vendredi 30 avril 2021

Cù Mai Công - Ông Tạ, trận địa cuối cùng dữ dội nhất trước cửa ô Sài Gòn ngày 30-4-1975


Đa số dân Ông Tạ theo đạo Công giáo. Tiếng cầu kinh vang đều đều nhiều nhà theo tiếng đạn pháo mỗi lúc mỗi tăng dần. Cách nhà tôi một căn là nhà ông bà Vinh, con ông bà cụ chánh Kiểm, từ rạng sáng 30-4, tiếng cầu kinh cả gia đình cất lên to hơn mỗi khi có tiếng pháo vang rền gần đó…

1. Ông Tạ giữa tâm bão lửa ba trọng điểm ở Sài Gòn của Quân Giải phóng

Thực tế từ chiều 29 cho đến rạng sáng 30-4, đạn pháo kích đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhứt dồn dập hơn. Bom rơi đạn lạc. Đã có người chết khi ở gần hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), cách nhà tôi chừng trăm mét (nay là con đường nhỏ cặp bờ kè kinh Nhiêu Lộc).

Đối diện xéo hồ tắm Cộng Hòa, giữa hẻm phở Hồng Châu vào nhà thờ Chí Hòa và đường vào cư xá Tự Do, trước một căn nhà khác của ông Ngự Uyển, một chiếc xe lam chở đầy người chạy từ Bảy Hiền về hướng ngã ba Ông Tạ trúng pháo kích. Người trên xe, kẻ chết người bị thương. Đầu một phụ nữ trong xe văng lên, tóc cuốn dính trên dây điện – ai qua cũng thấy, hãi hùng và thương xót. Gạo, đồ ăn, quần áo… văng tung tóe ra đường. Trước hồ tắm Cộng Hòa, một người đàn ông đi xe đạp trúng đạn, chết mà tay còn co giật. Một máy bay trực thăng rớt ở nghĩa địa gần khu nhà thờ Thái Hòa, đối diện hẻm kem Thái Sơn. Xác một anh lính Sài Gòn chết gần đó, không rõ nguyên nhân...

Tôi biết những chuyện này vì cũng từ sáng, trong tiếng đạn pháo ầm vang, tôi lén nhà lấy chiếc xe đạp 600 đi học thường ngày của mình chạy len theo con hẻm ấp Hòa Bình trên đường Thoại Ngọc Hầu ra ngõ Con Mắt trên đường Phạm Hồng Thái (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám) coi sao (!).

Dọc đường Phạm Hồng Thái, từ ngã tư Bảy Hiền đến trước nghĩa địa đô thành Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng) là các chốt của lính rằn ri mũ đỏ của các tiểu đoàn Nhảy dù do đây là khu vực đóng quân, huấn luyện của Sư đoàn Nhảy dù ở trại Hoàng Hoa Thám (nay là chợ và đường Hoàng Hoa Thám) và tiểu đoàn Nhảy dù ở trại Nguyễn Trung Hiếu. Trước trại Nguyễn Trung Hiếu có một chốt chặn ở ngay cửa ngõ vào nội ô Sài Gòn trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), trước nghĩa địa của một sĩ quan Nhảy dù nào đó (nói giọng Bắc 54) với lực lượng là lính, nhân dân tự vệ và một số người dân trong khu vực.

Không chỉ tôi, không ít bà con Ông Tạ lúc đó cũng vẫn qua lại khá đông khu vực này.

Tới trước trại lính Nhảy dù Nguyễn Trung Hiếu (hiện là một siêu thị điện máy Chợ Lớn, đối diện nghĩa địa đô thành Chí Hòa), tôi gặp xác hai mẹ con đầy máu. Xớ rớ ở đây một hồi, tôi thấy một số lính Nhảy dù vội vã dựng chiến lũy, súng ống chất ngổn ngang xung quanh. Hình như có cả lính Biệt động quân ở trại Biệt động quân Đào Bá Phước trên đường Tô Hiến Thành. Lúc ấy còn nhỏ, tôi không phân biệt được vì sắc phục lính hai binh chủng này na ná nhau.

