dimanche 1 novembre 2020

Trần Trung Đạo - Tôi đi bỏ phiếu


Tuần rồi tôi đi bỏ phiếu bầu tổng thống, thượng nghị sĩ, một số thành viên Quốc hội và viên chức tiểu bang nơi tôi ở. Bầu xong cảm thấy nhẹ nhàng vì cuộc nội chiến về nhận thức trong con người tôi cũng vừa chấm dứt.

Trong con người công dân Mỹ của tôi có ít nhất ba hay bốn con người.

Tôi là người thuộc một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ. Tôi ủng hộ mức thuế thấp, bộ máy hành chánh công quyền không cồng kềnh, chính sách an sinh xã hội cân đối, hệ thống giáo dục tôn trọng quyền tự do chọn lựa, nền quốc phòng vững mạnh, hệ thống an ninh chặt chẽ, xã hội ổn định và nhiều lãnh vực khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và tương lai của con cháu chúng tôi.

Tôi là người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách bang giao quốc tế cứng rắn nhất là đối với Trung Cộng. Vì vị trí “trái độn” của Việt Nam, tôi ủng hộ các biện pháp nhằm kìm chân, bao vây, cô lập Trung Cộng và không rơi vào chiếc bẫy “sống chung hòa bình” (Tập gọi là “thế giới hài hòa”) của Trung Cộng, giống như trường hợp Jawaharlal Nehru đã từng bị Mao lừa.

Tôi ý thức cuộc “Chiến tranh Lạnh” đối với Trung Cộng ngày nay là một cuộc đối đầu toàn diện, không riêng quân sự, kinh tế, tài chánh mà cả khoa học kỹ thuật và văn hóa giáo dục.

Tôi không ảo tưởng Trung Cộng sẽ sụp đổ trong vài năm hay thậm chí vài chục năm. Nếu không có những đột biến ngoài ý muốn của các bên, cuộc đối đầu sẽ còn rất dài và rất khó khăn.

Truman Doctrine bắt đầu năm 1947 nhưng mãi tới 1990 sau 9 đời tổng thống Mỹ Liên Xô mới sụp đổ. Đó là trong điều kiện Mỹ và Liên Xô gần như không có quan hệ thương mại gì đáng kể. Ngày nay, hãng gà chiên KFC của Mỹ bán tại Trung Cộng nhiều hơn bán cho dân Mỹ. Hãng xe GM năm 2019 bán 3,6 triệu chiếc xe cho dân Trung Cộng, nhiều hơn bán cho dân Mỹ. Giới trung lưu Trung Cộng, 400 triệu người, đông hơn tổng dân số Mỹ và đó là nguồn lợi tức khổng lồ cho các công ty Starbucks, Nike, Ford v.v…

Dù lâu bao nhiêu đi nữa, có bắt đầu sẽ có kết thúc.

Tôi là một người da màu định cư tại nước Mỹ, với tất cả những khó khăn mà tôi và gia đình phải trải qua để vươn lên gần 40 năm. Tôi được dạy từ khi còn rất nhỏ đạo đức và tư cách chứ không phải màu da, sắc tộc làm nên giá trị một con người. Từ nền tảng đó, tôi chống tệ nạn kỳ thị chủng tộc dù kỳ thị cá nhân hay kỳ thị có tính hệ thống (systemic racism).

Tôi đọc đủ để biết ngoài một số nhỏ người Mỹ bản xứ, đất nước này được dựng lên từ bàn tay và khối óc của di dân, tính cả di dân cưỡng bách dưới hình thức nô lệ. Nhưng không phải mọi di dân đều được đối xử giống nhau như đã ghi trong hiến pháp. Thomas Jefferson viết “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” nhưng “người” trong nhận thức của Thomas Jefferson là người da trắng. Trong đời ông, Thomas Jefferson sở hữu khoảng 600 nô lệ. Phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống bén rễ từ một lịch sử còn dài hơn cả lịch sử Mỹ, và vì thế, để thay đổi cũng cần một nỗ lực lâu dài.

Con đường duy nhất để thay đổi một người hay một xã hội không phải là bạo động mà là giáo dục. Nhưng giáo dục không phải là một món quà được ai ban phát mà là một nỗ lực bắt đầu từ mỗi cá nhân.

Tôi thường im lặng trước các cuộc cãi vã không dẫn tới một hứa hẹn nào, nhưng im lặng không có nghĩa là cầu an mà là kiên nhẫn.

Tôi luôn tìm cách chuyển tải quan điểm của mình và hướng dẫn các em, các cháu nhưng cố tránh để không xúc phạm đến tự ái cá nhân của họ. Tình gì cũng vậy, dù giận hờn mà ở lại với nhau mới là quan trọng, vì một khi đã muốn chia tay thì lý do gì đi nữa cũng chỉ là cách chối từ.

Nhận thức là một chiếc thang mà một người muốn lên cao phải bước từng bước một.

Một ví dụ từ chính mình. Những ngày còn nhỏ tôi thích coi loại phim cao bồi viễn tây trong đó có những cảnh bắn nhau giữa những tay súng Mỹ cừ khôi với những “mọi da đỏ” hung dữ và tàn bạo. Hình ảnh những tay súng cao bồi đại diện cho chính nghĩa, cho khí phách anh hùng, cho văn minh thời đại. Ngược lại, những “mọi da đỏ” là những kẻ phi nghĩa, xấu xa, hung ác và lạc hậu. Tôi gọi những người ở trần, có nước da màu nâu đậm, đội mũ lông chim, mặc chiếc khố ngắn là “mọi” một cách tự nhiên, không cảm thấy ngượng ngùng dường như họ không phải là người. Khi trưởng thành nhìn lại thời trẻ dại tôi biết mình sai nhiều thứ, trong đó một điểm sai quan trọng là đã từng gọi những người chiến đấu trong tuyệt vọng để bảo vệ đất đai, bảo vệ các giá trị văn hóa thiêng liêng của họ là mọi.

Không phải những điều tôi viết, những con số tôi đưa ra đều đúng nhưng tôi luôn làm hết sức để kiểm nhận tính chính xác của sự kiện trước khi viết. Nhiều người đã chỉ ra những những sơ sót của tôi, tôi luôn cám ơn và sửa đổi.

Ba con người trong tôi như vừa kể trên không phải lúc nào cũng hòa thuận và có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Anh "di dân" thường hay tranh luận với anh "chống Trung Cộng" và anh "người Mỹ gốc Việt" nhiều lần không đồng ý với anh "di dân". Cứ thế cuộc nội chiến về nhận thức kéo dài cho tới khi tôi cầm lá phiếu bỏ vào thùng.

Bỏ phiếu xong tôi đi bộ ra hồ nước ngồi trên chiếc ghế dài quen thuộc. Lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Mùa thu ở ngoại ô Boston rất đẹp. Buổi trưa vắng vẻ. Bên bờ hồ một con vịt đang soi bóng trên dòng nước, và tôi soi bóng tôi để nhìn lại chính mình.

TRẦN TRUNG ĐẠO 31.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.