jeudi 5 septembre 2019

Hoàng Linh - “Dạy làm người”


Tôi sinh ra vào thời chiến tranh, bàn chân đen xì chẳng có mụn ruồi di chuyển nào nhưng cứ tản cư suốt. Cái sự “học làm người” của tôi vì thế nó cũng chìm nổi.

Chưa biết chữ nào, tôi được ba má gửi vào lớp học của bà Lang trọc, ngay sau rạp hát Phương Lạc, Lái Thiêu. Bà này, cạo trọc, ăn chay trường, vừa dạy đám con nít đọc chữ đánh vần vừa bán xây xập dì và thuốc kích dục cho dân chơi bời. Bữa nào mấy phòng trọ, động gái đông khách, bà Lang trọc lấy chỗ ngủ của mình cho dân chơi bời thuê luôn.

Nhưng bà dạy đọc chữ, đánh vần quá hay nên bà con gửi con học khá đông. Đóng tiền cũng được, hay đem gạo mắm đưa tượng trưng, bà Lang trọc cũng không chấp. Dạy con nít là niềm vui của bà.

Đúng là dân chơi, bà coi mấy đứa con nít như nhau, bình đẳng, giàu nghèo thây kệ. Riêng tôi do mắt mũi sáng láng (đó là bà nói nghen) nên được phụ bà bán bánh cam, đậu phộng luộc và mấy liều thuốc trị bệnh lá gió cành chim theo công thức bí truyền nào đó.

Mấy sắc lính dữ dằn như Nhảy dù, Biệt kích 81, Lôi Hổ…mướn phòng đều phải trả tiền đàng hoàng không dám giựt một cắc, vì bà này vừa mô Phật vừa chửi thề, vừa phóng lưỡi lê chéo chéo.

Khi biết đọc, biết viết, phân biệt được khá nhiều loại thuốc chơi bời, học được hàng trăm tiếng chửi thề chân truyền từ bà Lang trọc thì ba má bắt xuống Hàng Xanh ở. Lần đầu tiên tôi thấy con người sắt đá như bà Lang trọc nhỏ lệ, bả cho tôi ít tiền để mua quần áo và một niệt bùa mang vào cổ “Mầy đi tắm thì tháo ra”.

Nhà mới đối diện nhà thờ Hàng Xanh, lềnh bềnh như một làng nổi với những con hẻm chi chít. Ba má tôi đi suốt, cảnh sát quốc gia khám nhà hoài nhưng chẳng có gì. Tôi thì phải đi sâu vào trong hẻm học chữ từ cô giáo Thảo.Cô này người Huế, tên Tôn Nữ gì đó nhưng hàng xóm cứ gọi là cô giáo Thảo.

Lớp có 5, 6 đứa con trai ngồi bệt dưới sàn gỗ. Cô giáo Thảo dạy học rất quái lạ là bắt mỗi đứa cầm báo lên đọc cho cả “lớp” nghe, đọc không chạy thì bị cô bợp tai rõ đau. Tin tức, xe cán chó, đến mấy chuyện bậy bạ như Chín Củi, Rặng Trầm Bầu…đọc tuốt, học tuốt. Hôm nào cô không có báo thì lấy mấy quyển truyện chép tay bắt đọc như đọc báo, tôi nhớ y như là có chuyện Bảy đêm khoái lạc gì đó. Mỗi lần kép là lính chiến về phép bả bắt lũ học trò canh cửa, bả kéo ri-đô lại và “vật lộn” với chú lính xa xa nhà….

Sau đó thì tôi được hóa kiếp, về quê cũ Hóc Môn và được gửi vào trường nhà thờ do mấy bà sơ dạy.

Đây là thời gian tôi bị đập nhiều nhất do nói bậy và cư xử không hề giống con em giáo dân cùng lớp. Tuy nhiên cũng phải cảm ơn mấy bà sơ, đây mới đúng là thời gian “dạy làm người” và “học làm người”, sự nhẫn nại trong giáo dục của mấy sơ thật đáng kinh ngạc.

Cũng như nhân vật “Nó sinh ra trong tiếng reo hò thắng bạc” trong Bỉ Vỏ, tuổi thơ của chúng tôi đầy những vết hằn của chiến tranh, lưu lạc và một sự học bấp bênh. Nhưng khát vọng làm người đàng hoàng và những thầy cô yêu nghề, tận tụy, nhẫn nại đã giúp nhiều người trong chúng tôi trở nên lương thiện. Ước gì tuổi thơ của chúng tôi có thể khác đi.


Nhưng, tôi vẫn nghi ngờ thông điệp mà bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo phát đi trong ngày khai giảng năm học mới hôm nay “Dạy người”. Bởi lẽ, cuộc sống ngày nay khấm khá hơn, sự học tiến bộ hơn, nhưng không hiểu sao việc trở thành một người tử tế lại quá khó?

Cũng trong hôm nay, tràn ngập hình ảnh bộ trưởng bước đi trên thảm đỏ của một trường học danh giá ở Hà Nội. Thật chạnh lòng khi báo chí và mạng xã hội đồng thời đưa hình ảnh khai giảng thật hoang lạnh của những điểm trường khó khăn.

Một việc tế nhị như vậy mà ngài bộ trưởng còn không làm được - như kỳ vọng của nhiều thầy cô, học trò vùng xa xôi mơ một lần bộ trưởng đặt gót giày - thì chuyện lớn lao như “Dạy người” chắc còn xa lắm.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy chia sẻ: “Sáng nay 5-9, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dự khai giảng năm học mới cùng thầy cô giáo và học sinh Trường trung học phổ thông Sơn Tây (Hà Nội). Đó là ngôi trường hiện đại, đẹp giữa thủ đô. Cũng hôm nay, hình ảnh khai giảng cô trò rẻo cao Tăk Pỏ ở Nam Trà My (Quảng Nam) lan đi cảm động với cảnh lớp học xác xơ. Trong ảnh còn thiếu 6 cái ghế cho các em ngồi.

Bộ trưởng dự khai giảng ở đâu cũng tốt. Nhưng giá như một lần ông đến các trường lớp thiếu thốn đủ bề này, thì những cảnh xác xơ này sẽ khác, rất khác...Ở nơi đó cần bộ trưởng đến hơn”.

Chúc thầy cô và các em học sinh một niên học mới thành công.

HOÀNG LINH 05.09.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.