samedi 7 novembre 2020

Đặng Sơn Duân - Bầu cử Mỹ : Thử tìm hiểu về cuộc chiến pháp lý

Từ lúc này có lẽ tôi sẽ ít tập trung vào kiểm phiếu nữa mà chú ý vào cuộc chiến pháp lý giữa các bên. Theo dõi nó ít nhất giúp mình học hỏi được nhiều điều về sự vận hành của hệ thống pháp lý ở Mỹ.

Những vụ kiện như thế này thường là ít có tiền lệ, thấy sao thì chém cho vui thôi, chứ bản thân kiến thức hạn hẹp, không phải chuyên môn, đúng sai không bảo đảm được nhé. Đồng thời, để viết về pháp lý thì cần loại bỏ thiên kiến chính trị, mà ai cũng biết là mình ủng hộ ai rồi, hehe.

Trận chiến ở bang Pennsylvania

Mấu chốt vụ kiện này là số phiếu qua thư được gửi đến sau 8 giờ tối ngày 3.11 ở Pennsylvania, tức thời điểm kết thúc bầu cử ở bang này.

Trước bầu cử, Đảng Cộng hòa đã yêu cầu không kiểm số phiếu này, theo quy định của bang. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện bang Pennsylvania viện đến sự quá tải của hệ thống bưu điện Mỹ trong tình hình hiện nay nên phán quyết rằng phải kiểm cả những phiếu bầu gửi qua thư có đóng dấu bưu điện trước 8 giờ tối 3.11 và được gửi đến trước 5 giờ chiều 6.11.

Vì thế, Đảng Cộng hòa đệ đơn lên Tối cao Pháp viện liên bang yêu cầu hai điều:

- Tạm đình chỉ phán quyết của Tối cao Pháp viện Pennsylvania.

- Áp dụng thủ tục xử lý nhanh đơn kiện của họ về việc xem xét phán quyết nói trên.

Trong quá trình này, Tổng thư ký bang Pennsylvania Kathy Boockvar ngày 28.10 đã chỉ thị cho các hội đồng bầu cử quận phải phân loại và lưu trữ riêng số phiếu thuộc diện đến trễ nói trên và không được mang ra kiểm.

Tối cao Pháp viện liên bang sau đó đã bác bỏ hai yêu cầu của Đảng Cộng hòa, viện đến chỉ thị của Boockvar ngày 28.10, cho rằng làm như thế là ổn, sau này nếu có thay đổi về số phận số phiếu nói trên thì có thể sửa chữa.

Tuy nhiên, đến ngày 1.11, bà Boockvar tiếp tục đưa ra một hướng dẫn mới về thủ tục kiểm số phiếu đến trễ.

Phe Cộng hòa sau đó tiếp tục kiến nghị lên Tối cao Pháp viện liên bang lập luận rằng các chỉ thị của Tổng thư ký bang không có tính ràng buộc pháp lý đối với các hội đồng bầu cử quận.

Từ đó, yêu cầu Tối cao Pháp viện phải ban hành án lệnh cho các hội đồng bầu cử về việc phân loại và lưu trữ riêng và không kiểm phiếu.

Vào sáng nay, Thẩm phán Samuel Alito đã ra lệnh cho các hội đồng bầu cử tuân thủ hai chỉ thị ngày 28.10 và 1.11 của Tổng thư ký bang.

Ông Alito cũng lưu ý cho đến ngày 6.11, Tối cao Pháp viện không được thông báo về việc chỉ thị ngày 28.10 đã được điều chỉnh (bằng chỉ thị ngày 1.11 cho phép kiểm phiếu).

Chỉ thị ghi nhận rằng đơn kiến nghị của phe Cộng hòa cũng thông báo tòa án rằng cả đương đơn hoặc Tổng thư ký bang (tức hai phe) đều không thể xác minh được rằng mọi hội đồng bầu cử có đều đang tuân thủ chỉ thị không mang tính ràng buộc của Tổng thư ký bang hay không.

Ông Alito cũng cho biết sẽ chuyển đơn kiến nghị của phe Cộng hòa ra hội đồng thẩm phán của Tối cao Pháp viện xem xét và các bên có thời gian phản hồi trễ nhất là 2 giờ chiều 7.11, giờ Mỹ.

Như vậy, có thể thấy ông Alito dù chấp nhận ban hành án lệnh yêu cầu các hội đồng bang tuân thủ về việc lưu trữ riêng, nhưng vẫn cho phép kiểm phiếu riêng theo chỉ thị ngày 1.11 của Tổng thư ký. (Kiểm phiếu riêng là kiểm rồi để đó chứ chưa gộp vào kết quả).

Những tranh chấp và cách xử lý trên đây chủ yếu xoay quanh chuyện trì hoãn để chờ Tối cao Pháp viện phán quyết về số phận của lượng phiếu đến sau 8 giờ ngày 3.11, xem chúng có hợp lệ hay không.

Hiện nay, theo truyền thông, những thống kê về kết quả kiểm phiếu ở bang Pennsylvania đến lúc này chưa tính đến số phiếu đến trễ.

Và cũng theo truyền thông, lưu ý là chỉ theo truyền thông, số phiếu này nhỏ và sẽ không có ý nghĩa quyết định thay đổi kết quả bầu cử ở bang.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là toàn bộ hội đồng bầu cử có tuân thủ đầy đủ chỉ thị của Tổng thư ký hay không. Nếu lỡ như có hội đồng nào không phân loại và lưu trữ riêng, mà gộp chung vào kiểm luôn thì sẽ thế nào?

Khi các số phiếu bị trộn lẫn thì có khả năng sẽ không thể phân biệt được đâu là phiếu đến trước và phiếu đến trễ.

Như vậy, nếu sau này có phán quyết rằng số phiếu trên là không hợp lệ, thì sẽ xử lý thế nào? Hủy bỏ chúng bằng cách nào? Hủy toàn bộ phiếu ở hội đồng đó, hay chia 50-50?

Về góc độ chính trị, Tối cao Pháp viện sẽ có xu hướng không can thiệp vào kết quả bầu cử. Nhưng những vấn đề như thế này đều thuộc dạng hiếm có tiền lệ, nên cũng chưa biết chắc được điều gì sẽ xảy ra, mặc dù cơ hội của phe Cộng hòa không cao.

Nhưng khi đã xác định đấu tranh pháp lý thì phải theo đuổi mọi cơ hội, ngóc ngách dù là nhỏ nhất thôi!

ĐẶNGSƠN DUÂN 07.11.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.