Nhà Nguyễn có công vô cùng to lớn trong mở rộng lãnh thổ Việt Nam. Điểm qua vài dữ liệu để biết ơn tiền nhân, không quên lịch sử.
Từ năm 1611-1816, vua chúa nhà Nguyễn đã mở rộng bờ cõi từ Phú Yên cho đến tận Hà Tiên.
Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, vua chúa nhà Nguyễn lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên Biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ XVII, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711. Năm 1816, vua Nguyễn Ánh cho cắm cờ xác định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu năm 1820), vua Gia Long Nguyễn Ánh qua đời. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), Nguyễn Phúc Đảm (25/5/1791-20/1/1841) lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng.
Minh Mạng là một vị vua tài giỏi siêng năng, thức khuya dậy sớm, thắp đèn đọc sớ chương đến canh ba mới nghỉ. Vua Minh Mạng tự mình coi xét tất cả mọi lĩnh vực quan trọng của quốc gia.
VỀ QUẢN TRỊ ĐẤT NƯỚC
Vua Minh Mạng rất coi trọng và biết cách sử dụng nhân tài trong quản trị đất nước. Ông nói “ Đạo trị nước phải gây dựng nhân tài”.
Vua Minh Mạng đích thân thiết lập chế độ quan lại, định mức trách nhiệm và lương bổng. Ông thân chinh thiết lập lại hệ thống quản lý mới. Năm 1831 Minh Mạng bỏ chế độ dinh trấn mà lập ra các tỉnh. Cả nước có 31 tỉnh. Trong suốt 21 năm trị vì, Minh Mạng ban bố hàng loạt cải cách quốc nội.
Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở Huế. Minh Mạng rất quan tâm đến việc duy trì nền khoa cử Nho giáo. Năm 1822 ông mở lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn quan lại. Ông còn cho đặt đốc học ở các tỉnh thành để chăm lo việc học, phát triển nhân tài.
Vua Minh Mạng dựa vào thi cử để bổ nhiệm quan lại. Ông biết hệ thống thi cử còn giáo điều, khiếm khuyết. Ông phải thốt lên “học như thế thì trách nào nhân tài mỗi ngày chẳng kém đi”. Để bù lại thiếu sót, Minh Mạng buộc các quan được bổ nhiệm trước khi nhận việc phải yết kiến vua để tự vua kiểm tra năng lực.
Cách bổ nhiệm quan lại qua thi cử thời Minh Mạng tuy không hoàn hảo, nhưng vẫn còn có thước đo. Hoàn toàn khác với cách bổ nhiệm cán bộ dựa trên cảm tính, thân quen, và thậm chí là tiền bạc - đến mức phải nêu cao khẩu hiệu chống chạy chức chạy quyền như bây giờ.
VỀ QUÂN ĐỘI
Vua Minh Mạng đặc biệt quan tâm đến quân sự. Ông thường xuyên thân hành ra thao trường để chứng kiến việc luyện tập của quân đội. Ông cải cách quân đội, chia lại các đơn vị quân đội, thành lập các binh chủng quân đội, bao gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh. Ông đặt các căn cứ quân sự ở những vị trí hiểm yếu. Ngoài biển thì xây pháo đài. Vua Minh Mạng đích thân làm cho quân đội tinh nhuệ và thiện chiến. Nhờ quân đội mạnh mà vua Minh Mạng đã mở rộng bờ cõi lớn gần gấp hai lần diện tích hiện nay.
Đối với các nước láng giềng, vua Minh Mạng nhiều lần sử dụng vũ lực: lập các phủ Trấn Ninh, Lạc Biên, Trấn Định, Trấn Man nhằm khống chế Ai Lao; đánh bại Xiêm La; bảo hộ rồi sát nhập Chân Lạp, chiếm vùng Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) và đổi tên thành Trấn Tây Thành. Nhiều vùng ở Ai Lao đã xin thuộc quyền bảo hộ của Đại Nam. Các vùng mà ngày nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn (Khammuane) và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đều được sáp nhập và trở thành các châu, phủ của Đại Nam. Kết quả là nước Đại Nam thời đó có lãnh thổ rộng tới gần 600 000 km2 ( theo trithucvn.org, năm 1835, diện tích Việt Nam rộng 575.000 km2, gấp 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ).
Việc chiếm đóng Trấn Tây Thành cùng với chính sách cai trị của triều đình Huế đã làm mất lòng dân Chân Lạp. Tháng 9 năm 1841, thấy tình hình Chân Lạp bất ổn mãi, các đại thần dâng sớ xin bỏ bảo hộ Chân Lạp. Vua Thiệu Trị thuận theo, truyền cho quan quân Đại Nam rút quân về giữ An Giang. Đại Nam không còn chiếm giữ Chân Lạp.
Những năm 1833-1834, trong chiến tranh Việt-Xiêm, người Thái tấn công Đại Nam qua ngả phía tây Nghệ An, Hà Tĩnh. Đất Trấn Ninh bị người Thái lấn dần. Khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, năm 1893, đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao). Lãnh thổ Đại Nam bị thu hẹp.
Về các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hoá, nông nghiệp, kỹ nghệ, lập pháp, ngoại giao…không lĩnh vực nào mà vua Minh Mạng không đích thân coi xét. Không chỉ coi xét thông thường mà ông tự mình đưa ra các chính sách, các quy định, chứ không phải dựa vào cấp dưới chỉ để nói đường lối chung.
Tài năng của người đứng đầu quốc gia là mở nước. Đại Nam thời vua Minh Mạng có một vị thế mà khó có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam so sánh được. Lãnh thổ Việt Nam không có thời nào lớn bằng Đại Nam của vua Minh Mạng. Người có quyền tự hào chính là vua Minh Mạng. Nhưng vua Minh Mạng luôn canh cánh:
“Lòng người, ai chả muốn yên hay vì chuyện sinh sự để thay đổi luôn, lúc trẻ tuổi còn khoẻ mạnh mà không biết sửa sang mọi việc, đến lúc già yếu thì còn mong làm gì được nữa. Bởi thế trẫm không dám lười biếng bất kỳ lúc nào”.
Xét toàn bộ Lịch sử Việt Nam cho đến hiện tại, rất khó đưa tên người nào vượt qua vua Minh Mạng về quản trị đất nước, về sự tận tụy với quốc dân, về thành quả mở rộng quốc gia. Quốc hiệu Đại Nam được vua Minh Mạng chính thức công bố ngày 15/2/ 1839, và tồn tại đến năm 1945.
Năm 1989 nước láng giềng Burma được đổi tên là Myanmar. Myanmar là tên gọi được sử dụng từ thế kỷ XII. Liệu Đại Nam có quay trở lại?
NGUYỄNNGỌC CHU 17.04.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.