Tiếng súng đạn phía ngã tư Bảy Hiền, nơi có trường Nguyễn Thượng Hiền của tôi, đã tạm im. Tôi chạy ra đó, thấy hai xe tăng của Quân Giải phóng bị bắn cháy từ lúc nào ở đây. Từ ngã tư Bảy Hiền theo đường Lăng Cha Cả về nhà, tôi đạp xe qua ba chiếc xe tăng của Quân Giải phóng bị bắn cháy cũng từ lúc nào, cụm vào nhau ngay sát hàng rào Lăng Cha Cả.

Có lẽ trong ngày 30-4 ấy, những chiếc xe tăng cuối cùng của Quân Giải phóng bị bắn cháy nhiều nhất ở khu vực Bảy Hiền - Lăng Cha Cả. Ở ngã tư Bảy Hiền có hai chốt chặn ở hai bên đường: bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) và ở chi cảnh sát Tân Sơn Hòa trước trường tôi. Chốt chặn hai điểm này thuộc một lực lượng rất thiện chiến của Quân đội Sài Gòn là Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù, thường gọi là Biệt cách 81 (cả Sư đoàn Nhảy dù và Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù đều là đơn vị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa) được điều về phòng thủ Bộ Tổng tham mưu mấy ngày trước với 1.000 quân. Có lẽ đây là lực lượng hùng hậu, nguyên vẹn nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30-4.

Thực tế trong ngày 30-4, các đơn vị Nhảy dù này (nhiều người là dân Bắc 54 Ông Tạ do Sư đoàn Nhảy dù đóng gần khu vực Bắc 54 Ông Tạ) đã trở thành tuyến kháng cự có tổ chức cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước đà tiến công dữ dội của Quân Giải phóng.

Và có lẽ tuyến kháng cự quyết liệt này đã khiến cánh quân của Quân Giải phóng khu vực này hội quân ở Dinh Độc Lập trễ nhất so với các cánh khác, sau khi xe tăng của cánh quân đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh lúc 11 giờ 30 trưa 30-4.

2. Dù Tổng thống Dương Văn Minh đã yêu cầu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa “ngưng nổ súng", vẫn còn trận cuối cùng dữ dội ngày 30-4 ở Sài Gòn: cửa ô Bảy Hiền - Lăng Cha Cả

Khi tiếng bom đạn liên tục dội lên từ rạng sáng 30-4, dân Ông Tạ báo nhau: Đánh nhau lớn lắm ở Bảy Hiền, Lăng Cha Cả - cách khu trung tâm Ông Tạ vài trăm mét.

Như một số gia đình khu này, ba tôi chuẩn bị cho mỗi người trong gia đình một balô với đầy đủ những gì cần cho một cuộc di tản đến nơi an toàn hơn. Một thói quen thời chiến tranh của nhiều gia đình miền Nam. Tôi lúc ấy 13 tuổi cũng có một cái - dù vai bên trái đã trúng miểng đạn từ chiều 29-4.

9 giờ 30 sáng 30-4, Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đọc nhật lệnh trên radio: “Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.

Cách nhà tôi khoảng hơn nửa cây số, thiếu tá "Hổ xám" Phạm Châu Tài lúc ấy là chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy số 3 chiến thuật của Liên đoàn 81 Biệt cách dù đang cầm hơn 1.000 quân phòng thủ Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Phi trường Tân Sơn Nhứt nghe tin này chạy vô văn phòng Bộ Tổng tham mưu.

Thiếu tá Tài vốn là người góp phần tạo nên câu đối khá nhiều người biết ở nghĩa trang An Lộc trước 1975 chôn cất các binh sĩ Biệt cách 81 khi tham chiến nơi đây trong "Mùa hè đỏ lửa" 1972: "An Lộc địa sử ghi chiến tích - Biệt cách dù vị quốc vong thân".

