dimanche 4 avril 2021

Lưu Trọng Văn - Lời chia tay Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Quang Thiều như một áng văn...


Gã không thích gọi đó là điếu văn bởi nhà văn, nghệ sĩ không bao giờ thích khuôn mẫu.

Khi Tản Đà và Vũ Trọng Phụng mất, cha gã là người thân thiết với Tản Đà và Vũ Trọng Phụng nên được các nhà văn đề cử đại diện cho họ nói lời chia tay với Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Lời chia tay ấy không theo khuôn mẫu nghi thức tang lễ nào hết mà chỉ có tấm lòng và sự đánh giá giá trị văn chương, nhân cách của người đã khuất.

Ngày cha gã mất, gia đình gã cũng yêu cầu không có đại diện hội đoàn đọc điếu văn mà chỉ có lời chia tay của bạn bè.

Khi Nguyễn Huy Thiệp ra đi, gã có nhắn: Nếu làm cuộc chia tay tại gia đình không nghi lễ nhà nước hội đoàn, không bị thời gian khống chế thì sẽ có nhiều bạn thân của Thiệp như Nguyễn Bảo Sinh, Nguyễn Hồng Hưng, Lê Thiết Cương nói lời chia tay chắc Thiệp sẽ ấm lòng. Nguyễn Quang Thiều nhắn lại: Việc để Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức tại nhà tang lễ quốc gia là do gia đình.

Gã nhắn lại cho Thiều: Gia đình chọn vậy thì phải theo vậy thôi. Tuy vậy các nhà văn cố gắng tránh hình thức, đến với nhau bằng tấm lòng là đủ. Mình tin Thiều và Khoa sẽ biết cách.

Gã nói vậy thôi nhưng rất lo Thiều sẽ đọc điếu văn với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - một hội đoàn chính thống nhà nước với văn phong hội đoàn, và rào trước đón sau kín kẽ chính trị.

Nhưng gã đã bất ngờ trước lời chia tay của Thiều với tư cách của chính mình - một tài năng của thi ca hiện đại gửi tới một tài năng của văn chương hiện đại.

Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện một bản lĩnh đàng hoàng của một nhà văn với lời chia tay một nhà văn thâm sâu, chân thực, ngôn từ như một áng văn.

Gã xin được trân trọng trích nội dung chính lời chia tay Thiệp của Thiều:

"...Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.

Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.

Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.

Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó, đối với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, và khi nói về đồng loại của mình.

Đọc những thiên truyện của ông, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi. Kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình.

Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói : “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.

Đấy là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho tới khi giã từ cuộc sống thế gian mà không hề nao núng, không hề đổi thay cho dù trên con đường ấy quá nhiều chông gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ. Ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người.

Nhưng trong các truyện ngắn của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc trong Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần… Dòng chảy kỳ vĩ đó làm cho con người thấy ấm áp, thấy yêu thương và thấy được những giấc mơ làm người đẹp đẽ của mình trong mọi hoàn cảnh. Ông thực sự mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn.

Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kỵ, mọi khiêu khích thậm chí cả những khiêu khích trong chính lúc này và cả những đe dọa.

Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó.

Với những gì ông đã viết cho cuộc đời này, ông đã được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình.

Chúng ta nói về ông lúc này khi ông đã không còn ở chốn trần gian không phải để tôn vinh hay ngợi ca ông, bởi ở chốn vĩnh hằng kia không bao giờ xuất hiện khái niệm tôn vinh hay ngợi ca. Bởi chỉ những văn bản nghệ thuật mà ông làm ra mới có thể minh chứng ông, bảo vệ ông giữa muôn vàn náo loạn. Chúng ta nói về ông lúc này là để nói với chính chúng ta, về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của một người cầm bút.

Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang

Trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát.

Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của những dòng sông

Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được

Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn

Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp

Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh

Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời

Lúc này trong những ngôi nhà nhỏ bé và mờ tối, những nhân vật của ông

Đang thắp những ngọn nến và cất lời cầu nguyện

Ông đã từng bước vào những ngôi nhà trong đêm đầy gió

Với đau khổ, yêu thương đến bầm nát tim mình

Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sĩ

Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai

Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất

Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra

Xin vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp!"

LƯU TRỌNGVĂN 25.03.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.