Một trong các vấn nạn tại nhiều bệnh viện công lớn có những tòa nhà cao tầng ở Việt nam là chen chúc, chờ đợi ở các thang máy. Có những bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, do công ty chuyên nghiệp của Hàn Quốc thiết kế, thế nhưng, chờ đợi thang máy cũng vẫn là vấn nạn.
Hầu như không có bệnh viện ở nước nào, đặc biệt là các nước phát triển, giống như ở Việt Nam, lúc nào cũng tràn ngập người nuôi bệnh. Ngay cả Thái Lan, bệnh viện công của họ cũng vắng vẻ. Đi vô phòng bệnh, chỉ thỉnh thoảng mới thấy người nhà (không biết họ vô thăm hay nuôi bệnh như ở các bệnh viện của chúng ta).
Khi bệnh viện bị quá tải, thang máy tắc nghẽn, nhà vệ sinh ngập nước và rác, chúng tôi tìm nguyên nhân. Thì ra bệnh viện chỉ thiết kế cho mỗi khoa khoảng 50 bệnh nhân, bây giờ có cả trăm rưỡi bệnh nhân, và khoảng 200 đến 300 người nuôi bệnh, thì làm sao mà không tắc nghẽn. Vậy là, chúng tôi quyết định “đuổi” người nhà bệnh nhân ra khỏi khoa.
Công việc “đuổi” người nhà ra khỏi khoa ban đầu được giao cho hộ lý. Nhưng hộ lý, dù có chửi bới, thậm chí là nhục mạ, vẫn chưa đủ “oai” với người nhà bệnh nhân. Đến điều dưỡng được trưng dụng để “đuổi” người nhà ra ngoài. Thế là xuất hiện nhiều điều dưỡng mặt sắt, chỉ trỏ, quát nạt người nhà bệnh nhân. Vẫn chưa đủ oai.
Vậy là, nhiệm vụ “đuổi” người nhà được các bác sĩ kiêm nhiệm. Từ đó, các bác sĩ thỉnh thoảng lại sửng cồ lên với người nhà bệnh nhân. Nhiều người nhà bệnh nhân hết sức ngạc nhiên khi thấy có bác sĩ đang rất lịch sự, bỗng trở mặt “ngầu” với mình. Nhưng, đó là “nhiệm vụ chính trị” được giao phó, Nếu không hoàn thành, các bác sĩ cũng sẽ bị cắt thi đua, và nhiều phiền phức khác. Không cẩn thận còn bị coi là chống đối.
Tôi có một bệnh nhân, được mổ vào hành tủy. Nếu không mổ, anh chắc chắn sẽ bị ngưng thở và chết, nếu mổ, nguy cơ đó cũng khá cao, nhưng có hy vọng sống. Thật không may, anh không tự thở được sau mổ. Sau nhiều cố gắng, chúng tôi không thể hồi phục được khả năng thở cho anh. Người nhà xin về. Chúng tôi cho anh về.
Một năm sau, có một bài báo, kêu gọi giúp đỡ cho một người bệnh không tự thở được, gia đình phải thay nhau bóp bóng cho người bệnh. Đó là một gia đình nghèo, ở giáp với biên giới Campuchia. Sau khi hỏi thăm nhà báo, chúng tôi xác định đó chính là bệnh nhân của mình. Vậy là chúng tôi tới tận nhà anh sau khi đi xe, và đi đò gần 2 giờ, đến sát biên giới.
Anh rất vui khi chúng tôi đến. Cái nội khí quản đã bị xì bóng, không khí bóp vô không vô được bao nhiêu. Mấy đứa con anh thay nhau bóp bóng cho cha 24/7 ngoài giờ đi làm mướn. Vợ anh thì lo đi làm mướn lấy tiền cho gia đình sống. Nhận thấy anh đã hồi phục khá nhiều so với lúc xuất viện, chỉ là lượng oxy bơm vào cho anh không được bao nhiêu, chúng tôi quyết định đưa anh về bệnh viện để tập thở cho anh.
Anh được để ở phòng săn sóc đặc biệt, được tập trung những máy móc hiện đại nhất của bệnh viện. Ở săn sóc đặc biệt thì người nhà chỉ được vô thăm theo giờ mà thôi. Sau mấy ngày chăm sóc đúng mức, có đo và điều chỉnh nồng độ oxy, anh bắt đầu phục hồi vận động tay, chân và tự thở được vài nhịp.
Đang lúc hy vọng tràn trề thì anh tử vong. Thì ra là hệ thống máy thở hiện đại nhất của bệnh viện cũng vẫn phải tháo ra theo kiểu thủ công khi cho bệnh nhân tập thở. Do có một ca trở nặng đột ngột, người điều dưỡng trực đã không gắn máy thở lại kịp cho anh khi anh không còn tự thở được.
Tôi bị sốc nặng với trường hợp của anh. Và nhận ra một điều, nền y tế Việt Nam còn lâu lắm mới đạt được mức phát triển như ở các nước tiên tiến. Những khẩu hiệu kiểu như chăm sóc toàn diện thực ra nghe thì hay, nhưng cũng chỉ thực hiện được phần nào. Phần vì quá tải, phần vì khả năng quản trị bệnh viện, cũng như trình độ chăm sóc toàn diện của phần lớn nhân viên còn rất kém.
Khi ra tư nhân, tôi đã cố gắng xây dựng chế độ chăm sóc toàn diện ở mức cao nhất. Nhưng nếu có mặt người nhà, tôi vẫn thấy an tâm hơn. Càng làm việc, tôi càng nhận thấy, người nhà bệnh nhân hoàn toàn không cản trở các thầy thuốc, họ giúp các thầy thuốc, ít nhất là giám sát việc thực hiện công tác chăm sóc bệnh nhân của các thầy thuốc.
Câu chuyện bệnh nhân tập thở tử vong của tôi xảy ra khoảng gần 20 năm trước. Có thể hiện nay, khả năng chăm sóc toàn diện của các bệnh viện công của Việt Nam đã được nâng cao. Nếu được như vậy thì thật là tốt cho người bệnh Việt Nam. Khi đó, việc thu tiền người vào nuôi bệnh chỉ là nhằm hạn chế thói quen nuôi bệnh, gây khó khăn cho bệnh viện.
Nhưng nếu thu tiền chỉ là để tận thu, còn thực tế thì bệnh viện không đủ khả năng chăm sóc toàn diện cho người bệnh, thì việc đó giống như kiểu đặt trạm thu phí BOT giao thông ở vị trí mà có đi kiểu nào cũng không thể thoát được.
VÕ XUÂN SƠN 16.04.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.