Lính gác cho biết tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng đã rời Bộ Tổng Tham mưu từ sáu giờ sáng với môt số tướng tá. Toàn bộ tướng tá họp bàn phòng thủ khu vực đêm 29-4 hôm trước không còn ai. Thiếu tá Tài gọi điện thoại đến văn phòng Phủ Tổng thống.

3. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh: "Tùy anh em”

Theo thiếu tá Tài, người cầm máy ban đầu từ cuộc gọi của ông là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh chuyển máy cho Tổng thống Dương Văn Minh. Lúc ấy ông Hạnh danh nghĩa là phụ tá tổng tham mưu trưởng cho trung tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng. Nhưng từ sáng sớm 30-4, ông Lộc đã lên tàu, giờ đó chắc ra tới cửa biển rồi. Coi như ông Hạnh quyền tổng tham mưu trưởng. Vị trí này quả cũng khó có chuyện nghe máy ban đầu.

Còn theo thiếu tá Nhan Hữu Hậu, thuộc Dù mũ xanh - lực lượng đặc biệt, sĩ quan tùy viên chín đời thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, kể cả vị “thủ tướng một ngày” cuối cùng là giáo sư luật Vũ Văn Mẫu thì người bắt máy thiếu tá Tài hôm đó là ông. Lý do cũng đơn giản: thiếu tá Hoa Hải Đường, tùy viên lâu năm của ông Minh lúc ấy đã rời nhiệm sở không rõ lý do. Ông Hậu coi như “quyền” sĩ quan tùy viên cho Tổng thống Dương Văn Minh luôn.

Hai vị thiếu tá này cá tính hơi ngược nhau: nếu ông Hậu khá hòa nhã, lịch thiệp thì ông Tài nóng tính, ăn nói thẳng tuột. Sau 1975, cả hai ông đều đi cải tạo hàng chục năm và sau định cư bên Mỹ; hiện cũng có lúc gặp nhau bên Mỹ nên ai cầm máy tự họ xác định. Chỉ biết là con trai ông Hậu là Nhan Hữu Hiệp sau này là rể của một giáo dân Lộc Hưng: đại úy Đỗ Minh Tăng, sĩ quan huấn luyện ở Nha Trang. Chú của ông Tăng là linh mục Đỗ Đức Hạnh, phó xứ Lộc Hưng hồi năm 1957 – 1958.

Trở lại Dinh Độc Lập. Có mặt ở đây, bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh có nhiều vị trong nội các mới vừa lập ra, trong đó có phó tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền là anh ruột sư huynh, hiệu trưởng trường Thánh Tâm ở ngã ba Ông Tạ (nay là trường Tân Bình) và từng là chủ tịch Thượng viện đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa (1967-1973). Ông Huyền vốn  là nhân sĩ, trí thức Công giáo có uy tín, nhân cách lớn ở miền Nam trước 1975. Ông làm phó tổng thống từ chiều 28-4 đến trưa 30-4. (Sau 1975, ông là ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV cho đến ngày qua đời - 1995).

Còn thủ tướng Vũ Văn Mẫu vốn là thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, trưởng khoa đầu tiên của Luật khoa đại học đường Sài Gòn, Bắc 54 Hà Đông. Sau Hiệp định ngừng bắn Paris ngày 27-1-1973, quân Mỹ và đồng minh rút về nước. Ông Mẫu lập ra Lực lượng Hòa giải Dân tộc do ông đứng đầu.

Cả hai ông đều chủ trương hòa giải với phía bên kia.

… Sau khi được chuyển máy, đại tướng Dương Văn Minh lên tiếng: “Tôi nghe đây, có chuyện gì đó?”.

