chữ làm vốn bước vào đời. Bạn bè tôi thuộc gia đình nghèo, còn tôi thì “đặc biệt” hơn, tôi là thằng bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên thuộc loại… cực kỳ nghèo - nghèo khó, nghèo khổ, nghèo đau nghèo đớn!

Tất nhiên, ngôi trường mà chúng tôi học là trường tư thục, học sinh phải đóng học phí.

Hàng đêm, dù trời có mưa gió bão bùng hay nóng như cái chảo lửa, tôi cũng đều có mặt ở ngôi trường có tên là Sơn Hà - nằm trong một con hẻm lớn trên đường Trần Quang Khải, Đa Kao, quận 1. Con hẻm cách rạp chiếu bóng Văn Hoa Đa Kao một đoạn ngắn.

Hồi ấy, tôi có thể được xem là “hiện tượng nổi bật” của lớp. Mỗi khi thầy giám thị bước đến cửa lớp, thì mắt thầy luôn nhìn tới chỗ tôi ngồi trước tiên. Những lúc ấy tôi nhanh chóng gom hết sách vở, bút thước cho vô cặp rồi ôm cặp bước ra khỏi lớp – thầy giám thị chỉ tới lớp làm điều ấy, khi tôi đã “nợ” nhà trường liên tiếp ba tháng học phí. Bạn bè thấy tội, đề nghị trưởng lớp đứng lên kêu gọi tinh thần “lá rách đùm lá nát”: mỗi người một ít đóng cho tôi được một tháng học phí. Vậy rồi, một-tháng-học-phí-tình-thương ấy cũng trôi qua rất nhanh, thầy giám thị lại xuất hiện ở cửa lớp. Tôi lại ôm cặp bước ra!

Bạn bè thương tôi, nhưng nhà đứa nào cũng nghèo (chứ con nhà giàu thì họ đã chẳng phải học ban đêm) nên đâu có dư dả mà đóng tiền học cho tôi hoài. Song, không vì thế mà đám bạn mặc kệ tôi với bộ mặt buồn hiu mỗi khi phải cúi đầu bước ra khỏi lớp.

“Cái khó nó ló cái khôn” – chẳng biết do ai nghĩ ra, mà có lần anh chàng ngồi bên cạnh tôi dặn: “Lát nữa, hễ mầy thấy mấy thằng… ngồi cạnh cửa xoay xuống nháy mắt ra hiệu, là mầy phải gom tập vở thiệt lẹ rồi ngồi xuống dưới bàn nghe chưa!”. Tôi trố mắt nhìn nó như là vừa nghe một lời xúi giục… làm chuyện sai trái tày đình vậy. Tôi run thật sự: “Thôi, tao sợ lắm!”. Nhưng một đứa khác xùy một tiếng rõ to: “ Sợ cái quái gì. Mày cứ bị đuổi học hoài vậy thì làm sao mà đủ điểm lên lớp! Tạm thời thiếu thôi chứ có quỵt tiền nhà trường đâu mà mầy lo!”. Một đứa khác tiếp lời: “Đúng đó, mầy ngồi xuống thì thầy giám thị tưởng mầy không đi học. Trước giờ có bao giờ thầy bước vô lớp đâu, đừng có sợ!”.

Kế hoạch “trốn học phí” đơn giản vậy mà hiệu quả. Thầy giám thị tới vài ba lần không thấy tôi, nên tôi được ngồi lại trong lớp mà học. Chuyện tôi ngồi núp dưới bàn chỉ “qua mặt” được thầy giám thị, chứ làm sao mà các thầy cô đang dạy lại không thấy. Sau vài lần thầy cô thắc mắc, được bọn bạn trong lớp giải thích cặn kẽ lý do, nên thầy cô làm lơ cho tôi được là tên học trò… học lậu!

Những tháng tiếp theo của năm học ấy, tôi chẳng hiểu sao thầy giám thị lại không đến lớp vì chuyện tôi thiếu học phí nữa. Vì vậy chuyện tôi hồi hộp để… chui xuống gầm bàn cũng không còn. Dù rất áy náy chuyện thiếu học phí nhiều tháng liền, nhưng với khoản tiền lương (hồi ấy tôi làm việc ở một viện bào chế – tất nhiên là làm những chuyện lặt vặt, vì tôi chưa tới tuổi lao động) mỗi ngày 500 đồng, mà chi cho một dĩa cơm buổi trưa ở một quán cơm bình dân đã hết 200 đồng, thì đủ biết tôi đã “thiếu trước hụt sau” đến cỡ nào và chuyện không có tiền để đóng học phí là đương nhiên.

