Khoảng 1 giờ sáng
5-9-2019, hai tên bịt mặt đã ném bom xăng vào cổng nhà tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy
Lai). Đây không phải lần đầu tiên.
Năm 2015, một tên
bịt mặt đã thực hiện tương tự; và trước đó, 2013, cũng chính cái cổng ấy, một
chiếc xe hơi đã đâm thẳng vào, trước khi một cái rìu và một mã tấu được cắm
“dằn mặt” ở lối đi vào cổng. Năm 2008, một cây bên ngoài nhà tỉ phú Lê bị đốt,
bằng ba chai xăng… Ai “chơi” những trò
bẩn này, nếu không phải là những người thù ghét ông. Mà ai thù ghét ông Lê?
Tỉ phú Lê Trí Anh
đang bị báo chí Trung Quốc miệt thị hết lời. Cùng Martin Lee (Lý Trụ Minh –
người sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông); Anson Chan (Trần Phương An Sinh - cựu
chánh thư ký đặc khu); và Albert Ho (Hà Tuấn Nhân, cựu nghị viên), Lê Trí Anh
là “đối tượng” mà báo chí Trung Quốc đặt vào nhóm “bè lũ bốn tên” (tứ
nhân bang) đang “ngày đêm phá hoại” Hồng Kông.
Tờ Đại Công Báo, vốn
thân Bắc Kinh, viết rằng ông là kẻ chẳng ra gì, đến mức “dòng họ xóa tên
khỏi gia phả 28 đời”. Trong một quảng cáo giới thiệu tờ Apple Daily (Tần
Quả nhật báo) mà ông sáng lập, Lê ngồi trong nhà kho tối om với quả táo trên
đầu, đối mặt loạt mũi tên từ một bóng đen đang bắn thẳng về phía mình. Những
trò chụp mũ chẳng hạn gọi ông là “người của CIA”, hay màn bôi nhọ của
Đại Công Báo, là những mũi tên như vậy.
Trong khi nhiều tỉ
phú và nhân vật tên tuổi Hồng Kông, như Thành Long, hoặc im lặng, hoặc phản đối
cuộc biểu tình dân chủ, thì ông tỉ phú Lê 71 tuổi lại xuống đường cùng sinh
viên. Nếu “ngồi im” và “biết điều”, Lê sẽ để lại một gia sản kếch xù cho sáu
người con. Tuy nhiên, ông muốn để lại một di sản khác.
Sinh tại Quảng Đông,
Lê bỏ trốn sự cai trị cộng sản ở Hoa lục trên một con thuyền đánh cá vào năm
1959. Ông đến Hồng Kông năm 12 tuổi, với tình cảnh khố rách áo ôm. Làm đủ thứ
việc vặt trong một nhà máy dệt, kiếm 60 đôla HK (7 USD) mỗi tháng và sống chen
chúc trong căn hộ nhỏ 10 người ở khu ổ chuột Sham Shui Po, Lê kể rằng tự do là
cảm giác đầu tiên mà ông có được khi đặt chân đến Hồng Kông và “nó chưa bao
giờ làm tôi thất vọng; cho đến gần đây”. Nhiều người tị nạn cộng sản
khác cũng nghĩ như vậy.
Cần nhắc lại, sau
khi cộng sản giành quyền cai trị Trung Quốc năm 1949, dân số Hồng Kông tăng
trung bình 1.000 người/ngày, trong suốt thập niên 1950, khi chào đón người từ
Hoa lục sang. Hai người chị/em sinh đôi của ông Lê thậm chí suýt chết giữa biển
khi bơi sang Hồng Kông.
Trong hai thập niên,
Lê học tiếng Anh rồi từ công nhân nhà máy dệt trở thành người bán hàng và sau
đó lập doanh nghiệp riêng. Một lần đến New York, khi mua pizza, ông thấy trên
cái khăn giấy chùi miệng có chữ “Giordano”. Từ đó ông nảy ra ý nghĩ lập
chuỗi cửa hàng quần áo nam với thương hiệu “Giordano”. Đến năm 1992,
chuỗi bán lẻ phát triển lên 191 cửa hàng, thu vào 1,6 tỉ đôla HK (211 triệu
USD).
Rồi sự kiện Thiên An
Môn xảy ra. Nó khiến Lê bắt đầu quan tâm chính trị. Ông sản xuất áo thun “Giordano”
in khẩu hiệu ủng hộ sinh viên Trung Quốc. Sau đó, tháng 3-1990, ông thành
lập Next Magazine với mục đích chống chính quyền Bắc Kinh. Trung Cộng phản ứng
bằng cách ra lệnh đóng các cửa hàng Giordano ở Hoa lục.