Thiếu tá Tài thưa: "Tôi là chỉ huy trưởng cánh quân đang tử chiến với Việt cộng ở Bộ Tổng tham mưu. Tôi đang cố liên lạc với Bộ Tổng tham mưu thì lệnh ngưng chiến đã ban ra và quân của Việt cộng đang tiến về thủ đô. Tôi vào Bộ Tổng tham mưu thì không còn một tướng lãnh nào ở đây. Họ đã bỏ chạy hết, do đó tôi muốn nói chuyện với Tổng thống để xin quyết định”.

Tổng thống Dương Văn Minh: "Các em chuẩn bị bàn giao đi".

- Có phải là đầu hàng không? - Thiếu tá Tài hỏi lại.

- Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng của Việt cộng đang sắp tiến vào Dinh Độc Lập.

Thiếu tá Tài: "Nếu xe tăng của Việt cộng tiến về Dinh Độc Lập thì chúng tôi sẽ đến cứu tổng thống. Nếu Tổng thống ra lệnh đầu hàng thì Tổng thống có chịu trách nhiệm với hơn 1.000 quân đang tử chiến ở Bộ Tổng tham mưu hay không?”.

“Tùy anh em!” - Tổng thống Dương Văn Minh trả lời và cúp máy.

Không còn người chỉ huy trực tiếp (Bộ Tổng tham mưu) lẫn cao nhất (Phủ Tổng thống), thế nhưng Bộ chỉ huy số 3 chiến thuật của Liên đoàn 81 Biệt cách dù và một số lính Nha Kỹ thuật trong Bộ Tổng tham mưu phối hợp đã hành xử theo kiểu của mình, với sự "cho phép" của Tổng thống Dương Văn Minh: "Tùy anh em".

* Liên đoàn 81 Biệt cách dù vốn là đơn vị thiện chiến "thứ dữ" của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với nhiệm vụ chính là thả các toán (gọi là “nhảy toán”) thám sát vào hoạt động những nơi mà những đơn vị khác ít khi hành quân vào khi lực lượng đối phương quá đông, quá mạnh, địa thế hiểm trở, ngoài tầm hoạt động của pháo binh... Mỗi toán sáu người, hoạt động độc lập; thu lượm tin tức hoạt động đối phương; đột kích, phục kích bắt tù binh khai thác tin. Khi cần, Liên đoàn 81 còn có thể tập trung lại để hành quân phối hợp với các đơn vị khác như ở An Lộc, Quảng Trị 1972 và Phước Long 1975.

Liên đoàn 81 gồm ba Bộ chỉ huy chiến thuật 1, 2, 3 với tổng cộng 3.000 quân; đa số gốc Bắc 54, nhiều người gốc Bắc 54 Tày, Nùng nổi tiếng lì lợm... Từ 26-4, Bộ chỉ huy 3 được điều về phòng thủ Bộ Tổng tham mưu và phi trường Tân Sơn Nhứt.

4. Trận chiến dữ dội, đẫm máu ở Lăng Cha Cả, một cửa ô tiến vào Sài Gòn sáng 30-4-1975

Lực lượng chủ yếu của Quân Giải phóng tấn công vào đây là Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và Trung đoàn xe tăng 273.

Lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phòng thủ khu vực này chủ yếu là 1.000 quân của Bộ chỉ huy số 3 chiến thuật của Liên Đoàn 81 Biệt cách dù và một số lính Nha Kỹ thuật. Cụ thể là lính của Sở Liên lạc (Biệt kích Lôi Hổ) do thiếu tá Lê Minh chỉ huy từ Pleiku vào để cùng bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu với Chiến đoàn 3 Biệt cách Nhảy Dù của thiếu tá Phạm Châu Tài (dù đơn vị này đã giải tán vào ngày 28-4-1975 theo lệnh miệng của đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Việt Nam Cộng hòa thời điểm đó).

Trận chiến ở đây ác liệt với các bức ảnh nổi tiếng: ba chiếc xe tăng của Quân Giải phóng bị bắn cháy bên tường rào Lăng Cha Cả do phóng viên Hãng thông tấn Corbis chụp.

