Đăng ngày:
Trong lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, có sự hiện diện của ông Brent Christensen, thực chất là đại sứ Mỹ, bà Thái Anh Văn tuyên bố đây là một quyết định « lịch sử », sau khi đã vượt qua được « nhiều thử thách và nghi ngờ ». Bà nói : « Dự án này chứng tỏ quyết tâm cao độ của Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền. Tàu ngầm rất quan trọng để tăng cường năng lực chiến đấu của hải quân, nhằm răn đe các tàu địch bao vây Đài Loan ».
Tập đoàn Đài Loan CSBC cho biết sẽ giao chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2025, trong số 8 chiếc được đặt hàng. Chủ tịch tập đoàn nói rằng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc mua thiết bị và những cản trở từ các thế lực bên ngoài.
Hải quân Đài Loan hiện có bốn tàu ngầm, trong đó có hai chiếc sản xuất tại Mỹ từ thập niên 40, không thể nào so sánh được với hạm đội hùng hậu của Trung Quốc gồm cả những tàu chiến trang bị vũ khí nguyên tử và cả hàng không mẫu hạm.
Trong những thập niên qua, hòn đảo này đầu tư rất lớn vào kỹ nghệ quốc phòng, do Bắc Kinh gây áp lực lên những nước bán vũ khí cho Đài Loan. Năm 2018, chính quyền Donald Trump đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất Mỹ tham gia cung cấp, nhưng không rõ là những công ty nào.
Quân đội Trung Quốc không ngừng đe dọa Đài Loan, với việc gia tăng các hoạt động quân sự sát hòn đảo. Năm nay các máy bay tiêm kích Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ đánh chiếm Đài Loan nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã « cực lực phản đối » mọi sự hợp tác quân sự giữa Đài Bắc và Washington, nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là « hết sức nhạy cảm ». Trước đó Reuters hôm Chủ nhật dẫn hai nguồn tin cho biết đô đốc Michael Studeman, phụ trách tình báo quân sự Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã bất ngờ đến thăm Đài Loan.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.