vendredi 27 novembre 2020

GS Nguyễn Văn Tuấn - Bully


Hôm nọ, theo quy định của đại học tôi ghi danh học và thi một khóa học gọi là "Bully". Học thì ok, nhưng thi lần đầu thì rớt, vì trả lời sai một câu hỏi. Mà, quy định là phải đậu 100% mới được cấp chứng chỉ. Vậy là phải thi lại, và lần hai thì ok.

Qua khóa học này tôi dĩ nhiên học được nhiều điều nên có ghi lại để chia sẻ cùng các bạn.

Bully là gì? Bully được định nghĩa là một sự ngược đãi. Nhưng nó không đơn giản chỉ là ngược đãi bằng hành động tay chân, mà chủ yếu là ngược đãi về tinh thần.

Những hành vi như làm nhục, hăm dọa, gây hoang mang, làm cho suy sút tinh thần được xếp vào nhóm bully. Bất cứ ai có những hành động này, dù là trong đời thường hay trên mạng xã hội, đều được xem là những kẻ bully – hiểu theo nghĩa 'du côn' hoặc 'lưu manh'.

Triển khai định nghĩa trên, những hành động sau đây được xem là bully:

1. Ngược đãi thể xác, lăng mạ, chửi bới;

2. La hét, dùng ngôn ngữ xúc phạm;

3. Lớn tiếng phê phán;

4. Khuyến khích người khác tham gia vào các hành vi bully;

5. Làm nhục qua lời nói châm chọc, sỉ nhục;

6. Lan truyền tin đồn, những lời nói cạnh, bóng gió (innuendo) kiểu như "anh ta có vấn đề về quan điểm chánh trị";

7. Dùng email hay mạng xã hội để nói xấu.

Các hành vi tinh vi sau đây cũng được xem là bully:

8. Cố tình loại đồng nghiệp và người dưới quyền ra khỏi các hoạt động thường ngày (như họp lab, cà phê, mừng sanh nhựt, v.v.);

9. Can thiệp vào tài sản cá nhân và công cụ (soi mói máy tính, phone, dụng cụ trong lab);

10. Hăm doạ bằng những bình luận không thích hợp, trong hội họp hạ thấp ý kiến của người khác hay phê bình nặng nề bằng cách thổi phồng vấn đề;

11. Đùa giỡn mang tính xúc phạm bằng lời nói hay email;

12. Gởi email, hình ảnh, hay text message mang tính xúc phạm;

13. Nói xấu, lan truyền tin đồn qua mạng xã hội hay 'chat room'.

Còn những hành vi sau đây được xem là 'phân biệt đối xử' (discrimination):

1. Giao những việc vô nghĩa hay việc chẳng dính dáng gì đến công việc chánh (ví dụ như bảo trợ lý nghiên cứu hay thư ký đi pha cà phê);

2. Đặt ra những tiêu chuẩn vô lý và hoàn toàn ngoài khả năng của cộng sự;

3. Cố ý thay đổi điều kiện làm việc cho cộng sự (như sắp xếp lịch làm việc gây bất tiện cho cộng sự);

4. Đặt ra deadline phi thực tế mà cộng sự không thể nào hoàn thành được;

5. Đánh giá thấp khả năng của cộng sự bằng cách giấu thông tin (để cộng sự có thể làm tốt hơn);

6. Ngăn chận không cho đề bạt, không giới thiệu đi huấn luyện thêm, hạn chế cơ hội làm việc;

7. Soi mói vào công việc của cộng sự một cách vô lý;

8. Giành lấy công trạng của cộng sự về phần mình.

Bully khác với thiếu chuyên nghiệp (unprofessional). Những hành vi như share bài để cho 'fan' nói xấu hay chỉ trích người khác sau lưng họ (như trong facebook) là unprofessional. Nhưng đồn đại để hạ uy tín họ với ý đồ làm nhục là bully. Tuy nhiên, cả hai đều là vấn đề đạo đức.

Đại học có chánh sách cụ thể về bully, và họ đề ra hàng loạt câu hỏi để học viên trả lời. Rất tiếc là tôi không thể copy các câu hỏi đó, vì vấn đề bản quyền. Nhưng học qua khoá học này tôi nghĩ tình trạng bully ở Việt Nam và người Việt chắc là phổ biến lắm.

GS NGUYỄNVĂN TUẤN 25.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.