* Cựu binh Quân Giải phóng Nguyễn Đình Thi, lúc đó là chính trị viên phó Đại đội 2, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, đại đội đi trên ba chiếc xe tăng bị cháy này nhớ lại (lược trích):

"...Tám giờ sáng 30-4, sau khi vượt qua ngã tư Bảy Hiền, đội hình xe tăng đi cùng Đại đội 2 tiến tới Lăng Cha Cả. Sau khi chiếm được một phần khu vực Lăng Cha Cả, xe tăng, xe bọc thép của Đại đội 2 và 7 đánh phát triển theo dãy phố bên phải đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ).

Xe tăng đầu tiên 875 vừa vượt hết dãy phố, nhô đầu ra khoảng trống thì bị hỏa tiễn M72 đặt trên một cái tháp đang xây dở ở phía trước cổng Bộ Tổng tham mưu bắn. Đứng cách xe tăng 875 chừng 30m, tôi thấy một quả cầu lửa lớn bùng lên ở phía đầu xe, bộ đội ngồi trên xe rơi tự do xuống đất.

Từ phía sau chiếc xe tăng thứ hai tiếp tục lao lên. Cũng như chiếc xe tăng 875, chiếc xe này vừa nhô đầu ra khỏi dãy phố, lại trúng hỏa tiễn của địch, xe bốc cháy dữ dội. Hai chiếc xe tăng vừa cháy chặn mất đường. Bất chấp nguy hiểm, lách sang trái hai chiếc xe vừa cháy, chiếc xe tăng thứ ba húc tung dải phân cách đường, tiếp tục lao lên, nhưng vừa nhô ra khỏi khoảng trống của dãy nhà, lại bị bắn cháy".

Cựu binh Nguyễn Đình Thi nhớ lại: "Khi tiếng súng ở các nơi trong nội đô Sài Gòn thưa dần sau tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh thì tại khu vực Lăng Cha Cả cuộc chiến của tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 24 vẫn diễn ra rất ác liệt. Lính dù ở đây vẫn coi như chưa biết gì về lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Thế là trong vòng chưa đầy 20 phút cả ba chiếc xe tăng của ta đã cháy tại đây - Lăng Cha Cả. Thật đau xót - ông Thi nghẹn lời và kể tiếp - Trung đoàn trưởng Vũ Tài quyết định điều hai khẩu pháo 85 ly nòng dài lên hỗ trợ Tiểu đoàn 5 tấn công. Khẩu đội pháo đầu tiên của Trung đoàn 4 Pháo binh do đại đội trưởng Chính - quê Ninh Bình chỉ huy vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, đang triển khai pháo, chưa kịp nổ súng, lại trúng hỏa tiễn của địch. Pháo hỏng, cả khẩu đội cùng đại đội trưởng Chính hy sinh. Tại cổng số 5, địch vẫn chống trả rất quyết liệt, thêm ba xe tăng nữa của ta lại bị địch bắn hỏng nặng".

* Thiếu tá chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy số 3 chiến thuật của Liên đoàn 81 Biệt cách dù Phạm Châu Tài kể: "Đến sáu giờ sáng, năm chiến xa T54 và đoàn quân tùng thiết của Việt cộng trên đường tiến vào Sài Gòn đã bị lực lượng của Sư đoàn Nhảy dù và Liên đoàn 81 chặn đánh trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Bốn chiến xa của Việt cộng bị phá hủy".

Trung đoàn 24 bị nghẽn ở Lăng Cha Cả do xe tăng Quân Giải phóng bị bắn cháy trên đường Võ Tánh chặn mất lối sang Bộ Tổng tham mưu. Chỉ huy Trung đoàn 28 quyết định chuyển hướng tấn công, đi theo đường Trương Minh Ký (nay là cuối đừờng Lê Văn Sĩ) qua nhà thờ Tân Sa Châu, rẽ sang đường Thoại Ngọc Hầu rồi quẹo trái ra Võ Tánh đánh trực diện cổng chính Bộ Tổng tham mưu lúc 9g40.