Cái tuổi mà người ta vẫn thường nói “ăn chưa no lo chưa tới”, nhưng tôi phải gánh chịu bao đắng cay của cuộc đời. Nhiều đêm tan học, tôi phải tìm đến phông-tên nước ở ven đường uống cho căng bụng hầu quên đi cái đói cồn cào…! Trở về căn nhà của một người mang tiếng là “ruột rà” nhưng họ đối xử với tôi như lời họ thường nói “mầy là của nợ!”. Căn nhà ấy, trước đây cha tôi đã cùng góp tiền xây nên, song sau khi cha tôi mất, họ lờ tịt, bởi cho rằng tôi còn quá nhỏ, quá “ngốc” để biết đâu là sự thật, là lẽ công bằng. Mỗi tối tôi trở về căn nhà ấy, vui thì họ để cửa cho vào, buồn thì họ khóa trái bên trong, thế là rất nhiều đêm tôi chèo queo nằm ngoài hiên cùng với hai con chó!

Còn những khi được vô nhà, thì tất cả những gì ăn được họ đều cất hết vào chạn đựng thức ăn (gạc-măng-rê); nhìn qua tấm lưới mỏng thấy bên trong nào thịt, nào cá, nào rau… nhưng cánh cửa tủ đã được khóa trái. Cơn đói bùng lên, nước miếng tứa ra, đầu óc quay cuồng vì thèm, nhưng đố dám làm gì hơn, ngoài việc nhìn và thèm! Có lần, tôi may mắn tìm thấy một dề cơm cháy ở đáy nồi (hồi ấy mặc dù là ở Sài Gòn, nhưng phần đông các gia đình vẫn nấu cơm và thức ăn bằng củi, than, nhà nào khá giả mới có bếp dầu) nên cơm nấu thường có lớp cháy ở đáy nồi. Cơn đói như điên như dại, tôi cạy miếng cơm cháy, rồi ngấu nghiến. Tôi vừa ăn vừa trào nước mắt, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng, cơm cháy ăn với vị mặn của nước mắt ngon vô cùng!

Xin trở lại chuyện tôi đi học.

Sau khi hoàn thành chương trình lớp 10 ở trường Sơn Hà, được nghỉ hè, nên tôi có thời gian để đi làm thêm ban đêm. Nhờ vậy tôi đã để dành được khoản tiền đủ để đóng khoản học phí thiếu nhà trường đến 5 tháng. Tôi nghĩ rằng, nếu mình không đóng thì không thể tiếp tục học ở năm tiếp theo, song hơn cả lý do đó, tôi cứ luôn trăn trở về lẽ công bằng – thầy cô đi dạy phải được lãnh lương chứ, nhà trường phải tốn bao nhiêu chi phí cho việc mở trường, lý nào mình không đóng học phí mà coi được sao…!

Vậy mà, khi tôi mang tiền đến trường, cô thu ngân mở hồ sơ của tôi ra và cho biết: Đã có người đóng toàn bộ tiền học cho tôi rồi. Tôi không tin những gì vừa nghe thấy, cứ nghĩ rằng cô xem nhầm hồ sơ của ai đó. Song, cô bảo, đó là sự thật. Tôi không nợ nhà trường bất cứ một khoản tiền nào cả. Tôi xin được biết ai là người đã đóng tiền học cho tôi, nhưng cô bảo, cô không biết! Nhìn cách cô trả lời tôi không tin là cô không biết. Nhưng một đứa học trò ngoan không có quyền chất vấn, vặn vẹo, yêu sách… đối với thầy cô của mình. Tôi cúi đầu cảm ơn cô và ra về trong nỗi niềm buồn vui lẫn lộn.

Vài ngày sau tôi trở lại gặp cô. Tôi rơm rớm nói với cô rằng, mấy ngày liền tôi ăn ngủ không yên vì câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu: Ai là ân nhân? Tôi nhớ lúc ấy đã nói với cô rằng, em có thể không quan tâm rằng ai đã ghét em, nhưng em không thể không biết người đã thương em! Và có lẽ điều đó làm cô cảm động, sau một lúc suy nghĩ cô đã cho biết – người đóng học phí cho tôi là thầy giám thị. Vừa nghe xong tôi bật khóc!

Đã 46 năm, kể từ mùa hè năm ấy. Tôi vẫn không quên người thầy mà mỗi lần vào lớp, thầy nhìn tới chỗ tôi ngồi đầu tiên…!

Thầy tôi!

BÙINGUYỄN TRƯỜNG KIÊN 19.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.