lundi 9 septembre 2019

Chu Hảo - Lửa thử vàng


(Bình luận bài “Trung Quốc là kẻ thù hay là bạn của ta?” của Nguyễn Trung)

(VietStudies 09/09/2019) Tôi ngưỡng mộ tác giả Nguyễn Trung vì sự kiên trì không biết mệt viết những Kiến nghị thống thiết gửi lãnh đạo đảng cầm quyền, mà theo ông là lực lượng duy nhất hiện nay có thể xoay chuyển được tình thế, nếu (???) “vượt qua được chính mình”. 
Bài viết này của ông cũng theo mạch đó: rất tâm huyết, rất logic, rất cặn kẽ… Giá như không phải đặt ba dấu chấm hỏi sau chữ “nếu” trên đây thì phúc đức cho Dân tộc biết mấy!
 Ở đây tôi chỉ xin tham gia một vài ý kiến ngắn ngõ hầu làm rõ thêm ý của ông Nguyễn Trung ở câu kết luận: “Toàn bộ những việc cần phải làm này trước hết là hòn đá thử vàng đối với Đại hội XIII tới của ĐCSVN hiện nay”

1.     Dân ta thường nói  “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bởi dùng lửa nóng trên 1000 độ C để thử độ thật giả của vàng là thông dụng nhất. Ngoài ra còn nhiều cách khác, nhưng hoặc quá phức tạp (như phân kim…) hoặc không đáng tin cậy (như dùng răng cắn thử…). Dùng đá thử vàng nghe có vẻ hơi lạ, và được định nghĩa khá mung lung trong các từ điển thông dụng (bạn đọc thử hỏi “cụ” Google mà xem!). Nhưng  chắc chắn ý của tác giả ở đây phải là lửa. 
2.     Vậy ở đây “lửa” có thể hiểu là các việc cấp bách mà lãnh đạo đảng cầm quyền phải làm ngay một cách rốt ráo? Thế còn “vàng” là cái gi? ĐCSVN hay cái ĐH XIII của họ là “vàng”? Nếu những thứ ấy là “vàng” thì “ lửa” không phải chỉ là những việc phải làm ngay đã được ông Nguyễn Trung chỉ ra không phải một lần, mà đã rất nhiều lần! Những thứ ấy phải được thử bằng một cuộc trưng cầu dân ý (hay là bỏ phiếu tín nhiệm toàn dân) được thực hiện một cách nghiêm chỉnh theo Hiến pháp hiện hành với các câu hỏi dễ hiểu, dễ trả lời. Chẳng hạn:
a)     Trên thực tế, ĐCSVN hiện nay đặt quyền lợi sống còn của Dân tộc lên trên hết, hay coi việc trung thành với Ý thức hệ tư tưởng tương đồng với ĐCSTQ là quan trọng hơn? 
 b) ĐCSVN đang hoạt động theo  Luật hiện hành nào? (Các đảng cầm quyền ở các nước văn minh đều phải hoạt động theo Luật về các đảng phái chính trị. Còn ở ta: chưa có Luật Biểu tình nên dân không được biểu tình, chưa có Luật về Hội nên dân chưa được tự do thành lập Hôi; thế mà đảng cầm quyền vẫn “hồn nhiên” hoạt động không theo Luật nào cả? Chi lạ vậy?).
Thế còn ĐH XIII sắp tới thì không cần “thử” ta cũng đã biết rồi. Nếu không có gì đột biến thì sẽ vẫn như xưa (trừ ĐH VI). Trong quá trình chuẩn bị ĐH này các cấp đã được chỉ đạo nghiêm ngặt: “Không thay đổi Cương lĩnh” và “Cương lĩnh [của đảng cầm quyền] quan trọng hơn Hiến pháp [của quốc gia]. Tức là bàn gì thì bàn chứ không được đụng đến hai cái lỗi hệ thống quan trọng nhất  là Cương lĩnh và Hiến pháp, nhưng thường được nhắc đến một cách “ít nhậy cảm” như là “thể chế chính trị” hay “cơ chế hiện hành”…Thế thì còn hy vọng gì ở cái sự “vượt qua được chính mình”?
Còn muốn có đột biến để mở ra công cuộc Đổi mới lần II, như nguyện ước từ lâu của nhiều người, thì ít nhất phải xuất hiện ba điều kiên: 1) Một phong trào tương tự như “Phá rào” từ các địa phương (Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn, Chín Cần ở Long An, Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc…) ; 2) Một Tổng bí thư biết lắng nghe và quyết đoán (như Trường Chinh);  3) Một nhóm “quân sư” tài ba và dũng cảm (như Hà Nghiệp [đã mất], Trần Nhâm [đã mất] , Phan Diễn…)
Những nhân sự tài năng và quyết đoán như thế trong cả hệ thống chính trị hiện nay chưa thấy bóng dáng đâu, nhưng chẳng lẽ họ lại bị “tuyệt chủng”cả rồi sao? Nghe có vẻ như vô lý !
CHU HẢO
 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.