dimanche 25 avril 2021

Lưu Nhi Dũ - Vì sao Ấn Độ thất thủ trước sóng thần Covid-19?


Ấn Độ đang chìm trong sóng thần Covid-19. Những hình ảnh kinh hoàng trên báo chí cho thấy sức mạnh "diệt chủng" của SARS-CoV-2 và các biến thể của nó có sức tàn phá như thế nào.

Vì sao một nước được xem là "nhà thuốc của thế giới", sản xuất dược phẩm lớn thứ 3 trên thế giới, cung cấp 60% vaccine cho cả thế giới, xuất khẩu số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19, lại chìm trong "sóng thần" Covid-19?

Nguyên nhân là do chủ quan. Như hôm 14-4 trong khi chưa khống chế được dịch Covid, hàng trăm ngàn tín đồ Hindu tham gia lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng, làm hơn 1.000 người mắc Covid-19 chỉ trong 48 giờ tại thành phố Haridwar.

Ngay cả Thủ tướng Modi đã xem thường đại dịch, khi ông kêu gọi người dân thắp nến và đập chậu để tạo tiếng ồn xua đuổi virus khi Covid xuất hiện ở Ấn Độ ! Đến bây giờ ông Moddi mới thừa nhận "bão Covid-19" làm rung chuyển đất nước, hệ thống y tế sụp đổ!

Nhưng nguyên nhân lớn nhứt đẩy Ấn Độ vào địa ngục Covid là do ảnh hưởng tiêu cực của việc tư nhân hóa lĩnh vực y tế và hệ thống y tế công không được đầu tư. Ấn Độ chỉ đầu tư khoảng 3,5% GDP cho y tế. Chỉ có trung bình 0,8 bác sĩ và 1,7 y tá chăm sóc sức khỏe cho mỗi 1.000 người dân. Không quốc gia nào có quy mô và giàu có tương đương Ấn Độ có tỉ lệ nhân viên y tế thấp như vậy. Trong khi Việt Nam chi khoảng 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế (số liệu của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và tổ chức OECD công bố 2018).

Bài học rút ra ở đây là phải đầu tư tốt và hiệu quả hệ thống y tế công cộng và y tế công.

Vấn đề khác là chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch, sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến, kiểm tra tổng máy thở, có kế hoạch bổ sung ngay lập tức; các loại thuốc kháng virus; khả năng sản xuất oxy và phân phối kịp thời trong trường hợp khẩn cấp... Đặc biệt phải tiến hành tiêm chủng nhanh hơn, một quốc gia gần 100 triệu dân mà đến nay chỉ mới có hơn 126.600 người được tiêm là còn quá ít. Tốc độ tiêm như vậy, 10 năm nữa mới tiêm xong 200.000 triệu liều. Việc chậm nhập khẩu vaccine, ai chịu trách nhiệm?

Kinh nghiệm xương máu từ lễ hội Hinndu của người Ấn, tập trung quá đông người, gây làn sóng lây nhiễm kinh hoàng. Việt Nam sắp đến kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, các tour du lịch kín chỗ, sân bay, nhà ga chật ních người. Pháo bông sẽ bắn khắp nơi cũng là một nguy cơ rất cao. Tối 24-4, hàng vạn du khách đổ về thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) để dự lễ hội Du lịch biển năm 2021, xem pháo bông, rất may mắn chưa có ca Covid nào lây nhiễm, chỉ cần 1 ca là xong !

Trong tình hình dịch Covid đang đe dọa, sát nách nước ta, có nên tổ chức bắn pháo hoa? Bắn như thế nào, kiểm soát dịch ra sao, là vấn đề phòng dịch rất thực tế, không nên coi thường.

Cũng hết sức ngạc nhiên, trong tình hình dịch bệnh bao vây như vậy, Quảng Nam lại đề xuất "hộ chiếu vaccine", thì quả là liều lĩnh, trong khi Quảng Nam từng làm rất gay gắt, đòi cách ly người về từ TP HCM hồi đợt dịch lần 2 !

Tình hình Covid ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia là bài học nhãn tiền. Chỉ cần biến thể B1617 đột biến kép Ấn Độ lây lan vào nước ta thì điều gì sẽ xảy ra, ai cũng biết.

LƯUNHI DŨ 25.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.