dimanche 18 avril 2021

Ngô Nguyệt Hữu - Cải cách giáo dục !

 

Tân thiên tử tân triều thần, tân quan nhân tân chính sách.

Cứ mỗi lần có tân quan, tôi lại nghe nhắc đến cụm từ “cải cách”. Hai tiếng nghe rất đơn giản này lại ẩn chứa trong đó trùng trùng nguy hiểm khôn lường và nguy cơ không sao kể xiết.

Tôi nằm xem mấy chục tập Đại tần Đế quốc, người Trung Hoa lấy phim cổ trang để luận ngày nay, lấy cải cách của Thương Ưởng (nước Tần) mà hệt ngợi ca cải cách của Trung Quốc hiện tại.

Cải cách là một tiến trình kéo dài nhiều năm với hàng loạt hệ lụy, lẫn hậu quả mà người tiến hành cải cách phải chịu trước. Khoán 10 của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc có thể gọi là cải cách, và những gì ông Kim Ngọc chịu có thể xem là hậu quả phải nhận lãnh của người dám cải cách.

Vì sao phải cải cách? Vì ù lì, vì trì trệ nên mới phải cải cách.

Ai làm cho ù lì, ai làm cho trì trệ? Đều là những người có thực quyền làm cho trì trệ, ù lì.

Trong cái mớ ù lì và trì trệ ấy, có cả ù lì và trì trệ để đảm bảo quyền lợi của một nhóm người. Thế nên, khi nhắc đến cải cách nghĩa là đã nhắc đến đụng chạm lợi ích nhóm.

Có mấy đại nhân vật đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nhấn mạnh cải cách. Dễ nhớ nhất là các ông Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và tân Thượng thơ Nguyễn Kim Sơn. Và nếu tôi nhớ không nhầm, Bộ Giáo dục và Đào tạo là Bộ nhắc nhiều đến cải cách nhất.

Thương Ưởng muốn cải cách nước Tần, phải xin cái mũi của công tử Kiền, huyết thống của Tần Hiếu công để nhân dân tin vào pháp luật. Thương Ưởng phải xin phế cả chức thái tử của người kế vị Tần Hiếu Công để dân Tần tin, hoàng thân quốc thích cũng như thứ dân nếu phạm tội.

Hai mươi năm cải cách, người Tần từ man di vụt biến thành thế lực lớn mạnh nhất Trung Hoa sau Xuân thu Chiến quốc. Nhà Chu phải kiêng nể tám phần, chư hầu đều khuất phục.

Nhưng, có một nhóm nhỏ hoàng thân nhà Tần vẫn ghét Thương Ưởng. Ngay khi chọn cải cách, Thương Ưởng đã chọn điều khó rồi. Bởi vạn năm nghìn năm, bất cứ một dân tộc nào cũng phải đau lòng chấp nhận, có một nhóm nhỏ quý tộc luôn xem sự thụ hưởng và quyền lợi của bản thân hơn quyền lợi của quốc gia, hơn sự thụ hưởng của nhân dân.

Cải cách là một tiến trình đầy đau đớn mà người cải cách đôi lúc bị xem như tội đồ. Mặc cho những người dám cải cách, dám thực hiện cải cách đều là những bậc lương đống của triều ca, những tượng đài của dân tộc, những phúc phần do oai linh của tiền nhân để lại.

Chọn cải cách, là chọn con đường cô độc - chọn một con đường không ai dám đi hoặc rất ít người dám đi.

Thế nhưng, giáo dục hiện tại đã không thể không có cải cách. Mà chúng ta cũng biết rõ, vạn vạn sự từ thức dậy đánh răng, tắt đèn khi ngủ... cũng từ giáo dục mà ra. Chứ không cần bàn đến những việc kinh thiên địa nghĩa khác.

Dạy con cũng cần có giáo dục mới dạy tốt, chăn dân cũng cần có giáo dục mới chăn đúng.

Vì vậy, luôn luôn mong các tân Thượng thơ chọn cải cách luôn vững chãi như thành đồng mà lại mềm mại như nước chảy, răng cứng quá thành gẫy mà đớn đau, lưỡi mềm quá thành ra chỉ linh hoạt mà không đủ khí lực... Nên người làm cải cách, đề ra cải cách, thực hiện cải cách phải có cả nhu lẫn cương, lấy mục đích cuối cùng làm kim chỉ nam, làm tối thượng.

Năm năm một nhiệm kỳ không đủ để thực hiện cải cách, nhưng năm năm đủ thời gian để đặt ra một nền tảng cho cải cách. Quan trọng hơn, năm năm đủ để hình thành một ê-kíp mà khi người cải cách không còn nữa, thì ê-kíp ấy vẫn sẽ thuận lợi tiếp tục tiến bước trên con đường cải cách mà người tiền nhiệm để lại.

Nếu thực tâm cải cách cho giáo dục, tôi tin rằng với những tố chất trời ban, hai mươi năm nữa nước Việt sẽ hùng cường !

NGÔNGUYỆT HỮU 16.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.