Các xe tăng M48, xe thiết giáp M113 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước cổng Bộ Tổng tham mưu bắn chặn quyết liệt và lính Biệt cách dù phục sẵn (từ mấy hôm trước) trên các nóc nhà hai bên đường bắn vào đội hình.

Bên kia phản pháo lại. Trong khoảng nửa tiếng, ba xe tăng M48, thiết giáp M113 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắn cháy ở khu vực trước cổng Bộ Tổng tham mưu. Một số lính Nhảy dù phòng thủ ở đây cũng tử trận. Những xe tăng, xe thiết giáp của lực lượng phòng thủ rút lui. Có chiếc M48 chạy ra tới ngã tư Phú Nhuận mới chịu ngừng cho lính trong xe leo ra đi đâu không rõ.

Thiếu tá Tài nhớ lại: "Một đoàn chiến xa khác của Việt cộng hướng vào cổng chính Bộ Tổng tham mưu. Một toán của Liên đoàn 81 phòng thủ trên cao ốc (đầu ngã ba Thoại Ngọc Hầu - Võ Tánh; đối diện Bệnh viện dã chiến số 3 Mỹ bên kia đường, hiện nay là Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ - CMC) đã dùng M72 bắn cháy chiếc đầu tiên. Chiếc thứ hai đã dùng đại pháo trên pháo tháp bắn vào cao ốc làm tê liệt tuyến phòng thủ đó, nhưng chiến xa này cũng bị bắn cháy trước cổng Bộ Tổng tham mưu".

Tổng cộng trận đánh vào Sài Gòn sáng 30-4 của Trung đoàn 24 và Trung đoàn xe tăng 273 của Quân Giải phóng, theo cựu binh Nguyễn Đình Thi, "mũi tấn công này của ta bị địch bắn cháy tất cả bảy xe tăng và một xe bọc thép (tại ngã tư Bảy Hiền ta bị địch bắn cháy hai xe tăng, tại Lăng Cha Cả ta bị địch bắn cháy năm xe tăng, một xe bọc thép)".

Khoảng 10 giờ 30, Trung đoàn 28 đánh chiếm xong tòa nhà Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Công hòa và cắm cờ. 11g, Trung đoàn 24 làm chủ sân bay.

Các cánh Quân Giải phóng hướng cửa ô này vô Sài Gòn là cánh quân cuối cùng hội quân ở Dinh Độc Lập trưa 30-4.

Bà con gần Bộ Tổng tham mưu nói rối rít với các sĩ quan, binh sĩ Nhảy dù: "Các ông ơi, đừng đánh nhau nữa. Hòa bình rồi. Về nhà đi"; rồi ùa tới mang rất nhiều quần áo dân sự, đặc biệt là áo thun, đưa cho cả lính lẫn sĩ quan: "Đừng mặc đồ lính nữa, thay đồ đi".

Thiếu Tá Phạm Châu Tài tập họp binh sĩ dưới quyền lần chót, nói với những chiến hữu của ông một lệnh cuối cùng: "Chúng ta là Biệt cách dù, không có vụ đầu hàng. Thôi tan hàng, và lặn cho kỹ...".

5. Phút cuối cuộc chiến

Khoảng 10 – 10 giờ 30 sáng 30-4-1975, một hình ảnh “lạ” diễn ra trong mắt bà con trên đường Trương Minh Ký, Trương Minh Giảng (nay đều là Lê Văn Sỹ), trong mắt và trong ống kính của chàng trai 19 tuổi gan lì  Nguyễn Đạt: hàng trăm lính dù cởi áo trận, cởi trần, bỏ giày bốtđờsô (botte de sault), đi chân không trên đường theo hướng Sài Gòn.

