Khuôn silicium để sản xuất chip điện tử bằng công nghệ in nano. |
Le Figaro hôm nay 13/09/2019nói về « Giấc mơ Reagan của nước Mỹ và người khổng lồ Trung Quốc ».
Tờ báo đặt ra các câu hỏi : Hoa Kỳ sẽ dùng chiến lược nào để đối phó
với Trung Quốc ? Liệu Mỹ có thể hành động như tổng thống Reagan trong
thập niên 80 đối với Liên bang Xô viết, chú tâm đến công nghệ ?
Theo Le Figaro, ông Trump rất muốn thế, nhưng Trung Quốc của Tập Cận Bình với vũ khí kỹ thuật số không phải là một con cọp giấy như Liên Xô cũ.
« B Team » và sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô
Năm 1983, ông Ronald Regan đã gây ngạc nhiên cho Liên Xô khi bất ngờ tung ra « Cuộc chiến tranh giữa các vì sao ». Chiến lược này là phát súng ân huệ cho nền kinh tế xô-viết đang bị rối loạn và tê liệt vì nạn tham nhũng.
Chủ
trương tiến công thật ra không tự nhiên xuất phát nơi các nhà chiến
lược Washington, vốn bận ngồi đếm hàng ngàn chiến xa Nga, về lý thuyết
có thể tràn ngập châu Âu. Lúc đó đa số các nhà phân tích của CIA và
think tank nổi tiếng đều cho rằng Liên Xô là một cường quốc quân sự đáng
ngại, thậm chí có thể qua mặt Hoa Kỳ.
Chính nhờ sự quyết liệt của một nhóm chiến lược gia không theo truyền thống, trong đó có nhà sử học Richard Pipes, được gọi là « B Team », đã kích thích ý chí chiến đấu của tổng thống Mỹ để lao vào một cuộc chạy đua, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Tổng thống Ronald Reagan và chương trình Cuộc chiến giữa các vì sao. |
Nhờ trực giác, tổng thống Trump quyết định so găng với Trung Quốc về thương mại để « cứu vớt giới công nhân Mỹ », đồng thời ngăn chận việc chuyển giao công nghệ cho các công ty như Hoa Vi (Huawei). Đây là một « bước ngoặt chiến lược quan trọng », như nhận định của cựu cố vấn Steve Bannon cách đây một năm. Theo ông Bannon « cần khoảng 10 năm để đảo ngược tình hình ».
Trên nguyên tắc, giờ đây không còn ai ở Washington tranh cãi về ý tưởng « kiên nhẫn chiến lược »
thời ông Obama, đã tỏ ra không hiệu quả. Sau khi chỉ trích tính dân tộc
chủ nghĩa của ông Trump và coi chủ tịch Trung Quốc như ngôi sao trong
Diễn đàn Davos, giới tinh hoa Mỹ và châu Âu rốt cuộc đã đứng về phía
Donald Trump, trước những thủ đoạn thương mại bất chính của Bắc Kinh.
Tuy
nhiên tất cả đều lo ngại về tác động tai hại của cuộc chiến thuế quan
đối với nền kinh tế thế giới, nhất là vẫn còn mơ hồ về giải pháp trước
thách thức Trung Quốc. Cuộc tranh luận mới đây của các ứng cử viên Dân
Chủ cho thấy họ rất mông lung, nói rằng ủng hộ các nhà nông Mỹ bị ảnh
hưởng bởi thương chiến, nhưng lại không muốn tỏ ra yếu kém trước Bắc
Kinh.
Tờ báo dẫn lời chiến lược gia bảo thủ David Goldman, chủ
trương cứng rắn, nhưng song song đó phải có chiến lược kỹ nghệ dài hạn. « Thời điểm hiện nay cũng mang tính quyết định như thời kỳ phải đọ sức với chương trình Sputnik » - ông viết trong mục diễn đàn cùng ký tên với Henry Kressel, nhà khoa học nổi tiếng từng làm việc trong chương trình «
Chiến tranh giữa các vì sao ». « Nếu Hoa Kỳ đánh mất năng lực về công
nghệ thì sẽ bị lệ thuộc vào kẻ thù, giống như một đất nước không có
ngành luyện kim trong lúc phải đánh nhau bằng trọng pháo ».
Donald Trump và Tập Cận Bình tại G20 ở Osaka, 29/06/2019. |
Chiến lược gia David Goldman trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro đã nhận định « Trước Bắc Kinh, ông Trump có trực giác tốt nhưng chọn nhầm vũ khí ».
