mercredi 18 septembre 2019

Rohingya : Aung San Suu Kyi trong tầm ngắm của Liên Hiệp Quốc

Bà Aung San Suu Kyi trong lễ khai trương Trung tâm Phát minh Sáng chế Rangoon, Miến Điện, ngày 17/07/2019.

Liệu bà Aung San Suu Kyi có phải chịu trách nhiệm về các tội ác đối với người Rohingya ? Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc hôm 17/09/2019 khẳng định vai trò của bà, vốn là người đứng đầu chính phủ trên thực tế, là một vấn đề đang được để ngỏ.

Sáu trăm ngàn người Rohingya sống tại Miến Điện đang bị đe dọa diệt chủng, và Liên Hiệp Quốc cảnh báo các quan chức dân sự không còn có thể trốn tránh trách nhiệm. Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche gởi về bài tường trình :

« Chỉ trong vòng một năm, danh sách những người bị nghi ngờ là tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại, tội phạm diệt chủng đã nhanh chóng tăng lên. Trong báo cáo gần đây nhất của ủy ban có tên của sáu người, nhưng hôm nay đã lên đến cả trăm. Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội và các tướng lãnh, nhưng mối nghi ngờ ngày càng đè nặng lên bà Aung San Suu Kyi.

Ông Marzuki Darusman, chủ tịch ủy ban điều tra cho biết : Trong báo cáo đầu tiên, chúng tôi cho rằng bà Aung San Suu Kyi không trực tiếp chịu trách nhiệm về các tội ác đối với người Rohingya. Nhưng nhà lãnh đạo không được minh bạch như mong muốn. Vấn đề đặt ra là tìm hiểu xem bà có liên can hay không. 

Như vậy Liên Hiệp Quốc đã tỏ ra thận trọng, không muốn chính thức lên án giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Miến Điện còn bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ khác, theo như một thành viên của ủy ban điều tra là Chris Sidoti.

Ông nói : Chính là phía dân sự kiểm soát về giáo dục, nhưng trẻ em Rohingya không được đến trường. Chính là chính quyền dân sự phụ trách về y tế, nhưng người Rohingya tại các trại tạm cư không được chăm sóc sức khỏe. Đảng của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo ngành tư pháp, kiểm soát tất cả các luật lệ chỉ trừ những luật đã ghi trong Hiến pháp. Thời gian càng trôi qua thì các viên chức dân sự trong chính quyền Miến Điện càng khó thể trốn tránh được trách nhiệm trước một tòa án hình sự quốc tế.

Các nhà điều tra chắc chắn rằng cần phải mất nhiều năm, nhưng các thủ phạm gây ra tội ác tại Miến Điện đến một ngày nào đó sẽ phải bị xét xử. Một cơ chế độc lập sẽ tiếp tục thu thập những bằng chứng có thể được sử dụng trong trường hợp một phiên tòa được mở ra ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190918-rohingya-aung-san-suu-kyi-trong-tam-ngam-cua-lien-hiep-quoc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.