“Glory to Hong Kong” (“Nguyện vinh quang quy Hương
Cảng”) đang được hát khắp Hồng Kông.
Từ siêu thị, góc phố đến học xá đại học, đâu đâu người ta cũng nghe “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” ! Đây
không phải là “ca khúc đấu tranh” duy nhất và đầu tiên của giới trẻ Hồng Kông
khi xuống đường nhưng nó là ca khúc gây xúc động nhất, truyền cảm nhất và lan
truyền nhanh nhất…
Người sáng tác “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” là
một người giấu mặt. Cậu ấy, ở độ tuổi 20, chỉ muốn được nhắc đến với cái tên
“Thomas”. Như mọi sự kiện và nhân vật khác liên quan cuộc biểu tình Hồng Kông
2019, “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”
là kết quả của một tinh thần tập thể.
Theo New York Times (12-9-2019), Thomas đưa
phần nhạc và lời lên diễn đàn LIHKG vào ngày 26-8-2019 và nhờ các bạn khác tự
ghi âm rồi anh phối lại, như thể ca khúc được trình bày từ một dàn đồng ca.
Thomas sau đó cũng sửa lại lời dựa vào những góp ý trong diễn đàn, với hơn
1.000 lượt thu thập ý kiến (theo Time,
10-9-2019).
Mọi người đều
đồng lòng việc ca khúc phải có những câu lột tả tinh thần “Quang phục Hương Cảng, Thời đại cách mạng”. Cuối cùng, ca khúc
được đưa lên YouTube ngày 31-8, với phụ đề Anh ngữ cùng cảnh các cuộc xuống
đường. Tiếp đó, Thomas cùng nhiều bạn khác biên tập lại nội dung hình ảnh cùng
lúc phối hợp với các nhạc công để tạo ra nhiều phiên bản mới cho “Glory to Hong Kong”. Thông điệp lớn
nhất của “Nguyện vinh quang quy Hương
Cảng” là dù đối mặt bất hạnh lẫn bất an nhưng người Hồng Kông nhất định
không đầu hàng – Thomas nói.
Với giai điệu
hùng hồn quyết liệt, “Nguyện vinh quang
quy Hương Cảng” nghe như một quốc ca. Nó lan truyền sức gắn kết dữ dội. Nó
thể hiện tinh thần đối kháng không khoan nhượng và nó chứa đầy nhiệt huyết tuổi
trẻ. Chẳng phải tự nhiên “Nguyện vinh
quang quy Hương Cảng” vang rền khắp Hồng Kông.
Người ta thấy một
nhạc sĩ ôm cây sáo thổi giữa đám khán giả cả trăm người. Người ta thấy những
thanh niên cầm violin, trống, kèn… đến nơi công cộng để cất vang “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” giữa
những giọt nước mắt. Người ta nhẩm theo và hát cùng nhau như thể muốn cả thế
giới cùng nghe và hát với họ.
Ngày 11-9-2019,
một phiên bản mới của “Nguyện vinh quang
quy Hương Cảng” xuất hiện. Đây là MV (music video) được dựng đẹp nhất, với
một “giàn giao hưởng” đội nón bảo hộ, với những thanh niên đeo khẩu trang, chụp
mặt nạ chống hơi cay, và những bàn tay siết nhau thật chặt…
Khi cuộc biểu
tình nổ ra vào giữa tháng 6-2019, người biểu tình đã hát vang “Sing Hallelujah to the Lord”; “Do You Hear
the People Sing” (từ nhạc kịch “Les
Miserables”); “Boundless Oceans, Vast
Skies” (“Hải khoát, Thiên không”) hoặc “Raise the Umbrella” (“Sanh khởi vũ
tản”) – ca khúc thịnh hành từ thời biểu tình Dù Vàng 2014 được nhạc sĩ Lo
Hiu Pan sáng tác (sau đó được chọn là “Ca khúc trong năm” trong chương trình
trao giải âm nhạc hàng năm của Commercial Radio).
Sáng tác “Sanh khởi vũ tản” trong chưa đến hai
ngày sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình vào đêm 28-9-2014, Lo Hiu
Pan (lúc ấy 24 tuổi) nói rằng âm nhạc luôn có sức mạnh không giới hạn về không
gian lẫn thời gian, và đôi khi chỉ một ca khúc thôi cũng đủ để lan tỏa tinh
thần và làm bừng thêm ngọn lửa khí phách.
“Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” là một ca khúc như vậy. Trong khi “Sanh khởi vũ tản” nghe như một ca khúc
nhẹ nhàng điển hình kiểu Canto-pop, “Nguyện
vinh quang quy Hương Cảng” toát ra một sức mạnh quyến rũ và lôi cuốn dữ
dội. Có lẽ nó chứa đầy đủ tinh thần và ý chí người Hồng Kông trong cuộc biểu
tình chống Trung Cộng lần này.
Nghe “Sanh khởi vũ tản” có thể khiến hình
dung một kỳ vọng cho tương lai. Nghe “Nguyện
vinh quang quy Hương Cảng”, người ta như thấy, tương lai từng được kỳ vọng
sẽ không còn nếu hôm nay không quyết liệt đứng lên để giành lại. “Giữa màn sương là một tiếng kèn cô độc:
“Nào hãy nắm chặt tay nhau để cùng chiến đấu cho tự do, bằng tất cả sức mạnh ý
chí. Bằng can đảm và trí tuệ, chúng ta cùng nhau sải bước. Phá vỡ bình minh và
giải phóng Hương Cảng…”.
Giới trẻ Hồng
Kông ngày càng cho thấy họ vừa can đảm vừa trí tuệ, và có tinh thần gắn kết cao
như thế nào, khi cùng nhau sải bước để “phá vỡ bình minh”. Chẳng “ngày mới” nào
có thể đến, nếu như ngày hôm nay luôn tương tự ngày hôm qua, nếu hôm nay cũng
lặng im bất động như ngày trước đó.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.