Đăng ngày:
Courrier International dịch bài viết của trang Gandhara ở Kaboul, điểm qua tình hình Afghanistan sáu tháng trước khi khi quân Mỹ rút đi và kết luận « Không, phe Taliban không hề thay đổi » như họ khẳng định. Tại những vùng phe này kiểm soát, người dân vẫn bị đàn áp, tự do ngôn luận không hiện hữu. Phụ nữ không được đi làm, các bé gái không còn được đến trường. Từ 2016, Taliban cấm các chiến binh dùng điện thoại thông minh, và nay mở rộng lệnh cấm đến thường dân.
Trang web tuần báo Le Point có bài viết so sánh việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong hiện tại với cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây. Việt Nam, Irak rồi đến Afghanistan : từ nửa thế kỷ qua, người Mỹ tuy chưa bao giờ chiến bại, nhưng vẫn liên tục có những cuộc triệt thoái, dẫn đến thất bại trong cuộc chiến truyền thông. Cùng với loan báo rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, một kỷ niệm lại hiện đến. Ký ức tập thể in đậm dấu ấn cuộc di tản bằng trực thăng trên nóc tòa đại sứ Mỹ ở Saigon - thủ đô Việt Nam Cộng Hòa sắp bị quân cộng sản Bắc Việt tràn ngập ngày 30/04/1975.
Kẻ chiến thắng là kẻ dai dẳng không chịu bỏ cuộc
Người ta quên rằng trong chiến dịch « Frequent Wind » (Gió Lốc), trong số 7.000 người được di tản chỉ có khoảng 1.000 người Mỹ. Tuy chiến dịch điều tàu thuộc lực lượng đặc nhiệm 76 đến Vũng Tàu để giúp di tản do MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) tiến hành, nhưng hầu như tất cả các quân nhân Mỹ đã ra đi từ lâu. Cụ thể là vào mùa hè 1973, tức sáu tháng sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris ngày 27 tháng Giêng năm đó.
Cũng vào mùa hè 1973, con số lính Mỹ đóng tại Việt Nam lại về zéro, sau khi từ 20.000 năm 1964, lên đến 543.000 tháng 4/1969 rồi sụt dần xuống 27.000 cuối 1972 theo chủ thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Richard Nixon. Sau trận đánh cuối cùng để gỡ thể diện - oanh kích ồ ạt Hà Nội trong dịp Noel 1972 - Hoa Kỳ thương lượng điều mà ông Nixon gọi là « hòa bình trong danh dự ». Lính Mỹ rút về nước, nhưng quân Bắc Việt vẫn tiếp tục ở lại miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn tại vị, nhưng một cái chết dần mòn hiển hiện đối với Việt Nam Cộng Hòa.
Như tác giả John Prados trong cuốn « Chiến tranh Việt Nam » đã viết, Hoa Kỳ lẽ ra có thể chiến thắng nếu tiếp tục thả bom Bắc Việt trong nhiều tháng, nhưng chính quyền phải đối mặt với sự chống đối ở Quốc Hội, tâm trạng chán nản của công chúng. Ngay cả Nixon sau này tỏ ra hối tiếc là đã không cứng rắn hơn. Saigon năm 1975 với dòng người hoảng loạn trước đại sứ quán Mỹ, những chiếc trực thăng bị quăng xuống biển để các phi cơ di tản đậu xuống hàng không mẫu hạm, vẫn còn gây đau lòng cho dư luận Mỹ hơn hết mọi thứ. Nước Mỹ đã thua trong cuộc chiến hình ảnh.
Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan kéo dài hơn so với Việt Nam, nhưng Mỹ cũng triệt thoái sau cuộc đàm phán dai dẳng với kẻ thù, lần này là Taliban - tuy không thất bại trên chiến trường. Kẻ chiến thắng là kẻ lì lợm đeo bám nhất. Đó là nguyên nhân khiến mọi cuộc rút quân, vốn là điều không thể tránh đối với một đội quân viễn chinh, đều có vẻ như một sự thua cuộc. Như chính khách Pháp Maurice Thorez đã nói, cần phải biết kết thúc một cuộc chiến.
