dimanche 4 avril 2021

Nguyễn Ngọc Chu - Những thách thức với tân Bí thư Thành ủy Hà Nội


Hà Nội có Bí thư Thành ủy mới là ông Đinh Tiến Dũng. Nhiệm kỳ 2021-2025 là quãng thời gian đủ để Tân Bí thư Thành ủy vùng vẫy. Đã lâu rồi, các Bí thư Thành ủy Hà Nội không ai để lại dấu ấn. Liệu ông Đinh Tiến Dũng có là ngoại lệ?

THAY ĐỔI QUAN NIỆM VỀ QUẢN TRỊ

Phương thức “hai lãnh đạo” trong điều hành quản lý tỉnh thành, tồn tại mấy chục năm qua, không đưa lại hiệu quả mong muốn. Vai trò của Bí thư thì chỉ nói về đường lối chung chung. Còn vai trò của Chủ tịch là điều hành trực tiếp thì phải xin ý kiến của Bí thư.

Thành phố thì không biết ai là Thị trưởng. Còn các tỉnh không biết ai là Tỉnh trưởng. Tồn tại hai bộ máy song song, tốn kém mà không hiệu quả. Như cỗ xe hai đầu, nhiều khi đi ngược hướng. Trong đa số trường hợp, là cản lực nhau.

Ở phương diện này, cũng là mô hình quản lý “Đảng - Chính quyền” nhưng trong quân đội có phần hiệu quả hơn. Bởi chính Tư lệnh là người quyết định cuối cùng trong chỉ huy tác chiến, chứ không phải là Chính ủy. Đây là điều mà các Chủ tịch tỉnh thành không có được.

Thêm vào đó, các Chính ủy đều là các tướng chiến trường, nên có trình độ tác chiến thực chất. Khác với các Bí thư, chỉ nói về đường lối, không có tác dụng gì cho tác nghiệp thực tiễn. Cụ thể với trường hợp Hà Nội, rốt cục, thì mấy chục năm qua Hà Nội không có một Thị trưởng đúng nghĩa.

Bởi thế, muốn để lại dấu ấn, đầu tiên là phải thay đổi quan niệm của chính Bí thư Thành ủy về vai trò Bí thư Thành ủy : Phải là Tư lệnh.

Nếu soi vào mô hình quân sự thì đây là Tư lệnh kiêm Chính ủy chứ không phải Chính ủy kiêm Tư lệnh.

Nghĩa là, Bí thư trực tiếp đưa ra các “quyết định tấn công”, trực tiếp “chỉ huy chiến dịch”, tự mình “đốc chiến”.

Chừng nào mà Bí thư Thành ủy Hà Nội không trực tiếp đưa ra các “quyết định tấn công”, không trực tiếp “chỉ huy chiến dịch”, không tự mình “đốc chiến” – thì chừng đó Hà Nội không có thay đổi đáng kể.

Tư lệnh kiêm Chính ủy không chỉ đúng cho Hà Nội mà đúng cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Tư lệnh kiêm Chính ủy không chỉ đúng cho tất cả các tỉnh thành, mà đúng cho ngay ở mức quản lý cao nhất là quốc gia.

Khống chế quyền lực của Tư lệnh kiêm Chính ủy bằng Pháp Luật.

Tư lệnh kiêm Chính ủy là “bảo bối’ để Tân Bí thư Thành ủy đưa Hà Nội tiến lên.

Hà Nội tiến lên theo hướng nào?

1. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Nghèo thì hèn. Nói trời nói đất, có bao nhiêu nghị quyết, chỉ thị, thì cuối cùng Hà Nội phải là giàu có. Phải tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Hà Nội còn quá thua kém so với TP HCM, chưa nói đến so với Singapore. Đây là trách nhiệm trước nhất của Tân Bí thư Thành ủy.

2. CHỐNG THẤT THOÁT

Chưa làm đã phá thì không thể giàu có. Muốn có mức tẳng trưởng lớn thì phải chống được thất thoát. Hà Nội có mức thất thoát rất lớn. Khối lượng tiền bạc tài sản thất thoát này làm giảm sự phồn thịnh của Hà Nội ở mức rất đáng kể.

Chống thất thoát bao gồm chống tham nhũng. Nếu không có khả năng chống tham nhũng thì các cố gắng của Tân Bí thư Thành ủy cũng giống như ‘dã tràng xe cát’.

3. KHOÁC ÁO MỚI CHO HỆ THỐNG GIAO THÔNG

Năm năm tuy không ngắn, nhưng không đủ dài để lột xác toàn bộ hệ thống giao thông Hà Nội. Nhưng 5 năm cũng đủ để thay áo mới cho hệ thống giao thông Hà Nội. Trước hết là giảm được ùn tắc, chống được sự thấp cấp đến mức nguy hiểm của đường sá. Tiếp nữa là khánh thành các đường giao thông mới.

Đây là nơi Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội có thể để lại dấu ẩn dễ thấy nhất. Thất bại trong cải thiện hệ thống giao thông Hà Nội đồng nghĩa với sự không thành công trong toàn bộ nhiệm kỳ.

4. MÔI TRƯỜNG SỐNG

Chưa bao giờ không khí và nước ở Hà Nội bị ô nhiễm như bây giờ. Và cư dân Hà Nội đang đối mặt với sự không an toàn của thực phẩm mỗi ngày một gia tăng. Đảm bảo môi trường sống trong sạch cho cư dân Thủ đô là nhiệm vụ cấp bách của Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội.

5. BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI

Quan tâm đến người dân, trước tiên là quan tâm đến các quyền cơ bản của con người. Khi các quyền cơ bản của con người không được tôn trọng - thì cái ác sẽ lên ngôi, sức phát triển của cá nhân và cả xã hội sẽ bị gông cùm, án oan và kiện tụng mỗi ngày một dài thêm.

Chỉ có tôn trọng các quyền cơ bản của con người theo chuẩn mực của nhân loại thì mới có cơ hội tiến kịp bước đi nhân loại. Bảo đảm các quyền cơ bản của con người là tự giải phóng nội lực, là động cơ đẩy toàn bộ Hà Nội tiến lên.

6. MỞ RỘNG DÂN CHỦ

Mở rộng dân chủ. Trước hết là trong đảng. Để huy động được sức mạnh tổng lực của toàn bộ các đảng viên. Quan trọng hơn nữa là mở rộng dân chủ trong xã hội. Khi mở rộng dân chủ trong xã hội là lúc huy động được sức mạnh của toàn dân.

Còn những điều khác nữa. Nhưng làm tốt chỉ với 6 điều trên, Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất định sẽ ghi tên vào danh sách các Bí thư Thành ủy Hà Nội xuất sắc.

Biết là khó. Có thể là quá sức. Nhưng vẫn cầu mong. Vì quá yêu Hà Nội.

NGUYỄNNGỌC CHU 03.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.