Chuyên
gia Goldman nhận định, tổng thống Trump chắc chắn đã gây bất ngờ cho
ban lãnh đạo Trung Quốc vì sự cứng rắn của ông. Trong suốt 25 năm qua,
giới tinh hoa Mỹ, đặc biệt là Kissinger đã sai lầm khi luôn chủ trương
chung sống hòa bình với Trung Quốc, tránh đối đầu. Ngược lại, Donald
Trump không sợ xáp chiến với Bắc Kinh, trực giác của ông là đúng đắn.
Nhưng chiến lược của Trump thì phải xét lại.
Ban đầu Trung Quốc
coi Trump như một nhân vật thô lỗ, có thể dỗ ngọt bằng quà cáp, nhưng
rốt cuộc không thành công. Đến đầu năm 2019, Bắc Kinh thay đổi cách
nhìn, chấp nhận một cuộc chiến thương mại tổng lực, vì nghĩ rằng sẽ bị
thiệt hại ít hơn.
Ông Trump ít còn khả năng gây ngạc nhiên, sau
khi đã chơi hai nước bài thuế quan và hạn chế bán công nghệ cao cho Bắc
Kinh (nhất là Hoa Vi). Theo Goldman, tái thúc đẩy công nghệ bán dẫn là
biện pháp duy nhất để chận bước Trung Quốc, tuy nhiên rất tốn kém : một
nhà máy sản xuất chip hiện đại tốn đến 40 tỉ đô la.
Ông nhắc lại,
cuộc cách mạng kỹ thuật số đã giúp cán cân nghiêng về phía Mỹ khi
Reagan lên làm tổng thống. Liên Xô chỉ nhận ra điều đó vào năm 1982,
trong cuộc không chiến Israel-Syria : hệ thống trang thiết bị điện tử
giúp chiến đấu cơ Mỹ luôn ở thế thượng phong. Liên Xô vẫn còn hỏa lực
rất mạnh, nhưng sáng tạo đã giúp phương Tây giành phần thắng. Trong thế
kỷ 21, sáng tạo trong công nghệ lại còn quan trọng hơn.
Thamanat Prompow, bộ trưởng có thành tích bất hảo. |
Thái Lan : Vào tù ra khám vẫn được làm bộ trưởng
Tại châu Á, Le Monde trong bài « Thái Lan và vị bộ trưởng buôn ma túy » cho biết theo một tờ báo Úc, bộ trưởng Nông Nghiệp của Thái liên can đến một vụ nhập lậu heroin.
Buôn
ma túy, tội phạm, mafia : làm thế nào ông bộ trưởng Thamanat Prompow có
thể chống chọi được trước những thông tin tai hại mà nhật báo Úc Sydney Morning Heralt
vừa công bố ? Theo đó, ông Thamanat đã từng ở tù bốn năm (1993-1997)
tại Úc do một vụ buôn bán ma túy. Ông đã nhận tội nhập lậu 3,9 kg heroin
có trị giá vào thời đó là 4,1 triệu đô la. Thamanat bị bắt tại một
phòng khách sạn, khi một người giao hàng từ Bangkok vừa mang ma túy đến.
Năm 1998 ông lại vào tù ở Thái Lan vì cáo buộc giết người và hãm hiếp,
rồi được trắng án sau ba năm trong trại giam.
Vụ tiết lộ này mang
tầm vóc chính trị, vì nhân vật này đóng một vai trò trong cơ cấu rắc rối
của chính phủ, gồm các bộ trưởng xuất thân từ 17 đảng khác nhau. Thủ
tướng Prayut Chan-O-Cha muốn khoác lên chiếc áo dân chủ, phải lập một
liên minh tạp nham để chiếm đa số trong Quốc Hội, trong đó có 10 đảng «
siêu nhỏ ». Nếu Thamanat phải ra đi, liên minh này càng dễ tổn thương.
Cần nói thêm, bộ trưởng Nông Nghiệp có tài sản kê khai là 42 triệu đô la
với một đội xe sang trọng, túi xách Chanel, Hermès, đồng hồ hàng hiệu.
Sự
kiện một bộ trưởng từng vào tù ra khám có vẻ không hề gây sốc cho thủ
tướng Thái. Hôm 10/9 ông Prayut nói trong cuộc họp báo : « Ai cũng có thể sai lầm », và ông còn chất vấn các phóng viên « Tại sao quý vị luôn đặt ra những câu hỏi làm cho tôi phải bực mình ? »
Xe cộ lưu thông trên xa lộ M56 gần Chester, Anh ngày 12/09/2019. |
Brexit không thỏa thuận có thể tạo nguy cơ nổi dậy
Ở
châu Âu, các báo quan tâm đến kịch bản thảm họa về Brexit không thỏa
thuận, mà thủ tướng Anh Boris Johnson buộc lòng phải cho công bố hôm
qua. Báo cáo mang tên « Chiến dịch Yellowhammer » báo động tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra, nước Anh sẽ thiếu thốn nhiều loại hàng hóa.