Miến Điện : Các sắc tộc khó thể đoàn kết chống lại quân đội
Cũng tại châu Á, L’Express đặt câu hỏi: phải chăng nội chiến là khó tránh khỏi ở Miến Điện ? Sau các thành phố lớn, phong trào phản kháng lan rộng đến các địa phương nhỏ. Điểm mới là nhiều nhóm thiểu số, trong đó có những nhóm đã ký ngưng bắn năm 2015, nay lại tấn công quân đội. Ở miền bắc, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã sát hại khoảng 100 binh lính Miến Điện trong trận đánh giành một căn cứ chiến lược, Liên minh Hữu nghị tập hợp ba phong trào thì bắn hạ hơn 10 cảnh sát. Ở miền đông, lực lượng du kích Liên minh Quốc gia Karen (KNU) chiếm được một đồn, giết 10 người lính.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện báo động nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, theo L’Express, từ khi Miến Điện độc lập năm 1948, các nhóm thiểu số chưa bao giờ đoàn kết được với nhau để chống lại quân đội. Có nhiều lý do từ khoảng cách địa lý, khác biệt ý thức hệ, văn hóa, tín ngưỡng cho đến sự chia rẽ ngay trong nội bộ.
Chẳng hạn Hội đồng Tái lập Nhà nước Shan (RCSS) lợi dụng tình hình hỗn loạn để chiếm đất của sắc tộc Palaung. Quân đội Arakan ở bang Rakhine - nơi có cảng nước sâu do Trung Quốc xây dựng, và Quân đội Thống nhất của bang Wa, cũng được Bắc Kinh ủng hộ, chưa hề phản đối vụ đảo chính. Hơn nữa, các lực lượng thiểu số chỉ có tổng cộng 80.000 quân, còn quân đội có đến 350.000 binh lính được huấn luyện và trang bị đầy đủ.
TSMC của Đài Loan, tập đoàn quan trọng ít được biết nhất thế giới
Trên lãnh vực kinh tế, Courrier International dành hồ sơ cho thực trạng thế giới đang thiếu trầm trọng chip bán dẫn vốn hiện diện khắp nơi, trong xe hơi, đồng hồ, máy tính, hàng điện tử gia dụng… Những tháng gần đây, các tập đoàn xe hơi Ford, Toyota, Volswagen đã phải ngưng hoạt động một số nhà máy vì thiếu chip bán dẫn, việc ra mắt một số máy chơi game và smartphone đã phải hoãn lại. Có nhiều lý do : đại dịch, thương chiến Mỹ-Trung, hỏa hoạn, hạn hán…xảy ra trùng hợp với lúc nhu cầu tăng cao.
Theo Financial Times, TSMC của Đài Loan là « doanh nghiệp quan trọng ít được biết đến nhất trên thế giới ». Tập đoàn này kiểm soát hơn phân nửa thị trường toàn cầu, và gần 90% đối với các loại chip tân tiến nhất. Việc sản xuất tập trung ở Đài Loan, trong các nhà máy hiện đại nhất : TSMC là bậc thầy trong việc thu nhỏ con chip được tính bằng đơn vị nano.
Các cường quốc lo ngại trước việc Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa quân sự. Trong kế hoạch tái thúc đẩy, tổng thống Mỹ dự định dành 50 tỉ đô la cho lãnh vực bán dẫn, còn châu Âu đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. Về phía Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ đã trừng phạt Hoa Vi (Huawei), khiến các công ty đua nhau dự trữ chip. Ý thức đây là mắt xích yếu nhất, Bắc Kinh đầu tư ồ ạt : chỉ trong tháng Giêng đã có trên 12,5 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ euro) được đổ vào 47 công ty bán dẫn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cố thu hút các kỹ sư Nhật với số lương cao gấp 5 đến 7 lần so với làm việc tại Nhật Bản.
