Trong vụ mua bán bằng Cử nhân ở Đại học Đông Đô, theo báo chí thông tin cho biết những người mua bằng đều là những người có uy tín, nắm vị trí quan trọng trong các cơ quan, ban, ngành.
Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp. Tóm lại hầu hết họ đều là cán bộ có chức vụ trong hệ thống của đảng và nhà nước. Sao những người uy tín thế mà không công bố cho làng xóm biết mặt, cả nước biết tên nhỉ?
Như vậy, báo cho rằng những người này đều là người có uy tín là đúng rồi. Không có uy tín mà được đề bạt ngồi vào ghế cán bộ à? Mấy ông bà trên mạng cứ cười châm biếm khi bảo đấy mà gọi là những người có uy tín sao? Hê hê.
Cán bộ nhà nước ta đa số là đảng viên. Phải là người có uy tín, là đảng viên có uy tín thì mới được đề bạt có chức chứ ! Nhưng mà, thời nay cái từ "uy tín" cũng nên chính danh, định nghĩa lại cho nó phù hợp với thời đại.
Trước đây, uy tín là sự tín nhiệm và mến phục được mọi người công nhận. Ví dụ như: "Ông Bác sĩ đó uy tín lắm" hoặc "Công ty đấy làm ăn uy tín" hay" Tiến sĩ A là một nhà khoa học có uy tín". Tuy nhiên, bây giờ chữ uy tín lại dành cho người có chức vụ, phục tùng nghị quyết đảng, phục vụ cho đảng, chấp hành tốt nghị quyết của đảng, có phe nhóm yểm trợ, có vây cánh bảo vệ được đảng và nhà nước ưu ái, nâng đỡ và đề cao.
Do đấy không cần có sự tín nhiệm và mến phục của mọi người như quan niệm ngày xưa nữa. Và để có một cái ghế, để có "uy tín" với đảng, họ phải có bằng cấp. Vì trong chế độ hiện nay, muốn thăng quan, tiến chức bên cạnh cần phải có quan hệ, tiền tệ cũng cần kèm cái bằng lận lưng làm hình thức, để cho thấy cán bộ ta đều là người có bằng cấp, có tri thức cả, bất kể cái bằng đấy thật hay giả, có được do học hành hay bỏ tiền đi mua.
Khổ nỗi, cán bộ ta bận việc quan, việc nước liên tục, lại xuất thân từ bổ túc hai năm ba lớp, từ tại chức, chuyên tu. Thì giờ đâu mà học, kiến thức đâu mà có bằng. Cho nên đành bỏ tiền ra mua bằng cho nó tiện. Cán bộ ta chữ thì không có chứ tiền thì không thiếu. Sau khi học bổ túc có bằng Tốt nghiệp Phổ thông là lực đã cạn rồi, chữ nhét không vào nữa nhưng phải có bằng để tiến lên.
Thế là đành mua bằng Cử nhân để làm nghiên cứu sinh. Xong đến đấy thì cho nhân viên hay thuê người đi học, khi làm đề tài thì thuê người viết, bảo vệ luận án thì đã có phong bì lót tay cho các Thầy. Có đường dây lo hết, chỉ việc xùy tiền. Thế là có bằng Tiến sĩ với những đề tài nghe tên không đã cười muốn sặc, nghe đọc nội dung đã muốn ói. Nhưng vẫn là Tiến sĩ như ai. Và thế là cứ thế mà lên chức và là người có uy tín kkkkk.
Nên nhớ rằng xứ Việt ngày nay có xấp xỉ 700 trường Đại học và các trường tương đương. Không chỉ có Trường Đông Đô bán bằng, các trường còn lại có bán không? Không cần điều tra thì ai cũng biết. Như vậy hiện nay con số bằng cấp trong hàng ngũ cán bộ của ta được mua bằng tiền không phải là con số nhỏ.
Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ. Thử đặt câu hỏi trong số đó có bao nhiêu bằng Tiến sĩ được mua bằng tiền? Bằng cấp bây giờ có giá hẳn hoi, có cái lên đến tiền tỉ, thấp nhất cũng vài trăm triệu. Chẳng cần tìm đâu xa, chỉ một cái click trên mạng sẽ thấy ngay những quảng cáo rao bán, cung cấp bằng giả tràn lan. Trong các trường Đại học nào cũng có đường dây chạy bằng và các Thầy, Cô nhiều người làm giàu bằng con đường đấy.
Hàng năm, hàng trăm ngàn sinh viên chính quy tốt nghiệp, có hơn 30.000 Thạc sĩ và gần 1.500 Tiến sĩ được cấp bằng. Thế nhưng, những người mài mòn quần trên ghế giảng đường, cầm trong tay bằng cấp thật rất khó cạnh tranh và chen chân được với những cán bộ xài bằng cấp giả.
Do vậy, nhiều sinh viên đi học tốt nghiệp ra trường thất nghiệp phải chạy xe Grab hay về quê làm ruộng là chuyện thường ngày ở huyện. Cũng theo thống kê, con số sinh viên ra trường thất nghiệp tròm trèm khoảng 200.000 người. Đau nhất trong xã hội hiện nay là người bằng giả, học giả lại lãnh đạo thằng học thật, bằng thật. Đó là một vấn nạn.
Lâu lâu, dư luận lại rộ lên lãnh đạo này xài bằng mua, bộ trưởng này dùng bằng giả. Nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng, để lâu cứt trâu hóa bùn. Tất cả đều vẫn như cũ, chẳng có chút thay đổi nào. Họ vẫn là những người uy tín. Lâu lâu phát biểu nhiều câu như người thiếu não.
ĐỖDUY NGỌC 28.11.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.