lundi 19 avril 2021

Đỗ Duy Ngọc - Chuyện nghĩ cũng lạ, và đằng sau đó là mục đích gì ?


(Cát là tài nguyên không tái tạo, không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế - TM)

Nguyên tắc cơ bản khi làm kinh tế là phải tính chuyện lời lỗ. Không ai bỏ tiền ra để gánh lấy phá sản cả.

Thế mà vừa qua, dư luận xôn xao về chuyện tỉnh An Giang đưa ra đấu thầu quyền khai thác cát đối với mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng hơn 3 triệu m3 là 7,2 tỉ đồng và mỏ cát trên sông Hậu với 1,5 triệu m3 là 4,4 tỉ đồng. Sau nhiều vòng, Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu đã giành quyền khai thác đối với mỏ cát trên sông Hậu với giá 273 tỉ đồng. Nhưng với mỏ cát sông Tiền, Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home đã trả quyền khai thác với giá 2.811 tỉ đồng.

Một con số không tưởng, bởi nếu làm một bài toán đơn giản thì với số tiền trả thầu như thế một mét khối (m3) cát sẽ lên đến giá 1,1 triệu đồng, cao hơn rất nhiều giá bán ra.

Đó là điều hết sức vô lý trong kinh doanh, không ai tính chuyện làm ăn mà bán lỗ cả. Hơn nữa số tiền chi ra không chỉ dừng tại đó mà còn tiền công nhân khai thác, tiền xăng dầu, vật tư, tiền thuế khi khai thác v.v…Như thế công ty T.S Home trả giá cao tột bậc như thế để làm gì?

Cùng tham gia đấu giá hai mỏ cát, ông Lê Hữu Phước - giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang - cũng cho biết đến giờ này ông vẫn còn cảm thấy sốc khi mỏ cát trên sông Tiền ở Bình Phước Xuân được bỏ giá "trên trời" như vậy.

Ông Phước cho hay công ty ông có tham gia đấu giá quyền khai thác tại mỏ cát trên sông Tiền với giá 120 tỉ đồng, còn mỏ cát sông Hậu được ông ra giá 100 tỉ đồng nhưng thấy các doanh nghiệp khác trả giá cao quá nên ông rút luôn.

"Tôi cho rằng với giá cát hiện tại thì mỏ cát sông Tiền có giá 100 tỉ đã lỗ vốn rồi. Còn doanh nghiệp bỏ giá quá cao và trúng thầu như vậy thì có thể còn có mục đích, dự tính gì khác nữa chăng. Chẳng hạn như sử dụng quyết định trúng thầu này để đấu thầu các công trình xây dựng khác".

(Báo Tuổi Trẻ)

Trong khi đó, ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu, đã tham gia đấu thầu 3 mỏ cát trên sông Hậu thuộc thủy phận xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân) và trên sông Tiền (thuộc thủy phận xã Bình Phước Xuân) theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang vào ngày 29-3. Theo đó, ông On đã trúng thầu 2 mỏ cát trên sông Hậu, riêng đối với mỏ cát trên sông Tiền, ông On đấu đến mức giá 1.400 tỉ đồng thì bỏ cuộc để cho Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home thắng đấu giá vì đưa ra mức giá 2.811 tỉ đồng.

"Tôi nghĩ doanh nghiệp này nên chấp nhận mất hơn 1,4 tỉ đồng cho số tiền ký quỹ để thực hiện đấu thầu thay vì chịu lỗ hơn 1.000 tỉ đồng khi bắt tay vào khai thác. Bởi khi đó, doanh nghiệp còn phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng, 15% thuế tài nguyên trên giá bán theo thị trường và phí bảo vệ môi trường với mức 4.000 đồng/m3 cát. Do đó, số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra là vô cùng lớn chứ không phải hơn 2.800 tỉ đồng".

(Báo Người Lao Động)

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang nói rằng 1 m3 cát trị giá hơn 1,1 triệu đồng là điều bất thường. Do đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác. “Có khả năng trúng thầu với số tiền khủng khiếp như vậy để làm thủ tục gì đó chứ làm sao mua nổi với giá này. Doanh nghiệp có thể bỏ cái này (mất tiền ký quỹ - PV) nhưng được cái kia. Công an đang tìm hiểu”.

(Báo Thanh Niên)

Như vậy, theo những doanh nghiệp khai thác cát cũng như công an và chính quyền địa phương đều cho rằng đây là hiện tượng bất thường, cần điều tra, xem xét kỹ càng. Bởi ai cũng nhìn thấy đằng sau con số đó là một chuyện khuất tất. Mong rằng, các cơ quan có trách nhiệm làm rõ chuyện này.

Thế nhưng, theo suy nghĩ riêng của tôi, chính phủ nên dừng ngay việc cấp phép khai thác cát nói riêng và tài nguyên đất nước nói chung. Bởi suy cho cùng lợi ích chưa thấy mà đã thấy trước mắt những nguy hại tàn phá tàn khốc môi trường, và cuối cùng nhân dân lãnh đủ.

Các nhà thầu khai thác tài nguyên không bao giờ dừng lại con số chỉ tiêu đã ký mà luôn luôn khai thác con số nhiều hơn thế. Doanh nghiệp nhà nước thì chỉ việc đào lên đem bán mà lại luôn luôn báo lỗ, thế thì khai thác làm gì? Phải để lại cho con cháu đời sau chứ ! Đào lên bán hết thì "rừng vàng biển bạc" còn đâu, mà lại chẳng có lợi ích gì cho nhân dân, cho đất nước cả.

Chính vì lý do đó, tôi tha thiết mong chính phủ chấm dứt ngay việc khai thác tài nguyên, chấm dứt việc cấp phép xây dựng những thủy điện nhỏ, những sân golf, những khu văn hóa tâm linh hàng trăm, hàng ngàn hecta. Sao lại có chuyện tréo ngoe là một tay ra lệnh đóng cửa rừng mà tay kia lại ký giấy phép phá hàng trăm hecta rừng để làm sân golf, xây chùa của các cá nhân, các doanh nghiệp buôn thần bán thánh, những dự án chẳng mang lại lợi ích gì.

Cát trên sông, cá trong biển, cây trong rừng, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất không phải là vô tận. Hãy biết giữ lấy và khai thác một cách hợp lý nhất để cho dân giàu nước mạnh, chứ không phải để đầy túi tham cho một nhóm người và để lại hậu quả nặng nề, với tang thương mà nhân dân phải gánh chịu.

ĐỖDUY NGỌC 15.04.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.