lundi 9 septembre 2019

Cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ-ASEAN


Cuộc tập trận chung Mỹ-ASEAN tháng 9/2019.

(Bruno Philip, Le Monde 07/09/2019) Bắt đầu ở Thái Lan, cuộc tập trận chung vừa kết thúc ở Singapore được coi là ý định của ASEAN làm cân bằng, sau khi đã tập trận với Trung Quốc năm 2018.

 

Chính là mối quan tâm thăng bằng chiến lược đã thúc đẩy 10 nước ASEAN tổ chức cuộc tập chung đầu tiên với Hoa Kỳ.

 

Gần một năm sau cuộc tập trận tương tự tổ chức với Trung Quốc và ASEAN, một số nhà phân tích coi sự kiện diễn ra ngoài khơi Thái Lan – bắt đầu từ đầu tuần qua và kết thúc tại Singapore thứ Bảy 7/9 – là một kiểu « ăn miếng trả miếng ». ASEAN dùng Hoa Kỳ để gởi một thông điệp độc lập cho Bắc Kinh, nhân tố khu vực không thể không tính đến về kinh tế và thương mại. 

 

Trang web Asia Times nhận định, cho dù các nhà tổ chức cuộc tập trận trên biển giữa 11 quốc gia khẳng định không nhằm chống lại Trung Quốc, đây là bằng chứng cho quyết tâm của Hoa Kỳ « làm tất cả những gì có thể làm được để bảo đảm duy trì tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược này ».

 

Căng thẳng vẫn cao độ tại Biển Đông, nơi mà trong những năm gần đây Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên những hòn đảo tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Hôm 1/8, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ Bangkok đã tố cáo chính sách « cưỡng bức » của Trung Quốc trong khu vực.

 

Nổi tiếng là chia rẽ

 

Tuy vậy tại Singapore, người ta nhấn mạnh cuộc tập trận đầu tiên này không thể coi là sự uốn cong một « chủ thuyết » mang tính chiến lược, của một ASEAN muốn đối phó với ảnh hưởng đang tăng cao của Trung Quốc. Trước hết vì một chủ thuyết như vậy không hiện hữu trong « Hiệp hội » nổi tiếng là chia rẽ - ngoài các nước nêu trên còn có Thái Lan, Singapore, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, Indonesia.

 

Tiếp đến, theo Manu Bhaskaran, giám đốc Centenial, công ty tư vấn về các vấn đề kinh tế chiến lược, « Điều quan trọng trước hết đối với ASEAN là trưng ra hình ảnh trung lập giữa Bắc Kinh và Washington, và bảo đảm vị trí trung tâm trong khu vực. Cần nhớ rằng ASEAN không thể để bị Bắc Kinh coi là một định chế tham gia vào một chiến lược chận bước Trung Quốc ».

 

Chuyên gia về các vấn đề chiến lược ở Đông Nam Á, Prashanth Parameswaran có cùng nhận định trên The Diplomat : « Sự cam kết của ASEAN bên cạnh người Mỹ giúp các quốc gia Đông Nam Á này chứng tỏ họ cũng có thể tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong khi vẫn duy trì (quan hệ quân sự) với Trung Quốc ».

 

Một ngàn quân nhân, tám chiến hạm và bốn phi cơ tiêm kích tham gia vào cuộc tập trận, với lộ trình từ vịnh Thái Lan, đi vòng qua mũi Cà Mau ở miền Nam Việt Nam, và kết thúc tại vùng biển Singapore. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hồi đầu tuần nhấn mạnh « Cuộc tập trận mang tính biểu tượng hơn bất kỳ điều gì », tuy nhiên « đem lại nội dung cụ thể hơn cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Lầu Năm Góc công bố gần đây ».

 

Về phía một chuyên gia nước ngoài khác cho rằng : « Mặc dù không phải là việc ASEAN chọn lựa giữa Bắc Kinh và Washington, mối ưu tư thấy rõ của Singapore, tuy có đa số dân người Hoa và duy trì mối quan hệ nhập nhằng với Bắc Kinh, vẫn thường xuyên nhắc nhở Trung Quốc về nguyên tắc chủ quyền trên biển và quyền hàng hải ».

 

Đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc

 

Nếu chiến lược của ASEAN với tư cách một định chế, đôi khi đi ngược lại sự chọn lựa của một nước thành viên – chẳng hạn Cam Bốt hay Lào đã trở nên những khách hàng rất ngoan ngoãn của Bắc Kinh – việc tổ chức tập trận chung với Hoa Kỳ vẫn có thể được coi là một cách khẳng định chủ quyền khu vực.

 

Bởi vì một số quốc gia thành viên ASEAN gần đây rất bất mãn trước đòi hỏi của Trung Quốc, ít nhất là buộc phải phát biểu trong các cuộc thương lượng về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Bắc Kinh muốn đòi cho được một loại quyền phủ quyết, tước đi quyền tổ chức các cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực của ASEAN.

 

Sự quan trọng của cuộc tập trận này đối với người Mỹ có thể thấy rõ qua một chi tiết. Đó là sự kiện Mỹ chấp nhận cho hải quân Miến Điện được tham gia, trong khi các tướng lãnh cao cấp của nước này bị Washington trừng phạt vì vai trò trong việc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.