Nga : Putin vẫn e sợ tù nhân của mình
Trên trang bìa L’Express tuần này là hình vẽ hai phi hành gia đang đối mặt, hai tay sẵn sàng rút súng, chạy tựa « Vũ trụ, miền Viễn Tây mới ». L’Obs đăng ảnh tổng thống Mỹ, gọi ông là một « Roosevelt mới » khi Joe Biden muốn chấm dứt chủ nghĩa siêu tự do. Courrier International báo động nạn thiếu chip bán dẫn, mà theo tờ báo, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, sự thống trị của tập đoàn Đài Loan TSMC gây lo ngại.
Ảnh bìa The Economist là khuôn mặt ông Putin sau những hàng cột màu xanh đỏ của lá cờ Nga, chân dung nhà đối lập Navalny nhỏ hơn ở góc phải với hàng rào kẽm gai, phía dưới là những chiếc xe tăng đang giương nòng súng. Trong bài viết « Hành động sắp tới của Putin », The Economist nhận định tổng thống Nga đang đe dọa các nước láng giềng và chính nhân dân Nga. Phương Tây nên bắt Putin phải trả một cái giá đắt hơn cho cách xử sự tệ hại này.
Tuần báo so sánh hai khuôn mặt : người thì lãnh đạo một nhà nước công an, người kia trong cảnh tù tội và đang cận kề cái chết. Tuy vậy, Vladimir Putin vẫn e ngại tù nhân của mình. Alexei Navalny có thể yếu ớt về thể chất sau gần một tháng tuyệt thực, nhưng vẫn là thủ lãnh đối lập hiệu quả nhất nước Nga.
Các video của ông gây tác động mạnh, đặc biệt là clip đưa độc giả thăm thú dinh thự bí mật của Putin đã thu hút đến 116 triệu lượt người xem. Navalny xây dựng được một phong trào, chế giễu những dối trá của điện Kremlin và thách thức đảng của ông Putin trong các cuộc bầu cử. Thế nên Navalny mới bị đầu độc và tống giam, tổ chức của ông mới bị coi là « cực đoan » và bị đóng cửa. Có thể vì thế mà tổng thống Nga muốn đánh lạc hướng qua việc lại đe dọa láng giềng.
Matxcơva đe dọa Ukraina để lôi kéo sự chú ý về hướng khác ?
Những tuần lễ vừa qua, Putin tập trung hơn 100.000 quân tại biên giới Ukraina – vốn đã bị chiếm mất Crimée và bị quấy nhiễu ở miền đông. Hải quân Nga hăm dọa phong tỏa eo biển Kertch, cắt mất đường ra Hắc Hải của một số phần đất Ukraina. Hôm thứ Năm 22/04, Nga loan báo rút quân sau khi « tập trận » xong, nhưng The Economist lưu ý là trong quá khứ, Matxcơva thường để lại một lực lượng quan trọng.
Không rõ mục đích của việc giương oai diễu võ này là gì, nhưng có thể nhằm gây áp lực để Ukraina có những nhượng bộ như công nhận Donbass tự trị chẳng hạn, hay chuẩn bị cho những cuộc tấn công tương lai. Trong bài diễn văn trước quốc dân ngày 21/04, Putin chỉ nói chung chung : hứa rộng tay về phúc lợi cho quần chúng và răn đe kẻ thù, lặp lại thuyết âm mưu.
Putin thật ra yếu hơn so với những gì ông muốn chứng tỏ, nhưng vì vậy mà tổng thống Nga trở nên nguy hiểm. Vụ xâm chiếm Crimée trước đây diễn ra trong bối cảnh kinh tế Nga gặp khó khăn. Còn giờ đây theo thăm dò, đảng của Putin chỉ được không đầy 1/4 dân Nga ủng hộ, các cuộc biểu tình phản đối việc bắt Navalny đông đảo chưa từng thấy từ một thập niên qua. Tại Belarus, biểu tình làm đồng minh Loukachenko yếu đi hẳn, phải dựa hoàn toàn vào Nga, còn nếu Putin lâm vào hoàn cảnh tương tự, ông không có ai để dựa dẫm.
