Sáng.
Đâu chừng 10 giờ thì sân khách sạn La Thành bắt đầu ồn ào.
Xe Grab, taxi nối đuôi nhau chui vô cổng.
Các đại biểu từ bốn phương tám hướng cùng về.
Đại biểu ở ngay Hà Nội cũng tới để đón bạn bè, hóng hớt ly cà phê, cốc bia.
Lễ tân như hội chợ quê. Cười. Mắng. Bắt tay. Nói tục. Kéo va li, cắp nách túi xách, ngồi xổm ký tặng sách nhau, hớn hở.
Mấy em lễ tân mồ hôi vã, có lẽ các cháu lần đầu thấy một đại hội mà hầu hết đều người già nhưng xí xa xí xớn như con trẻ, nói tục hơn cả lũ teen bây giờ. Những cái tên nhà văn, nhà thơ sáng lòa mà nếu không có dịp này, các cháu còn lâu mới biết mặt.
Quán cà phê sát cổng tràn ngập nhà văn.
Tôi bị cuốn vào một bàn.
Những cánh tay đưa ra:
- Ôi Lập đấy à, khỏe không em?
- Ơ kìa thằng Lập.
- Em Vinh mà.
- Úi giời, ngồi xuống, Vinh hay Lập quan trọng đ*o gì. Cho một bia em ơi.
Một cụ nhà văn gầy nhom:
- Biết tình hình Trung ương bầu bán tới đây thằng nào với thằng nào chưa?
- Ông hâm, đại hội của ta không lo, lo tận Trung ương. Có tiếp tục bầu Hữu Thỉnh không?
- Không bầu lão, lấy đ*o ai đọc diễn văn khi anh em mình tạ thế. Lão viết và đọc thôi rồi luôn. Hay lắm. Mày chưa có dịp nghe nhỉ ?
- Ừ đúng đấy, Hội mình khoản viết và đọc điếu văn đ*o ai qua Thỉnh. Bầu nhé. Tao đi dự đám nhiều, đám nào cũng có câu “Anh mất đi là một thiệt thòi vô cùng to lớn, không gì bù đắp, không ai thay thế được, những tác phẩm anh để lại cho đời như ánh sáng của đức nhân văn…”
- Có thằng nào đọc của thằng nào đâu mà ánh sáng với nhân văn.
- Này, thế vừa rồi trao giải về biển đảo sao tao không biết nhỉ?
- Khổ, mấy ai biết để kịp gửi tác phẩm đâu. Nghe nói quỹ tồn 1 tỉ thì trao gấp, giải ngân trước khi hết nhiệm kỳ, nên thằng nào kịp gửi tới là có giải tất, đủ 1 tỉ dừng.
- Này các bố, ngồi lâu thế, vào lấy phòng kìa.
Thế là vắng đi một lúc.
Có một cậu trẻ ngồi im trước cái bàn ngả nghiêng ly chén, cà phê có, bia có, còn gương mặt cậu trẻ nặng chịch.
- Mày không vào lấy phòng à? Đoàn tỉnh nào?
- Dạ em ở trong Nam ra.
- Rồi, sao buồn thế?
- Dạ…Các cô các chú kéo ghế lại đây, ngồi quây quần, bàn chuyện văn chương thế sự xong, các cô chú kéo đi, xong, còn cháu ở đây, giờ cũng xong luôn rồi…
- Là sao mày?
- Dạ…Sau khi bàn cãi sôi nổi về văn học, nhân sự đại hội, các cô chú kéo đi hết, còn cháu, mà cháu thì không đủ tiền trả. Ai cũng chúc cháu nhà văn trẻ. Cháu viết văn mà các cô các chú toàn khen thơ cháu hay. Xong, đi cả…
Nhiều nhà văn cả tỉ năm mới gặp nhau. Dí mặt vào nhau nhìn rồi ù òa, cười, ôm nhau hân hoan cứ như ở thế giới khác mới về.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cuốn lấy tay tôi :
- Vinh. Thằng chó này. Đứng yên đấy.
Tôi đứng yên.
Anh Chiến chạy tới nơi để túi xách, rút ra cuốn sách, viết, ký, mang tới:
- Sách mới của tao. Có viết đến thời kỳ tao bị đi tù, hay lắm, vinh dự tự hào.
Ăn cơm. Ăn cơm các ông các bà ơi.
Một dòng người tóc bạc, lưng còng rồng rắn kéo nhau vào phòng ăn.
- Chúng nó tệ nhỉ, xây cái phòng ăn mà lên tới mười mấy bậc, sức yếu, lên thế đ*o nào được.
- Để em dìu bác.
- Tao cố. Đi thẳng thớm chúng nó thấy khỏe, may ra còn bầu vào Ban chấp hành.
Các nhân viên khách sạn tươi như hoa.
Sáu người một mâm nhưng các nhà văn thì thích ngồi đông hơn.
- Dạ thưa, một mâm 6 người thôi ạ.
- Vẽ. Tao đi ăn cỗ cưới và cỗ đám ma, một mâm 10 người quen rồi.
- Thức ăn được đấy chứ, nhỉ, toàn món mềm, răng yếu lắm rồi.
- Năm năm một lần mới được Hội cho ăn chung, không có bia rượu nhạt mồm quá.
Anh Hữu Phương gọi ba cô nhà văn trẻ của đoàn Quảng Bình về ăn.
Tiếng cô nào trong điện thoại :
- Bọn em ăn ngoài rồi ạ, ăn với các chú, toàn nghe nói tục, sợ chết được.
Hữu Phương cười.
Góc phòng ăn, một bà nhà thơ gọi tha thiết vào máy :
- Con dâu à, mẹ tới rồi, đang ăn với các nhà văn, nhà thơ, ừ, toàn nổi tiếng hết con ạ. Cái váy con cho mẹ mượn bó sát mông, lườn, ông nào cũng ngắm con ạ. Ừ. Nó hơi chật. Kệ đi. Chỉ có điều, đi đái hay bị vương vào váy, xấu hổ chết được.
Chưa lúc nào sách được trân quý trao nhau, ký tặng nhau dồn dập như thế này.
Thơ nhiều vô tận.
Vừa tặng vừa đọc thơ vang trời.
Nghe nói ở Mỹ dừng điều tra phiếu gian lận hai ngày để dành thời gian theo dõi Đại hội Nhà văn Việt Nam lần này.
NGUYỄNQUANG VINH 22.11.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.