mercredi 18 novembre 2020

Hoàng Hải Vân - Vì sao ở nước Mỹ “trên nói dưới không nghe” ?


Trước ngày bầu cử, tổng thống Trump liên tục kêu gọi không được cho bầu cử qua thư. Khi bầu cử xong ổng lại kêu gọi không kiểm những lá phiếu qua thư đến sau ngày bầu cử, nhưng nhiều bang hổng có nghe lời ổng.

Sau bầu cử, có bang chỉ chấp nhận những lá phiếu qua thư đến trước và trong ngày bầu cử, nhưng nhiều bang thì cho phép đếm những lá phiếu đến sau (sau bao nhiêu ngày cũng khác nhau tùy từng bang) miễn là có dấu bưu điện đóng vào phong bì xác nhận là không gửi sau ngày bầu cử.

Ấy là do các thể thức bầu cử do các bang quy định, chính quyền liên bang không có luật bầu cử thống nhất yêu cầu toàn quốc phải tuân thủ.

Chưa hết đâu. Vừa rồi ông Trump tuyên bố sẽ cấp vaccine cho toàn quốc, trừ New York, vì New York tuyên bố họ phải thẩm định vaccine trước khi cho tiêm chớ liên bang không có quyền quyết định họ phải tiêm hay không. Cũng chưa hết, còn vô số những thứ “trên nói dưới không nghe” đến khi gặp các sự cố mới xuất hiện. Có phải nước Mỹ lôm côm quá không ? Tuyệt đối không !

Hoa Kỳ là nhà nước “yếu”, có lẽ là nhà nước yếu nhất thế giới, dù ai cũng thấy nước Mỹ hùng mạnh nhất hành tinh và tổng thống Hoa Kỳ là người “quyền lực nhất thế giới”. Thực ra tổng thống Hoa Kỳ rất ít quyền đối với trong nước. Ấy là do các nhà lập quốc đã thiết lập một quốc gia mà quyền lực được phân tán nhất thế giới, để đảm bảo cho xã hội tự do được vận hành.

Nước Mỹ không chỉ áp dụng “tam quyền phân lập” để chống lạm quyền, việc chống lạm quyền còn nhờ vào quyền lực được phân tán hết sức rộng rãi cho các bang (State) và đề cao quyền tự nhiên của dân chúng. Quyền lực của liên bang, bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp, rất có giới hạn.

Điều X của Tuyên ngôn nhân quyền, tức là Tu chính án thứ Mười của Hiến pháp Mỹ, quy định : “Những quyền không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang đều thuộc về các bang hoặc dành cho dân chúng”. Điều IX Tuyên ngôn này (Tu chính án thứ Chín) còn khẳng định : “Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân”. Đây có thể coi là hai trong số những trụ cột bảo đảm cho nền tự do của nước Mỹ.

Thứ nhất. Theo tinh thần của Hiến pháp, các quyền của người dân là quyền tự nhiên, không ai có tư cách ban phát. Hiến pháp chỉ giới hạn quyền lực của nhà nước, trong một số trường hợp phải dẫn ra các quyền của công dân là để nhấn mạnh việc giới hạn quyền lực của nhà nước chứ không phải là coi trọng những quyền được liệt kê hơn những quyền tự nhiên không được liệt kê. Để tránh hiểu nhầm, một Tu chính án đã xác định rõ điều này.

Thứ hai. Hiến pháp coi các bang là những nước cộng hòa trong liên bang, cho nên các bang đều có đủ các cơ quan lập pháp (Thượng, Hạ viện), hành pháp, tư pháp được bầu cử hoặc phê chuẩn giống như Liên bang. Các bang chỉ có một số giới hạn : Không tổ chức quân đội chính quy, không ký các hiệp ước với ngoại quốc, không ban hành thuế xuất nhập khẩu nếu không được sự đồng ý của Quốc hội liên bang, không được quyền trưng thu hay trưng dụng tài sản, không đúc tiền, không phát hành trái phiếu… và không ban hành các đạo luật trái với Hiến pháp.

Và như đã nói, do quyền của liên bang mà Hiến pháp ghi rất có giới hạn, nên Tu chính án thứ X phải nói rõ, cái gì tui hổng ghi thì của anh, cái gì anh không cấm là của người dân, do đó trong thực tế quyền của các bang là vô cùng lớn.

Trở lại chuyện bầu cử. Ông Trump nói các bang hổng nghe, đương nhiên rồi. Khi chiến dịch của ổng phát hiện gian lận, ổng liền phát đơn kiện khắp nơi. Nhưng kiện thì trước hết phải gửi đến Tòa án các bang, nếu như các tòa án này do Đảng Dân chủ chi phối thì ổng thua kiện là cái chắc. Thua rồi ổng mới đưa lên Tối cao Pháp viện liên bang. Bởi vậy nên ổng và Đảng Cộng hòa phải nhanh chóng bổ nhiệm một đại thẩm phán “phe mình” vào chỗ khuyết.

Hiện có 6/9 đại thẩm phán là người của Đảng Cộng hòa, ổng có cầm chắc phần thắng không ? Rất khó nói. Bởi vì các đại thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là những người rất được dân chúng trọng vọng. Họ dù có niềm tin đảng phái nhưng rất coi trọng công lý, họ được bổ nhiệm suốt đời nên không phụ thuộc vào vị Tổng thống đề cử họ. Ông |Trump sẽ thắng, nếu như ổng có bằng chứng vi hiến. Hy vọng công lý sẽ thuộc về ổng.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ khi xây dựng bản Hiến pháp đã chú trọng tự do hơn là “toàn vẹn lãnh thổ”. Bởi vậy các bang có thể rời khỏi liên bang và các quốc gia khác muốn gia nhập Liên bang Hoa Kỳ là không dễ chút nào.

Một xã hội tự do mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ hướng tới không phải là xã hội chỉ toàn người tốt hoặc sống ở đó sẽ tốt lên, mà là một xã hội có thể dung nạp được tất cả mọi người với tất cả sự đa dạng và phức tạp vốn có của họ, có lúc tốt và có lúc xấu, đôi khi thông minh và thường xuyên ngốc nghếch” (F. A. Hayek). Một xã hội mà, theo Adam Smith, ở đó “những người tồi tệ có thể gây ra ít điều tồi tệ nhất”.

Buộc mọi người ai cũng phải là “người tốt” không phải là tinh thần của Hiến pháp Mỹ, vì làm như vậy sẽ không dẫn tới tự do mà sẽ dẫn tới nô lệ.

Hiến pháp Mỹ không có lời nào nói về dân chủ. Hiến pháp Mỹ là hiến pháp tự do, được ban hành nhằm "giữ vững nền tự do cho nhân dân hợp chủng quốc và các thế hệ mai sau".

HOÀNGHẢI VÂN 18.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.