Phương Tây cần buộc Nga trả giá đắt hơn cho thái độ hiếu chiến
The Economist cho rằng phương Tây cần thực dụng khi muốn răn đe Nga. Không ai muốn chiến tranh với một cường quốc nguyên tử, và việc trừng phạt thường kém hiệu quả : các nhà độc tài Cuba và Venezuela vẫn còn đó. Cấm vận dầu khí Nga - nhà cung cấp lớn không thua Ả Rập Xê Út - là ngây thơ, vì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Mục tiêu của trừng phạt cần khiêm tốn, không nhằm lật đổ chế độ, mà để buộc Putin phải trả cái giá đắt hơn cho việc tấn công nước khác và đàn áp trong nước.
Nếu Mỹ hạn chế các định chế tài chính phương Tây giao dịch với các doanh nghiệp có liên hệ với Kremlin, sẽ khoét sâu thêm nỗi đau. Bên cạnh đó, Mỹ cần đoàn kết được các đồng minh trong một mặt trận thống nhất, Đức phải khai tử dự án Nord Stream 2 đi vòng qua Ukraina, Anh tăng cường chống rửa tiền. NATO cũng phải trấn an các láng giềng của Nga, gia tăng hiện diện ở Hắc Hải, cung cấp vũ khí tự vệ cho Ukraina.
Nga không thể nào sánh được Trung Quốc về kinh tế, cũng như trong thương lượng về khí hậu, nhưng vẫn là một sức nặng. Đó là nhân tố gây bất ổn ở biên giới châu Âu, tài trợ cho các đảng cực đoan, lan truyền các thông tin bóp méo, gây chia rẽ… Trung Quốc đang dòm ngó, nếu Mỹ để yên cho Nga xâm lược Ukraina, Bắc Kinh có thể cho rằng sẽ nuốt chửng được Đài Loan. Phương Tây nên ủng hộ các nhà dân chủ Nga như thời Liên Xô cũ, Biden nên gây áp lực trả tự do cho Navalny. Không có những nhà đối lập như vậy, Nga mãi là kẻ côn đồ và các láng giềng sẽ không bao giờ được yên ổn.
Le Point cũng có ý kiến tương tự. Trong bài « Trò chơi rắc rối của Erdogan trước Putin », tờ báo nhận định điều nghịch lý là Ukraina, đất nước theo văn hóa Công giáo, lại phải cậy nhờ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Khi giúp đỡ Ukraina, nạn nhân của Nga, tổng thống Erdogan đã dùng một mũi tên để bắn đến ba con chim : mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Hắc Hải, lấy điểm với Mỹ cũng như NATO, đồng thời cạnh tranh với Putin cho dù là đồng minh với Nga ở Syria.
Montenegro nhỏ bé sẽ phải mất đất cho Trung Quốc ?
Liên quan đến một mảnh đất nhỏ bé khác ở châu Âu, L’Express đặt vấn đề « Montenegro, sắp tới sẽ là một mẩu confetti của Trung Quốc ? ». Đất nước Montenegro có những bãi biển xinh đẹp, những ngôi làng với kiến trúc thời Trung Cổ…và xa lộ, cụ thể là một đoạn cao tốc 41 kilomet nối với Serbia láng giềng. Dự án đắt đỏ này làm Montenegro rơi vào móng vuốt Trung Quốc. Tất cả bắt đầu từ năm 2014, khi Ngân hàng Thế giới từ chối tài trợ dự án vì nợ công sẽ tăng cao, Bắc Kinh bèn nhảy vào, cho vay 944 triệu đô la.
Hợp đồng bắt buộc chính phủ Montenegro phải bảo đảm bằng hàng ngàn hecta đất, nếu không trả nổi, một phần lãnh thổ quốc gia này sẽ trở thành sở hữu của một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Tệ hơn nữa, mọi kiện tụng sẽ được giải quyết theo luật Trung Quốc ! Do đại dịch, thu nhập từ du lịch giảm hẳn, Montenegro không thể trả được đợt đầu 67,5 triệu đô la vào tháng Bảy tới, đành cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu nhưng không thành công. L’Express nhắc lại tấm gương của Sri Lanka, hồi năm 2019 phải gán nợ bằng cách giao một cảng nước sâu mới toanh cho Trung Quốc đến 99 năm.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.