lundi 16 septembre 2019

Phạm Thị Hồng Ánh - Thăm mộ ông Alexandre de Rhodes



Nếu một ngày được đặt chân đến xứ sở Ba Tư tôi sẽ đến viếng mộ ông. 


Mộ của Alexandre de Rhodes được đặt tại nghĩa trang Cơ đốc giáo Armenian ở ngoại ô Isfahan, nơi từng là thủ đô của Iran. Anh bạn hướng dẫn kiêm tài xế người Iran tên Mohammad đã tìm giúp chúng tôi đường đến nghĩa trang này. 

Ngày thứ hai ở Isfahan chúng tôi dậy sớm, cũng không kịp mang hương hoa hay là các vật phẩm nào khác để tưởng niệm. Tôi cũng không biết các phong tục ở đây như thế nào, các cửa hàng ở đây phải sau 9g30 mới mở cửa. Thời gian không nhiều thế nên Mohammad lái xe theo hướng định vị của bản đồ đưa chúng tôi đến với nghĩa trang.

Bước qua cánh cổng nghĩa trang bằng sắt sơn màu xanh ngọc chúng tôi gặp người bảo vệ, được anh phát một tờ rơi trong đó có cả bản đồ phân chia các khu vực chôn cất, tạo thuận tiện cho thân nhân và khách đến viếng, chúng tôi để lại xe để đi bộ. Ngay trang trong tờ rơi, thật hạnh phúc khi nhìn thấy những dòng chữ giới thiệu về ông được in bằng tiếng Anh và tiếng Ba Tư thật trân trọng bênh cạnh tên tuổi các tu sĩ nổi bật khác đại diện có trong tờ hướng dẫn này. 

Con đường xi măng nhỏ hiện trước mắt rợp mát với hai hàng thông. Có lẽ việc trồng chúng vừa là để tạo cảnh quan vừa là để phân lô cho từng mộ phần. Mộ của ông Alexandre de Rhodes ((ADR, 1593 – 1660) được đánh dấu ở lô thứ 7 thuộc khu vực của người theo đạo công giáo, từ hướng cổng đi thẳng con đường lớn, bỏ qua ba ngã rẽ bên trái, lô số 7 cũng nằm ở bên trái, men theo các mộ bia không khó để tôi tìm thấy ngôi mộ của ông. 

Một thoáng trầm ngâm và bồi hồi, ngôi mộ ông hiện ra trước mắt tôi khá khiêm nhường và giản dị. Mộ chỉ như một tảng đá trắng hình chữ nhật, nằm nghiêng nghiêng, đắp cao chưa quá gối. Trên nắp mộ, các dòng chữ được khắc chìm còn khá rõ nét. Có một dấu thánh giá nhỏ ở giữa trên cùng rồi sau đó là tên ông và thông tin giới thiệu ngắn gọn. 

Kề bên mộ có thêm hai bia đá. Một bia in hàng chữ “Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh” bằng bốn thứ tiếng. Theo tôi được biết đây là bia được lập ngay tại nghĩa trang, với sự thiết kế của Viện bảo tồn tiếng Việt (Đại Học Duy Tân) (năm 2018). 

Bia còn lại là một phiến đá được mang đến từ Thanh Chiêm (Quảng Nam). Bia này có đường nét và chữ màu vàng, lại in thêm một trang của Từ điển Việt-Bồ-La. Có lẽ tấm bia này muốn gợi nhắc đến hai việc. Thứ nhất, đó là địa danh Thanh Chiêm (Đàng Trong) nơi đầu tiên ông đặt chân đến trên hành trình truyền giáo tại Việt Nam (khoảng 1624-1625). Đây cũng là nơi ông đã học tiếng Việt với một giáo sĩ đã đến Việt Nam trước ông là Francisco de Pina. 

Mặc dù Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên tạo ra hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Nhưng chắc chắn rằng, Alexandre de Rhodes với việc biên soạn quyển Từ điển Việt-Bồ-La (in tại Roma, Ý, năm 1651) đã đặt một mốc son quan trọng trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Kể từ đây, đất nước Việt Nam chính thức có chữ viết riêng, quá trình này đã góp phần đáng kể vào sự thoát ly âm mưu Hán hóa dân tộc, bao gồm cả đồng hóa tự nhiên lẫn đồng hóa cưỡng bức bởi các triều đại Trung Hoa kéo dài suốt hơn ngàn năm. 

Có thể nói dù với bất kỳ mục đích gì, ý muốn truyền giáo vì Đức tin hay là lòng cảm mến đối với một vùng đất thuộc Đông Dương xa xôi, hay tình yêu với những tộc người xa lạ ....thì công lao của Alexandre de Rhodes là rất lớn, có ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt.

Có lẽ vì suy nghĩ đến những điều trên mà lòng dâng lên mối thương cảm khi đứng trước ngôi mộ của người. Tôi xúc động còn là vì chứng kiến sự hiu quạnh của mộ phần. Ông sinh ra tại Pháp, học đạo tại Ý, suốt phần đời còn lại, ông dành hết tất cả hoài bão, thao thức kiến tạo đời sống tâm linh cộng đồng ở những xứ sở phương Đông. Để rồi cuối cùng để lại thân xác nơi xứ người sau một cơn bạo bệnh. Trong một bài viết được đọc về ông có đoạn như sau 

" Sau này, khi vĩnh viễn từ biệt Việt Nam, Cha đau đớn thú nhận: Trái tim tôi vẫn còn ở lại nơi đó!"

Đông Dương mà trong đó Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông có thể nói như quê hương thứ hai vậy. Tôi tự hỏi trong hơn 300 năm lẻ, có người thân thích nào trong dòng họ huyết thống tại Pháp hay đạo hữu chung dòng tâm linh đã tìm đến nơi này để thăm ông, giữ thêm chút ấm cho mộ phần? Tôi tin là đã có, cũng giống như cách mà chúng tôi đã tìm đến đây vậy.

Tôi nói với người bạn Iran cũng là một hướng dẫn viên du lịch ở đây rằng, sau này nếu có duyên gặp lại các du khách, bạn bè người Việt bạn hãy làm cầu nối để giới thiệu mọi người biết đến nơi này nhé. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người Việt chúng tôi vẫn thường nhắc nhau như thế qua bao thế hệ. 

Lời nhắc là truyền miệng, còn ghi xuống thì cũng phải dùng đến chữ quốc ngữ. Mà đã sử dụng chữ quốc ngữ thì tức là đang thừa hưởng công trình của những người xưa, trong đó không thể nào quên vị giáo sĩ đến từ xứ Avignon, người đã sống tại Việt Nam hơn 20 năm và là một trong số những nhân vật đã góp công vào việc hình thành chữ quốc ngữ. 

Với tôi nghĩa trang Armenian, Isfahan là một điểm đến xứng đáng, rất cần được thêm vào chương trình tham quan của các công ty lữ hành hay các cá nhân nào đó khi có dịp tìm đến xứ sở Ba Tư này. 

PHẠM THỊ HỒNG ÁNH 9/2019 từ cố đô Isfahan (Iran)
Địa chỉ:
Armenian Cemetery: Hakim Nezami st, Sofeh st, Isfahan, Iran

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.