Không rõ trong đó có thiếu tá Tài không vì ông vốn là dân Sài Gòn - Gia Định gốc. Nhà ông, vợ con ông gần Viện đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng (sau này là Trường đại học Sư phạm TP.HCM mà tôi học).

Theo sau những nhóm lính dù này không xa là hàng trăm bộ đội. Họ cũng chẳng buồn đuổi theo, bắn theo những người lính trước đó ít phút còn bắn vào họ, thiêu cháy nhiều đồng đội và bảy, tám xe tăng, xe thiết giáp của họ.

Đoàn gần chục người của gia đình tôi và họ hàng đi trong khung cảnh kỳ lạ này. Cũng không hiểu chuyện gì đang và sẽ xảy ra.

Lính cả hai bên đều đi không vội vã. Không một nụ cười trên môi những người lính cùng màu da, cùng dòng máu Việt ấy. Đánh nhau mấy tháng nay, chiến tranh đẫm máu hơn 20 năm, chắc bên nào cũng mệt mỏi, ngán ngẩm lắm rồi.

Đêm 30-4, khu Ông Tạ cúp điện. Đám con nít khu Ông Tạ tò mò chạy sang một căn nhà ở ngõ Con Mắt (gần nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân) trên đường Phạm Hồng Thái coi chín thi thể của cả gia đình trung tá Việt Nam Cộng hòa Đặng Sĩ Vĩnh tự sát trước đó, lúc hai giờ chiều 30-4.

Trước đó, một số lính Nhảy dù sau trận cuối cùng ở khu Ông Tạ đã chạy lên khu vực ngã sáu Chợ Lớn, tự sát tập thể, đó là thiếu úy Huỳnh Văn Thái và bảy lính Nhảy dù khác.

Trước đó nữa, sáng 29-4, sau khi nhờ lính đưa vợ con ra sân bay, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông vốn dân cư xá sĩ quan Chí Hòa (sau về số 19 Gia Long, nay là Lý Tự Trọng) đã uống thuốc độc tự vẫn, hôn mê và ra đi lúc 11 giờ 15 trưa 30-4, trước khi lá cờ Mặt trận được kéo lên Dinh Độc Lập ít phút sau.

NÓI THÊM:

Đường từ khu Ông Tạ lên Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975

Khi tiếng súng, tiếng đạn pháo ầm vang quanh khu Ông Tạ càng lúc càng nhiều hơn, dù gia đình đã xếp một số bao gạo thành một căn hầm trú ẩn bom đạn giữa nhà nhưng ba tôi quyết định: Cả nhà mang hành lý, tư trang đi bộ lên khu trung tâm Sài Gòn.

Cả nhà theo đường Trương Minh Giảng lúc ấy đã tràn ngập quần áo, balô lính Quân đội Sài Gòn cởi bỏ; từ Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Bộ Tổng tham mưu... ra. Trời oi hầm muốn mưa. Lúc đi trên đường Trương Minh Giảng có một cơn mưa nho nhỏ lúc hơn 10 giờ. Rất lạ là đi đến khu vực đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) lại khá yên tĩnh. Có người từ trên tầng lầu các nhà thò đầu xuống hỏi: “Ủa, có chuyện gì vậy? Đi đâu vậy?”.

Cả nhà tôi ra hồ Con Rùa rồi lên nhà thờ Đức Bà, tới đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn) thì thấy một số xe tăng Quân Giải phóng đã đậu bên trong sân dinh Độc Lập. Lúc ấy khoảng gần đứng bóng. Chỉ có một số thôi vì sau này các cánh quân khác mới đến sau. Đường phố vắng và dân chưa dám đổ ra đường. Trên đường, vết xích xe tăng hằn sâu (mấy năm sau vết xích này mới được trải nhựa lên phủ lấp).

