mardi 10 septembre 2019

Hồng Kông và những « ông già đi chiến đấu »

"Papy Wong" (G), 85 tuổi, dùng gậy che chắn người biểu tình trước cảnh sát, cùng với đội quân "tóc bạc" ở quận Đông Dũng (Tung Chung), Hồng Kông ngày 07/09/2019.

« Papy Wong » giơ cao chiếc gậy lên khỏi đầu, năn nỉ các cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đừng bắn hơi cay nữa. Ở tuổi 85, ông luôn trên tuyến đầu để bảo vệ những người biểu tình đòi dân chủ.
Ông khập khiễng đi về phía hàng rào cảnh sát để cố làm dịu đi tình hình, tránh các vụ đụng độ nhiều khi rất dữ dội, thường xuyên xảy ra trong các cuộc biểu tình đang làm rung chuyển Hồng Kông từ ba tháng qua.

« Papy Wong » với chiếc mặt nạ phòng hơi cay đeo trễ xuống cằm giải thích với AFP : « Thà họ giết người già chúng tôi còn hơn đánh đập đám trẻ » trong các vụ bạo lực đặc biệt thô bạo tại khu thương mại Đồng La Loan (Causeway Bay). Người biểu tình đặc biệt này nhấn mạnh : « Chúng tôi già cả rồi, nhưng lớp trẻ là tương lai của Hồng Kông ».

Từ đầu phong trào chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hồi tháng Sáu, các thanh niên luôn ở tuyến đầu. Phân nửa trong số những người biểu tình chỉ từ 20 đến 30 tuổi, và 77% có bằng đại học – theo một nghiên cứu do các trường đại học Hồng Kông tiến hành.

Bên cạnh đó còn có những nhóm người lớn tuổi, được gọi là các nhóm « tóc bạc », cũng tham gia phong trào. Nhưng cụ Wong và ông bạn già « papy Chan », 73 tuổi, là những chiến sĩ xung kích hàng đầu trong thế hệ cao niên.

Khi những đợt bắn hơi cay mới tiếp tục bao trùm lên một con đường ở Đồng La Loan, khu phố nổi tiếng với rất nhiều cửa hàng sang trọng, ông Chan nắm thật chặt tay ông Wong để ngăn ông lao vào giữa những tia hơi cay đan chéo nhau. Đội chiếc nón đỏ vẽ đầy khẩu hiệu, nổi bật giữa đám đông, ông Chan gào lên : « Nếu chết thì chúng ta cùng chết với nhau ! ».

Mục tiêu của cụ Wong trước hết là ngăn người biểu tình khiêu khích cảnh sát : ném đá thì cảnh sát sẽ đánh đập họ. Ông hiểu vì sao các thanh niên cảm thấy không có cách nào khác là xuống đường. « Nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc đến cai trị, Hồng Kông sẽ trở thành Quảng Châu. Chính quyền có thể giam hãm chúng tôi nếu họ muốn ». Nhưng ông mong muốn « Tất cả mọi người bình tĩnh để bảo vệ những giá trị căn bản của Hồng Kông ». 

Ba tháng trôi qua, bạo lực ngày càng tăng lên tại đặc khu. Những người phản kháng quyết liệt mặc đồ màu đen quăng gạch đá, bom xăng về phía cảnh sát, và lực lượng này không ngần ngại đáp trả bằng vòi rồng hay đạn cao su. Trên 1.100 người đã bị câu lưu từ khi khởi đầu phong trào, người trẻ nhất mới 12 tuổi và người già nhất tuổi đã trên 70. Đa số bị cáo buộc tham gia các vụ « nổi dậy » - một tội danh có khung hình phạt lên đến 10 năm tù. 

Những người biểu tình « tóc bạc » cũng cảm thấy bị đe dọa từ sau vụ mất tích của « Mamie Wong ». Tên thật của bà là Alexandra Wong, 63 tuổi, đã tham gia mấy chục cuộc biểu tình và luôn giơ cao một lá cờ Anh lớn. Bà mất tích từ giữa tháng Tám, thời điểm người ta thấy bà trong các video, đi tìm kiếm những người bị thương khi đụng độ với cảnh sát tại một trạm métro.

Là người Hồng Kông gốc, bà sống ở Thâm Quyến, bên kia biên giới, nên mọi người nghi ngờ là « Mamie Wong » đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. 

Nhưng đối với « Papy Wong », cuộc chiến còn tiếp diễn. Sau khi rời khỏi cuộc biểu tình ở Đồng La Loan do bị cảnh sát giải tán, ngay hôm sau ông cụ có mặt trong một cuộc biểu tình khác gần sân bay. Ông gào lên, giọng nói vẫn còn rất khỏe : « Các cháu ơi, về nhà đi ! Hãy để cho những người già chiến đấu ! »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190909-hong-kong-va-nhung-ong-gia-di-chien-dau

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.