Năm 1994, Lê trực
tiếp đối đầu chính quyền Trung Quốc khi cho đăng bài bình luận trên một tờ báo
thuộc tập đoàn Next Digital của mình, gọi Thủ tướng Lý Bằng là “tên đồ tể
Bắc Kinh”, là “thằng ngu như rùa”. Đó cũng là năm Lê thành lập Apple
Daily. Tờ báo nhanh chóng thành công, thậm chí bán chạy như tôm tươi ở Đài
Loan.
Năm 2008, tài sản Lê
khoảng 1,2 tỉ USD. Với giới thương gia Hồng Kông, càng làm ăn lớn thì càng phải
thâm nhập sâu vào Hoa lục. Tuy nhiên, Lê đã chấp nhận mất thị trường Hoa lục để
chống Trung Cộng. Năm 2009, ông lọt khỏi danh sách Những người giàu nhất Hồng
Kông của Forbes.
Các tập đoàn khổng
lồ có “chân” ở thị trường Hoa lục, trong đó có Cathay Pacific hoặc CK Hutchison
Holdings của tỉ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành) đều không bao giờ đăng quảng cáo
trên Apple Daily. Lê Trí Anh càng chống Trung Cộng thì doanh số Apple Daily
càng giảm. Đến thời điểm này, theo CNN 28-8-2019, lượng phát hành Apple Daily
chỉ còn 200.000 bản/ngày, bằng 2/3 so với cách đây một thập niên, với 1,5 triệu
độc giả online. Doanh số quảng cáo hàng ngày cũng giảm ½ trong ba năm qua,
trong khi tập đoàn truyền thông Next Digital báo cáo lỗ trong giai đoạn trên.
Một nhóm “người yêu
nước” bí ẩn nào đó thường xuyên đến cổng nhà ông trên một chiếc xe buýt nhỏ màu
trắng, vẫy băng-rôn và lớn tiếng thóa mạ. Chúng gọi ông là “cẩu tặc vẫy đuôi
theo Mỹ”, chuyên bỏ tiền để dụ người dân biểu tình.
“Thật điên rồ. Có
đến hai triệu người xuống đường. Tôi phải chi bao nhiêu cho đủ với hai triệu
người ấy?” – ông Lê cười khà khà. Thỉnh thoảng bọn “yêu nước” ấy kéo đến cổng
nhà ông hát quốc ca Trung Cộng. Ông mặc kệ. “Nếu anh không chiến đấu, anh sẽ
sợ hãi. Tôi thì luôn là một chiến binh” – Lê Trí Anh nói (New York Times
23-8-2019).
Trưa 28-9-2014, ông
Lê bị trúng mảnh đạn hơi cay, một trong 87 viên đạn cay mà cảnh sát Hồng Kông
bắn trong hôm đó, trong cuộc biểu tình Dù Vàng 2014. Sau khi ông tham gia cuộc
biểu tình kéo dài 79 ngày này, Văn phòng liên lạc Hồng Kông của Trung Quốc
(“Trung ương nhân dân chánh phủ trú Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu liên lạc
biện công thất”) bắt đầu gọi điện cho các nhà quảng cáo, dọa rằng nếu họ tiếp
tục quảng cáo trên Apple Daily thì việc làm ăn của họ tại Hoa lục sẽ bị ảnh
hưởng.
Đích thân đặc khu
trưởng CY Leung (Lương Chấn Anh) còn kêu gọi tất cả doanh nghiệp làm ăn ở Hồng
Kông tẩy chay tờ Apple Daily. Cơ quan chống tham nhũng Hồng Kông còn điều tra
ông tội hỗ trợ tài chính cho các chính trị gia và đảng phái ủng hộ dân chủ. Vụ
điều tra chẳng đi đến đâu.
Tháng 8-2019, Thành
Long lên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc nói: “Tôi hãnh diện là người
Trung Quốc”. Cùng vẫy cờ Trung Cộng với Thành Long còn có một số đồng hương
Hồng Kông khác, từ ca sĩ Jackson Wang (Vương Gia Nhĩ) đến Charmaine Sheh (Xa
Thi Mạn, người hiện nổi tiếng như cồn sau vai diễn trong “Diên Hy công lược”).
Họ sợ mất lòng Bắc Kinh. Chính xác hơn là sợ mất thị trường làm ăn ở Hoa lục.
Lê Trí Anh thì chẳng
sợ gì. Ông chỉ sợ Hồng Kông mất những thứ mà ông cảm nhận được ngay khi đặt
chân đến mảnh đất này hồi năm 12 tuổi. Bao nhiêu tiền cho đủ để xây dựng nên
một xã hội có tự do và dân chủ thật sự?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.