Một ông bác của tôi nói: “Thôi xong rồi, về !”. Thế là cả nhà lại lếnh thếch đi bộ về nhà cách đó hơn năm cây số. Cũng theo đường cũ: hồ Con Rùa – Trần Quý Cáp – Trương Minh Giảng. Ở hồ Con Rùa, một số lính Sài Gòn đã cởi bỏ quân phục ở đây và ném súng xuống hồ. Thấy một người mặc nguyên bộ đồ liền thân, hình như phi công ném một khẩu súng ngắn xuống hồ, thằng nhóc 13 tuổi là tôi tò mò tính lượm thì ăn nguyên một cái tát của ba tôi.

Khi qua đường Trần Quý Cáp, một nhóm xe tăng Quân Giải phóng đến sau xuất hiện. Cùng với nhiều người trên đường, gia đình tôi vung tay "Hoan hô" rồi chạy vô sân trường tiểu học Trần Quý Cáp (nay là trường Võ Văn Tần, gần hồ Con Rùa) trú ẩn. Mọi người hoảng sợ khi một con nhỏ nào đó chạy vô mếu máo: "Má con bị Việt cộng bắn chết rồi!". Ít phút sau, má con nhỏ cũng chạy vô, chửi con: "Má, mày chạy đâu mà tao kiếm quá trời!". Tất cả thở phào. Cả nhà tôi rời trường đi về tiếp.

Đến gần hẻm Lưu Luyến trên đường Trương Minh Giảng, thấy trên nhiều xe Jeep của Quân đội Sài Gòn lúc ấy đã chở đầy các nhóm “nằm vùng” đeo băng đỏ trên tay. Có xe nổ súng vang dội thị uy, có xe chở một vị sư mặc áo cà sa. Tôi nhớ mãi hình ảnh vị sư này: đứng thẳng trên xe, mặt đanh lại với khẩu súng ngắn trên tay giơ cao…

Cả nhà vội chạy vô một căn nhà gần đó trú ẩn. Ít phút sau, không dám đi đường Trương Minh Giảng nữa, cả nhà theo con hẻm bên hông ngôi nhà gia đình tốt bụng cho trú ẩn, đi tắt về khu Tân Chí Linh nhà mình.

Tối 1-5 và vài tối sau đó, nhiều người dân Ông Tạ đến rạp hát Đại Lợi (nay là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza; đối diện chợ Phạm Văn Hai) coi chương trình văn nghệ của một đoàn văn công Giải phóng nào đó. Những tiết mục văn nghệ này thật sự ấn tượng vì hoàn toàn khác hẳn so với những chương trình văn nghệ miền Nam trước 75.  Thằng nhóc 13 tuổi là tôi lúc đó đến nay vẫn còn nhớ mang máng lời và nhịp nhạc điệp khúc trong một tiết mục múa về các phi công miền Bắc không chiến với máy bay Mỹ: “Sục sôi bay lên, bay lên cao…”.

Các buổi diễn đều có bộ đội bảo vệ bên trong, bên ngoài. Và nhiều người Bắc 54 Ông Tạ đã bớt lo sợ, vây quanh các anh bộ đội miền Bắc bên ngoài rạp Đại Lợi trò chuyện, hỏi thăm làng quán. Cùng quê miền Bắc mà. Chuyện trò khá tự nhiên, và trong mắt tôi khi ấy, các anh bộ đội này rất hiền lành, thậm chí rụt rè, bẽn lẽn…

Bài mang tính hồi ức, ghi nhận của một thằng nhóc 13 tuổi lúc ấy chứ không phải viết sử. Sử lớn lắm với vô số đúng sai, phức tạp trăm bề. Thằng bé tôi là cái gì mà gánh nổi vì có những vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử cả trăm, cả ngàn năm sau vẫn còn tranh cãi. Vì vậy, xin không bình luận đúng sai, quan điểm chính trị của “người nhớn”. Xin được phép bỏ những comments tranh luận chính trị… quen thuộc - quá nhiều trong những ngày tháng 4 này.

CÙMAI CÔNG 28.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.