Tài
liệu gồm năm trang mô tả một tình hình kinh tế tồi tệ, thậm chí có nguy
cơ dẫn đến nổi loạn. Gần 85% xe vận tải nặng đi qua biển Manche sẽ ở
trong tình trạng bất hợp lệ theo quy định mới của hải quan Pháp, có thể
phải chờ đến hai ngày rưỡi, và như vậy lượng xe lưu thông sẽ giảm từ 40
đến 60%. Một số mặt hàng tươi sống trở nên hiếm hoi, người dân lo sợ, ồ
ạt đi mua khiến chuỗi cung ứng rối loạn. Dược phẩm sẽ bị thiếu, gây nguy
cơ dịch bệnh ; xăng dầu trở nên hiếm hoi tại Luân Đôn và đông nam nước
Anh.
Le Figaro nói thêm, tình trạng này có thể kéo dài
trong nhiều tháng, làm hàng hóa tăng giá, ảnh hưởng đến các gia đình thu
nhập thấp. Người ta lo ngại bất bình tăng cao sẽ dẫn đến các vụ nổi
dậy, và căng thẳng giữa các cộng đồng. Một Brexit « cứng » sẽ làm Anh
quốc thiệt mất 16 tỉ euro hàng xuất khẩu sang EU, nhiều tỉ bảng Anh trao
đổi với các nước khác cũng tan thành mây khói.
Vì sao Google chịu nộp phạt 1 tỉ euro cho chính phủ Pháp ?
Trên lãnh vực kinh tế, sự kiện đáng chú ý là « Google chi trả gần 1 tỉ euro để chấm dứt bị kiện tụng tại Pháp ».
Tòa án Paris vừa chấp nhận việc tập đoàn Mỹ chi 500 triệu euro để tránh
ra tòa về tội trốn thuế, đồng thời nộp phạt cho cơ quan thuế vụ với số
tiền tương đương.
Les Echos cho biết năm 2016 các nhà
điều tra của Cơ quan chống tham nhũng, tội phạm tài chính và thuế
(OCLCIFF) phối hợp với Viện Công tố Tài chính Pháp (PNF) đã tiến hành
một cuộc « bố ráp » quy mô vào Google France. Hơn 100 điều tra viên cùng
với các chuyên gia tin học đi kèm đã ập vào trụ sở, tịch thu nhiều
téraoctet dữ liệu và phải mất hơn ba năm mới xử lý xong.
Vì sao
tập đoàn khổng lồ này chịu quy phục trước Nhà nước Pháp, trong khi đang ở
thế mạnh vì tòa án hành chính Paris hồi tháng Tư bác việc nộp phạt thuế
? Trước hết là vấn đề hình ảnh, mà các tập đoàn GAFA vốn rất nhạy cảm.
Mặt khác, Tham chính viện vẫn có thể hủy quyết định của tòa hành chính.
Cuối cùng, vũ khí hình sự để chống trốn thuế đã được tăng cường trong
những năm gần đây, đặc biệt là một cơ chế theo kiểu Mỹ, cho phép một
doanh nghiệp đóng một khoản tiền phạt lớn để tránh một bản án hình sự.
Biện
pháp này tỏ ra hết sức hiệu quả, các ngân hàng lớn như HSBC, Société
Générale…đều chấp nhận. Một tấm gương tày liếp là UBS. Ngân hàng này
chọn ra tòa hơn là thương thảo, và tòa án đã buộc nộp phạt số tiền kỷ
lục là 4,5 tỉ euro, trong khi mức thương lượng với PNF chỉ có 2 tỉ euro.
Có lẽ tiền lệ này đã khiến Google phải suy nghĩ.
Hành khách chờ tàu tại métro Gare du Nord, Paris trong ngày đình công 13/09/2019. |
Tựa trang nhất báo chí Paris hôm nay chủ yếu dành cho thời sự nước Pháp. Le Figaro chạy tít « Chế độ hưu : Thủ tướng Edouard Philippe lên tuyến đầu ». Cũng về chủ đề này, Libération nhận định « Chế độ hưu : Chính phủ có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn ». Le Monde cho biết « Điện Elysée vẫn ủng hộ Richard Ferrand sau khi chủ tịch Hạ Viện bị đặt trong vòng điều tra », còn nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện « Google thanh toán nợ với Pháp ». Riêng La Croix nhìn sang Bắc Phi, với tựa đề « Tunisie : Nền dân chủ trước thách thức ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.