Tôi phải xin lỗi
người quá cố là tôi không có ý định đi viếng ông, nên dùng từ xem mộ. Tôi chỉ
có nhu cầu xác minh một sự thật.
Khi ông Trần Đại Quang từ trần, rộ lên vô số tin đồn khác nhau về khu mộ được ông chuẩn bị trước ở quê là xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Một tờ báo chính thống hé lộ nó rộng hơn 3 ha, nhưng ngay sau đó phải rút xuống. Mạng xã hội đưa ra các con số khác nhau, dao động từ 5 đến 6,4 ha.
Ngồi ăn trưa tại một nhà hàng gần Bộ Giáo dục, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, nhà thơ Dương Thuấn và tôi cùng cho rằng chuyện này không thể cứ nói lấy được, mà cần một sự chính xác tuyệt đối trước khi đưa ra bất cứ đánh giá nào.
Quan trọng là khi
sống, còn khi về với cát bụi, thì nấm mộ chỉ là chỗ vùi xương cốt. Tôi đã từng
thấy mộ một vị tổng thống Hoa Kỳ nằm dưới gốc cây sồi, trong khu đất nhỏ, bên
cạnh là mộ những người dân bình thường.
Năm 1989 tôi về Đồng
Bẩm, Thái Nguyên, đúng vào hôm mồng một tháng âm lịch, thấy cảnh tượng lạ:
trong những gốc cây đa, trong các hốc đá, hay bất cứ nơi nào có thể đặt bát
hương, đều có những que hương cháy đỏ lòe. Hỏi ra mới biết người dân vùng ấy
thờ trộm bà Nguyễn Thị Năm. Nói thờ trộm, vì không được thờ công khai. Điều đó
cho thấy, một người sống trong lòng dân, thì thậm chí chẳng cần phải có mộ.
Chúng tôi cùng cho
rằng, người dân thường chỉ cần ba mét vuông. Một vị chủ tịch nước, nếu nhân số
đó với 100 lần, tức là khoảng 300 mét vuông, đã là một con số kinh hoàng.
Nhất là vị chủ tịch
nước ấy từng thề suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, chiến đấu, hy sinh
cho nhân loại, cho giai cấp cần lao, không màng vinh hoa, bổng lộc! Sống đã
thế, chết về với cát bụi lại càng phải giản dị. Sống đã hy sinh vì dân, lo
trước dân, hưởng sau dân, thì chết đi lẽ nào, như những lời đồn đại, chỉ vì
ngôi mộ mà khiến hàng trăm người dân, vĩnh viễn qua các đời, không có đất cấy
trồng !
Chúng tôi bèn hẹn
nhau sẽ về tận nơi xem thực hư tin đồn đến đâu. Có thể nhiều người ghét chủ
tịch nước, ghét gia đình ông nên nói vu cho ông như vậy? Nhưng từ khi hẹn nhau đến lúc có thể thực hiện, vừa tròn một năm.
Chúng tôi gồm: phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, nhà thơ Dương Thuấn, hai người bạn lính của tôi và cuối cùng là tôi. Thời tiết đẹp, đường đi khá thuận lợi. Google Map chỉ dẫn tận tình. Hóa ra ông phó giáo sư không chỉ trực ngôn khi bày tỏ ý kiến, mà còn rất nghệ sĩ khi vặn vô lăng.
Sau khoảng hai giờ
xe chạy, chúng tôi vào địa phận xã Quang Thiện. Từ xa chúng tôi đã dễ dàng nhận
ra khu mộ Chủ tịch nước, nhờ ở những cây si hay họ si gì đó, với một kiểu tán
không thể lẫn với bất cứ loài cây nào khác hiện có ở địa phương. Những bức
tường thấp chạy quanh cả bốn cạnh hình chữ nhật, ngăn khu mộ với phần đất nông
nghiệp còn lại. Chúng được chia làm ba phần, đánh dấu bằng ba cầy cầu bắc qua
con mương chạy phía trước khu mộ, rộng hơn chục mét. Đoạn mương thuộc về khuôn
viên khu mộ được kè rất đẹp, rất công phu, còn lại vẫn là bờ đất.
Mộ Chủ tịch nước là một cái vòng tròn, xây bao xung quanh, còn lại bên trong đắp đất và trồng cỏ, có vẻ còn tạm bợ, với đường kính trên 10 mét. Thực lòng trong đời tôi chưa thấy cái mộ nào to như vậy.
Tôi biết bạn đọc đang sốt ruột, vì thế tôi nói rất nhanh: Chiều dài của khu mộ dọc theo con mương kè đá trên dưới 600 mét (những người đưa thông tin 640 mét là do họ gộp cả phần đất còn lại của người dân, hiện nằm bên ngoài ranh giới với khu mộ. Việc sắp tới nó có bị giải tỏa để khu mộ hoàn hảo hơn hay không, thì chúng tôi không biết), còn chiều rộng kéo từ bờ mương đến phần tiếp giáp ruộng lúa thì khoảng 100 mét.
Tóm lại, tính khiêm tốn thì khu mộ Chủ tịch nước rộng khoảng 55.000 mét vuông. Tức là 5 héc ta rưỡi, tức là khoảng 15 mẫu Bắc bộ. Thôi, khỏi phải cãi nhau !
Trước khi ra về, chúng tôi nhập vào mấy người từ nơi khác đến, cùng thắp hương cho ông Trần Đại Quang, như thắp hương cho một người quá cố có mộ nằm chơ vơ ven đường. Mát ruột nhất là được nhận những nụ cười rất tươi của mấy cháu công an làm nhiệm vụ tại khu mộ.
TẠ DUY ANH 10.09.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.